Kiểm tra hàng loạt cửa hàng Con Cưng có dấu hiệu bất thường

Thứ Bảy, 28/07/2018, 16:00
Sự việc chuỗi cửa hàng Con Cưng bán các sản phẩm dành cho mẹ và bé vừa bị cơ quan chức năng phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn… khiến dư luận đặc biệt quan tâm.


Sự việc này khiến người ta nhớ lại vụ việc các sản phẩm khăn lụa của nhãn hàng Khaisilk bị phát hiện làm giả nguồn gốc, xuất xứ xảy ra cách đây chưa lâu.

Trong hai ngày 22 và 23-7, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và 24 Đội Quản lý thị trường ở các quận, huyện của Chi cục đã kiểm tra tất cả 70 cửa hàng của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) trên địa bàn thành phố. Bước đầu kết quả kiểm tra, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm tại các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng.

Một cửa hàng Con Cưng.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm khi kiểm tra tại Con Cưng. Trong đó, có những sai phạm như một số loại hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, xuất xứ. Nhiều sản phẩm có nhãn dán chồng lên nhãn in trên bao bì.

Cụ thể, loạt hàng quần áo dành cho bé tại cửa hàng số 78 Tôn Thất Tùng (phường Bến Thành, quận 1) có in nhãn hiệu CF cùng xuất xứ "Made in Thailand" bị phát hiện không có gắn tem, mác nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định. Nhãn mác không được may liền vào sản phẩm như thông thường mà treo rời vào móc, dễ dàng tháo gỡ, không liên quan gì đến sản phẩm.

Không chỉ quần áo, các mặt hàng mỹ phẩm bày bán tại cửa hàng cũng bị phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Nổi bật nhất là sản phẩm kem massage bụng TitiOne (trị giá 1.380.000 đồng). Trên sản phẩm có dán tờ tem nhỏ in rõ "Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TitiOne", nhưng khi bóc lớp giấy này ra, công ty sản xuất được in trực tiếp trên sản phẩm lại là Công ty TNHH G&C.

Các sản phẩm được kiểm tra tại cửa hàng Con Cưng địa chỉ 833 Hồng Bàng (phường 9, quận 6) và địa chỉ 424 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3) đều xảy ra tình trạng tương tự.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng trăm mặt hàng phấn, sữa tắm, dầu gội, sữa dưỡng da… hiệu Johnson's và Johnson's baby. Những sản phẩm này do Thái Lan, Philippines, Malaysia sản xuất và có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm. Tuy nhiên, không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm… theo quy định.

Đa số các cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa đối với các số hàng bị tạm giữ. Trong đó, cửa hàng Con Cưng tại số 78 Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, quận 1 là có nhiều vi phạm nhất. Cụ thể, cửa hàng không gắn tên địa điểm kinh doanh.

Chưa xuất trình được xác nhận của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh về chương trình khuyến mãi quần áo trẻ em mà Con Cưng đang thực hiện. Đặc biệt, cửa hàng này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa đối với 1.841 đơn vị sản phẩm các loại (quần áo, kính mát, đồ chơi, đồ dùng cho mẹ và bé). Nhãn hàng hóa không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, năm sản xuất và dán che một phần nhãn gốc.

Những năm gần đây trên thị trường, Con Cưng là một thương hiệu nổi tiếng chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai. Tuy nhiên, sự vào cuộc kiểm tra đồng loạt các cửa hàng Con Cưng như đề cập phía trên bắt nguồn từ một sự cố bất ngờ đã phơi bày khá nhiều bất thường từ những sản phẩm của thương hiệu này.

Theo đó, ngày 22-5, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ tại phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) mua 7 sản phẩm cho trẻ sơ sinh là con đầu lòng của ông, với giá trị gần 1,5 triệu đồng tại cửa hàng Con Cưng (đường Âu Cơ, quận Tân Bình).

Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài tay, màu hồng mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng ông Vĩnh phát hiện dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion - NV), ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Sau khi liên hệ với Công ty cổ phần Con Cưng, ông Vĩnh đã nhận được tin nhắn với nội dung: "Vì lý do sản phẩm dưới đây (hình bộ quần áo) gặp sự cố kỹ thuật trong quá trình gắn nhãn, Con Cưng sẽ thu hồi sản phẩm bị lỗi và xin gửi đến khách hàng mã code mua hàng trong tin nhắn, tương đương với giá trị sản phẩm quý khách đã mua dưới đây, có thời hạn hết ngày 30-6-2018.

Quý khách vui lòng mang sản phẩm bị lỗi đến cửa hàng Con Cưng gần nhất để đổi trả lại sản phẩm mới". Tuy nhiên, ông Vĩnh không hài lòng với cách giải quyết nêu trên của công ty.

Ông Vĩnh cho biết: "Tôi mua sản phẩm ở Con Cưng có giá tương đối cao. Ví dụ: bộ quần áo nói trên nếu mua ở các siêu thị thì giá chỉ vài chục đến 100 ngàn, nếu mua ở chợ chỉ 20-30 ngàn đồng một sản phẩm tương tự.

Tuy nhiên, vì vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe cho con tôi, tôi đã bỏ ra hơn 300 ngàn đồng để mua một bộ quần áo sơ sinh. Trước đó, gia đình tôi cũng đã nhiều lần mua đồ ở đây do tin tưởng vào chất lượng, uy tín của Con Cưng".

Cũng theo ông Vĩnh thì sau khi xảy ra sự việc, phía Con Cưng chỉ thông báo đã thu hồi sản phẩm và gửi thư xin lỗi. "Vấn đề mà tôi quan tâm là sản phẩm trên thật sự có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… hay hàng trôi nổi từ đâu? Lô hàng công ty đã nhập về có số lượng là bao nhiêu, đã bán ra được bao nhiêu?

