COVID-19 khiến nhiều người dân Paris muốn về tỉnh lẻ

Thứ Năm, 20/08/2020, 08:18
Gần 3 tháng phong tỏa quanh quẩn trong bốn bức tường căn hộ ở Paris khiến nhiều người dân thủ đô muốn về nông thôn sinh sống.


Nếu như trước đợt phong tỏa (ngày 17-3-2020) chỉ có khoảng 38% người dân muốn rời Paris, thì gần ba tháng sau, tỉ lệ này đã tăng lên 54%.

Cuộc sống ngột ngạt trong bốn bức tường

Theo kết quả thăm dò của trang Paris, je te quitte, khoảng 22% người dân vùng Ile-de-France (nơi có thủ đô Paris) đã kịp di chuyển đến nhà nghỉ của họ ở nông thôn hoặc thực hiện giãn cách xã hội ở nhà người thân, bạn bè ở tỉnh; 78% ở lại. 

Trong số ở lại này, 69% cách ly tại nhà là những căn hộ, thường không có không gian bên ngoài. Khoảng 81% trong số người ở lại tiếp tục làm việc từ xa, khiến không gian sinh hoạt vốn đã hạn hẹp, giờ phải tạo thêm góc làm việc, thậm chí là góc học tập trực tuyến tại nhà của con cái.

Khoảng 39% người dân Paris thấy rằng giai đoạn phong tỏa là “thời gian dài, mệt mỏi và áp lực”. Nhiều người mơ đến một ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ xinh và 59% trong số được hỏi sẵn sàng rời khỏi Paris ngay khi có thể.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều người quyết định rời Paris về các tỉnh lẻ sinh sống.

 Bà Kelly Simon, đồng sáng lập trang Paris, je te quitte, chuyên tư vấn về chuyển đến tỉnh khác sinh sống, giải thích: “Rất nhiều người sống ở vùng Ile-de-France không phải là người gốc ở đó. Họ đến Paris để học tập hoặc tìm công việc đầu tiên. 

Nhưng rồi họ nhanh chóng cảm nhận được những bó buộc đời sống hằng ngày ở thủ đô, như nhịp sống hối hả với tàu điện/công việc/ngủ; giá thuê nhà thì cao và không thể có chỗ ở rộng rãi, thiếu không gian xanh và mất thời gian đi lại, ô nhiễm không khí… 

Chúng tôi nhận thấy tốc độ truy cập vào trang web của chúng tôi đã tăng lên nhiều từ khi hết phong tỏa (thêm 50-60%). Điều này cho thấy người dân Ile-de-France quan tâm đến chủ đề này.

Nghiên cứu của chúng tôi về ảnh hưởng của đợt phong tỏa vừa qua cho thấy có đến 42% người dân Ile-de-France muốn chuyển nhà ngay khi có thể. Đối với 56%, đợt phong tỏa là thời gian suy ngẫm giúp đẩy nhanh hơn dự định rời khỏi Paris; 64% thì cho biết không sợ rời Paris sau đợt phong tỏa”.

Paris đắt đỏ và bí bách

Xu hướng rời khỏi Paris bắt đầu rõ nét từ năm 2011. Khoảng 60.000 người đã rời thủ đô từ năm 2014. Trước khi có dịch COVID-19, nhiều người đã chọn rời Paris vì thành phố này quá đắt đỏ.

Paris là một trong những thành phố có giá bất động sản cao nhất thế giới. Tính trung bình, giá căn hộ tại thành phố Paris trong quý II-2019 lên tới 10.000 euro/m².

Đắt nhất là căn hộ trong các quận trung tâm như quận 1, 4, 6. Giá căn hộ ở khu phố Odéon, quận 6 thậm chí còn lên đến mức hơn 17.000 euro/m². Chỉ sau một năm, giá chung cư Paris tăng 6,3%. Còn nếu tính từ năm 2009, giá chung cư đã tăng 57%. Một căn hộ có giá khoảng 2.800 euro/m² hồi năm 2000 nay có thể đã tăng 248%.

Nhưng đây mới chỉ là giá trung bình của những căn hộ trong các tòa nhà cũ, chứ không phải giá nhà riêng hay căn hộ trong các khu nhà hiện đại, tiện nghi mới xây. Tính trung bình trong cả nước, nếu 10 năm qua, giá bất động sản tăng 10%, thì tỉ lệ này ở Paris lên tới 60%. Kể cả tại hai thành phố có giá bất động sản cao nhất nước Pháp, sau Paris, là Bordeaux và Lyon, thì giá căn hộ cũng chỉ bằng chưa đến một nửa giá tại Paris.

Vì thế, phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22m², chỉ có 24% dân có đủ khả năng mua căn hộ 36m². Theo tính toán của các nhân viên của công ty môi giới ngân hàng Vousfinancier, một hộ gia đình cần có thu nhập 11.000 euro/tháng, cao gấp hàng chục lần mức lương tối thiểu của một người, thì mới có thể vay tiền ngân hàng mua một căn hộ 75m² trong nội thành Paris.

Giá bất động sản tại Paris đã tăng tới 60% trong 10 năm qua.

Giá bất động sản cao ngất ngưởng đã khiến giấc mơ sở hữu một căn hộ ngày càng khó thành hiện thực đối với rất nhiều người dân và khiến nhiều hộ gia đình, nhất là các gia đình có con nhỏ, phải chuyển ra ngoại thành hoặc chuyển về các tỉnh, thành khác sinh sống, kể cả các gia đình trung lưu. 

