Cần xử lý nghiêm các đơn vị trốn nợ bảo hiểm
- Xử phạt vi phạm hành chính 65 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội
- Hà Nội "bêu tên" 500 doanh nghiệp nợ bảo hiểm quá 3 tháng
Để răn đe và hạn chế tình trạng này, BHXH TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành đã tiến hành việc chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan Công an để xem xét xử lý hình sự…
Nhiều doanh nghiệp bị xem xét xử lý hình sự vì nợ bảo hiểm
Tại hội nghị Công tác phối hợp truyền thông giữa BHXH TP Hồ Chí Minh và cơ quan báo, đài 6 tháng đầu năm 2018 do BHXH TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19-6-2018, ông Phan Văn Mến cho biết, tính đến thời điểm này, BHXH TP Hồ Chí Minh thu được xấp xỉ 40% trên tổng số hơn 61 ngàn tỷ đồng BHXH được BHXH Việt Nam giao.
Tuy nhiên, nếu tính đến 30-6-2018, kết quả công tác thu 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt hơn 27 ngàn tỷ đồng, tương đương đạt tỷ lệ 45%-48% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Theo ông Phan Văn Mến, thời gian tới BHXH TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tích cực đôn đốc, nhắc nợ, lập biên bản yêu cầu trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền nợ là hơn 523 tỷ đồng và đã thực hiện lập biên bản 447 đơn vị, số tiền khắc phục là hơn 62 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,88%; đồng thời gửi thư nhắc nợ khoảng 10.000 đơn vị nợ BHXH từ 2 tháng đến dưới 6 tháng.
Đáng lưu ý là hiện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nợ BHXH số tiền lên tới 2.700 tỷ đồng, trong đó có 387 tỷ đồng nợ BHXH không thể đòi được vì nhiều lý do.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. |
“Trong tổng số nợ xấu BHXH hiện nay có một khoản nợ rất lớn không thể đòi được do các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn và mất tích… Chúng tôi đã làm mọi cách nhưng vẫn không thể thu được những khoản nợ này”, ông Phan Văn Mến than thở.
Có lẽ, không riêng gì TP Hồ Chí Minh mà thực tế hiện nay tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN diễn ra trên khắp cả nước. Trước đó, theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) thì tính đến cuối tháng 5-2018, tổng số nợ BHXH cả nước là 10.450 tỷ đồng (bằng 4,7% số thu kế hoạch năm 2018, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Phan Văn Mến cho biết, cá biệt có trường hợp Công ty TNHH Nam Phương (ở lô B2-9 KCN Tây Bắc huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã nợ tiền BHXH lên đến 27,8 tỷ đồng kéo dài trong 4 năm nay. Hiện BHXH TP Hồ Chí Minh đã gửi hồ sơ vụ việc của công ty này qua Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT và chức năng nhiệm vụ được giao, ngày 27-11-2017, BHXH TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3229/QĐ-BHXH về việc thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT tại Công ty TNHH Nam Phương.
Theo ông Phan Văn Mến, Công ty TNHH Nam Phương (chuyên may mặc, 100% vốn Hàn Quốc), người đại diện pháp luật là người Hàn Quốc nợ BHXH, BHYT, BHTN của công nhân hơn 26,8 tỷ đồng.
Ngày 26-1-2018, BHXH TP Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận thanh tra số 296/KL-BHXH. Theo kết quả thanh tra, Công ty Nam Phương đã để nợ đọng quỹ BHXH, BHYT từ tháng từ tháng 9-2015 đến hết tháng 11-2017 hơn 28,5 tỷ đồng, trong tháng 12-2017 công ty mới chỉ khắc phục được số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.
Trước đó, liên quan đến công ty trên, theo đơn khởi kiện của BHXH huyện Củ Chi thì ngày 18-3-2016 TAND huyện Củ Chi đã ban hành bản án số 10/2016/LĐST buộc công ty có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN và tiền lãi chậm nộp là hơn 12,8 tỷ đồng.
Ngày 25-8-2016, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra và trình UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4936/QĐ-XPHC ngày 21-9-2016 xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp BHXH, BHTN số tiền xử phạt là 150 triệu đồng và biện pháp khắc phục là buộc công ty nộp số tiền còn nợ BHXH, BHTN chưa đóng là hơn 4,3 tỷ đồng và lãi chậm đóng theo quy định.
Đến nay, công ty này lại tiếp tục vi phạm để nợ quỹ BHXH với số tiền vi phạm ngày càng lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền thụ hưởng của người lao động. Căn cứ quy định tại Điểm C, Khoản 3 và Điểm C, Khoản 5, Điều 216 của Bộ luật Hình sự, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét điều tra xử lý hình sự theo quy định.
