Căng mình chống cát tặc nơi sông nước miền Tây

Thứ Năm, 20/07/2017, 16:03
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, thời gian qua, Công an các tỉnh, thành ĐBSCL đã vượt qua nhiều gian khó, kiên quyết lập lại trật tự khai thác cát trên các tuyến sông trong vùng…


Việc khai thác cát trái phép dẫn đến nhiều hệ lụy, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông... Những năm qua, tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ảnh hưởng đến các công trình, nhà dân, làm xáo trộn cuộc sống của hàng chục ngàn người, trong đó có nguyên nhân từ việc khai thác cát.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, thời gian qua, Công an các tỉnh, thành ĐBSCL đã vượt qua nhiều gian khó, kiên quyết lập lại trật tự khai thác cát trên các tuyến sông trong vùng…

Đủ kiểu đối phó

Hoạt động khai thác cát trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên... gây bào mòn lòng sông, hiểm họa  khôn lường cho vùng ĐBSCL. Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an các tỉnh, thành như: Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… đã bắt giữ hàng trăm phương tiện khai thác cát trái phép. Bến Tre có 20 mỏ cát, tỉnh đã thu hồi, rút giấy phép, đình chỉ hoạt động 17 mỏ, cấm tất cả các phương tiện khai thác cát vào ban đêm.

Theo Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, khai thác cát lòng sông diễn biến phức tạp, tồn tại 15 điểm "nóng" trên các tuyến sông Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Tiền. Từ đầu năm 2017 đến này, lực lượng Công an đã xử lý trên 400 trường hợp khai thác cát trái phép.

Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đã bắt giữ 4 sà lan có tải trọng hàng trăm tấn khai thác cát trái phép trên sông Tiền. Thời điểm kiểm tra, các phương tiện đã hút trộm được từ 30 m³ đến 100 m³ cát…

Trên tuyến sông Tiền và sông Hậu, qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có gần cả trăm phương tiện xáng cạp hoạt động. Trên sông Tiền, hoạt động khai thác cát trải dài khoảng 120km (từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn, huyện Châu Thành, chưa tính các nhánh cù lao sông Tiền).

Kiểm tra các chủ tàu khai thác cát.

Trên sông Hậu, trải dài khoảng 30km, từ xã Định An (huyện Lấp Vò) đến xã Phong Hoà (huyện Lai Vung). Các đoạn sông trên thường xuyên diễn ra nạn hút trộm cát sông vào giữa đêm khuya.

Những chiếc sà lan có sức chứa khối lượng lớn từ vài chục tấn đến hàng trăm tấn, phương tiện dùng để hút trộm cũng có công suất rất lớn, có sà lan trang bị đến 2 máy hút. Những chiếc sà lan khi hút trộm cát đều tháo gỡ biển số nhằm qua mặt cơ quan chức năng cũng như tránh sự theo dõi của người dân sống ven khu vực… Huyện Chợ Mới (An Giang) từng là điểm "nóng" khai thác cát trái phép, do địa hình nhiều sông, rạch, giáp với tỉnh Đồng Tháp, trữ lượng cát lớn.

Chính vì nhu cầu quá lớn đã xuất hiện tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép ảnh hưởng đến tình hình ANTT, môi trường, gây sạt lở bờ sông… Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực khai thác vận chuyển trái phép cát, Công an TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre… đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này.

Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an TP Cần Thơ cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ Công an thành phố như: Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49)… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Theo Thiếu tá Đỗ Thành Vũ, Đội trưởng Đội 2 (Phòng PC46 Công an TP Cần Thơ), hành vi của các đối tượng cực kỳ tinh vi, không đơn thuần là khai thác cát trái phép như trước kia mà đa số đều có giấy phép khai thác nhưng các đối tượng khai thác sai phép, quá phép, đặc biệt là tình trạng quay vòng hóa đơn. Đơn vị phải phân công trinh sát bám nhiều ngày trên sông, đồng thời phải đi nhiều tỉnh để xác minh nguồn gốc hóa đơn chứng từ.

"Hiện các phương tiện chở cát có tải trọng rất lớn, nên việc neo đậu ngoài sông cái rất khó khăn cho công tác kiểm soát, nhất là vào ban đêm. Bên cạnh đó, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn đối phó tinh vi, như: Lập công ty "ma" ký hợp đồng mua cát với các mỏ, sau đó dùng hóa đơn của chính công ty "ma" xuất khống, hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác, để vừa qua mặt cơ quan kiểm tra, vừa gian lận sản lượng khai thác…" - Thiếu tá Đỗ Thành Vũ cho biết.

Kiên quyết lập lại trật tự khai thác cát

Hàng ngày, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm nhiều phương tiện chở cát không chứng minh được nguồn gốc, hóa đơn chứng từ hợp lệ. 

Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng PC68 Công an TP Cần Thơ kiến nghị: "Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có biện pháp quản lý, tăng cường kiểm tra việc khai thác, vận chuyển cát - nguồn tài nguyên quý giá nhưng có giới hạn. Tại các mỏ cát phải tuân thủ đúng quy định bán hàng phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ, xuất đúng giá và khối lượng hàng hóa. Nếu làm tốt điều này sẽ phát hiện ngay ra số cát lậu, cát khai thác trái phép".

Theo Thượng tá Lê Văn Minh, Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Bến Tre, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép là thường xuyên cho người cảnh giới. Do đó, lực lượng chức năng khó phát hiện, bắt quả tang. Cụ thể trước đây, ngành chức năng mật phục, theo dõi, bắt được một đối tượng cảnh giới cho "cát tặc" và đã xử phạt hành chính đối tượng này.

"Để tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, chúng tôi đang tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để quản lý chặt tuyến, địa bàn, đối tượng liên quan đến hành vi khai thác cát trái phép. Lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm với các hành vi bảo kê, tiếp tay cho "cát tặc", không để xảy ra các điểm "nóng" về khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân" - Thượng tá Lê Văn Minh khẳng định.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết: "Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường và mở cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an TP Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát tại các mỏ cát được cấp phép, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Tổng kiểm tra 200 trường hợp, qua đó đã lập biên bản vi phạm hành chính gần 100 trường hợp vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và khai thác cát trái phép, đã xử phạt vi phạm hành chính 50 trường hợp, tịch thu 1 xáng cạp trị giá gần 1 tỷ đồng và trên 10.000 m³ cát. 

Trước sự ra quân đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng, đến thời điểm này, tình hình khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ trên tuyến sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ đã được kiểm soát, ngăn chặn; hoạt động của các mỏ cát được cấp phép khai thác tại Cần Thơ đã đi vào nền nếp, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật".

Đức Văn
.
.
.