Cảnh sát đường thuỷ kể chuyện bắt gỗ lậu, cát lậu trên sông Thu Bồn
- Dai dẳng nạn “cát tặc” trên sông Thu Bồn1
- Gặp Công an, lâm tặc vứt gỗ trên sông Thu Bồn lao ghe bỏ chạy
Quảng Nam có 28 con sông lớn nhỏ, nhưng hoạt động khai thác cát trái phép chủ yếu diễn ra ở sông Thu Bồn, gây sạt lở nghiêm trọng. Nhiều lâm tặc cũng lợi dụng dòng sông để chuyển gỗ lậu từ các huyện miền núi theo dòng sông này để về xuôi, tàn phá những cánh rừng đầu nguồn.
Trước tình trạng trên, Đội Cảnh sát đường thuỷ, Phòng CSGT Công an tỉnh quyết tâm góp sức cùng các đơn vị khác thuộc lực lượng Công an tỉnh đấu tranh, ngăn chặn…
Cả đêm "đón lõng" gỗ lậu
Chừng 19h một ngày giữa tháng 3, trinh sát thấy có người lạ xuất hiện tại khu vực neo đậu ca nô của Đội Cảnh sát đường thuỷ trên sông Thu Bồn, đoạn qua Thị xã Điện Bàn.
Nhận định đêm nay sẽ có gỗ lậu chuyển xuống hạ lưu, Đại uý Phan Lê Minh Mẫn (Đội trưởng) báo cáo trực tiếp chỉ huy phòng triển khai lực lượng sẵn sàng vây bắt, đồng thời cử trinh sát bám sát thực địa để nắm tình hình.
Để tránh đánh động đối tượng, đơn vị vẫn để nguyên 2 ca nô chuyên dụng tại bến, âm thầm huy động các phương tiện khác án ngữ gần vị trí dự định gỗ lậu sẽ đi qua.
Giữa đêm khuya, gần chục CBCS của Đội hành quân từ TP Tam Kỳ ra thẳng Điện Bàn, dừng ô-tô ở một nơi kín đáo rồi lặng lẽ lên các phương tiện thuỷ.
Cách đó chừng 10km về phía thượng nguồn sông, các trinh sát của Đội phát hiện hai ghe máy kéo theo những bè gỗ lớn đang xuôi theo dòng nước. Đội trưởng Mẫn yêu cầu theo dõi sát sao, đề phòng trường hợp phương tiện vào các bến phía trên điểm phục kích.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Một vài chiến sỹ trẻ có vẻ sốt ruột. 3h30 sáng, khi tiếng gà gáy sớm văng vẳng xa xa thì trên mặt sông cũng vang tiếng động cơ lạch bạch của những ghe máy đang chở nặng.
Qua ống nhòm ban đêm, tổ công tác nhìn càng lúc càng rõ hai phương tiện đang tiến về phía hạ du, thấy cả những súc gỗ lớn cặp đầy mạn ghe.
Khi phát hiện bị chặn bắt, các “lâm tặc” thường dùng dao chặt các dây neo để thả gỗ xuống sông và bỏ chạy. Nếu gặp chỗ nước sâu, việc trục vớt tang vật sau đó sẽ rất khó khăn.
Vốn khá quen thuộc lòng sông Thu Bồn, Đội trưởng Mẫn quyết định chờ cho 2 ghe chở gỗ tới vị trí nước cạn gần bến sông Điện Phương. Theo hiệu lệnh của anh, các xuồng cao tốc cùng lúc nổ máy xuất phát, tiếp cận các ghe chở gỗ.
Từ khoảng cách chừng 50m, hệ thống đèn chiếu sáng trên xuồng cao tốc bật lên sáng trưng một vùng sông, chiếu thẳng và ghe chở gỗ. Qua loa cầm tay, Đội trưởng Mẫn cất tiếng dõng dạc: “Đây là Cảnh sát đường thuỷ, đề nghị các phương tiện dừng lại kiểm tra”.
Sau thoáng bất ngờ, 4 người trên hai ghe chở gỗ đứng bật dậy. Họ dùng dao rựa chặt đứt các dây neo gỗ dù tổ công tác phát loa yêu cầu dừng ngay hành vi này. Chưa đầy 2 phút, hàng chục khúc gỗ đã chìm xuống sông, các phương tiện tăng tốc bỏ chạy.
