Nhớ những lần được phiên dịch cho Bác Hồ

Thứ Sáu, 19/05/2017, 07:48
Xóm Hạ Hồi xưa, nay là phố Hạ Hồi nằm trong khu phố cũ gần hồ Thiền Quang (Hà Nội). Có một ông lão xấp xỉ tuổi 90 nhưng vẫn “đứng lớp” tuần vài buổi cho một sinh viên học tiếng Đức. Hỏi ông: “Từng này tuổi rồi mà ông vẫn dạy học được? Chúng con bái phục!”. Ông cười rổn rảng: “Trước tôi dạy mấy lớp liền nhưng giờ cũng đuối sức rồi, chỉ còn 1 cháu đã theo học nhiều năm. Nó yêu tiếng Đức và thông minh lắm, nên tôi vẫn giúp cháu trau dồi thứ tiếng rất khó này”…


Buổi sáng giữa tháng 5-2017, mấy anh em chúng tôi được trò chuyện với ông Đỗ Mộng Châu, 86 tuổi, cựu giáo viên ngoại ngữ, từng nhiều năm công tác ở Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao và 26 năm làm phiên dịch cho Đại sứ quán CHDC Đức tại Việt Nam. Chúng tôi được biết, ông có mối quan hệ thân thiết với một số chiến sỹ quốc tế tham gia bộ đội Việt Minh được Bác Hồ đặt tên như Trung tá Chiến Sỹ (tên thật là Erwin Borchers, gốc Đức)… Chuyện đời, chuyện nghề rồi xoay quanh kỉ niệm những lần ông được phiên dịch cho Bác Hồ.

Ông Châu kể: Sau năm 1954, ở miền Bắc rất ít người biết tiếng Đức. Tôi được cùng các anh em học sinh sang công tác, du học tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức, nên nắm bắt rất nhanh tiếng Đức. Hơn nữa, tôi thạo tiếng Pháp, tiếng Anh nên khi học tiếng Đức cũng dễ tiếp thu, có lẽ nhờ năng khiếu.

Năm 1964, tôi đang công tác ở Bộ Ngoại giao thì Đại sứ quán CHDC Đức đề nghị Bộ Ngoại giao cử cho một phiên dịch vào làm việc trong sứ quán. Ông Đại sứ còn trực tiếp gặp, nói chuyện với đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao phụ trách tổ chức: “Chúng tôi đào tạo hàng ngàn sinh viên cho Việt Nam, nay chỉ xin 1 người làm phiên dịch cho sứ quán, mong các đồng chí ủng hộ”… Thế là, tôi được điều sang làm phiên dịch cho Đại sứ quán CHDC Đức.

Bác Hồ đến thăm Trường Thiếu nhi Việt Nam tại thành phố Moritzburg, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957. (Ảnh nhân vật cung cấp. Ông Châu ngồi hàng sau, thứ nhất từ phải qua).

Nhiều lần được gặp, phiên dịch cho Bác, ông Châu kể: Trong chuyến thăm chính thức CHDC Đức (tháng 7-1957), Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Moritzburg. Hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ dàn dựng một chương trình văn nghệ để đón chào Bác và các đại biểu.

Chương trình dự kiến kéo dài 30 phút, nhưng biểu diễn được một lúc thì đồng chí Bí thư thứ nhất Đại sứ quán đến gặp tôi, yêu cầu cắt ngắn chương trình để đảm bảo sức khỏe cho Bác, vì Bác còn nhiều hoạt động trong ngày. Nghe vậy, tôi rất lo vì thầy và trò đã dành nhiều công sức tập luyện, dàn dựng chương trình; ánh mắt của các em học sinh đều toát lên sự háo hức được biểu diễn phục vụ Bác…

Tôi đánh bạo tới gặp một đồng chí trong đoàn, đề nghị dẫn lên gặp Bác. Bác chăm chú nghe tôi trình bày rồi nói: “Chú cứ tiếp tục chương trình như dự kiến. Bác rất khỏe và vui khi được xem các cháu biểu diễn!”. Chương trình văn nghệ kết thúc, chúng tôi đều vui mừng đã hoàn thành nhiệm vụ và có được niềm vinh dự phục vụ Bác… Nhưng sau đó, tôi bị cấp trên nhắc nhở, phê bình vì “báo cáo vượt cấp!”.

