Danh ca Khánh Hà: Kiếp sau vẫn muốn làm ca sĩ

Thứ Tư, 16/03/2016, 08:39
Danh ca Khánh Hà về nước trong đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cả một đời gắn với nghiệp cầm ca, cũng lên thác xuống ghềnh, nhưng bà nói, nếu kiếp sau được chọn, vẫn muốn làm ca sĩ. Vì ở đó, bà được sống đúng là mình nhất.


- Thưa danh ca Khánh Hà, bà vốn là một người kén chọn các show diễn trong nước. Vì sao, bà lại quyết định về nước lần này và chọn tham gia đêm nhạc "Lâu đài tình ái" vinh danh nhạc sỹ Anh Bằng và nhạc sỹ Trần Thiện Thanh?

+ Cái gì cũng có lý do của nó. Tuổi nào cũng thế. Tôi là một người nghệ sỹ, lại là một nghệ sỹ hải ngoại, vẫn được khán giả trong nước nhớ đến và được mời về nước hát là tốt lắm rồi. Với nhạc trữ tình của nhạc sỹ Anh Bằng, tôi đã rất gắn bó từ trước, nhất là ca khúc "Nỗi lòng người đi". Tuy nhiên, tôi chưa có nhiều trải nghiệm với dòng nhạc "sến" lắm. Tôi từng thu ca khúc "Bảy ngày đợi mong", rồi "Trên đỉnh mùa đông" của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh nhưng đó chỉ là thu, chứ chưa có hát "live". Lần này tôi muốn hát thử xem mình hát nhạc ông Trần Thiện Thanh ra làm sao.

- Ở tuổi này rồi, cảm giác của bà khi đứng trên sân khấu ra sao?

+ Với âm nhạc, tuổi nào cũng  mê cả. Khi mình dính vào nó, thì chỉ còn mê đắm.

- Người ta thường phân biệt dòng nhạc sang - sến. Là một người hát chuyên nghiệp, bà có phân biệt điều đó không?

+ Tôi nghĩ, loại nhạc nào cũng có cái hay của loại nhạc đó. Tôi đã ca loại nhạc - tôi không muốn nói là sang - trong một thời gian dài. Bây giờ, được mời hát loại nhạc khác, tôi cũng muốn thử xem sao. Khi thử, sẽ có bài hợp, bài không nhưng ít nhất mình cũng có thử.

- Trước đây, bà đã thu thử vài bài thuộc dòng nhạc sến, cảm giác của bà ra sao?

+ Bài mà tôi thấy người ta thích là "Bảy ngày đợi mong", tôi ca rất nhiều lần, còn "Trên đỉnh mùa đông", chưa thử ca "live" bao giờ cả, chỉ có thu băng thôi. Người ta cứ chê nó "mùi" ("mùi" trong chữ "mùi mẫn" - PV), chứ khi xem lại lời bài "Trên đỉnh mùa đông" của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh, tôi thấy lời rất hay. Tôi cũng thích bài "Linh hồn tượng đá"của nhạc sỹ Mai Bích Dung lắm đó. Nhưng lời của nó dành cho phái nam, tôi không thể hát được. Nhưng có lẽ, tôi sẽ phải hát thử một lần mới được. Dù cho không hát được như kì vọng thì cứ xem như mình đang kể lại cái tâm sự của người đàn ông đó đi (Cười)!

- Tôi đã từng nghe bà hát "Cho em quên tuổi ngọc" của nhạc sỹ Lam Phương, trong đó có câu "Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào". Danh ca Khánh Hà bây giờ hẳn đã đi qua cơn mộng ảo xa xôi đó rồi? 

+ Qua lâu lắm rồi, bây giờ Khánh Hà sống thực tế hơn. Nhưng đó là trong đời sống với nhiều lo toan của mình thôi; còn khi mà cầm micro và hát, mình lúc nào cũng sống về bài hát đó, sống trong không khí bài hát đó, như thể mình là một nhân vật trong đó. Chút mộng ảo và lãng mạn đó, giờ đây chỉ còn trên sân khấu mà thôi.

- Tôi tưởng đã là nghệ sỹ thì trong đời sống thực cũng mơ mộng lắm chứ?

+ Có mơ mộng nhưng ở bên Mỹ, không có được thoải mái như ở nước mình. Chạy theo cuộc sống hàng ngày nên rất thực tế, sự mơ mộng ấy vơi bớt đi phần nhiều. Chỉ có khi hát, mình vẫn nhớ về những kỉ niệm và sống về điều đó. Nghệ sỹ nói cho cùng cũng là một con người bình thường đầu trần mắt thịt mà thôi.

- Khi bà bắt đầu học hát, nghe nói người anh, ca sỹ Tuấn Ngọc chê dữ lắm, điều đó có đúng không thưa bà?

