Công an Bình Dương quyết đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen”
- Không để “tín dụng đen” hoạt động trên địa bàn
- Kiềm chế phạm pháp hình sự nhờ kiểm soát chặt “tín dụng đen”
- Để tín dụng đen “hết đất sống”
Chị Bùi Thị Nguyệt (28 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An), cho biết, cách đây hơn 2 tháng, do thiếu tiền đóng học phí cho con gái nên chị đã gọi điện thoại theo số trên tờ rơi cho vay tài chính dán ở cột điện gần phòng trọ.
“Chỉ vài phút sau, có người đến gặp, xưng là nhân viên tín dụng đến hỗ trợ tôi tàm thủ tục vay. Người này nói công ty sẽ cho vay 20 triệu đồng trả góp, nhưng thực tế chỉ khoảng 17 triệu đồng (lãi suất 14%/tháng). Tôi chợt nhớ đến lời cảnh báo của cán bộ Công an từng đến từng dãy phòng trọ nói về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay của tội phạm tín dụng đen nên tôi quyết định không vay tiền theo hình thức này mà tìm đến ngân hàng. Sau đó, tôi đã vay được tiền lo cho con gái”.
Anh Trần Đức Vũ (35 tuổi, ngụ huyện Dầu Tiếng), bày tỏ: “Qua cách tuyên truyền của Công an tỉnh đến người dân như phát tờ rơi thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen; Công an phối hợp cùng chính quyền xé các tờ rao vặt “vay không cần thế chấp”, quét vôi xóa điện thoại của các đối tượng cho vay trên tường, cột điện; đặc biệt, tuyên truyền vụ triệt phá băng nhóm núp bóng Công ty Nhất Tín ở Bình Dương, người dân chúng tôi hiểu thêm được quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; thủ đoạn lợi dụng dịch vụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy nghiêm trọng của tội phạm “tín dụng đen”. Từ đó, chúng tôi có nhận thức mới hơn và quan trọng hơn là tự phòng, tránh và tích cực tố giác tội phạm”.
Công an thị xã Dĩ An tiếp nhận đơn tố cáo và thu giữ các băng rôn, tờ rơi quảng cáo cho vay tiền. |
Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, nhận định tính chất nghiêm trọng của tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ cấp tỉnh và Công an cấp huyện, thị xã, thành phố tập trung đấu tranh, làm rõ các băng nhóm; xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương thực hiện hiệu quả đối với tội phạm liên quan lĩnh vực “tín dụng đen”.
Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, xây dựng mô hình Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm và tổ dân phố tự quản… để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, phun sơn quảng cáo cho vay tài chính đến từng khu, phòng trọ có đông công nhân, lao động, sinh viên đang sinh sống; đối tượng nghi vấn đòi nợ sử dụng các hành vi đổ chất bẩn, gây mất ANTT để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để.
Công an tỉnh Bình Dương cũng tổ chức điều tra toàn diện về lĩnh vực “tín dụng đen”, xây dựng kế hoạch đấu tranh đối với các cơ sở, đối tượng hoạt động phức tạp. Tiến hành họp, đánh giá tính chất và tổ chức phân công, phân cấp để áp dụng các biện pháp quản lý, đấu tranh hiệu quả. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh là đầu mối thông tin phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng Công an tổ chức kiểm tra các địa bàn tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trái phép, ngăn chặn xử lý “tín dụng đen” khi mới manh nha hình thành.
Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, đấu tranh đối với những vụ việc, cơ sở kinh doanh, đối tượng có biểu hiện, nghi vấn phức tạp, hoạt động theo băng nhóm lưu động trên nhiều lĩnh vực, địa bàn… để khẩn trương tổ chức xác minh, lập chuyên án đấu tranh. Định kỳ, các đơn vị qua hoạt động nghiệp vụ bổ sung danh sách để tổng hợp, đánh giá và báo cáo đề xuất giải pháp cụ thể đối với các cơ sở kinh doanh. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” như: Cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thông tin thêm, hệ lụy của “tín dụng đen” gây ra cho xã hội rất lớn bởi loại tội phạm này nếu không xử lý thì sẽ gây mất ANTT, phát sinh nhiều loại tội phạm khác.
“Công an tỉnh Bình Dương đã khảo sát nắm tình hình ở các doanh nghiệp “núp bóng” như công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản… và cương quyết xử lý, đặt mục tiêu chặt đứt vòi bạch tuộc của loại tội phạm này, triệt xóa các băng nhóm tội phạm cho vay nặng lãi. Cùng với đó là công tác rà soát, lập danh sách các tổ chức cá nhân có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen, để chủ động đấu tranh, xử lý. Đến nay, Công an tỉnh đã bắt giữ, khởi tố điều tra 7 nhóm, liên quan 23 đối tượng về các tội liên quan đến hoạt động của tín dụng đen. Riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Công an tỉnh đã triệt phá 2 nhóm, bắt giữ 6 đối tượng cho vay nặng lãi”, Đại tá Trần Văn Chính nói.