Các ca nô của Cảnh sát đuổi theo trên đoạn sông dài hơn 2km. Lúc này trời vẫn tối mịt và có gió to, mặt sông sóng lớn. Khi ca nô cao tốc tiến gần, chiếc ghe của “lâm tặc” chạy phía trước chao nghiêng nhưng vẫn không hề giảm tốc. C
ác đối tượng trên ghe thì lăm lăm dao trên tay, có biểu hiện manh động. Nhận thấy việc tiếp tục truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho cả “lâm tặc” và CBCS, Đội trưởng Mẫn quyết định dừng đuổi bắt phương tiện và sẽ truy xét sau.
Tổ công tác quay về vị trí lâm tặc thả gỗ xuống sông. Lúc này nước ròng, hơn 50 súc gỗ hiện ra ngổn ngang, trong đó có một súc gỗ dài 3m, đường kính gần 1m.
Khi trời sáng tỏ, lực lượng CSGT đã phối hợp với cùng lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh và Công an thị xã Điện Bàn vất vả trục vớt, chuyển từng súc gỗ lên tàu vận tải để đưa vào bờ.
Trong quá trình trục vớt, tại khu vực này xuất hiện nhiều đối tượng có lời lẽ kích động, gây sức ép, ngăn cản người dân giúp đỡ lực lượng Công an.
Đến chiều tối cùng ngày, việc trục vớt số gỗ lậu mới hoàn thành. Kết quả kiểm tra cho thấy số gỗ lậu bị bắt giữ lên đến hơn 10,7m3, hầu hết là gỗ lim…
Cũng qua công tác nắm tình hình, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, chuyển các cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép. Điển hình như vụ vụ bắt giữ 20 phách gỗ với khối lượng gần 4m³ trên tuyến sông Thu Bồn qua xã Điện Thọ, Thị xã Điện Bàn; bắt giữ 30 phách gỗ với khối lượng 8,3m³ tại sông Thu Bồn đoạn qua xã Cẩm Kim, TP Hội An… khiến lâm tặc phải e ngại, không dám hoạt động thường xuyên như trước.
Gỗ lậu vận chuyển trên sông Thu Bồn bị Cảnh sát đường thuỷ phát hiện, bắt giữ. |
Đấu trí gay cấn với "cát tặc"
Cùng với việc tuần tra, mai phục, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu, từ cuối năm 2017 đến nay, Đội Cảnh sát đường thuỷ cũng ngăn chặn, xử lý hàng chục vụ khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn.
Cuộc đấu tranh với lâm tặc gian nan nguy hiểm, thì cuộc đấu tranh với “cát tặc” cũng không kém phần gay cấn. Những “trùm” khai thác cát lậu thường lợi dụng đêm tối để cho tàu ra hút cát và cử người theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng.
Để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng, CBCS của Đội cũng nhiều lần “tương kế tựu kế”. Trước những cuộc ra quân, toàn đơn vị bàn bạc kỹ lưỡng tại cơ quan. Hết giờ hành chính, ai về nhà nấy như mọi ngày bình thường rồi mới bí mật tập hợp tại một địa điểm hẹn trước để tổ chức truy bắt.
Qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát đường thuỷ biết nhiều phương tiện thường tập trung hút cát trái phép trên sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Quang, Thị xã Điện Bàn. Một đêm cuối năm 2017, Đội tổ chức lực lượng bí mật, bất ngờ tiếp cận khu vực này.
Lúc này, có đến 6 tàu sắt đang bám nhau, tắt hết đèn đóm và ung dung ăn cát, số lượng tàu hút cát trộm vượt ngoài dự tính của chỉ huy Đội.
Trên mỗi phương tiện hút cát có 2-3 lao động, còn lực lượng Công an chỉ có 8 người trên 2 ca nô. Nếu các tàu này bỏ chạy, hoặc người trên tàu chống trả thì tổ công tác sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, CBCS toàn đội không hề nao núng.
Sau khi hội ý nhanh, đội quyết định “tấn công”, bắt giữ các phương tiện. Chiến thuật được sử dụng là điều 1 ca nô lặng lẽ vòng lên hướng thượng lưu, chiếc còn lại ở phía dưới.
