Nhiếp ảnh gia Hải Thanh: Ảnh tư liệu có sức mạnh lưu giữ đặc biệt
- Trưng bày sách, ảnh, tư liệu về “Việt Nam-Con đường hội nhập quốc tế”
- 400 hình ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc
- Triển lãm ảnh, tư liệu về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Đức
Gặp nhiếp ảnh gia Hải Thanh trong lần anh vào TP. Hồ Chí Minh tổ chức workshop cho các bạn trẻ theo con đường ảnh tư liệu, được nghe anh nói sâu hơn về đường đi của một dòng chảy hình ảnh mạnh mẽ, có sức mạnh lưu giữ đặc biệt.
Ảnh tư liệu là cuộc chơi cá nhân
- Chào nhiếp ảnh gia Hải Thanh. Trong thể loại nhiếp ảnh nói chung thì hình như ảnh tư liệu nhận được sự quan tâm ít hơn thì phải? Ý tôi ở đây là ở phương diện người xem và cả những người trong nghề…
+ Ở nước ta, từ trước đến nay, không phải là không có người theo dòng ảnh tư liệu. Có mấy anh "cựu trào" như Dương Minh Long, Xuân Bình… rất có ý thức về làm ảnh tư liệu. Song một phần vì các anh kín tiếng quá. Hai là, dòng ảnh này chưa thực sự phổ biến ở ta nên ít người biết.
Theo quan điểm cá nhân tôi, ảnh tư liệu - ngay cái tên cũng không trùng với những thể loại ảnh khác rồi. Nhìn chung, nó là cách kể chuyện bằng ảnh, xây dựng một câu chuyện ảnh, ngôn ngữ được phép rộng mở và ít nguyên tắc hơn ảnh báo chí.
Bản thân mỗi bộ ảnh cũng được phép dùng nhiều ảnh hơn. Ví dụ như, thông thường với mỗi phóng sự ảnh, các bạn phóng viên ảnh hoặc cộng tác viên ảnh thường dùng một bộ ảnh gồm 7- 8 ảnh. Giới hạn từng đó thôi. Nhưng một bộ ảnh theo kiểu chụp tư liệu thì hoàn toàn cho phép số lượng nhiều hơn.
Ảnh tư liệu không phải để đăng báo và cũng chẳng phải để đăng online, chia sẻ trên mạng xã hội để mọi người vào like hoặc “còm”. Người ta thường dùng để triển lãm hoặc in sách nhiều hơn.
Về nội dung, ảnh tư liệu cũng khác các dòng khác; thường tập trung vào các vấn đề về văn hóa, nghệ thuật, đời sống, chính trị, xã hội rất mạnh mẽ. Cách kể chuyện càng ngắn gọn, càng dễ hiểu, càng được nhiều người tiếp cận càng tốt.
Đồng thời, dòng ảnh này được phép kể những câu chuyện có tính ẩn dụ lớn hơn; bằng một cách chậm rãi hơn; và thời gian thực hiện có thể kéo dài từ vài tháng cho tới vài năm.
Hiện nay trên thế giới, cách kể chuyện bằng ảnh tư liệu khá là phổ biến rồi; thậm chí nó đã phát triển đến mức giao thoa giữa ảnh báo chí - ảnh tư liệu, không biết gọi nó là cái gì nữa rồi.
Nhưng ở Việt Nam, ảnh tư liệu là một dòng khá mới. Đây là dòng ảnh không dành cho những người hời hợt. Bởi theo đuổi nó, vừa mất công, mất sức, lại vừa mất thời gian. Phải quan tâm, yêu thích nó thì mới theo được. Chưa kể, dòng ảnh này nặng về tính cá nhân nữa. Có những bộ ảnh hoàn toàn là trải nghiệm những cảm xúc cá nhân thôi.
Nhiếp ảnh gia Hải Thanh. |
- Ảnh nghệ thuật nặng về tính duy mỹ. Ảnh tư liệu thì sao?
+ Ảnh nghệ thuật hiện nặng về tính duy mỹ. Yếu tố đẹp là yếu tố tiên quyết. Ai cũng đi tìm cái đẹp đó cho mình. Nhưng ảnh tư liệu đôi khi không cần như vậy. Nó kể một câu chuyện cho người nghe, làm sao để người nghe hiểu câu chuyện đó càng tốt là được.