+ Lúc bắt đầu học và đi hát thử, tôi hát không có hay. Anh Tuấn Ngọc chê quá. Tôi nghĩ, thôi, chắc cái số mình không phải là ca sĩ, khỏi phải hát nữa. Nhưng tự nhiên trong năm đó, ban nhạc Uptight mời vào hát chung với Anh Tú, anh trai của tôi. Điều đó như một sự kết nối lại. Đúng một năm sau đó, nhiều người biết đến tên của Khánh Hà hơn. Từ đó, tôi lại tự nhủ, mình chắc có số là ca sĩ.

- Một năm đó, bà phải lao động ra sao để khẳng định mình?

+ Ông trời như vẽ sẵn đường đi nước bước cho tôi, nên tôi cứ thế mà đi thôi. Với vài người, có thể là ông trời giáng tội họ khi bắt họ trở thành một người nghệ sỹ. Nhưng với tôi, nó như một mối nhân duyên tốt vậy. Gia đình tôi cứ lớn lên là biết hát.

- Bà có hài lòng về mối nhân duyên đó không?

+ Quá hài lòng. Và tôi thấy mình quá may mắn nữa. Có lần, tôi nói với anh Tuấn Ngọc, kiếp sau em vẫn muốn làm ca sĩ.

- Tôi từng nói chuyện với một vài ca sỹ. Họ nói rằng kiếp sau họ không muốn làm nghề này vì nó bạc quá. Riêng ca sỹ Khánh Hà thì có vẻ khác?

+ Người nghệ sỹ, lúc nào cũng mong khán thính giả yêu mến, nhưng có người không được mến yêu lắm, họ thấy bạc. Khánh Hà không được mến yêu nhiều lắm nhưng chắc là cũng có một chút mến yêu. Một chút mến yêu thôi cũng làm tôi hạnh phúc rồi.

- Con cái của bà hình như không theo nghiệp của mẹ?Bà có buồn vì điều đó không?

+ Tôi nghĩ thế hệ mình đã hưởng hết cái phúc đó rồi nên có thể thế hệ sau mình không thể hát nữa. Tôi cũng có buồn vì điều đó. Đó là một mất mát rất lớn. Làm nghệ sỹ hay chứ! Nhưng tôi tin, mạch nguồn, cái gen nghệ sỹ trong huyết quản của gia đình tôi vẫn còn và chưa hết đâu. Tôi để ý, con tôi bây giờ đang bắt đầu đi học piano. Nó không đi hát như ông, bà, cha mẹ nó mà nó chơi nhạc. Thôi, như vậy cũng được. Đời sống sẽ bớt khô khan và trống rỗng hơn.

- Tôi thấy bà là người hát được nhiều dòng nhạc. Hình như bà không chịu thua trước dòng nhạc nào hết?

+ Mới đây, một số bạn bảo tôi "Chị có nhảy qua nhạc "mùi" không? Coi chừng chị nhảy qua nhạc mùi bọn em thích". Tôi nghĩ đó cũng là ý hay. Tôi sẽ hát theo kiểu của mình. Hơi Tây phương, hơi khàn khàn một chút.

Hồi mới bước chân ra, tôi đã hát nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc nhiều. Lớn thêm chút nữa, tôi đổi sang hát nhạc Việt Nam nhiều. Sau đó, qua Mỹ, có người hỏi sao Khánh Hà không hát nhạc tiền chiến? Thế là tôi thử. Lúc đó, tôi có thử thu một băng theo dòng nhạc này, người đầu tiên hòa âm cho tôi theo lối jazz, hơi khó bán nhưng nếu người nào biết nghe, họ sẽ thích. Cô Thanh Lan, ca sỹ lớn thời xưa nói, em à, em đừng hát láy nhiều quá, láy không tới đâu. Giờ nghe lại, tôi nghe có thấy láy mấy đâu. Sau này, ai cũng thích CD đó. Có thể lúc đó, mình thức thời hơn chút.

- Băng nhạc mà bà vừa kể, có phải là "Gọi giấc mơ xưa" không?

+ Đúng rồi. Xưa, không phải vì không có tiền đâu. Nhưng mà có một người cứ nằng nặc hỏi mua cho bằng được, nên tôi mềm lòng mà bán mất, giờ tìm lại không còn. Cái gì đầu tiên cũng nhiều kỉ niệm. Đó là lần đầu tiên tôi ăn ngủ tại phòng thu, lần đầu tiên hát nhạc tiền chiến.

- Là một người thể hiện rất nhiều ca khúc nhạc trẻ của thế hệ mình, bà thấy nhạc trẻ Việt Nam bây giờ ra sao, thưa bà?

