Cảm thức từ khu tưởng niệm Bác Hồ của một cựu chiến binh

Thứ Sáu, 19/05/2017, 15:28
Hơn chục năm qua, một cựu chiến binh rời phố, về vùng ven đô xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tâm nguyện để bày tỏ lòng tôn kính vị Cha già dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ. Nơi ấy bây giờ là "địa chỉ đỏ" nhiều người viếng thăm, thắp hương tưởng niệm, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu.


1.Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Bùi Xuân Phước (82 tuổi, trú ở thôn Phước Tân, xã Phước Đồng) đầu tư xây dựng tọa lạc giữa vườn cây xanh bên con đường bê tông len giữa khu dân cư nằm cạnh triền núi, nhưng rất nhiều người phương xa biết đến.

Thấy tôi đang mải mê ngắm nhìn trụ cổng có mái che lợp ngói với tấm bảng đậm nét chữ màu vàng:"Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" được khắc nổi trên nền xanh nước biển, ông Phước bước ra chào khách bằng nụ cười nhân hậu.

Ông Bùi Xuân Phước với tập nhật ký bằng hình ảnh về Bác Hồ.

Đi giữa hai hàng dâm bụt đang nở hoa từ phía cổng vào bên trong và ngước nhìn bức tượng Bác Hồ đứng giữa hoa sen, bất chợt tôi bồi hồi nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ "Theo chân Bác" của Tố Hữu:"Có rào dâm bụt đỏ hoa quê/Như cổng nhà xưa Bác trở về".

Nghe tôi hỏi về gốc gác, ông Phước tâm sự:"Bố mẹ tôi ở Đà Nẵng, nhưng tôi chào đời ở Bình Định khi người mẹ đang trên đường vào Phú Yên mưu sinh. 15 tuổi tôi gia nhập đội thiếu sinh quân ở Tuy Hòa, 3 năm sau, tôi chuyển sang đơn vị B15 Tỉnh đội Phú Yên tham gia đánh Pháp ở núi Hiềm dưới chân đèo Cả.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tôi xuống tàu biển rời cảng Quy Nhơn đi tập kết ra miền Bắc. Sau 6 năm trong quân ngũ ở Đại đoàn 305 - sau này là Sư đoàn 305, tôi tham gia cải cách ruộng đất, chống cưỡng ép đồng bào di cư, xây dựng công trình thủy nông… ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình.

Giữa năm 1960, tôi được tuyển chọn đào tạo chuyên ngành khảo cổ - bảo tàng ở Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa khi đang mang hàm Thượng sĩ.

Đến giữa năm 1965, tôi rời trường và được điều về Sở Văn hóa thông tin (VHTT) Hải Phòng gần hai năm thì tình nguyện vào chiến trường miền Nam, nhưng không được phê duyệt. Giữa năm 1968, tôi tái ngũ ở Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 sau một đợt huấn luyện ở Quảng Ninh rồi hành quân vào Nam chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà.

Gần 2 năm bám trụ ở đó, đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy trong những trận đánh ác liệt rồi ẩn mình trong rừng sâu, đầu năm 1970 tôi lên B46 ở Savanakhet - Lào để điều trị bệnh sốt rét hơn 1 tháng, sau đó cùng đồng đội vượt đường Trường Sơn ngược ra miền Bắc điều dưỡng ở Hải Phòng nhiều tháng liền, nhưng không đủ sức khỏe trở lại quân ngũ nên về Sở VHTT Hải Phòng làm công tác bảo tàng…"

 Một năm sau khi đất nước thống nhất, ông Bùi Xuân Phước về Sở VHTT Phú Khánh và đã thực hiện hàng trăm chuyến đi cơ sở đầy ắp những kỷ niệm buồn vui trong nghề khảo cổ - bảo tàng, gắn với nhiều thành quả lao động khoa học - nghệ thuật. Khi tỉnh Phú Yên tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh (7-1989), ông Phước về Tuy Hòa làm Giám đốc Bảo tàng Phú Yên đến đầu năm 1995 mới nghỉ hưu.

Tượng Bác Hồ phía trước nhà thờ và khu trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác.

Cả một hành trình dài từ thời trai trẻ đến nay đã được ông Phước ghi lại trong nhiều tập nhật ký, mỗi tập nặng gần chục cân. Trong hành trình đó, ông Phước luôn trăn trở với tâm nguyện sưu tầm, phiên bản những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ để tạo lập Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tấm lòng, tình cảm thiết tha và sự tôn kính.

2.Để thực hiện tâm nguyện đó, trước khi nghỉ hưu một năm, ông Bùi đã có hành trình xuyên Việt bằng xe máy hơn 4 tháng để thăm lại chiến trường xưa và đồng đội một thời trong quân ngũ, đồng nghiệp trong nghề khảo cổ - bảo tàng, kết hợp tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, phiên bản, trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ.

Cũng với mục đích đó, năm 1997, ông Phước tiếp tục thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy lần thứ hai gần 3 tháng. Ông tâm sự: "Ai cũng bảo đó là tâm nguyện tốt, nhưng có người khuyên tôi già rồi nên nghỉ ngơi, lương hưu khiêm tốn làm sao có thể đầu tư một khu tưởng niệm tôn nghiêm.

Thế nhưng, tấm lòng kính yêu Bác Hồ luôn thắp lửa trong trái tim tôi, nghề bảo tàng cũng đã thấm đẫm trong máu thịt của tôi. Và điều đáng mừng là trong số nhiều người động viên có chị Thu Hà - nguyên Trưởng phòng Sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh, nên tôi quyết định bán căn nhà ở phố, lùi về ven đô".