Ngay sau đó, hai ca nô áp sát và cùng bật đèn chiếu thẳng vào nhóm tàu hút cát, đồng thời bắn pháo uy hiếp. Chỉ huy trên 2 ca nô cùng phát loa, yêu cầu tất cả các phương tiện dừng hút cát và giữ nguyên vị trí. Một số tàu kéo neo, rút ống hút cát nhanh chóng bị các chiến sỹ tiếp cận, khống chế.
Cuộc “tập kích” bất ngờ khiến hầu hết các lao động trên ghe hút cát lúng túng, không rõ lực lượng chức năng có bao nhiêu người, bao nhiêu phương tiện nên không dám manh động, chống đối.
Cùng với việc tiến hành lập biên bản các phương tiện vi phạm, vừa tuyên truyền cho những lao động khai thác cát trái phép rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng còn ở mức độ xử lý hành chính, đề nghị họ hợp tác để xử lý trách nhiệm của chủ tàu.
Còn nếu chống lại lực lượng thi hành công vụ thì sẽ bị xử lý hình sự, hậu quả nặng nề. Từ đó, những lao động làm thuê đã nhận thức đúng về sai phạm, tự giác chấp hành các yêu cầu của lực lượng Công an.
Với “chiến thuật” sáng tạo, mềm dẻo, phù hợp, cùng một lúc, Đội Cảnh sát đường thuỷ với quân số ít ỏi đã bắt giữ được cùng lúc cả 6 tàu vi phạm, buộc được các tàu di chuyển về vị trí tạm giữ.
Qua kiến nghị của đơn vị, 6 tàu nói trên đều bị phạt về hành vi khai thác cát trái với mức phạt mỗi tàu từ 60-150 triệu đồng, toàn bộ các thiết bị hút cát trên tàu bị tịch thu…
Lực lượng CSGT Quảng Nam giữ các phương tiện khai thác cát trái phép. |
Vượt mọi hiểm nguy, gian khó
Để đấu tranh với “lâm tặc”, “cát tặc” trên sông, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, xây dựng cơ sở quần chúng.
Đội không chỉ có nghiệp vụ giao thông, mà còn nắm chắc các nghiệp vụ khác do ngành quy định. Các đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển gỗ lậu trên sông thường lợi dụng đêm tối để hoạt động.
Nhằm phát hiện, xử lý những hành vi này, Cảnh sát đường thủy cũng phải căng mình theo dõi, mật phục các đối tượng trong đêm và luôn phải đối mặt với nguy hiểm.
“Có những hôm làm việc hành chính cả ngày, nhưng có thông tin báo về là anh em gấp rút lên đường, không kịp ăn cả cơm tối. Trong lúc phục kích, anh em ăn tạm cái bánh, uống chai nước lọc cũng qua bữa”-Thượng úy Hoàng Anh chia sẻ.
Việc đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép, vận chuyển gỗ lậu trên sông vào buổi tối luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ, bao gồm cả sự chống trả quyết liệt của đối tượng.
Vì vậy, lực lượng tham gia vây bắt được trang bị đầy đủ các phương tiện, công cụ khi thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng trấn áp nếu đối tượng chống đối.
Hoạt động của Đội Cảnh sát đường thuỷ cũng nhận được sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của lực lượng Cảnh sát Cơ động và các đơn vị khác thuộc Công an tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, mỗi CBCS của Đội luôn quán triệt việc thực hiện đúng các quy tắc, tuân thủ nghiêm túc mệnh lệnh của chỉ huy để đảm bảo sự thành công của nhiệm vụ, sự an toàn của mỗi CBCS và cả những người vận chuyển gỗ lậu, cát lậu.
Từ đầu năm đến nay, Đội đã bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển lâm sản và khai thác cát trái phép. Nhưng bằng sự kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, đơn vị không để xảy ra trường hợp va chạm, chống đối nào nghiêm trọng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBCS.
“Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ Công an tỉnh Quảng Nam rất khiêm tốn. Nhưng cùng với nhiệm vụ chính là đảm bảo TTATGT đường thuỷ, CBCS của Đội dành rất nhiều tâm huyết trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có hành vi khai thác cát trái phép và vận chuyển gỗ lậu”- Thượng tá Lê Đình Xê, Phó Trưởng phòng CSGT nhìn nhận.
Những thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của Đội Cảnh sát đường thuỷ Công an tỉnh Quảng Nam thời gian qua mang đậm dấu ấn của những CBCS Công an trẻ trung, giàu nhiệt huyết, hết lòng vì nhiệm vụ…