Đến năm 1962, ông Châu lại được gặp và phiên dịch cho Bác Hồ. Ông Châu kể, hôm đó hết giờ đứng lớp ở Trường Bổ túc Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), tôi được ông hiệu trưởng giao nhiệm vụ đi phiên dịch một cuộc gặp quan trọng của Trung ương. Có xe ôtô của Bộ Ngoại giao đến tận trường đón.

Tác giả và ông Đỗ Mộng Châu.

Trên đường đi, anh cán bộ vui vẻ trò chuyện với tôi và bật mí: “Hôm nay, Bác Hồ tiếp Phó Thủ tướng CHDC Đức đang thăm nước ta. Tôi đưa anh đi phiên dịch cho Bác”. Nghe vậy, ông Châu thốt lên: “Tôi chỉ biết dạy tiếng Đức, chứ phiên dịch việc quan trọng thế này thì tôi sợ không làm nổi”.

Người cán bộ đó động viên ông Châu: “Anh yên tâm đi. Bác cũng biết tiếng Đức, nhưng vì nguyên tắc ngoại giao nên chúng tôi chọn anh phiên dịch cho Bác. Hơn nữa, đây là cuộc tiếp xã giao, không bàn sâu vấn đề gì”. Nghe anh cán bộ nói Bác biết cả tiếng Đức, tôi lại càng “run” nên nói: “Gặp Bác Hồ thì ai mà chả mừng, nhưng có khi vì mừng quá mà tôi cuống đấy nhé!”.

Vào cuộc tiếp, sau những lời thăm hỏi xã giao giữa Bác và khách, đến lượt Phó Thủ tướng CHDC Đức phát biểu, có câu trân trọng nói về Bác: “Chủ tịch là biểu tượng (sym-bol) của tinh thần quốc tế vô sản và giải phóng dân tộc”. Tôi dịch đến chữ sym-bol thì không nhớ ra tiếng Việt là gì, nên lúng túng cứ đực mặt ra. Bác thấy vậy liền nhắc: “Chú dịch tiếp đi chứ!”. Tôi thành thật: “Thưa Bác, cháu bỗng không nhớ nghĩa từ sym-bol trong tiếng Việt ạ!”. Bác động viên tôi: “Cứ bình tĩnh. Từ nào không nhớ được trong tiếng Việt, cháu cứ nói tiếng Đức, Bác hiểu được!”.

Lần khác, ông Châu được tháp tùng ông Đại sứ CHDC Đức đến chào xã giao Bác. Sau khi thăm hỏi, trao đổi những vấn đề quan hệ giữa hai nước, Bác tặng ông Đại sứ một số món quà, trong đó có chiếc lược bằng kim loại làm từ xác một chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Rồi Bác lấy ra một tấm ảnh chân dung tặng Đại sứ; trong lúc chưa ai kịp đưa bút cho Bác ghi lời đề tặng thì ông Đại sứ nhanh trí rút chiếc bút cài trong tút áo đưa cho Bác. Người cẩn trọng ghi lời đề tặng, ký tên rồi trao tấm ảnh và trả lại chiếc bút máy cho Đại sứ.

Từ biệt Bác, trên đường từ Phủ Chủ tịch trở về Đại sứ quán, ông Đại sứ nói với ông Châu: “Châu ạ, hôm nay tôi rất vinh dự được gặp Hồ Chủ tịch. Đặc biệt, Người đã tặng tôi những món quà đầy ý nghĩa. Tôi sẽ giữ mãi cây bút này và nó sẽ trở thành bảo vật trong bảo tàng của gia đình tôi!”.

Duy Hiển – Việt Dũng
.
.
.