Cần lan tỏa tinh thần hiệp sĩ

Thứ Năm, 24/05/2018, 14:14
Vụ việc nhóm “hiệp sĩ” bị kẻ trộm xe SH dùng dao chống trả tại TP Hồ Chí Minh vào tối 13-5 gây rúng động những ngày qua. Hai người vĩnh viễn ra đi, 3 người bị thương phải nằm bệnh viện đã khiến dư luận bàng hoàng, cảm phục, đồng thời cũng nảy sinh nhiều câu hỏi cần giải đáp xung quanh vấn đề này.


Những Lục Vân Tiên thời nay

Có nhiều ý kiến cho rằng hơi sức đâu mà “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, làm hiệp sĩ để làm gì, mất mạng như 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ tại TP Hồ Chí Minh ) và Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) đêm 13-5 vừa qua có phải thiệt thân không...

Thực tế đau lòng là như vậy, các anh đã làm một việc tốt là ngăn chặn cái ác mà không màng đến sự nguy hiểm cũng như tính mạng của mình, khiến cha mẹ, vợ con và những người thân trong gia đình phải chịu những mất mát không gì bù đắp được. Nhưng tôi ủng hộ việc làm nghĩa hiệp của các anh, ủng hộ niềm tin vào chính nghĩa, vào sức mạnh lẽ phải và sự nghiêm minh của luật pháp của các anh.

Bởi trong cuộc sống hiện nay, khi xã hội đang dần phát triển, đồng tiền làm chi phối con người, khiến con người chúng ta dần mất đi tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, chỉ biết sống cho riêng mình, sự đoàn kết như dần bị lãng quên, chôn vùi, thì nhóm các “hiệp sĩ” lại sẵn sàng giúp đỡ những người khác không vì bất cứ điều gì.

Hiện trường vụ các hiệp sĩ ở TP Hồ Chí Minh bị tấn công tối 13-5.

Vậy nên nếu có thể làm một việc tốt bạn hãy cứ làm, chẳng hạn như giúp đỡ người bị tai nạn giao thông, hoặc một người chẳng may bị trúng gió, bị ốm ngất xỉu bên đường, một em bé đi lạc... như thế bạn cũng là một hiệp sĩ. 

Còn những công việc “săn bắt cướp” của các hiệp sĩ thì tôi cho rằng mọi người nên ủng hộ tinh thần đấu tranh chống tội phạm “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha” của họ. 

Việc bảo vệ an ninh trật tự cần sự chung tay của quần chúng, trong đó trước các tình huống nguy hiểm cần sự hỗ trợ kịp thời của những chiến sĩ công an chuyên nghiệp. Họ được huấn luyện bài bản, được phép sử dụng vũ khí để đối phó với bọn cướp hung hãn.

Đừng để các anh đơn độc

Do vậy, các hiệp sĩ đường phố khi phát hiện trộm cắp, cướp giật nên báo Công an, không nên hành động đơn phương, rất nguy hiểm. Các tội phạm hình sự thường là những kẻ liều lĩnh, manh động và thường có hung khí. Vì thế, để đấu tranh với chúng là công việc rất nguy hiểm, đòi hỏi cả trí tuệ, kỹ năng nghiệp vụ lẫn trang thiết bị phòng vệ cần thiết. 

Mỗi khi tiến hành phá một vụ án hình sự, là những người được học hành bài bản về nghiệp vụ chống tội phạm, lực lượng Công an còn phải lên kế hoạch chu đáo, kể cả việc phải chọn lựa những người tinh nhuệ, giỏi cả võ thuật lẫn bắn súng và lái xe để sao cho bắt được tội phạm mà vẫn bảo toàn lực lượng.

Mặc dù vậy, chúng ta cần phải trân trọng, biểu dương hoạt động của các hiệp sĩ đường phố với cộng đồng, bởi các anh là những người có những đóng góp không nhỏ vào việc phát hiện, bắt giữ nhiều tội phạm và giúp đỡ người dân bảo vệ tài sản, tính mạng, cũng như hỗ trợ lực lượng Công an giữ gìn an ninh trật tự xã hội. 

Đặc biệt cần vinh danh sự hy sinh của hiệp sĩ Nam và hiệp sĩ Thôi để trấn áp cái ác, cái tàn bạo trong xã hội. Sự hy sinh của các anh không chỉ xứng đáng nhận được sự cảm phục của người dân mà rất đáng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể…

Các tình nguyện viên cảnh sát ở Singapore.

Ở một số nước, cũng có những hình thức tồn tại khác nhau của hiệp sĩ đường phố. Singapore là ví dụ điển hình khi cảnh sát hợp tác thành công với người dân trong việc giảm trừ tệ nạn đường phố. 

Nhóm Tình nguyện viên cảnh sát (VSC) được hình thành cách đây hơn 70 năm, nhằm ngăn chặn, phát hiện tội phạm và duy trì an ninh quốc gia. VSC đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lực lượng Cảnh sát Singapore, được trao quyền bình đẳng khi thực thi pháp luật. 

Từ nhiều tầng lớp xã hội, thành viên VSC mặc đồng phục, làm nhiệm vụ tuần tra đường phố, tham gia các hoạt động chống ma túy, thậm chí đuổi theo các tàu cao tốc trên biển.

Tại Thái Lan, từ năm 1974 Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã bắt đầu chiêu mộ sự tham gia tích cực của người dân, thông qua các dự án như Kết nối sức trẻ, Tình nguyện làm cảnh sát… Năm 1994, hơn 7.000 tình nguyện viên được đào tạo, làm việc tại 65 đồn cảnh sát ở khắp thành phố Bangkok. 

Bên cạnh đó, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan còn ban hành bộ quy định nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương trong các hoạt động của cảnh sát. Các tình nguyện viên được cung cấp đồng phục, thẻ định danh và mã số.

Tại Vancouver (Cana

da), tình nguyện viên theo dõi tình hình an ninh và ngăn chặn tội phạm trong các khu dân cư. Bên cạnh đó, họ có thể tham gia các buổi tuần tra đường phố. Xe nghiệp vụ được trang bị radio, điện thoại và có thể lập tức báo cáo những hành vi đáng ngờ cho cảnh sát. Tình nguyện viên nơi đây đóng vai trò như "tai mắt" của cảnh sát. Hơn nữa, lực lượng này có thể giám sát tốc độ của người tham gia giao thông thông qua thiết bị vô tuyến di động và biển hiệu điện tử.

Tình nguyện viên tại Vancouver (Canada).

Tại Mỹ, khoảng 78% tình nguyện viên được ủy quyền bắt giữ tội phạm. Đội ngũ này làm việc gần 10 giờ mỗi tuần. Họ tham gia tuần tra, phản ứng khẩn cấp cùng nhiều hoạt động thực thi pháp luật khác, thậm chí điều tra bí mật.

Sự ra đi đầy tiếc nuối của 2 hiệp sĩ đường phố vừa qua là một hồi chuông cảnh tỉnh, tất cả chúng ta không thể vô cảm để những người có lòng tốt như các anh phải đơn độc xông pha. Ngành Công an cần lắm sự vào cuộc quyết liệt và nhanh chóng để có những cơ chế bảo vệ và phối hợp tốt hơn cho các hiệp sĩ đường phố.

Như Long
.
.
.