Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn: Tạc hình Tổ quốc giữa tầng không

Thứ Hai, 28/10/2019, 08:00
Giữa tầng không bồng bềnh mây và gió, Giản Thanh Sơn phác họa hình hài đất mẹ qua ống kính. Những chuyến bay từ Bắc vào Nam cho ông niềm náo nức được chiêm ngưỡng vẻ đẹp làng mạc, núi đồi, biển khơi... và ghi lại qua góc máy độc lạ.


- Sách ảnh “Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam” của ông đã khiến công chúng trầm trồ vì những bức hình tuyệt đẹp, độc, lạ về hải đảo. Cơ duyên nào để ông thực hiện bộ ảnh này?

+ Cuốn sách tập hợp khoảng 400 bức ảnh được chọn lọc từ hàng nghìn bức hình tôi chụp trong suốt 10 năm qua. Thế nhưng, ước mơ được chụp biển đảo Việt Nam từ trên cao thì tôi đã ấp ủ hơn 20 năm trước. 

Rất may là nghề báo như cái duyên đưa đẩy tôi đến với các chiến sĩ Trung đoàn Không quân 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370. Nghe các anh tâm sự rằng nhiều khi bay giữa bầu trời, nhìn xuống thấy quê hương mình đẹp làm sao. Nhưng các anh bận làm nhiệm vụ nên chẳng thể nào chụp hình lại được, thiết bị chuyên dụng chụp hình không có nhiều. Cảm xúc đó, vẻ đẹp đó, các anh chỉ biết cất giữ trong tim. 

Nghe các anh nói thế, tôi mừng lắm. Và các anh cũng mừng, vì từ đây, tôi sẽ giúp các anh ghi lại vẻ đẹp của Tổ quốc trong những chuyến bay huấn luyện. Cuốn sách lần này chỉ là một trong số các bộ sách về không ảnh mà tôi chụp từ trực thăng. Trước đó tôi đã ra mắt cuốn “Không ảnh Sài Gòn”, “Việt Nam nhìn từ trên cao”...

Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn tác nghiệp trên trực thăng.

-Các chiến sĩ Trung đoàn Không quân 917 luôn khẳng định rằng Giản Thanh Sơn đã trở thành quân nhân danh dự của đơn vị. Không phải nhiếp ảnh gia nào cũng có vinh hạnh ấy và được “đặc cách” ngồi trong khoang lái để tác nghiệp.

+ Thực hiện những bộ ảnh “độc nhất vô nhị” từ trực thăng là niềm vinh dự lớn lao của tôi. Tôi may mắn được anh em chiến sĩ không quân thương yêu từ cái thời còn tác nghiệp bằng phương tiện máy móc thô sơ. Có lẽ do các anh phi công thấy được sự chân thành, nghiêm túc, lòng đam mê, nhiệt huyết của tôi nên luôn ưu ái, tạo điều kiện tối đa để tôi hoàn thành nhiệm vụ. 

Tôi mê bay lắm, hễ nghe các anh báo sắp có chuyến bay là sắp xếp đi liền. Hôm nào có chuyến bay, 4 giờ 30 sáng, tôi đã có mặt ở sân bay. Các anh ấy còn nói vui là số giờ bay của Giản Thanh Sơn còn nhiều hơn phi công tác chiến. Đi như vậy, mình được cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với người lính, hiểu hơn tâm tư tình cảm của họ, nghe những câu chuyện của họ về bầu trời, về cuộc sống... 

Nhờ vậy mà tôi thêm trân quý và yêu lính không quân. Những tác phẩm của tôi không chỉ chụp đất nước từ trên cao mà còn lưu trữ rất nhiều hình ảnh về các anh. Một ngày nào đó, tôi sẽ sớm hoàn thành tập sách dành tặng riêng các anh. Với tôi, các anh thực sự là nghệ sĩ của bầu trời.

- Ngồi trên khoang cửa trực thăng, gió mạnh thổi tạt liên tục quả là không dễ tác nghiệp. Vậy ông đã bấm máy như thế nào?

+ Trước khi lên trực thăng tác nghiệp, tôi được các chiến sĩ huấn luyện kỹ quy tắc bay. Đặc biệt, nhiệm vụ của mình là chụp ảnh nên phải chấp hành tuyệt đối các nguyên tắc khắt khe. Những ngày đầu, ngồi ở cửa trực thăng, dù được cài dây an toàn chắc chắn nhưng hễ nhoài người chụp lúc gió mạnh là tôi thấy sợ. Chân tay bủn rủn hết. Nhưng lâu dần mình quen. 

Cảnh đẹp đất nước khiến mình sững sờ, lúc ấy thì quên hết sợ hãi, gió táp rát mặt cũng mặc kệ, chỉ chăm chăm lia máy. Cái đẹp có sức mê hoặc lạ lùng. Còn sức là còn leo lên máy bay, chụp cho kỳ hết dải đất chữ S. Đi trực thăng thế này, mình phải có sức khỏe tốt. Nên tôi cố gắng rèn luyện để mình luôn sung sức nhất mỗi khi cất cánh.

Một góc đầm An Cư, Thừa Thiên - Huế.

- Giản Thanh Sơn được biết đến là một nhiếp ảnh gia chuyên về không ảnh. Bây giờ đã có thiết bị tối tân hỗ trợ chụp từ trên cao như flycam. Sao ông không sử dụng mà vẫn tự mình lên trực thăng tác nghiệp cho nguy hiểm, nhất là giờ đây ông đã lớn tuổi?

