Xử lý nghiêm đối tượng tung tin sai lệch về dịch bệnh trên mạng xã hội

Thứ Ba, 17/08/2021, 07:27

Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì “virus” tin giả, tin sai sự thật được những đối tượng xấu phát tán, lây lan trên mạng xã hội nhanh chóng. Lực lượng Công an TP Đà Nẵng và Công an các địa phương trên địa bàn đã tập trung nhiều biện pháp đấu tranh trên không gian mạng, kiên quyết không để những đối tượng xấu sử dụng tin giả gây hoang mang trong cộng đồng...

Trước khi UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2788 bổ sung các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn TP từ ngày 16/8 đến 23/8, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, thì một số Fanpage trên mạng xã hội đã rộ lên một số thông tin không chính thống khiến nhân dân lo sợ, hoang mang khi ở nhà sẽ bị chết đói, không được hỗ trợ… Từ đó gây ra hệ lụy, có không ít người bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh đổ xô mua thực phẩm tích trữ.

Xử lý nghiêm đối tượng tung tin sai lệch về dịch bệnh trên mạng xã hội -0
 Công an TP Đà Nẵng xử lý một đối tượng đưa tin giả trên mạng xã hội.

Theo chị Nguyễn Thị L. (người dân quận Hải Châu) chia sẻ, để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, chị thường xuyên theo dõi, lướt mạng xã hội, biết được TP áp dụng biện pháp giãn cách toàn xã hội “ai ở đâu thì ở đó”. Đọc được một số trang mạng cho rằng, khu vực quận Sơn Trà chậm cung ứng thực phẩm cho người dân. Rất lo sợ bị thiếu đồ ăn nên dù biết dịch nguy hiểm chị vẫn chen vào để mua thực phẩm cho gia đình.

Em Nguyễn Việt Thắng, sinh viên Khoa báo chí, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nói rằng, em sử dụng mạng xã hội để theo dõi thông tin tình hình dịch bệnh và rất thường theo dõi trang Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng, Truyền hình An ninh Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng… vì đây là những trang thông tin chính thống, có độ tin cậy cao.

“Thời gian gần đây, trên những trang mạng xã hội xuất hiện nhiều Fanpage với những tên gọi như “page này tạo ra để 4 năm sau tôi buôn nông sản Việt ra thế giới, Saram Lust- Đồ tập cao cấp, Ulrich von Liechtenstein… bình luận, chia sẻ những thông tin tiêu cực về công tác phòng, chống dịch. Nếu mọi người đọc vào thì sẽ rất lo lắng. Là sinh viên báo chí, em thường hay nhắc mẹ đọc những tin chính thống, tránh nghe những thông tin sai lệch gây hoang mang”, em Thắng nói.

Bên cạnh việc phát hiện, xử lý những đối tượng vi phạm, việc đấu tranh trực tiếp, phản bác các luận điệu, bình luận sai lệch trên không gian mạng cũng được các cán bộ, chiến sỹ Công an TP Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ. Trung tá Huỳnh Đức Lâm, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Thi đua, Khen thưởng, thuộc Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an TP Đà Nẵng cho biết, người dân thường có tâm lý đám đông, tin vào những thông tin giật gân, câu khách trên các trang mạng xã hội và chia sẻ nó cho những người thân của mình. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được kiểm chứng, nếu như chia sẻ sẽ gây sự hoang mang dư luận.

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng thường lợi dụng độ trễ trong việc cung cấp thông tin chính thống về dịch bệnh để tung các thông tin bịa đặt. Thủ đoạn thường dùng là lồng ghép thật và giả, giả mạo thông tin, phát ngôn cơ quan chức năng bằng thông tin thất thiệt, đánh vào sự tò mò của nhân dân. Để ngăn chặn tình trạng trên, trên 2 trang Fanpage Tiên Sa và Truyền hình An ninh Đà Nẵng thường xuyên đăng các tin bài tuyên truyền về nỗ lực của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng Công an TP. Từ đó góp phần định hướng dư luận, giúp người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch, tin tưởng vào sự lãnh đạo của TP Đà Nẵng. Các bài viết trên 2 trang Truyền hình An ninh Đà Nẵng và Tiên Sa đều được dư luận đánh giá rất cao với hàng trăm lượt chia sẻ, nhận được nhiều sự tin cậy của nhân dân...

Việt Thành
.
.
.