Hoạt động khai thác cát tại khu vực ĐBSCL: "Mạnh ai nấy cấp phép"

Chủ Nhật, 04/06/2017, 20:26
Mỗi ngày, trên các tuyến sông Hậu, sông Tiền, sông Hàm Luông… qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long có hàng trăm phương tiện khai thác cát.


Cùng với đó, tình trạng sạt lở đất bờ sông ngày càng nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều nhà cửa, ao vườn của người dân, khiến chính quyền địa phương phải tiêu tốn cả trăm tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục...

"Ngưng cấp phép mới, phép cũ vẫn hoạt động"

Hoạt động khai thác cát được cấp phép lẫn không phép trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên... đã gây bào mòn lòng sông, hiểm họa khôn lường cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang… đã bắt giữ hàng loạt phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông...

Hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, qua địa phận Đồng Tháp.

Bến Tre có 20 mỏ cát, tỉnh đã thu hồi, rút giấy phép, đình chỉ hoạt động 17 mỏ, cấm tất cả các phương tiện khai thác cát vào ban đêm. Hiện còn 3 mỏ cát được cấp phép hoạt động gồm: Mỏ An Hiệp (sông Hàm Luông), mỏ Phụng Châu (sông Cổ Chiên) và mỏ HTX Bình Đại (sông Tiền). Toàn tỉnh Bến Tre có 843 phương tiện hành nghề khai thác cát.

Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho biết, khai thác cát lòng sông diễn biến phức tạp, tồn tại 15 điểm "nóng" trên các tuyến sông Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Tiền. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Công an đã xử lý gần 400 trường hợp khai thác cát trái phép.

Rạng sáng 26-5, Đoàn kiểm tra liên ngành về khoáng sản tỉnh Bến Tre đã bắt quả tang 6 phương tiện đang bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Tiền thuộc khu vực cồn Phú Thạnh, xã Phú Túc (huyện Châu Thành). Các chủ phương tiện khai nhận thường xuyên hút trộm cát để bán lại.

Các phương tiện khai thác cát trái phép bị tạm giữ.

Tương tự, ngày 14 và 16-5, Công an tỉnh Vĩnh Long đã bắt giữ 4 sà lan có tải trọng hàng trăm tấn khai thác cát trái phép trên sông Tiền. Thời điểm kiểm tra, các phương tiện đã hút trộm được từ 30 đến 100m3 cát.

Trên tuyến sông Tiền và sông Hậu qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có gần trăm phương tiện hoạt động. Đồng Tháp cấp cho 4 doanh nghiệp, với 18 giấy phép khai thác, tổng công suất 8,9 triệu m3/năm. Tổng các phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông là 85 phương tiện.

Trên sông Tiền, hoạt động khai thác cát trải dài khoảng 120km (từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn, (huyện Châu Thành, chưa tính các nhánh cù lao sông Tiền). Trên sông Hậu, trải dài khoảng 30km, từ xã Định An (huyện Lấp Vò) đến xã Phong Hoà (huyện Lai Vung).

Ông Võ Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn có 3 dự án nạo vét tuyến đường thuỷ nội địa do Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho phép và 2 dự án nạo vét khu vực đậu tàu thuyền cửa khẩu quốc tế Thường Phước, dự án nạo vét thí điểm cồn Linh do tỉnh cho phép.

Hiện nay, các dự án nạo vét đã ngưng hoạt động và tỉnh không cấp phép khai thác khoáng sản (cát) mới. Các doanh nghiệp đã được cấp phép thì vẫn hoạt động khai thác theo quy định.

Dân bức xúc khi nhìn thấy xáng cạp

Theo Bộ NN&PTNT, tại các tỉnh, thành ĐBSCL có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 891km. Điển hình sạt lở bờ biển tại Gò Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc (huyện Ngọc Hiển) và bờ biển Tây (Cà Mau).

Sạt lở bờ sông Tiền, qua xã Bình Thành (Thanh Bình, Đồng Tháp); bờ sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang); bờ sông Bò Ót, phường Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ); bờ sông Cổ Chiên, xã Đại Phước (Càng Long, Trà Vinh)... Mỗi năm sạt lở đã lấy đi gần 500 ha đất trong vùng, gần bằng diện tích xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Những ngày qua, tình trạng sạt lở đất bờ sông tại vùng ĐBSCL diễn ra khá phức tạp. Trong các nguyên nhân gây ra sạt lở, có tình trạng yếu kém của các cấp quản lý, các ngành đối với hoạt động khai thác cát, sỏi.

Các tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Từ năm 2011 đến nay, sạt lở đất bờ sông Tiền, qua cù lao Long Phú Thuận (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) giáp với tỉnh An Giang, diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho hay, từ năm 2011 đến đầu 2017, Long Thuận xảy ra hơn 50 vụ sạt lở, kéo dài từ đầu cồn xã Long Thuận đến cuối xã, ăn sâu vào đất liền mỗi năm khoảng 10m, mất hàng chục ngàn m2 đất. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, chính quyền nhiều lần nắn đường nhưng sạt lở vẫn đuổi "đến chân".

Vị trí trụ sở Ủy ban cũng bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền khoảng 60m buộc phải di dời đến nơi khác. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Tháp, sạt lở đất bờ sông còn do phù sa từ thượng nguồn không có, bờ sông "đói".

Trong đó, cũng có một phần do hoạt động khai thác cát. "Đất sạt lở vì dòng chảy thay đổi. Khu vực sạt lở, tốc độ dòng chảy tăng lên nên sạt lở cũng nhiều. Mà đang lở, người dân thấy xáng cạp (xà lan) hoạt động nên họ rất phản ứng", ông Tâm nói.