Để có một căn nhà, nhiều người đã chọn giải pháp chuyển về sinh sống ở các tỉnh nhưng có tàu cao tốc TGV chạy đến. Ở đó, giá nhà 2.000 euro/m², ngôi nhà rộng 230 m² với 1.000m² vườn và chấp nhận mỗi ngày mất 4 tiếng đi tàu cao tốc đến Paris làm việc.

Nếu như trước đây, các gia đình thường lựa chọn vùng ngoại ô Paris, thì nay các thành phố lớn ở tỉnh lại được ưa chuộng nhiều hơn, nhất là các thành phố chỉ cách Paris một vài giờ tàu, như Rennes, Nantes, Bordeaux, Lille, các thành phố này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với dân thủ đô do ngày càng có nhiều dịch vụ, đời sống văn hóa và chất lượng cuộc sống đều được cải thiện hơn nhiều so với ngoại ô Paris.

Sở dĩ giá nhà ở Paris đắt đỏ như vậy bởi nơi này đã trở thành một thành phố của thế giới chứ không còn là thành phố của nước Pháp, với nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp quốc tế lớn, những vị trí được trả lương rất cao. 

Những quan chức cao cấp, những người có thu nhập rất cao đang dần thay thế tầng lớp bình dân và trung lưu ở Paris. Paris ngày càng thu hút giới đầu tư nước ngoài giàu có, mua nhà tại Paris làm chỗ ở thứ hai, chỉ để thi thoảng đến ở. Việc giá nhà Paris bị đẩy lên quá cao cũng đã gây ra nhiều hệ quả về mặt xã hội. Hằng năm, có khoảng 10.000-12.000 người rời bỏ thành phố.

COVID-19 khiến nhiều người thay đổi

Vì thế, khi dịch COVID-19 bùng phát trở thành yếu tố thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch chuyển nhà của nhiều gia đình. Miền Nam ngập nắng với tiếng ve râm ran mùa hè và biển xanh, như tại Aix hay Marseille, là một trong những địa điểm được ưu tiên lựa chọn. 

David Credoz, Giám đốc một văn phòng bất động sản tại Bouc-Bel-Air, cho biết hơn 60% khách hàng của văn phòng không phải là người trong vùng và đến 80% trong số họ là người đến từ Paris hoặc vùng phụ cận. Một số người khác không chuyển hẳn đến tận miền Nam, mà quan tâm đến các thành phố nhỏ cách Paris chừng 100km.

Người dân Paris muốn rời khỏi thủ đô để có được chất lượng sống tốt hơn. Dù sao đó là trường hợp của 89% người truy cập trang web tham khảo Paris, je te quitte cho tất cả những người có ý định chuyển khỏi vùng Ile-de-France. Trong quá trình tìm kiếm chất lượng sống tốt hơn, người ta thường thấy mong muốn có cuộc sống ít căng thẳng hơn, cân bằng giữa công việc và đời tư và không gian sống tốt hơn cho con cái.

“Nghiên cứu của chúng tôi về tác động của đợt phong tỏa vừa qua đến các kế hoạch rời Paris cho thấy 59% người được hỏi muốn được gần gũi với thiên nhiên hơn và 57% muốn có cuộc sống đơn giản hơn, có giá trị và ý nghĩa hơn. Mong muốn có được nơi ở rộng rãi hơn và rẻ hơn cũng là động lực trong kế hoạch chuyển khỏi Paris”.

Hai tháng phong tỏa là trải nghiệm sống chưa từng có, cũng khiến nhiều người suy nghĩ về cách sống. Biện pháp phong tỏa cũng làm thay đổi cách làm việc tại Pháp. Khoảng 40% nhân viên trong lĩnh vực tư đã làm việc từ xa trong giai đoạn phong tỏa, một kỷ lục so với tỉ lệ 7% trước phong tỏa. 73% người làm việc tại nhà muốn được tiếp tục biện pháp này trong thời hậu phong tỏa.

Phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22m².

Có thể làm việc từ xa, không bị bắt buộc có mặt tại công sở, là một yếu tố khuyến khích người dân Paris chuyển đến tỉnh hoặc thành phố khác. Tuy nhiên, có rất nhiều người sẵn sàng đổi công việc để đến sống ở một nơi khác thoải mái hơn.

Theo nhận định của bà Kelly Simon, những người muốn rời Paris có hoàn cảnh khác nhau. Đa số là những cặp vợ chồng có một hoặc nhiều con nhỏ hoặc là những người muốn lập gia đình. Con đầu lòng thường là lý do thôi thúc họ rời Paris. 

Nhưng cũng có rất nhiều người muốn rời Paris một mình. Phần lớn trong số họ là đi tìm việc ở vùng khác, nhưng gần một nửa thì có lẽ sẵn sàng đổi nghề để thực hiện kế hoạch riêng. Công việc vẫn là yếu tố đầu tiên thôi thúc họ dịch chuyển và cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay khiến vấn đề này bị tạm ngừng.

Paris, nơi im lặng là một điều xa xỉ, ngột ngạt trong những bến tàu điện ngầm với dòng người hối hả, Paris đắt đỏ, ồn ào, Paris của những người du lịch, nhiều người Paris có cảm giác không có chỗ trong chính thành phố của họ. 

Phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22 m² và chỉ có 24% có đủ khả năng mua căn hộ 36 m² với giá trung bình 10.000 euro/m². Thế nhưng, với số tiền đó, họ hoàn toàn có thể yên tâm mua được một ngôi nhà có mảnh vườn xinh ở một nơi khác.

Đức Quý
.
.
.