- Theo lời anh nói, rõ ràng ảnh tư liệu mang tính riêng tư nhiều hơn. Nhưng sự riêng tư có phải lúc nào cũng “chạm” được vào lòng của số đông đâu?
+ Vậy thì các nhiếp ảnh gia phải tìm ra cách nào đó để ảnh của mình đến được với người xem. Cái này thực ra đòi hỏi những người cầm máy đã bước qua những bước cơ bản, nghĩa là “sạch nước cản” trong nghề.
Bây giờ, công việc của anh không phải chụp như thế nào cho đẹp nữa, mà là kể chuyện bằng ảnh như thế nào cho hay, cho đúng ý mình muốn kể.
- Ý của anh là, ảnh tư liệu ở nấc trên so với ảnh nghệ thuật?
+ Tôi không nói thế. Hai dòng ảnh này rẽ theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau. Mỗi dòng có một mỹ cảm riêng của mình. Ảnh nghệ thuật có bộ ảnh, cũng có thể là ảnh đơn. Nó muốn tôn vinh cái đẹp. Còn cái đẹp đó có thực hay không có thực, đó là chuyện người ta.
- Còn cái đẹp của ảnh tư liệu…?
+ Ảnh tư liệu là ảnh dựa trên trải nghiệm có thực, câu chuyện thực. Cái đẹp của ảnh tư liệu là một cái đẹp có thực, của sự thật, không sắp đặt. Nếu câu chuyện nặng về tính hư cấu, tưởng tượng nhiều thì nó bắt đầu sang dòng ảnh ý niệm…
- Như tôi là một người ngoại đạo, khi nhìn một bức ảnh/bộ ảnh tư liệu, làm sao để biết đó là một tác phẩm đẹp, thưa anh?
+ Đẹp của ảnh tư liệu không theo nghĩa thông thường. Cái đẹp mà tôi nói đến ở đây là truyền tải được một nội dung đúng như người chụp muốn làm và thể hiện sinh động tùy theo khả năng từng người. Đấy là vẻ đẹp của sự có thực, của một câu chuyện được kể hay ho, tròn trịa bằng hình ảnh.
Không phải là cái đẹp kiểu khi nhìn vào, người ta thốt lên, ảnh này đẹp quá, ảnh kia đẹp quá. Vì ánh sáng đẹp, bố cục đẹp. Không phải đâu. Đẹp đó là những cái đẹp bên ngoài. Cái đẹp của ảnh tư liệu đến từ bản chất cuộc sống, từ bên trong.
Tất nhiên, sẽ là lí tưởng nếu như bộ ảnh ấy vừa có vẻ đẹp bên trong và vẻ đẹp bên ngoài. Để đáp ứng 2 tiêu chí đó thì người chụp ảnh phải trau dồi liên tục. Không thể nói tôi cần vẻ đẹp bên trong, không cần vẻ đẹp bên ngoài. Nói như thế là không đúng. Ai cũng muốn trau dồi nghề nghiệp bằng kĩ năng giỏi, kĩ thuật chụp chắc tay, nói được nhiều điều thông qua bức ảnh của mình.
- Có tất cả bao nhiêu dòng ảnh?
+ Trong khả năng hiểu biết của mình, tôi có thể kể ra một số dòng như ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, ảnh tư liệu, ảnh đường phố, ảnh ý niệm,… Tôi không ôm đồm, muốn tập trung một dòng thôi, không có tham vọng phủ sóng hết các dòng.
- Nhân nói chuyện này, tôi lại nhớ tới dòng ảnh tài liệu. Hai dòng này cứ gợi ra một sự liên quan nào đó, thưa anh? Vậy ảnh tư liệu và ảnh tài liệu thực ra là một dòng hay hai dòng khác nhau?
+ Thực ra bản chất hai dòng này là một. Nếu hiểu nôm na, ảnh tài liệu là loại ảnh ghi chép lại một sự việc nào đó thì 2 dòng không khác nhau nhiều lắm. Cũng như 2 thể loại ảnh báo chí và ảnh tài liệu cũng thế. Có một sự mờ nhòe về ranh giới thể loại ở đây. Nó chỉ khác nhau phương pháp thể hiện mà thôi. Dù là phóng viên ảnh báo chí hay một nhiếp ảnh gia chụp ảnh tư liệu thì đều có thể làm được cả hai nếu như có kỹ năng.
