Kiềm chế phạm pháp hình sự nhờ kiểm soát chặt “tín dụng đen”

Thứ Ba, 26/02/2019, 09:15
Đó là kết quả nổi bật Công an TP Hải Dương (Hải Dương) đạt được trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Với sự vào cuộc tích cực của Công an TP Hải Dương, đến thời điểm này đã có trên 50% các điểm tư vấn, hỗ trợ tài chính, cầm đồ không phép tự tháo dỡ và dừng hoạt động.


Từ đó, đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần kiềm chế tội phạm... Kết quả trên được chính quyền địa phương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trước, trong và những ngày sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi, các đội nghiệp vụ của Công an tỉnh Hải Dương dưới sự chỉ đạo của Đại tá Đặng Văn Đạm, Trưởng Công an thành phố đã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình, quản lý một số điểm tư vấn tài chính, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cầm đồ trá hình hoạt động gây mất an ninh trật tự... 80 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 68 cơ sở có giấy phép kinh doanh; 12 cơ sở không có giấy phép kinh doanh; 30 điểm tư vấn tài chính, cho vay bát họ đã được rà soát. Qua đó, Công an thành phố đã xác định 4 băng, ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, núp bóng 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, cầm đồ, tư  vấn tài chính...

Để góp phần phòng ngừa tội phạm, Đội Cảnh sát hình sự kết hợp cùng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về an ninh trật tự và Công an các phường thường xuyên kiểm tra, quản lý, giám sát các cơ sở kinh doanh cầm đồ có giấy phép, không để đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật. 

Nhóm đối tượng liên quan đến tín dụng đen bị Công an TP Hải Dương xử lý.

Đối với các cơ sở kinh doanh không có giấy phép, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm; đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ triệt để, hạn chế, ngăn chăn hoàn toàn hoạt động của các cơ sở này. Các đối tượng đứng đầu băng nhóm và một số đối tượng là người quản lý núp bóng các cơ sở kinh doanh có điều kiện để hoạt động tín dụng, Đội CSHS Công an TP Hải Dương đã lập danh sách theo dõi và quản lý nhằm phòng ngừa các tội phạm phát sinh.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương đã xử lý, khởi tố 4 vụ án, 18 bị can. Ngày 18-3-2018, nhóm 7 đối tượng do Trần Định Mạnh (SN 1991, trú tại phường Hải Tân, TP Hải Dương) cầm đầu đã đuổi đánh, không chế, bắt ép anh Phạm Quang Trường (trú tại phường Tứ Minh, TP Hải Dương) nhét vào cốp xe ôtô chở đến số nhà 106 Nguyễn Thị Duệ, phường Thanh Bình. Tại đây, các đối tượng tiếp tục đánh và bắt anh Trường viết giấy nhận vay số tiền 7 triệu đồng. 

Trong vụ án này, cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương đã bắt giữ và khởi tố 7 đối tượng.  Tiếp đó, vào khoảng 16h ngày 28-8-2018, tại quán cầm đồ Đại Đồng, thuộc khu Độc Lập, phường Ái Quốc, TP Hải Dương, Trần Đình Thức (SN 1991, trú tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã đánh đập Phạm Văn Sức (trú tại Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương) để yêu cầu Sức viết giấy bán xe ô tô BKS 34 C-188.58 cho Thức với giá 300 triệu đồng, nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền trên... Đối tượng này cũng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Qua đó, đã góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Trao đổi những khó khăn trong quá trình điều tra vụ án, Đại tá Đặng Văn Đạm, Trưởng Công an TP chia sẻ: Trong các vụ án này, người bị hại có nhiều mối quan hệ phức tạp, vay nợ nhiều nơi, nhiều người nên việc khoanh vùng đối tượng để xác định mục tiêu và đối tượng để điều tra gặp không ít khó khăn. Một số thì e ngại, xấu hổ việc nợ nần đã không trình báo hoặc hợp tác với cơ quan chức năng. 

