Ẩm thực và văn hoá Việt trong mắt các nhà báo ngoại quốc
Từ nghệ thuật ẩm thực ấn tượng
Có mặt tại Trung tâm Báo chí quốc tế trong buổi trưa ngày đầu tiên mở cửa (26-2), chúng tôi choáng ngợp bởi số lượng phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại đây. Với sức chứa gần 4.000 phóng viên cùng dàn trang thiết bị hiện đại, phục vụ 24/24, Trung tâm Báo chí quốc tế từng được Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh "là nhà" của cánh phóng viên trong suốt Hội nghị thượng đỉnh.
Phóng viên nước ngoài xếp hàng để thưởng thức đặc sản Hà Nội. |
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trong cuộc họp báo quốc tế hôm 25-2 cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phục vụ công tác đưa tin, tuyên truyền cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Theo đó, các nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng nhất của Thủ đô đã được mời đến phục vụ miễn phí các món ăn nổi tiếng như bún chả, bún thang, nem, phở, bánh khúc, giò chả, chả cốm, chè sen và cà phê trứng… cho phóng viên.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Hương Thuỷ, Phó phòng Quản lý di sản, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội nói, "9 món được lựa chọn phục vụ miễn phí bữa sáng cho phóng viên gồm: phở Thìn, bún thang, bún chả, xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, chả cốm Mễ Trì, chè sen Tây Hồ, bánh khúc cô Lan, cafe trứng Giảng.
Tất cả đều được những nghệ nhân nổi tiếng nhất tự tay chế biến và giới thiệu sản phẩm. Cả phóng viên trong nước và quốc tế đều rất thích thú với các món ăn của chúng tôi. Có thời điểm các bạn phải xếp hàng đợi đến lượt được thưởng thức. Bữa trưa và bữa tối thì chúng tôi phục vụ ăn buffet".
Cũng theo lời bà Thuỷ thì lãnh đạo Thành phố và các cơ quan ban, ngành ngày nào cũng đi kiểm tra, đôn đốc công tác phục vụ ẩm thực cho phóng viên. Chỉ cho chúng tôi một đoàn phóng viên đang xếp hàng ở quầy có bún thang của khu ẩm thực, bà Thuỷ chia sẻ: "Chúng tôi vui lắm vì các phóng viên rất thích thú với những món ăn này. Có những người còn ăn đến 2 bát".
Hai phóng viên Nga mê nón lá Việt Nam. |
Tế nhị kéo chúng tôi về phía phóng viên Derak của Mỹ đang đứng tần ngần trước quầy bún thang, một nhân viên phục vụ trong khu vực nhà ăn kể, anh chàng phóng viên này hai ngày (26 và 27 tháng 2), sáng nào cũng đến ăn 2 bát bún thang.
Khi được hỏi, Derak nói: "Tôi cảm thấy các món ăn truyền thống của Việt Nam rất ngon, món mà tôi thích nhất là bún thang. Tôi đã thưởng thức nó liên tục trong 2 ngày đầu rồi. Những ngày tới tôi sẽ cố thưởng thức hết tất cả những món ăn truyền thống được phục vụ tại đây".
Đến những góc nhỏ Hà Nội đáng yêu
Nhìn sang bên cạnh, quầy phở cũng đông đúc không kém. Bưng bát phở bò tái chín còn nóng hôi hổi trên tay, phóng viên Michael thuộc một hãng thông tấn Mỹ tâm sự: "Tôi rất thích phở Việt Nam. Và đây là lần đầu tôi được thưởng thức một bát phở trên đất nước của các bạn. Nó khác xa so với vị phở tôi thưởng thức tại Mỹ".
Trao đổi với chúng tôi, Takahashi Yusuke, bình luận viên cao cấp của Đài Phát thanh- Truyền hình NHK (Nhật Bản) cho biết, NHK có tổng cộng 39 phóng viên đến tác nghiệp tại Việt Nam và tất cả đều hài lòng trước sự hỗ trợ cánh nhà báo của nước chủ nhà: "Mọi thứ ở đây vượt trên mong đợi của chúng tôi, đặc biệt là sự thân thiện của người Việt Nam. Chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì đáng kể khi tác nghiệp tại Hà Nội.
Ngược lại, chúng tôi còn được phục vụ chu đáo, được thưởng thức những món ăn rất riêng của Việt Nam. Trên cả tuyệt vời. Tôi từng tham gia các sự kiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Washington, Jakarta và một số địa điểm ở Trung Đông, nhưng Hà Nội là một trong những thành phố khiến tôi ấn tượng nhất".
Còn phóng viên Paul Walker, Kênh truyền hình Seven Network (Australia) lại chỉ ước khi hội nghị kết thúc, nhóm của anh có thể ở lại lâu hơn để dạo quanh Hà Nội và gặp gỡ, tìm hiểu về con người, văn hóa, nhất là những món ăn mà mọi người nhắc tới rất nhiều trong mấy ngày qua. "Hà Nội là một thành phố tuyệt vời! Tôi có thể cảm nhận rõ rằng những ngày này, Thủ đô của các bạn bận rộn hơn nhưng cũng tràn đầy sức sống".
15h chiều 26-2, phía bên ngoài cổng Trung tâm Báo chí quốc tế là một nhóm phóng viên đến từ nhiều hãng tin đang cùng trò chuyện trong lúc chờ đợi chuyến xe lên sân bay Nội Bài để ghi hình và đưa tin chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump hạ cánh. David McCagg, phóng viên của hãng tin NHK thân thiện bắt chuyện cùng chúng tôi và chia sẻ rằng mình mới chỉ đến Hà Nội vào sáng sớm nay với phần lớn thời gian dành cho việc "rượt đuổi".
