Báo động tai nạn lò hơi

Chủ Nhật, 27/11/2016, 11:26
Gần đây, nhiều vụ tai nạn lò hơi xảy ra thương tâm tại các cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp. Những người dân sống xung quanh các cơ sở này đang cảm thấy bất an vì sự thiếu an toàn của những lò hơi công nghiệp này, nhưng dường như việc phòng chống cháy nổ, quản lý vận hành lò hơi đang bị bỏ ngỏ, trong khi chúng chẳng khác gì một quả bom hẹn giờ và cứ nổ là… chết.


Đến hôm nay, những nạn nhân trong vụ nổ lò hơi vào ngày 10-11-2016 thuộc Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Thái Nguyên, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên cũng như những người dân sống xung quanh đó vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Vụ nổ làm hai công nhân của công ty cùng trú tại xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên tử vong tại chỗ trong tình trạng thi thể không còn nguyên vẹn. 6 công nhân khác bị thương nặng. Mái nhà xưởng bị nứt vỡ, cột bê tông bị đổ gãy. Một số vật liệu, đất đá bị thổi tung bay vào mái nhà, tường của những hộ dân liền kề công ty.

Anh Lý Anh Tùng (trú tại TP. Thái Nguyên), một trong những nạn nhân bị thương nặng nhất cho biết: Khoảng 14h30', khi tất cả đang làm công đoạn vít ốc khuôn, đổ xi măng vào khuôn làm cột bê tông thì bỗng "rầm", nồi hơi dựng đứng bỗng quay ngang rồi lao ra khỏi nhà chứa. Cả một bức tường đổ sập xuống. 

"Lúc đấy tôi đứng đờ ra, nhìn xuống chân đang chảy máu bị mất một mảng thịt to lại cứ nghĩ chiếc ủng đang đeo bị rơi ra, nhưng thấy đau quá mới nhìn kỹ phát hiện nhiều mảnh vữa găm vào chân, bèn lê dần ra ngoài. Đi ngang qua thi thể tử vong của chị Thu, tôi hoảng quá, ngất đi", anh Tùng nhớ lại. 

Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Thái Bình.

Theo anh Tùng, vì đợi xe cấp cứu lâu quá, trong khi vết thương chảy máu ồ ạt, người anh họ đã dùng xe khách chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Nội của nhà đưa anh lên bệnh viện.  Chị Từ Thị Thủy (trú tại TP. Thái Nguyên) bị vỡ xương bánh chè. 4 nạn nhân bị thương nhẹ hơn thì được điều trị tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên

Nguyên nhân của vụ nổ hiện được điều tra, nhưng qua buổi làm việc trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (LĐ - TB & XH)Thái Nguyên của Đoàn công tác của Bộ LĐ - TB & XH vào ngày 11-11 để nắm bắt vụ việc thì thấy việc quản lý hồ sơ các thiết bị tại công ty này không được chặt chẽ.

Các khâu từ thiết kế, bảo dưỡng và kiểm định được Công ty đưa ra bằng những văn bản có thời gian quá lâu so với quy định. Bên cạnh đó, việc huấn luyện kiến thức cho cán bộ vận hành và người quản lý về sử dụng thiết bị còn sơ sài.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện một số sở, ngành chức năng, UBND TP. Thái Nguyên đã đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. 

Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã trực tiếp có mặt hiện trường chỉ đạo Công an TP. Thái Nguyên, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các lực lượng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và  điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động

Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở chế biến, sản xuất, do đó việc sử dụng lò hơi khá phổ biến vì sẽ tiết kiệm được sức người, thế nhưng nó cũng yêu cầu rất nhiều công đoạn và nghiêm ngặt về quy trình. 

Tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ dân tự phát đã sử dụng nồi hơi mà không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ sử dụng nồi hơi vẫn tỏ ra khá chủ quan trong việc vận hành, sử dụng thiết bị này trong quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. 

Tại một số nhà máy chế biến thực phẩm, khu vực rào chắn bảo vệ quanh vị trí đặt lò hơi không bảo đảm yếu tố thoáng hay khả năng thoát hiểm cho công nhân vận hành nếu xảy ra tai nạn; các biển bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn hay quy trình vận hành lò hơi chưa được treo ở nơi dễ thấy, dễ đọc; công nhân vận hành lò hơi còn chưa nắm chắc kiến thức xử lý khi xảy ra sự cố.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, theo các chuyên gia an toàn lao động, nhiều doanh nghiệp trong quá trình lắp đặt trang thiết bị này còn thường tự ý lắp đặt hay thêm thắt hoặc bỏ bớt một số chi tiết khiến thiết bị hoạt động không đảm bảo an toàn theo đúng chỉ tiêu mà nhà sản xuất khuyến cáo. Đồng thời, quy trình kiểm định định kỳ thiết bị cũng như khai báo định kỳ đến cơ quan chức năng theo quy định của Nhà nước cũng bị nhiều chủ sử dụng lao động bỏ qua. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn lao động cao.