Một số bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hải Thanh. |
- Là một trong những nhiếp ảnh gia gắn bó với ảnh tư liệu, sức hấp dẫn của loại ảnh này là gì? Anh đánh giá như thế nào về giá trị của nó?
+ Bản chất của ảnh nghệ thuật là nâng cao thẩm mĩ cho mọi người. Còn ảnh tư liệu giá trị của nó ở thông tin. Đó là những bộ ảnh cá nhân, ảnh tư liệu là phương tiện để anh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân của anh trước cuộc đời. Và dù những bức ảnh đó hướng đến xã hội hay cá nhân riêng tư thì những tác giả đều có thể tìm thêm được một phương thức biểu đạt đặc biệt, đó là kể chuyện thay lời.
Ảnh tư liệu có sức mạnh lưu giữ mà không một dòng nào có được, nhất là với những người yêu thích tìm hiểu về văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Sức mạnh đó đến từ những hình ảnh đôi khi xù xì, thô mộc. Đó là loại ảnh không chỉ là của hôm nay, mà còn của mai sau.
Cũng như bản thân mình, khi xem những bức ảnh tư liệu ngày xưa thấy rất là quý. Vì mình nhìn thấy sự thay đổi ra làm sao. Ảnh tư liệu bây giờ cũng như thế. Con cháu mình sau này sẽ hiểu hơn về cuộc sống, đất nước thông qua những tác phẩm như vậy. Ảnh tư liệu có giá trị lịch sử. Hay nói chính xác hơn, nó giống như một nhân chứng của thời gian vậy.
- Ảnh tư liệu có một giá trị riêng biệt nhưng dường như, nó chưa được đánh giá và nhìn nhận đúng thì phải?
+ Về điều này, chúng ta phải nói đến một thực tế, đó là, ảnh tư liệu không sản sinh ra tiền. Nếu ai có động lực kiếm tiền thì hãy bỏ qua ảnh tư liệu để chọn loại ảnh khác. Nó đòi hỏi tâm huyết và chuyên môn nhiều hơn. Có thể tạm gọi có lí tưởng một chút. Chưa kể, bản thân của loại ảnh này chưa có đầu ra. Thực tại ở ta, ít người làm ảnh tư liệu có tính khoa học và hệ thống, họ chưa chú tâm lắm.
Cũng có một số đàn anh đi trước có ý thức làm nhưng chắc là chưa có dịp để họ đưa ra. Tôi dẫn chứng ra đây trường hợp anh Minh Long. Anh có một bộ ảnh rất quý về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhưng có phải lúc nào anh cũng có cơ hội để mang ra đâu.
Mà ngoài báo đài, sự cảm nhận của mỗi người, Trịnh Công Sơn còn những góc khác, ví dụ như ông sinh hoạt đời thường ra sao, gặp gỡ bạn bè thế nào… thì có một người chụp lại những điều đó cũng rất cần thiết chứ. Chân dung nhạc sỹ sẽ hiện lên trọn vẹn hơn, đầy đủ hơn.
- Tôi có cảm giác những nhiếp ảnh gia chọn ảnh tư liệu làm “lý tưởng” của mình thì sẽ đi một con đường cô độc hơn?
+ Thể loại này đúng là thế. Bản chất công việc này đã là như thế rồi. Nếu kiếm tìm sự nổi tiếng hay danh vọng thì không có đâu. Anh phải đánh đổi để được làm điều mình thích. Nhiều khi chúng tôi nói đùa, chụp ảnh tư liệu là một công việc “xa xỉ”. Nó là một cuộc chơi riêng, mang tính cá nhân của mỗi người.
- Bất cứ cái gì cũng thế, không riêng lĩnh vực nhiếp ảnh. Muốn tồn tại, phát triển, phải có thị trường. Nhưng qua cuộc trò chuyện này, tôi có thể suy ra, chúng ta chưa có thị trường về loại ảnh này?
+ Đúng là hiện nay thì chưa có thị trường. Để có thị trường, phải đi từng bước. Bước đầu tiên phải có những người làm và tạo thành một cộng đồng đi theo con đường ảnh tư liệu. Rồi giao lưu, tìm hiểu, trau dồi. Điều gì cũng thế. Phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất.
- Cảm ơn anh!