Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Chỉ những tâm hồn đủ tinh tế mới nhận ra vẻ đẹp của Hà Nội

Thứ Hai, 21/10/2019, 13:39
Với nhiếp ảnh gia Lê Bích, Hà Nội vẫn còn đâu đó những nét trầm tư, cổ kính, hấp dẫn và quyến rũ mà phải một tâm hồn đủ yêu, đủ tinh tế mới nhận ra. Triển lãm “Hoài niệm” của anh đã chia sẻ với khán giả tình yêu đó.


- Vì sao anh gọi tên triển lãm lần này là “Hoài niệm”. Phải chăng những gì anh chụp trong bộ ảnh này chỉ còn là ký ức và Hà Nội hôm nay đã khác?

+ Album ảnh này tôi ấp ủ khá lâu rồi, có những bức tôi chụp từ năm 2005-2006. Những người sống ở Hà Nội lâu sẽ hiểu hơn. Đó là những câu chuyện được ghi lại bằng hình ảnh. Năm 2006, tôi chụp bức ảnh buổi chiều trên cầu Thanh Trì và bên kia là thành phố, để kể câu chuyện về một thời kỳ đổi mới, phát triển của Hà Nội.

Còn bức ảnh chụp nhà D2 khu tập thể Giảng Võ, đặc trưng của Hà Nội một thời, những khu tập thể 5 tầng màu vàng đang bị đập phá để xây lại chung cư cao tầng. Đó là cái đẹp giữa cũ và mới của một thành phố trẻ năng động.

Nhà thờ Lớn.

Trong bộ ảnh của tôi luôn lấy con người làm chủ thể - những con người lưu giữ phần hồn cốt của Hà Nội. Có những người được coi là báu vật của Hà Nội, như nghệ nhân ca trù Bạch Vân, cả cuộc đời gắn bó với ca trù, hằng đêm cô vẫn hát ở đình Kim Ngân. Tôi chụp cô rất nhiều, trong triển lãm này tôi chọn bức ảnh cô đang dạy một ông Tây đánh trống, thể hiện vẻ đẹp của Hà Nội trong sự giao lưu văn hóa.

Hay bức ảnh chụp nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Tôi chụp lúc bác vẽ một con cá rất đẹp trong căn phòng 8m vuông với bề bộn đồ đạc của bác. Hà Nội có những con người làm nên những nét tinh hoa mà chúng ta phải ghi nhớ, tri ân, chính họ làm nên hồn cốt của Hà Nội. Rồi tôi cũng chụp những bức ảnh các bạn trẻ, để thấy một Hà Nội luôn đổi mới, năng động, sáng tạo. Hà Nội cổ kính vẫn luôn tiếp nhận cái mới, một thành phố yêu văn hóa nghệ thuật.

- Điều gì thôi thúc anh mong muốn lưu giữ lại những nét đẹp giản dị và có vẻ như đang bị đánh mất theo thời gian của Hà Nội?

+ Từ bé lớn lên tôi cảm nhận được vẻ đẹp riêng của Hà Nội. Năm 1986, Hà Nội bắt đầu đổi mới và đến 1990, những cái mới ùa vào một cách mạnh mẽ, tôi cũng tiếp nhận sự đổi mới đó. Hà Nội phát triển quá nhanh và kéo đi cả những vẻ đẹp truyền thống của nó, nhiều đình chùa bị phá, nhiều thói quen văn hóa cũng bị phá vỡ…

Những cảnh quan cũng dần mất đi. Năm 2005, tôi bắt đầu cầm máy chụp và tôi quay lại đi tìm những phố cổ ngày xưa. Tôi là thế hệ 7x không tham gia chiến tranh, tôi muốn ghi lại những khó khăn của đất nước sau đổi mới. Hà Nội thay đổi chóng mặt, nó cuốn đi những giá trị đẹp đẽ, truyền thống và cũng mang lại nhiều cái mới nhưng nhiều mất mát. Nhiếp ảnh dạy cho chúng ta cách nhìn cuộc sống rất chân thực. Và tôi luôn chọn góc máy thể hiện sự tiếc nuối, hoài niệm.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích.