Trách nhiệm quản lý về quá trình vận hành thuộc về cơ quan nhà nước mà cụ thể ở đây là Cục An toàn lao động, Bộ LĐ - TB & XH, còn ở địa phương là Sở LĐ - TB & XH các tỉnh thành dường như đang bị bỏ ngỏ. Trước đó đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nổ lò hơi nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. 

Khoảng 10h ngày 30-10, tại cơ sở chế biến thủy sản của gia đình anh Tạ Duy Anh ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã xảy ra nổ lò hơi làm 4 người chết và 11 người bị thương. 

Mặc dù đây chỉ là lò hơi tư nhân, có quy mô và khối lượng chưa lớn như các khu công nghiệp, song sức công phá của vụ nổ khiến sập hoàn toàn nhà xưởng có diện tích gần 200m², gây chấn động, ảnh hưởng tới nhiều ngôi nhà lân cận. một vụ nổ lò hơi nhà máy gạch trước đó, cũng đã gây ra hậu quả nặng nề. 

Sự việc xảy ra vào rạng sáng 23-8 tại Nhà máy Granite Trung Đô KCN Bắc Vinh, tỉnh Nghệ An, khi các công nhân đang làm việc thì 1 trong 4 lò hơi (than hóa khí) của nhà máy bất ngờ phát nổ. Vụ nổ lớn khiến 2 công nhân bị bỏng nặng và tử vong tại bệnh viện dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa.

Đã đến lúc cần phải có các biện pháp siết chặt công tác phòng chống cháy, nổ tại các khu công nghiệp và đặc biệt thường xuyên kiểm tra hạn định các thiết bị máy móc như lò hơi trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy. Bởi những lò hơi công nghiệp này không khác gì một quả bom hẹn giờ, có thể nổ bất cứ lúc nào và lúc đó hậu quả sẽ rất nặng nề.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Nguyên phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động – Cục An toàn Bộ LĐ-TBXH, Nguyên phó giám đốc Trung tâm Kiểm định KTAT – Bộ NN & PTNT thì hiện nay thực trạng tai nạn lò hơi đang diễn ra với tần suất và  mức độ nghiêm trọng, các sự cố ngày càng tăng.

Nguyên nhân chính vẫn là do: Công tác quản lý của các cơ quan liên quan từ Trung ương, địa phương  trong khâu thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, kiểm tra chất lượng, kiểm định... các thiết bị chịu áp lực không tốt mặc dù các văn bản pháp luật liên quan xem ra có vẻ chặt chẽ, rất khó khăn cho các doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng thiết bị không đảm bảo an toàn vẫn được sử dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ mong giảm chi phí nên đầu tư công nghệ, thiết bị kèm theo lạc hậu tiềm ẩn yếu tố nguy hiếm cao. Việc sử dụng lò hơi cũng phụ thuộc rất lớn vào số lượng và trình độ người lao động. Trong khi đó, trình độ nghiệp vụ và kiến thức an toàn của người lao động thấp, chủ yếu được đào tạo ngắn hạn, trực tiếp tại chỗ, dễ làm sai hoặc vi phạm quy trình vận hành, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị.

Doanh nghiệp sử dụng và đơn vị kiểm định chưa phối hợp tốt để thực hiện đầy đủ các quy định trong quá trình kiểm định. Chất lượng kiểm định viên, thiết bị kiểm định chưa tốt. Các quy trình kiểm định đến nay cần phải được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho đầy đủ, chi tiết và phù hợp với công nghệ, thiết bị kiểm định hiện tại.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình, sản xuất, vận hành, tránh những tai nạn thương tâm, điều quan trọng nhất khắc phục đồng bộ các nguyên nhân theo trình tự ưu tiên đã nêu một cách thực chất, hiệu quả chứ không phải là siết chặt làm tăng chi phí xã hội mà sự cố tai nạn vẫn tiếp diễn.

Ngọc Trâm
.
.
.