Trên thửa đất hơn 2.000m2, ông Phước tự mình tính toán, phân định vị trí xây dựng từng hạng mục công trình, từ tường rào bê tông, hàng dâm bụt, vườn cây trái, cây kiểng, hồ sen cho đến nhà thờ và trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ, tượng Bác Hồ đứng trên hoa sen, tượng chân dung Bác Hồ, khu tưởng niệm đồng đội công binh Sư đoàn 305, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hội trường sinh hoạt truyền thống… rồi thuê thợ xây dựng, nhà điêu khắc khởi công từ cuối năm 1997.

Khi khối lượng thi công hơn một nửa thì túi tiền cạn kiệt, ông Phước ngược xuôi vay mượn thêm người thân, rồi "mượn" lại thửa đất dự tính cho cô gái út để tiếp tục đầu tư xây dựng hơn 3 năm mới hoàn thiện.

Giữa vuông sân là tượng Bác Hồ đứng trên hoa sen. Bước vào bên trong nhà thờ sẽ bắt gặp không khí trang nghiêm với bàn thờ Bác luôn tỏa khói hương, phía trước là bức ảnh lồng kính khổ to ghi lại thời khắc Bác lâm chung, khiến cho những người đến viếng đều xúc động. Bên trên là tượng chân dung Bác Hồ bằng đồng nặng 100kg do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng ngày 18-10-2016.

Chếch về phía trước là ngôi nhà sàn của Bác Hồ với phiên bản bằng gỗ đặt trong tủ kính lớn; xung quanh có hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ được ông Phước cất công sưu tầm, phiên bản, xếp đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính với chú thích rõ ràng.

Ông Phước thuyết minh rõ nét những dấu mốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày theo chặng thời gian, sự kiện; từ hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Nam dạy học ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết; rời bến Nhà Rồng - Sài Gòn ngày 5-6-1911 để lên tàu Amiral Latouche Trésville làm phụ bếp - khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước; những hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ở Pháp năm 1920; sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930; Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945; Di chúc Bác Hồ… cho đến chiếc áo ka ki, đôi dép cao su, mũ cối, cây gậy được phiên bản như khuôn mẫu.

Kết thúc thuyết minh, ông Phước bước ra sân, thổ lộ: "Tôi đang tính toán mở rộng thêm, vì tôi còn đang lưu giữ hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ, cần sớm được trưng bày".

Cách nhà thờ và gian trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ hơn chục mét là hội trường được xây dựng rất khang trang với phông nền xanh, cờ đỏ búa liềm, sao vàng và dòng chữ lớn đậm nét vàng trên nền đỏ: "Bác Hồ là vị cha chung. Là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương" cùng với tượng chân dung Bác Hồ.

Nơi đó, nhiều tổ chức cựu chiến binh; đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ một số xã, phường và những đoàn tham quan đã cùng sinh hoạt chính trị tư tưởng về tấm gương, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Bên trái hội trường là tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng và khu tưởng niệm đồng đội công binh Sư đoàn dù - đặc công 305, đơn vị ông Phước đã gắn bó 6 năm sau khi tập kết ra Bắc.

Phía sau vuông sân gạch men là bát hương và tấm bia lớn kết cấu bê tông cốt thép, khắc họa nổi hình tượng cờ Tổ quốc cùng quân hiệu công binh ở phía trên và hình tượng người lính công binh với hào khí dũng cảm bước về phía trước.

Bằng âm giọng xúc động mà tự hào, ông Phước tâm sự: "Chiến tranh đi qua, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi mở đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi muốn dành một nơi để tưởng niệm và tri ân đồng đội bằng tình cảm chân thành của một cựu chiến binh".

3. Khi đến tham quan Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Bùi Xuân Phước đầu tư xây dựng, nhiều người đã bày tỏ sự cảm phục tâm nguyện giàu ý nghĩa nhân văn của một cựu chiến binh quá tuổi bát tuần.

Ông Bùi Xuân Phước bên những hình ảnh, hiện vật về Bác.

Ông Từ Quang Kiên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Hòa bày tỏ: "Khi đến nơi này, không riêng tôi mà nhiều cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, nông dân đều có chung nỗi niềm thiêng liêng, xúc động khi thắp nén hương dâng lên bàn thờ Bác. Mỗi người đều cảm nhận sâu lắng, thiết tha, tưởng chừng đang được về bên Người nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử".

Em Lê Nguyên Trang - một học sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tâm sự: "Không được đến Bảo tàng Hồ Chí Minh và chưa lần nào viếng Lăng Bác ở Hà Nội, nhưng đến khu tưởng niệm này, em cùng các bạn trẻ được nhìn thấy nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ kính yêu như một bài học lịch sử sinh động".

Khi đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước giữa tháng Giêng năm nay, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa không chỉ bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với gia đình người cựu chiến binh và mong muốn ông tiếp tục sưu tầm, bổ sung những tư liệu, hình ảnh hiện vật về Bác Hồ, mà còn chỉ đạo Tỉnh đoàn Khánh Hòa chọn khu tưởng niệm này làm điểm tổ chức sinh hoạt đoàn viên về hoạt động truyền thống…

Mỗi ngày đi qua, ông Bùi Xuân Phước vẫn mải mê thực hiện những dự tính mới để tiếp tục tôn tạo, mở rộng và nâng cao giá trị nhân văn Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lòng tôn kính lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Phan Văn Lương
.
.
.