- Nhiều người cho rằng, Hà Nội bây giờ thay đổi chóng mặt và không còn gì để chụp. Còn anh, hình như trong sự bộn bề đó, anh vẫn luôn tìm thấy những vẻ đẹp riêng của Hà Nội?

+ Nhiều người phàn nàn Hà Nội bây giờ chả có gì để chụp, kiến trúc, không gian đô thị bị phá vỡ. Nhưng tôi phát hiện ra Hà Nội về đêm rất đẹp, tĩnh lặng và trầm mặc. Hà Nội như trở về chính nó. Tôi lang thang Hà Nội đêm rất nhiều và nhận ra, đây chính là Hà Nội của mình ngày xưa, tĩnh lặng, trầm tích.

Tôi ví Hà Nội như một người phụ nữ trẻ ban ngày phải mưu sinh, bươn chải, đến tối dành một phút cho riêng mình tắm rửa sạch sẽ, ngắm mình trước gương. Hà Nội cũng vậy, ban ngày phải chịu  nhiều áp lực của tiếng ồn, tàu xe, khói bụi, sự chen chúc của con người, đến tối nó được khoác lên ánh đèn vàng, che đi sự dung tục, chưa đẹp của ban ngày, vẻ đẹp của nó được tỏa ra.

- Xem 40 bức ảnh của anh trong triển lãm này, tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là hoài niệm mà những vẻ đẹp của Hà Nội vẫn còn hiện hữu đâu đó?

+ Đúng vậy, những vẻ đẹp của Hà Nội vẫn còn đâu đó, nhưng hơi khó tìm. Chỉ những tâm hồn đủ tình yêu với Hà Nội, nhìn bằng con mắt của nghệ sĩ, con mắt của tình yêu mới có thể nhận ra. Những gì còn lại ít càng quý giá, nó là di sản.

Còn sự phát triển cũng là quy luật tất yếu. Điều quan trọng là chúng ta có những ứng xử phù hợp, không quá bi kịch hóa vấn đề. Đây là bài toán khó mà cần nhiều giới vào cuộc, các nhà khoa học, giới trí thức, văn nghệ sĩ hợp tác với nhau để xây dựng một Hà Nội đúng nghĩa thanh lịch, văn minh và hiện đại, hòa nhập mà không hòa tan.

- Anh là người sống với những giá trị xưa mang tính hoài niệm nhiều hơn thực tế, liệu anh có bị hụt hẫng khi đối diện với sự thật hay không?

+ (cười) Đó là vấn đề của những gã mộng mơ. Tôi có cảm giác xót xa, tiếc nuối. Nhưng dần dần, khi có nhiều trải nghiệm cuộc sống, tôi bình tĩnh hơn, nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh, không quá cực đoan, phản ứng thái quá. Tôi đọc facebook của một bạn trẻ có nói rằng, nhiều người cứ lên face phàn nàn, trách cứ về môi trường ô nhiễm, trách cứ, đổ lỗi rất dễ nhưng hành động thì không ai làm. Thay vì chúng ta ngồi đó than vãn thì hãy bắt tay vào làm, đi nhặt rác, hạn chế dùng túi ni long…

Phố đêm của Lê Bích.

Đây là triển lãm thứ 6 của tôi với mong muốn muốn giữ gìn tinh hoa của dân tộc và khơi dậy tình yêu văn hóa cổ truyền của mọi người. Bởi vì khi có tình yêu, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn và sẽ làm mọi việc bằng một thái độ tự giác và có tính xây dựng chứ không cực đoan.

Vì thế, bạn thấy đó, tôi yêu những vẻ đẹp xưa, nhưng tôi không bi kịch hóa vấn đề, không cực đoan cho rằng chỉ những cái cũ mới đẹp và có giá trị. Tôi chỉ muốn khơi gợi tình yêu trong mỗi người. Khi mình yêu thành phố mình sống, yêu cuộc sống và con người, mình sẽ tìm được cách ứng xử tốt nhất.

- Sau dự án này lại có dự định gì trên hành trình đi tìm di sản của mình?

