Bỏ ngỏ giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí

Thứ Tư, 27/04/2016, 13:50
Người dân kêu ngột ngạt, bệnh tật về hô hấp gia tăng, trong khi các cơ quan hữu quan hoặc nói "vẫn trong tầm kiểm soát", hoặc kêu thiếu thốn. Và đến khi Đại sứ quán Mỹ đăng tải thông tin chất lượng không khí của Thủ đô đã ở mức nguy hiểm, các nhà chuyên môn mới tá hỏa giải thích đó chỉ là kết quả "khập khiễng" do vênh về chỉ số thời gian!


Tê liệt công cụ "bắt bệnh" không khí

Chuyện ô nhiễm không khí đô thị luôn làm nóng các diễn đàn, và càng nóng hơn khi Đại sứ quán Mỹ đăng tải chỉ số chất lượng không khí (AIQ) và so sánh chỉ số PM2,5 của thành phố Hà Nội với Bắc Kinh (Trung Quốc) trong hai ngày 1 và 2-3. Chỉ số này lên tới mức nguy hại - 388 microgam/m3 (chỉ số PM2,5 tiêu chuẩn tại Việt Nam là 50 microgam/m).

Để hiểu rõ thông tin, chúng tôi gặp ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Môi trường, Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT), ông cho biết chỉ số mà phía Đại sứ quán Mỹ đưa ra là ở một thời điểm, trong khi ở Việt Nam phải là số liệu quan trắc 24/24 giờ, đồng thời trấn an không khí Hà Nội chưa thể ô nhiễm như Bắc Kinh.

Vậy công cụ nào kiểm chứng chất lượng không khí? Cơ quan chức năng cho rằng, qua hệ thống quan trắc không khí tự động. Phóng viên khảo sát, kết nối, thì ra hệ thống trạm quan trắc (TQT) tự động - công cụ "bắt bệnh" không khí ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã không còn hoạt động từ  lâu.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Xác nhận thông tin này, ông Hoàng Dương Tùng cho hay: "Hai đôi thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh càng cần phải có các TQT tự động, nhưng ngay từ năm 2010, các TQT này đã ngừng hoạt động". Ông Tùng nhấn mạnh, chỉ số AIQ phải dựa vào các thông số quan trắc được từ các TQT tự động. Nhưng không còn nữa thì thật sự nguy hiểm.

Kiểm tra chéo thông tin, đại diện Chi Cục bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, hai TQT do Sở TN-MT Hà Nội quản lý đã hư hỏng, sau vài lần sửa chữa không khắc phục được, đã dừng hoạt động từ năm 2012. Hay tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2003, nhờ chính phủ Na Uy và Đan Mạch tài trợ, đã xây dựng được chín TQT không khí tự động, nhưng đến năm 2012 thì tê liệt, Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh đã chuyển thành các trạm bán tự động, thực chất là bỏ nhân lực ra lấy mẫu về phân tích thủ công, song các chuyên gia đánh giá là không mang lại hiệu quả cao, thậm chí thiếu tính chính xác để phân tích, đánh giá chất lượng không khí. Vậy là  cả hai đô thị lớn, đều thiếu TQT để phân tích chỉ số AIQ, mà theo quy chuẩn, cứ 400 nghìn dân thì có một TQT không khí.

Là chuyên gia trong ngành, ông Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), lo lắng:  "Muốn chữa bệnh thì phải biết được sức khỏe của không khí thế nào mới có phương án. Sáu năm qua TP Hồ Chí Minh không còn hoạt động quan trắc tự động, ở Hà Nội cũng chỉ còn hai TQT không khí tự động thuộc quản lý của Tổng cục Môi trường".

Các giải pháp bị bỏ ngỏ

Không riêng gì các TQT, việc kiểm soát khí thải xe máy, các công trình xây dựng - là những thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí cũng còn quá nhiều bất cập. Bộ TN-MT cho biết, "thủ phạm" đầu độc không khí đô thị kinh hoàng nhất là các phương tiện giao thông, lên đến 70%.  Một con số khổng lồ, với khoảng 1,9 triệu xe ô tô và 40 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên cả nước, đó là chưa kể đến hàng nghìn chiếc được đăng ký mỗi ngày. Điều đáng nói, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, riêng tại Hà Nội có hơn 10.000 xe hết niên hạn sử dụng đang lưu hành, sinh ra lượng khí thải vô cùng lớn.

"Góp mặt" vào việc đầu độc không khí, là các công trường xây dựng. Cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, được coi là những đại công trường, với nhiều công trình xây dựng với tốc độ… rùa, không được che chắn kỹ; những con phố, vỉa hè bị "đào lên rồi bỏ đó"; những chiếc xe tải cồng kềnh chở phế thải xây dựng, đất đá quá trọng tải làm rơi vãi ra đường đều làm đường phố trở nên bụi mù mịt... Phố bụi, ngộp thở đã trở thành chuyện… bình thường.