Thu hồi được bao nhiêu sản phẩm? Hướng xử lý của công ty đối với các khách hàng đã mua phải sản phẩm này là như thế nào? Công ty chưa có câu trả lời rõ ràng. Bỏ số tiền lớn ra hy vọng đảm bảo an toàn cho con nhưng lại gặp phải việc này khiến tôi mất hết niềm tin vào chuỗi cửa hàng này", ông Vĩnh tỏ ra búc xúc.

Do không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía Con Cưng, ông Vĩnh đã đến cửa hàng lập biên bản trả hàng, đồng thời gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) về trường hợp của chuỗi cửa hàng này.

Sản phẩm có dấu hiệu bị thay đổi tem nhãn.

Sau những động thái của khách hàng và cơ quan chức năng như đã kể trên, Con Cưng đã công bố một thông cáo báo chí để "nói lại cho rõ". Trong đó, đại diện lãnh đạo Con Cưng khẳng định toàn bộ sản phẩm nằm trong lô hàng mà ông Trường Đình Công Vĩnh đã mua được sản xuất tại Thái Lan, sử dụng 100% nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ Thái Lan và các nước ASEAN.

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, công ty (Con Cưng) đã ngay lập tức làm việc với nhà sản xuất và xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu thành phẩm. Lô hàng này được đặt sản xuất dưới thương hiệu CF tại Thái Lan.

Sau khi kiểm tra, công ty nhận định sản phẩm này không đạt yêu cầu để bày bán tại Con Cưng nên đã tiến hành thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Việc thu hồi được thực hiện trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua, bất kể những sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.

"Chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi của Con Cưng là đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng. Chúng tôi thành thật xin lỗi quý khách hàng. Chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm nội bộ và cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ để không xảy ra các sai sót tương tự", thông cáo nêu rõ.

Dù Con Cưng đã giải thích và nhận lỗi như trên, nhưng theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công thương, qua kiểm tra bước đầu tại một số cửa hàng, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm về nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, sản phẩm cần được làm rõ, đối chiếu theo tờ khai, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc nhập khẩu.

"Về nguyên tắc, sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần... dịch trung thành từ tem nhãn gốc. Nhưng hầu hết các sản phẩm được nhập từ Thái Lan tại cửa hàng chỉ in thông tin mờ nhạt trên sản phẩm và dễ dàng bị xóa đi chỉ sau vài lần giặt.

Trong khi đó, mác lại được treo bên ngoài móc, có thể dễ dàng thay đổi, thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm…", ông Trần Hùng cho biết.

Cũng theo ông Trần Hùng, từ kết quả kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục kiểm tra thật kỹ lưỡng, lập biên bản tịch thu tạm giữ tất cả các sản phẩm có dấu hiệu sai phạm để tiến hành xác minh, có phương án xử phạt thật nghiêm nếu phát hiện hành vi giả dối, gian lận trong hoạt động kinh doanh của công ty này. Tiếp đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ mở rộng kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng Con Cưng trên toàn quốc, không riêng TP Hồ Chí Minh…

"Sau khi kiểm tra xong, chúng tôi sẽ làm việc lại với lãnh đạo Con Cưng để làm rõ mọi vấn đề và đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Từ đó, nhằm mang lại niềm tin cho người tiêu dùng và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp", ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Sự việc này khiến người ta nhớ lại vụ việc các sản phẩm khăn lụa của nhãn hàng Khaisilk bị phát hiện làm giả nguồn gốc xuất xứ xảy ra cách đây chưa lâu, càng khiến người tiêu dùng thêm bức xúc.

Có thể thấy, dù các vụ việc gian lận thương mại liên tiếp bị phanh phui, nhưng để xử lý dứt điểm tình trạng này thì hầu như các cơ quan chức năng chưa có được những chế tài đủ mạnh. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan nhà nước phải có biện pháp răn đe đủ mạnh tránh những trường hợp tương tự.

Có thể nói, để tạo dựng được một thương hiệu đã khó, nhưng giữ được vị thế thương hiệu trên thị trường lại càng khó hơn và càng không thể bền vững nếu chỉ dựa vào kiểu làm ăn gian dối, chụp giật. Do đó, đừng vì lợi nhuận mà bất chấp mọi thủ đoạn, chà đạp nên đạo đức kinh doanh, nghề nghiệp và đặc biệt là đánh cắp lòng tin của người tiêu dùng. Bởi nói cho cùng sau các vụ việc gian lận thương mại của các doanh nghiệp nhằm trục lợi bất chính, thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng phải gánh chịu.

Hiện tại, Con Cưng có 311 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó TP Hồ Chí Minh có 105 cửa hàng. Đây có thể nói là một bài học lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và có dự định xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức được rằng, không thể tạo dựng thương hiệu mà quên đi giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm và tính trung thực.

Đồng thời, đây cũng là tiếng chuông cảnh báo về những bất cập, lỏng lẻo trong quản lý. Sự việc chỉ bị phanh phui sau khi có phản ánh của người tiêu dùng, sau đó mới đi kiểm tra, khắc phục, xử lý là quá muộn. Và dù hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Con Cưng.

Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc các doanh nghiệp bán mặt hàng không đúng với nhãn hiệu, nguồn gốc đã đăng ký thì các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chưa kể người tiêu dùng cũng cần thể hiện quyền của mình một cách "khó tính" hơn nữa.

Phú Lữ
.
.
.