"Thực ra tôi đã đến Việt Nam một lần rồi để đưa tin về chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tôi rất yêu Việt Nam và những gì đang trải nghiệm càng khiến tôi yêu đất nước này hơn", McCagg cười nói.
"Tôi yêu những món ăn, tôi yêu những góc nhỏ Hà Nội, và tôi yêu cả cách các bạn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho chúng tôi nữa", anh chia sẻ. Đứng bên cạnh David McCagg, nữ phóng viên Jung In Sohn, Đài TBS (Hàn Quốc) thì tiếc không có nhiều thời gian: "Món ăn Việt Nam rất ngon. Tiếc là nhóm tác nghiệp của TBS chưa có thời gian tham quan Hà Nội, vì bạn biết đấy, phóng viên thì ai cũng đều đang vô cùng bận rộn'.
Trong khi đó, anh Bhavan Jaipragas, phóng viên báo South Morning China Post viết trên Twitter cá nhân rằng: "Người Việt Nam đặc biệt xem trọng các món ăn dành cho truyền thông quốc tế - tương tự như Singapore đã làm vào năm ngoái. Tại trung tâm báo chí, họ còn tổ chức triển lãm nghệ thuật chế biến món ăn của Hà Nội".
Và những món quà độc đáo
Được biết, ngoài việc giúp các phóng viên thưởng thức ẩm thực miễn phí tại Trung tâm Báo chí quốc tế, Hà Nội cũng đã yêu cầu Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội thì miễn phí xe buýt (bao gồm cả tuyến xe city tour 2 tầng) cho các phóng viên trong và ngoài nước có thẻ đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều từ ngày 25-2 đến hết ngày 2-3. Có 4 xe buýt 2 tầng được đưa vào phục vụ, cứ 15 phút lại có một chuyến, đưa các phóng viên đến tất cả địa điểm để tác nghiệp miễn phí.
Các món ăn Việt phục vụ trong Trung tâm Báo chí quốc tế được tờ SCMP đăng tải. |
Riêng tại Trung tâm Báo chí quốc tế, ở một bàn tiếp nhận đăng ký của công ty lữ hành, phóng viên quốc tế có thẻ tác nghiệp tại hội nghị lần này nếu không phải chạy đua với sự kiện có thể đăng ký những tour du lịch kéo dài một ngày để khám phá vẻ đẹp cổ kính, lãng mạn và hoà bình của Hà Nội hoặc các điểm du lịch nổi tiếng lân cận Hà Nội như Hạ Long, Ninh Bình…
Với các city tour, Hà Nội muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên trải nghiệm thực tế hoặc kết hợp khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong mọi ngóc ngách của Hà Nội qua hoạt động nhiếp ảnh, quay phim.
Các tour khám phá nghệ thuật, bảo tàng mỹ thuật Việt Nam là sản phẩm đặc thù, có thời lượng khoảng 3 tiếng, dành cho 5 người/tour và mỗi ngày phục vụ khoảng 30 đến 35 người… Và chỉ 10 phút sau khi đăng ký online, các phóng viên sẽ được thu xếp để tiếp đón, đưa đi từ Trung tâm báo chí quốc tế.
Chưa hết, Hà Nội còn gây ấn tượng với phóng viên trong và ngoài nước với những món quà lưu niệm rất riêng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Đó là bộ tem "Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội" được thiết kế bởi họa sỹ Nguyễn Du và Tô Minh Trang của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Bộ tem gồm 1 mẫu có giá mặt 4.000đ, khuôn khổ 43mm x 32mm và 1 blốc tem với khuôn khổ 222mm x 114mm; được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 26-2-2019 đến ngày 31-12-2020.
Mẫu tem thể hiện quốc kỳ Việt Nam và cánh chim hòa bình với dòng chữ "partnership for sustainable peace" nhằm khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cũng như sự thân thiện, mến khách và đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với nền hòa bình bền vững trên toàn thế giới. Dưới mẫu tem là hình ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội - nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Với ngôn ngữ riêng hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhiều thông tin, mẫu tem nhỏ này đã góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp "Việt Nam - điểm đến an toàn thân thiện"; "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" tới bạn bè, cộng đồng quốc tế; đồng thời khẳng định vai trò của một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có trách nhiệm và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế trong việc góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.
Tranh Đông Hồ, nón lá, chè sen… cũng nằm trong danh sách các món quà riêng của Hà Nội dành tặng giới báo chí. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất phải kể đến trống đồng Việt Nam thu nhỏ. Chiếc trống được các nghệ nhân gốm Chu Đậu chế tác phỏng theo phiên bản trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ.
Đây là sản phẩm độc quyền của Hà Nội gắn liền với sự kiện Hà Nội đăng cai giải đua ô tô Công thức 1 (Formula One - F1) với mong muốn khi giải đua diễn ra năm 2020, các phóng viên quốc tế sẽ quay lại Hà Nội tham gia sự kiện này.
Chu Đậu là dòng gốm giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và là nghề truyền thống được truyền lại từ hàng trăm năm trước. Gốm Chu Đậu đang được sử dụng rộng rãi làm quà tặng, đồ gia dụng, đồ trang trí, sưu tập...; được Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng làm quà tặng như một biểu tượng văn hóa của đất nước trong các dịp ngoại giao quan trọng. Đây cũng là dòng gốm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng: "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam" và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm Châu".