Trước đó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Phương đã có gửi văn bản xin khất nợ và nộp theo lộ trình đến năm 2020, nhưng BHXH TP Hồ Chí Minh không thể giải quyết được việc này vì không đủ thẩm quyền quyết định. Mới đây, lãnh đạo công ty này cũng hứa nộp trước 5 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện lời hứa này.
Như vậy, đây là lần đầu tiên một chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHTN cho người lao động tại TP Hồ Chí Minh bị đề nghị điều tra xử lý hình sự. Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1-1-2018, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy mức độ vi phạm.
Hiện các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thu, chi chế độ BHXH, BHYT vẫn còn khá phổ biến (hình chỉ mang tính chất minh họa). |
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc khởi kiện doanh nghiệp
Dù các đơn vị BHXH đã có những động thái rõ ràng và quyết liệt như vậy, nhưng vẫn tồn tại một thực tế do trước đây, việc xử lý các đơn vị chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, nên chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, hành vi nêu trên sẽ có thể bị xử lý hình sự theo quy định của luật nên phần nào đó tác động mạnh đến các đơn vị, doanh nghiệp và buộc các doanh nghiệp phải tự giác, chủ động thực hiện tốt nghĩa vụ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH như hiện nay.
Tuy nhiên, không ít đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa có xu hướng khắc phục việc nợ BHXH cũng như các chế độ khác của người lao động trong khi thời gian chây ì đóng BHXH từ 2 đến 3 năm, thậm chí có đơn vị nợ 7, 8 năm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động.
Theo thống kê từ cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 2-2018, có 10 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với thời gian từ 6 tháng trở lên, tiền nợ từ 7 đến hơn 27 tỷ đồng.
Ngoài Công ty TNHH Nam Phương kể trên, có thể kể như Công ty TNHH Nhà máy Sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn (quận 2) nợ 9 tháng BHXH của người lao động, với số tiền 27,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn - SPT (quận Bình Thạnh) nợ 27 tháng BHXH của người lao động, với số tiền gần 21 tỷ đồng…
Theo lãnh đạo BHXH TP Hồ Chí Minh, năm 2018, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm, chuyển hồ sơ những doanh nghiệp cố tình chây ì khắc phục nợ BHXH sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự, BHXH TP Hồ Chí Minh cũng tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản chỉ đạo phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực BHXH.
Cùng với đó, BHXH TP Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan Công an trong việc trao đổi thông tin các đơn vị sử dụng lao động còn nợ, trốn đóng để kịp thời phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý thì trong thực tế hiện vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động lách luật để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định, như không ký hợp đồng với người lao động, ký loại hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc (hợp đồng cộng tác viên) hoặc mức lương thể hiện trong hợp đồng thấp hơn mức người lao động thực nhận. Do đó, những hành vi vi phạm vẫn chưa thể xử lý triệt để, kịp thời.
Một số công nhân Công ty Nam Phương ngừng việc, tập trung đòi quyền lợi BHXH vào tháng 1-2018. |
Trong 5 tháng đầu năm 2018, BHXH TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm về hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT tại 737 đơn vị, đạt tỷ lệ 22,4% so với kế hoạch… Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy tình trạng các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thu, chi chế độ BHXH, BHYT vẫn còn khá phổ biến.
Có thể nói, việc nợ đọng BHXH, BHYT sẽ khiến cho hàng trăm ngàn lao động không được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp, nghỉ chế độ… Tuy nhiên, ông Phan Văn Mến thừa nhận việc khởi tố các doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH đang gặp một số khó khăn nhất định.
Trong đó, Luật BHXH giao chức năng khởi kiện cho tổ chức công đoàn, do đây là đại diện hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật khiến cho việc khởi kiện này gặp rất nhiều rắc rối, nan giải.
Có thể một số vướng mắc cơ bản thường gặp khiến việc khởi kiện khó khăn như vụ việc không thuộc thẩm quyền tiếp quản của tòa án; tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết ở cấp quận, huyện; không có giấy ủy quyền của tập thể người lao động cho tổ chức Công đoàn…
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện…
Đặc biệt, để hạn chế tình trạng nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHXH TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục bằng nhiều cách tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các loại bảo hiểm cho các chủ doanh nghiệp và các cá nhân liên quan hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm theo luật định.Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra nội bộ, liên ngành để yêu cầu các đơn vị phải đóng bảo hiểm các loại, nếu không chấp hành, sẽ có biện pháp xử lý vi phạm bằng các quyết định xử phạt hành chính. Nếu vẫn tiếp tục vi phạm nhiều lần thì sẽ chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để xem xét xử lý hình sự…