+ Tôi không thích dùng flycam vì flycam vẫn bị giới hạn về độ cao khi chụp. Góc máy của nó cũng không đa dạng. Tôi cầm máy và trực tiếp ngắm bấm, căn chỉnh, chắc chắn sẽ có những góc ảnh lạ hơn. Ảnh về biển đảo đã có nhiều người chụp nên tôi muốn có cái nhìn từ trên cao lạ lẫm.

 Nhưng lý do quan trọng nhất khiến tôi luôn muốn cầm máy và leo lên trực thăng dù tuổi đã cao là vì cảm xúc. Với tôi, chụp ảnh phải có cảm xúc thì mới tạo ra tấm ảnh đẹp và có hồn bởi nó là nghệ thuật. Tôi không thể chụp khi lòng không mảy may rung động.

Chụp bằng flycam, đứng dưới đất điều khiển từ xa, tôi không có sự choáng ngợp, ngỡ ngàng, lòng lâng lâng tự hào như khi ngồi trên trực thăng, trực tiếp nhìn ngắm đất nước phía dưới. Tất cả thiêng liêng và xúc động lắm. Những gì quá thân thuộc với mình bỗng trở nên mới lạ, thu nhỏ trong tầm mắt và đẹp một cách lạ lùng. Cảm xúc ấy thôi thúc tôi bấm máy. 

Khi trực thăng bay qua quê hương Long An của tôi, hay bay qua làng chài, bay qua Trường Sa với ngọn quốc kỳ phấp phới..., tôi như nghẹt thở. Tôi phải lấy tay vuốt ngực, lau mắt mấy lần thì mới bấm máy nổi. Và tôi tin, những gì tôi cảm đều truyền tải đủ đầy trong mỗi bức ảnh mình chụp.

Sách ảnh “Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam”.

- Gắn bó hơn 20 năm với không ảnh đất nước, thông điệp ông muốn gửi gắm trong các tác phẩm là gì?

+ Qua các tấm ảnh, tôi muốn mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như sự thay da đổi thịt của đất nước qua từng giai đoạn phát triển. Chẳng hạn như bộ “Không ảnh Sài Gòn”, người xem có thể thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của Hòn ngọc Viễn Đông một thời. Những cao ốc chọc trời, những khu đô thị sầm uất, cây cầu hiện đại mọc lên càng nhiều.

Riêng bộ sách “Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam”, tôi muốn nhấn mạnh đến tiềm năng du lịch, kinh tế biển và chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm của Việt Nam. Từ trên trực thăng nhìn xuống, phong cảnh bờ biển cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trên biển quê hương như đan xen, quấn quýt ôm chặt vào nhau. 

Đảo Trường Sa Lớn giống như mũi một con tàu hiên ngang vững chãi giữa biển khơi. Tất cả nhằm mang đến hình ảnh một Việt Nam hiền hòa, khát vọng hòa bình với vẻ đẹp bất tận của những hòn đảo và bờ biển dọc dài từ Bắc đến Nam.

- Xem tác phẩm của ông, nhà văn Trần Nhã Thụy đã thốt lên rằng: “Mỗi hòn đảo mà Giản Thanh Sơn chụp là một trái tim”. Quả vậy, mỗi hòn đảo ông chụp đều mang hình hài quả tim theo đúng nghĩa đen. Nhưng ai cũng hiểu rằng, để làm nên những tấm hình đó, nó gửi gắm bao tâm huyết của người nghệ sĩ.

+ Tôi không nghĩ mình sẽ chụp hình theo kiểu cách như thế này, như thế kia dù mình khá khó tính, luôn chăm chút kỹ lưỡng. Tôi bấm máy theo cảm xúc và tiếng nói của trái tim mình. Nước Việt mình đẹp quá nên tất cả các bức ảnh, tôi tuyệt nhiên không hề chỉnh sửa photoshop hay cắt cúp. Chỉ có những tấm bị cháy sáng, ánh sáng yếu hoặc bị mờ thì tôi mới bỏ đi.

Côn Đảo dưới ống kính của Giản Thanh Sơn.

- Trong những chuyến bay như thế, có khoảnh khắc bấm máy nào khiến ông nhớ mãi không?

+ Kỷ niệm thì nhiều lắm vì với tôi, thời gian ngồi trên khoang lái tác nghiệp luôn là thời gian rất đáng nhớ. Nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất một vài lần máy bay lướt ngang cơn mưa. Trời đang nắng gay gắt thì đám mây mọng nước bay ngang qua và bắt đầu rơi từng giọt xuống đất. Mà dưới kia, là ruộng đất khô cằn, đồi khô cỏ cháy. Thấy mưa như thấy sự sống bắt đầu nảy mầm. 

Tôi và các anh em tổ lái đều reo hò vui sướng. Chắc bà con ở dưới những mảng ruộng bé xíu như ô diêm kia cũng đang reo mừng. Các bức ảnh mà tôi chụp trong màn mưa đó rất đẹp và lạ. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, tôi sẽ giới thiệu tác phẩm đó đến mọi người.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn sinh năm 1957 tại Cần Giuộc, Long An. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, cử nhân Văn khoa, Tiến sĩ danh dự của World Records University (WRU). Ông đã có 5 lần xác lập kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh - báo chí, đồng thời được Liên minh Kỷ lục thế giới tại Ấn Độ, Mỹ và Anh vinh danh vì sự cống hiến cho quốc gia và cộng đồng. Ông từng tác nghiệp tại 89 quốc gia. Một số bộ sách ảnh tiêu biểu của ông: “Chân dung chính khách”, “Vị thế Việt Nam”, “Không ảnh Sài Gòn”, “Việt Nam nhìn từ trên cao”...

Nguyễn Trang (thực hiện)
.
.
.