Lật ngược thời gian, ngay từ năm 2008, ô nhiễm không khí đã trở nên nhức nhối tại các đô thị. Nhận thấy mô tô, xe máy cũ nát, quá niên hạn sử dụng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, vào năm 2010, Cục đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất, và được Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe máy, tại Quyết định số 909/QĐ-Ttg, có hiệu lực thực hiện từ 1-1-2011. Theo đúng lộ trình giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm định khí thải từ 80-90% xe máy tại hai thành phố thí điểm là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thế nhưng Đề án vẫn chỉ nằm trên giấy, cơ quan chuyên trách xin lùi thời gian thực hiện đến năm 2017.

Là cơ quan trực tiếp kiểm soát chất lượng không khí tại Hà Nội, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) cũng đã cố gắng cải thiện không khí môi trường Thủ đô. Tuy nhiên, theo ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng, những khu vực có chất lượng không khí kép là quận Cầu Giấy, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm…

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do phương tiện giao thông và công trình xây dựng. Lãnh đạo Chi cục cho biết thêm: "Chủ đầu tư các công trình xây dựng đều có cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó đều bố trí cầu rửa bánh trước khi cho ô tô từ công trường đi ra bên ngoài. Nhưng trong quá trình thực hiện, họ đều không chấp hành".

Trạm quan trắc tại TP Hồ Chí Minh.

Loay hoay với nhiều giải pháp, nhưng chưa có một đề án thật sự thành công, theo GS. Phạm Ngọc Đăng là do chồng chéo về quản lý giữa các bộ là Bộ TN-MT, Giao thông vận tải, Xây dựng, Cảnh sát môi trường… Như Bộ TN-MT chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường không khí. Nhưng nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại thuộc về Bộ Giao thông Vận tải.

Thừa nhận vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Môi trường Hoàng Dương Tùng cho hay, việc phân bổ nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức. Ông Tùng thổ lộ: "Ngay như các TQT không khí tự động, để đầu tư xây dựng đã lớn, nhưng để vận hành, tu sửa khi có trục trặc cũng rất tốn kém. Chúng ta phải nhận thức được, việc kiểm soát chất lượng không khí là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người".

Quan trọng là thế, Sở TN-MT Hà Nội, ngay từ năm 2012 đã lập Đề án quy hoạch mạng lưới quan trắc cố định, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khi đến năm 2020. Song đến nay Đề án cũng chưa được triển khai do thiếu kinh phí. Quan trọng là thế, nên trong buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh ngày 25-2-2016, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đã nêu ra một hiện trạng nhức nhối, rằng nước bạn quan tâm vấn đề môi trường không khí, đã hỗ trợ và khuyến khích bảo vệ môi trường bằng việc đầu tư xây dựng TQT.

Đáng ra thấy hiệu quả thì cần phát triển, đầu tư thêm, đằng này lại xài hết niên hạn rồi bỏ mà không lên kế hoạch duy tu hoặc tái đầu tư? Một TP gần 10 triệu dân với lượng phương tiện lớn như vậy mà quan trắc thủ công thì liệu có ổn không?

Thiếu phương tiện kiểm soát, quản lý công trình xây dựng lỏng lẻo, thiếu các biện pháp hữu hiệu, kết quả là hàng triệu người dân phải "chịu trận" - sống, sinh hoạt trong điều kiện không khí nguy hại đến sức khỏe. Người dân cứ ra đường là phải đeo khẩu trang, ở những "điểm nóng" người dân phải vừa điều khiển xe máy vừa lấy tay che miệng, mũi. Đồng thời, không khí thì cứ mù mịt. Liệu không khí "vẫn trong tầm kiểm soát", như các cơ quan hữu trách nói có đáng tin?

Sinh hoạt trong bầu không khí trong lành là điều mà người dân nào cũng muốn, nhưng không phải ai cũng có ý thức bảo vệ. Đã đến lúc, cần lắm những hành động cụ thể, sự bắt tay ăn ý của các cơ quan có trách nhiệm, nhằm trả lại bầu không khí an toàn chung tại các đô thị.

Theo nhiều chuyên gia, việc đầu tư xây dựng khá tốn kém, nhưng để vận hành, duy tu định kỳ cũng cần các địa phương phải nỗ lực, đầu tư kinh phí để bảo đảm nhiệm vụ đánh giá chất lượng không khí.
Hải Miên
.
.
.