Trường hợp khác khi đến cơ quan Công an trình báo thì giấu các thông tin liên quan đến mâu thuẫn về nợ và các đối tượng là chủ nợ. Cá biệt, một số trường hợp đã từ chối khai báo, từ chối việc cung cấp các thông tin cho cơ quan Công an để điều tra, xác minh. Đó còn chưa kể đến việc một số người vay nợ bỏ trốn, các đối tượng chủ nợ và đòi nợ thuê nhằm vào những người thân của con nợ để gây sức ép nên một số bị hại không nắm được các mâu thuẫn và chủ nợ để phục vụ điều tra. 

Trong số đó phải kể đến các vụ việc liên quan đến ném chất bẩn. Các vụ việc này thường xảy ra vào tối muộn hay đêm khuya và lúc rạng sáng là thời điểm vắng người qua lại nên không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ việc. Một số vụ việc có nhân chứng thì sợ bị trả thù nên ngại cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an. 

Trong khi đó, các chủ nợ thì có không ít thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan Công an. Các đối tượng này thường không trực tiếp thực hiện các hành di dọa hay ném chất bản mà thuê người thực hiện hành vi phạm tội. Đối tượng được thuê phần lớn là người ở địa phương khác được các chủ nợ thuê hoặc nhờ. 

Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng có sự chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước, tính toán thời gian, đường đến, đường tẩu thoát kỹ càng, hóa trang, che giấu kỹ đặc điểm nhận dạng (bịt mặt, đội mũ, mặc áo mưa, áo khoác...), phương tiện sử dụng được thay BKS giả, che BKS, dán logo, thay đổi màu sơn khi gây án thì hành động nhanh chóng rồi tẩu thoát ngay, gây án không theo quy luật, thời gian nào. Song bằng các biện pháp nghiệp vụ Công an TP Hải Dương đã trấn áp thành công tội phạm.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Văn Đạm cho biết: Một trong những kinh nghiệm dẫn đến việc thành công đó là việc Công an lắng nghe ý kiến của người dân. Được một lần “tận mục sở thị”, tham dự một buổi sinh hoạt của một đơn vị Công an cơ sở thuộc TP Hải Dương với chính quyền địa phương và người dân, chúng tôi đã phần nào hiểu rõ được chủ trương đúng đắn của Công an thành phố. Qua đó, chủ động ngăn chặn và phòng ngừa có hiệu quả các sự việc, không để phát sinh thành điểm nóng. 

Tại buổi làm việc này, người dân có thể chia sẻ các thông tin, thời gian gần đây chủ yếu là các vụ việc liên quan đến các nhóm đối tượng tín dụng đen. Đối với các thông tin liên quan đến tín dụng đen, các đơn vị nghiệp vụ đã tập trung điều tra, xác minh, nhanh chóng khám phá, làm rõ, bắt giữ đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó, đã tạo nên niềm tin cho nhân dân. 

Từ thông tin của người dân cung cấp và qua công tác quản lý nghiệp vụ, Công an TP Hải Dương vào cuộc, đến nay 32 cơ sở tư vấn tài chính đã tự tháo dỡ biển và dừng hoạt động. Trong thời gian tới, Công an TP Hải Dương sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để quản lý các điểm tư vấn tài chính, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cầm đồ và bắt giữ, xử lý các loại tệ nạn xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Giải pháp tài chính tiêu dùng

Theo Thượng tá Trần Quốc Trung - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, có rất nhiều hình thức “tín dụng đen” tồn tại, trong đó điển hình là các tiệm cầm đồ. Bên cạnh những hiệu cầm đồ, cho vay tài chính có trưng biển hiệu có giấy phép, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, còn có những cửa hàng không trưng biển hiệu, chỉ có một phòng nhỏ, kê bàn ghế, máy tính để cho vay tiền thì không có cơ quan nào quản lý.

Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là hình thức cho vay nóng, được chào mời, rao bán bằng các tờ rơi quảng cáo dán nhan nhản trên các cột điện, phố xá. Đối tượng nhắm đến của “tín dụng đen” là những người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, sinh viên, người lao động chân tay… cần tiền gấp nhưng không đủ các điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Đây là những đối tượng “dễ dụ” và cũng rất dễ tổn thương. Điều đáng nói là người vay tiền kể cả không chính đáng và chính đáng, người làm ăn chân chính và không chân chính đều không muốn lộ danh tính cá nhân. Nhưng đến khi vỡ nợ, không có khả năng chi trả thì bị các đối tượng đòi nợ, đối tượng đi vay sợ quá đi trốn thì cơ quan công an mới biết. Điều đó gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh trật tự tại địa phương.

“Theo quan hệ dân sự của luật dân sự thì được phép cho vay mượn lẫn nhau về tài sản không quy định lãi suất, nhưng sở dĩ các quan hệ vay mượn này trở thành “tín dụng đen” vì đối tượng này đã lợi dụng luật dân sự để cho vay lẫn nhau dưới các hình thức hết sức tinh vi với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp và che giấu về lãi suất.

Đối tượng phục vụ của “tín đụng đen” là những người không am hiểu pháp luật đặc biệt là về tín dụng ngân hàng, tiếp theo là những người cần vốn phát sinh mà muốn giấu giếm không ai biết; khi đòi nợ sử dụng dân xã hội đen để đi đòi nợ…”, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước phân tích.

Đi tìm giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, theo TS Cấn Văn Lực, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy lùi nạn “tín dụng đen” là phát triển tín dụng tài chính tiêu dùng. “Tài chính tiêu dùng là một cấu phần quan trọng của nền tài chính quốc gia.

Ví dụ ở Mỹ, thị trường tiêu dùng vô cùng quan trọng, tiêu dùng cá nhân chiếm tới 60% GDP. Ở Việt Nam, tiêu dùng cá nhân tương đương khoảng 67% GDP. Như vậy, nếu ta phát triển tốt tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, cả nước có 16 công ty tài chính (CTTC) cùng với 11 công ty cho thuê tài chính. Trong 16 CTTC chỉ có 4 đến 5 công ty là có thị phần chi phối, còn lại khá là nhỏ và hoạt động chưa bền vững”, TS Lực cho biết.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế- PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi cho biết, kinh nghiệm từ sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia đều cho thấy với sự hiện diện của CTTC sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của Nhà nước.

“Để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, trước hết cần có giải pháp để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của các CTTC ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của người dân chính là giải pháp quan trọng để đẩy lùi “tín dụng đen”, bà Mùi nói.

Riêng về lãi suất, bà Nguyễn Thị Mùi cho biết lãi suất cho vay của các CTTC không giống nhau. Vì lãi suất cho vay được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Lãi suất cho vay phụ thuộc vào đặc điểm của khách hàng như mức độ rủi ro của khách hàng, mức độ đầy đủ về thông tin mà khách hàng cung cấp; tính chất sản phẩm vay, thời hạn vay. Ví dụ, cùng là vay tiêu dùng, nhưng vay để mua ôtô hay xe máy hay điện thoại hay máy tính… thì lãi suất cũng sẽ khác nhau ở mỗi CTTC.

Mặt khác, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng bị biến động theo mặt bằng lãi suất của thị trường, khả năng huy động vốn của công ty tài chính. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường cho vay tiêu dùng phát triển thì mức độ cạnh tranh sẽ càng khốc liệt, các CTTC tiêu dùng muốn tồn tại và phát triển bền vững phải nâng cao năng lực tài chính, với lãi suất cho vay cạnh tranh và nâng cao chất lượng phục vụ. Điều này sẽ làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay và mang lại lợi ích cho khách hàng.

Hà An

Xuân Mai
.
.
.