+ Nhạc trẻ nước ngoài không quan trọng dòng nhạc mà chú trọng "beat", tức nhịp điệu. Bây giờ tôi để ý thấy, nhạc trẻ Việt Nam cũng gần như nhạc trẻ ngoại quốc rồi, chú trọng nhịp điệu hơn. Chứ như thời của chúng tôi, ca khúc chú trọng lời, dòng nhạc, nhất là lời phải đẹp. Ngay cả thập niên 90 của thế kỷ trước, lời của dòng nhạc nhẹ cũng được viết hay lắm. Tôi có thể kể ra một số cái tên như "Niềm đau chôn giấu", "Tan tác", "Tiễn em trong mưa", "Lạc mất mùa xuân", "Sa mạc tình yêu", "Ngàn năm vẫn đời". Bây giờ, lời khó thuộc quá, và nghe cũng không rõ nữa.

Hai anh em nghệ sỹ Tuấn Ngọc - Khánh Hà trong một lần hát chung trên sân khấu.

- Bà đánh giá, nhạc trẻ hiện nay đang đi lên hay đi xuống?

+ Có thể tôi thuộc tuýp người xưa rồi nên tôi thấy nó như thế. Còn với người trẻ, tôi nghĩ để hát được những ca khúc nhạc trẻ hiện nay cũng rất khó chứ không phải không đâu. Nó vẫn có cái hay của nó chứ. Chỉ là, nhiều lúc mình nghe chưa có kịp.

- Không khí âm nhạc thế hệ của bà như thế nào?

+ Rất tình tứ, lãng mạn.

- Bà có thể kể lại một vài kỷ niệm thời xưa gắn bó với việc đi hát của mình không?

+ Thực ra, tôi vào nghề rất dễ, không có phải đi qua ông này cô kia. Lúc đó chị gái Bích Chiêu, anh Tuấn Ngọc giới thiệu mình vào lại không thành công. Tự mình đi làm lại thành công rồi dần dần có tên tuổi. Nhưng có kỉ niệm đó là ở nhà, anh Tuấn Ngọc hay lấy ghita ra đánh đàn và hát đủ bài. Anh hát bài gì, mình hát bài đó. Lúc đó làm gì có đồ chơi gì ngoài cái đó. Thành ra cứ mở mắt ra, ăn uống xong xuôi chỉ có hát thôi. Tôi có cái hạnh phúc, đó là có một gia đình như gia đình tôi. Đó là một may mắn. Mấy anh em tôi cứ gặp nhau là lại đem ghita ra đánh. Anh Tuấn Ngọc đánh tông này rồi lại ngừng tông khác, anh bảo đứa nào bắt được là đứa đó thông minh. Nhưng tôi làm được hết. Vui ha. Kể lại chuyện này, tôi lại thấy nhớ anh Tú nữa. Anh là người gần mình nhất trong gia đình, gần hơn cả bố mẹ nữa. Thành ra anh ấy mất đi, đó trở thành một mất mát lớn nhất trong cuộc đời của mình. Cái gì mình yêu quý, mình không được giữ bên mình, cũng bất ngờ, đau khổ lắm.

- Từng đổ vỡ trong hôn nhân một lần, đời bà hẳn cũng nhiều thăng trầm?

+ Nói thăng trầm cũng không đúng. Thật sự, tôi không có đi ra đời nhiều, cuộc sống cũng không đến nỗi.  Ở nhà đi hát rồi về thôi. Người ta hay nói câu "lên voi xuống chó", chứ tôi thì không. Tôi cũng không bao giờ đặt ra cho mình chuyện phải làm cái này cái kia. Cuộc sống đều đều, hoặc bằng bằng hoặc đi lên. Tôi không có bị ra đời nhiều, không có phải ra đời đánh lộn với đời để có chức vị hay trở thành cái gì đó. Tôi thấy cuộc đời vô tư từng nào, mình sướng từng đó. Đừng suy nghĩ nhiều mà làm gì.

- Nghe kể, danh ca Khánh Hà lại được cuộc đời bao bọc rồi?

+ Chính xác là Khánh Hà được ông trời bao bọc.

- Bà có bao giờ cầu toàn điều gì không?

+ Tôi chỉ cầu toàn trong âm nhạc thôi. Tôi vẫn muốn ra  một CD riêng thật hay. Khó quá. Thu rồi mà chưa phát hành. Tôi vẫn chưa vừa lòng. Còn với cuộc đời, mình cứ làm những gì mình thích thôi. Ngày xưa còn trẻ, tự nhủ, phải hát cái gì mình thích, thành công hay không, không cần biết. Bây giờ, già rồi, vẫn thế. Mình thấy hay, mình thích rồi thì khán thính giả mới thích chứ.

- Xin cảm ơn bà!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.