Mấy ngày qua, hàng chục hộ dân ở Vĩnh Long và An Giang đã tổ chức phương tiện, ngăn chặn các xáng cạp hoạt động khai thác cát dù đã được chính quyền cấp phép.

Người dân tại xã Tấn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) đã ngăn cản không cho xáng cạp của Công ty TNHH MTV Dương Khang (gọi tắt, công ty Dương Khang) khai thác cát, vì lo ngại sạt lở phức tạp sau vụ sạt lở tại Mỹ Hội Đông, khiến 17 căn nhà bị trôi tuột xuống sông, hơn 100 hộ phải di dời khẩn cấp.

Ngày 5-5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi đã ký quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án: "Nạo vét rạch Cù Lao Giêng thuộc các xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, Mỹ An, Hội An và thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới" cho Công ty Dương Khang.

Chính việc cấp giấy phép cho Công ty Dương Khang khai thác cát trên địa bàn huyện Chợ Mới - nơi vừa có vụ sạt lở kinh hoàng ở sông Vàm Nao, gây bức xúc cho người dân tại ấp cồn Cũ. Theo người dân, xáng cạp lấy cát trên đoạn sông Tiền, có nguy cơ gây sạt lở cao. Cồn Cũ nằm ở ngã ba sông nên thường xuyên bị xói lở, nhiều hộ dân phải liên tục di dời nhà cửa.

Sạt lở bờ sông ở Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), khiến gần 20 căn nhà sụp xuống sông.

Ông Lâm Quang Thi khẳng định, dự án không phải là cấp phép khai thác khoáng sản mà là thông luồng đã quy hoạch hơn một năm nay. Sau khi nạo vét thông luồng, nguồn cát sẽ phục vụ cho cụm dân cư của 107 hộ dân bị sạt lở ở Mỹ Hội Đông.

"Trong thời điểm cần lượng cát để san lấp khu dân cư ở Mỹ Hội Đông nên tỉnh mới rà soát lại và khẳng định không thể khai thác cấp phép các mỏ khoáng sản mới để phục vụ cho việc san lấp tại khu dân cư này, mà chỉ có những dự án nạo vét thông luồng nằm trong dự án của tỉnh và thấy chỉ có chỗ này là hồ sơ đã xong nên mới cấp phép".

Ông Lâm Quang Thi cũng cho biết, tỉnh đang cần lượng cát để san lấp Khu dân cư Mỹ Hội Đông, bố trí định cư cho 107 hộ, 264 nhân khẩu bị ảnh hưởng do sạt lở.

"Nếu người dân đồng thuận thì mình làm, còn người dân không đồng thuận thì không làm và bắt buộc tìm nguồn cát nơi khác để san lấp. Tỉnh sẽ cho lập tổ giám sát do người dân trực tiếp giám sát quá trình nạo vét thông luồng. Nếu sai, sẽ báo về huyện và tỉnh xử lý", ông Thi nói.

 Cát ở ĐBSCL được lắng đọng lâu dài, từ vài chục năm đến cả trăm năm trước, mới tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Cát là yếu tố quan trọng thiết kế địa hình đáy sông, điều tiết dòng chảy, vận tốc dòng chảy và độ xoáy dòng chảy.

Nếu múc cát thì sẽ thay đổi địa hình, tạo địa hình lòng sông mới, ảnh hưởng tới lưu lượng, vận tốc dòng chảy. Trong mùa khô, nếu múc cát dưới đáy sông thì sẽ làm cho đáy sông có kiểu địa hình khác như nó vốn có.

Vì vậy, khi nước đổ về sẽ cạp vào hai bên bờ sông lấy vật liệu bù vào, gây sạt lở. Hiện nay lượng cát về không đủ và lượng cát hàng năm biển kéo đi quá nhiều nên bờ biển của đồng bằng đang bị xói lở.

Giá cát tăng gấp 3 lần

Những ngày qua, giá cát xây dựng ở TP Cần Thơ và các tỉnh tăng kỷ lục. Từ sau lễ 30-4 và 1-5 đến nay, giá cát tăng gấp 3 lần. Anh Đinh Tông, chủ thầu xây dựng tại quận Cái Răng cho biết: giá cát hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần, từ 120.000 đồng/m3 lên 340.000 đồng/m3 và dự báo còn tăng nữa.

"Giá cát vừa cao, lại lẫn cả bùn đất nhưng nhiều lúc gọi chưa có cát ngay. Có lúc phải chờ 2-3 ngày. Nhiều gia chủ đang cất nhà và lãnh thầu thi công công trình đang điêu đứng vì cát", anh Tông nói.

Chủ sà lan vận chuyển cát từ các mỏ ở An Giang và Đồng Tháp giao cho các cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại Cần Thơ, Hậu Giang lắc đầu ngán ngẩm: "Bữa giờ tình hình cát căng lắm. Sà lan phải xếp tài nhiều ngày mới có. Trước đây, cát mua tại mỏ có giá 18.000 đồng/m3 và vận chuyển bán lại cho các cửa hàng với giá 35.000 đồng/m3. Còn hiện nay, giá cát cao gấp 3, nhưng muốn lấy cũng không dễ vì giá vừa cao, lại rất khó xin hoá đơn. Sà lan chở 800m3 cát, nhưng chủ mỏ chỉ cung cấp hoá đơn nhiều nhất là cỡ 300 đến 400m3".

Văn Vĩnh
.
.
.