+ Ngày 23-11 tới, ngày Di sản Việt Nam, tôi sẽ giới thiệu những bộ ảnh về lễ hội ở Hà Nội. Ít ai biết rằng, ngày xưa có nghề cắt tóc ở Đình Kim Liên, một trong Thăng Long tứ trấn. Hà Nội có nhiều lễ hội ít người biết, thể hiện tinh hoa, bản sắc của người Hà Nội, như lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội làng Triều Khúc, lễ hội vật cầu ở Thùy Lĩnh, Lĩnh Nam…

Trong các lễ hội, nếu hiểu và quan sát kỹ sẽ phát hiện ra nhiều tập tục, thói quen rất thú vị như tục thổi cơm, cúng mía cho voi ở lễ hội Hai Bà Trưng. Đó là những vẻ đẹp ít người biết mà tôi muốn giới thiệu với mọi người.

- Những bức ảnh của anh rất chân thực, gần như nói không với photoshop. Anh quan niệm thế nào về cái đẹp của nhiếp ảnh?

+ Để đạt được sự chân thực của ảnh, tôi phải rèn luyện rất lâu. Tôi thích NSND Nguyễn Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bảo. Hai chú có một phong cách rất riêng. Chú Nguyễn Hữu Bảo nói với tôi rằng, bản thân sự thật đã là một vẻ đẹp rồi. Lúc đầu mới cầm máy tôi chưa hiểu hết câu nói đó, nhưng sau 5-10 năm vác máy lang thang khắp nơi, tôi nhận ra chân lý đó.

Nhiếp ảnh có vẻ đẹp của tư liệu, ghi lại thời cuộc, giống như phim tài liệu, là cuốn album của một đất nước. Tôi thích chụp lại sự thực và sự thực đúng càng để lâu càng quý, quan trọng là tôi cứ bình thản, cần mẫn chụp. Hy vọng những bức ảnh của tôi có thể là cơ sở dữ liệu cho các thế hệ sau.

Một tác phẩm của Lê Bích.

- Tôi tò mò tự hỏi, nhiếp ảnh đến với anh khi nào?

+ Từ bé tôi đã mê nhiếp ảnh rồi, hồi đó chụp máy phim, rồi cuộc sống khó khăn quá, không có tiền mua phim, mãi đến năm 2005, kinh tế bắt đầu ổn định, tôi quay lại với nhiếp ảnh. Lúc đầu tôi coi nó là một cuộc chơi, nhưng càng chụp càng mê. 5 năm sau tôi xin nghỉ việc và trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chọn đề tài văn hóa di sản làm nền tảng.

- Anh có sống được bằng nghề hay không?

+ Tôi vẫn sống bằng nghề đấy chứ. Năm vừa rồi, tôi tự hào trong nhóm tác giả làm 2 cuốn sách về tranh dân gian, tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng. Nhiếp ảnh đòi hỏi sự bền bỉ, tôi lại đi theo đề tài di sản, đó là hành trình đi tìm kiếm. Và tôi nhận ra, có nhiều câu chuyện, nhiều bức ảnh không chỉ kể câu chuyện của quá khứ mà nó có kết nối với ngày hôm nay.

Như câu chuyện về những cái giếng. Giếng không thuộc về riêng ai, người nào cũng có thể đến giếng lấy nước,  đó là lộc của trời đất. Nó thể hiện sự công bằng. Muốn giữ một tập thể, một xã hội bình an, chúng ta cần sống chan hòa, công bằng. Giếng cũng thể hiện sự cân bằng tự tại, nước hết lại đầy.

Và tôi muốn nhấn mạnh, việc khơi dậy tình yêu rất quan trọng. Bây giờ, niềm tin đang bị lung lay, tình yêu phai mờ, bằng cách này hay cách khác chúng ta khơi dậy được tình yêu với con người, thiên nhiên, Tổ quốc thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn và sẽ có giải pháp cho mọi vấn đề. Còn nếu chưa yêu thực sự rất khó vì chúng ta đang bị những thứ tiêu cực lấn át. Có tình yêu đủ lớn, chúng ta sẽ có một thái độ ứng xử văn minh hơn.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của anh.

Việt hà (thực hiện)
.
.
.