NSƯT Chí Trung: Táo Quân nên mạnh dạn đổi mới

Chủ Nhật, 06/01/2019, 07:29
Câu chuyện với NSƯT Chí Trung bây giờ là câu chuyện sống còn của Nhà hát Tuổi trẻ trong thời điểm khá "u ám" của sân khấu. Có thể nói, sau rất nhiều nỗ lực để đỏ đèn, để tồn tại một thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ trong lòng công chúng thủ đô là những khó khăn, chật vật, thậm chí "trầy da xước vẩy" của người "đầu tàu".


- Chúc mừng Nhà hát Tuổi trẻ vừa ra mắt vở "Cậu Vanya" và có nhiều đêm diễn thu hút khán giả. Đó có phải là một tín hiệu đáng mừng của sân khấu thủ đô?

+ "Cậu Vanya" do một đạo diễn người Nhật dựng, từ kịch bản rất khó của Shekov, ông đã mang vào vở hơi thở của đương đại, được khán giả đón nhận. Nhưng không vì thế mà chúng ta yên tâm đâu vì hiện nay có hai dòng chảy rất lớn của sân khấu, một là dòng hàn lâm, tôn vinh những giá trị cao đẹp của cuộc sống nhưng khán giả của dòng này ngại mua vé và ngược lại, những người mua vé chỉ quan tâm đến hài kịch, giải trí vui vẻ. Hai dòng chảy này là có thật và chúng ta đều phải quan tâm như nhau.

Theo NSƯT Chí Trung, Táo Quân đã đến lúc cần thay đổi.

Bao nhiêu năm nay nhà hát Tuổi trẻ vẫn duy trì hai dòng đối lưu đó, mỗi thời điểm nó có những thành công hay thất bại khác nhau. Nhưng phải thừa nhận càng ngày chúng ta càng lún sâu vào sự trì trệ của sân khấu. Bởi cầu không có nên cung rất khó thay đổi. Bạn không thể thay đổi môi trường sống, không khí, bạn chỉ hay đổi chính bản thân mình thôi, nhưng điều đó hiện nay không có ý nghĩa mấy.

Chúng tôi đang nỗ lực thay đổi nhưng thực ra, những vở như "Hoa cúc xanh trong đầm lầy" hay "Cậu Vanya" rất ít khán giả. Đó là một thực trạng của sân khấu. Những giá trị sống mọi người đều biết nó đẹp nhưng không có thời gian để ý đến. Chắc phải đợi khi nào cuộc sống đỡ vất vả, áp lực hơn, con người ta mới có thời gian để ý đến nghệ thuật.

- Ở Hà Nội đang xuất hiện những sân khấu tư nhân như sân khấu Lệ Ngọc, Lucteam, họ nỗ lực đổi mới và mang đến những món ăn mới cho khán giả. Anh nhìn nhận như thế nào về những sân khấu này?

 + Tôi tôn trọng những khát vọng của Trần Lực hay chị Lệ Ngọc, những  khát vọng rất đẹp đẽ dành cho sân khấu. Nhưng tất cả những khát vọng đó cần có những Mạnh Thường Quân đúng nghĩa để điều phối và đi đường dài vì rất khó khăn.

Trong TP Hồ Chí Minh, họ làm điều này từ rất lâu rồi, như Sân khấu Hồng Vân, Sân khấu Idecaf nhưng hiện nay, các loại hình sân khấu tư nhân đang suy thoái. Miền Bắc trì trệ hơn, họ quen bao cấp, quen kiểu làm việc bao cấp, không có thị trường thúc vào nên càng trì trệ.

Ngoài Bắc có "4 mùa nóng ẩm, 8 mùa nhờ nhờ", chỉ có 3 tháng kinh doanh, đó là thời điểm hè sang thu, từ tháng 7 đến tháng 10. Để tồn tại sân khấu tư nhân không hề đơn giản. Nhưng khát vọng của họ rất đáng tôn trọng, tạo cú hích cho đời sống nghệ thuật, tạo ra nhiều món ăn cho khán giả lựa chọn.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy- một vở diễn gay chú ý của nhà hát Tuổi trẻ

- Nhà hát Tuổi trẻ khá năng động trên con đường xã hội hóa. Sau nhiều năm nhìn lại, anh thấy mình được gì?

+ Tôi vừa đi diễn trong miền Nam, 13 suất diễn kịch Lưu Quang Vũ, 4 ngày ở Nhà hát Lớn thành phố cùng với sự đồng hành của một số doanh nghiệp như SHB, Viet Jet. Tôi muốn ngẩng mặt nhìn trời chứ không cúi mặt tìm tiền nữa. Xã hội hóa không đơn giản. Tôi có lợi thế thương hiệu nhà hát và thương hiệu cá nhân nên có nhiều thuận lợi.

Nhưng có một sự thực đáng buồn là người ta không mặn mà với kịch vì không có tính quảng đại nên khó xin tài trợ. Tôi chọn đồng hành cùng thương hiệu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là một lợi thế. Hiện nay, các vở khác rất khó. Xã hội hóa theo tôi là phát huy mọi nguồn lực xã hội để nâng bước nghệ thuật. Tuy nhiên, để đi đường dài, chúng ta cần những chính sách dài hạn hơn.

Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều lợi thế vì có cả ca sĩ, kịch sĩ. Tôi đang muốn các hoạt động đa dạng hướng đến giới trẻ, bằng cách xoay chuyển đoàn ca múa nhạc phù hợp với thanh niên, thiếu nhi. Vừa rồi chúng tôi ra chương trình "Nàng Việt 4.0" cũng gây chú ý. Tuy nhiên, bài toán khó khăn là khán giả, anh là ai, anh ở đâu?

- Nhưng cũng nhiều người cho rằng, sân khấu bây giờ không đủ hấp dẫn để kéo khán giả đến rạp, lỗi nằm ở từ sân khấu, từ nghệ sĩ?

+ Họ đổ cho chúng tôi truyền thông không tốt. Nhưng truyền thông lớn nhất là truyền miệng thì không ai đi xem. Khán giả phải đi xem, phải đến rạp mới biết sân khấu hấp dẫn như thế nào. Nghệ sĩ bây giờ họ vẫn rất yêu sân khấu, nhưng không có khán giả, họ sẽ không còn nhiệt huyết làm nghề.

Khủng hoảng lớn nhất của sân khấu chính là thiếu khán giả. Điều này rất khó cải thiện dù chúng tôi đã cố gắng thay đổi, tạo ra nhiều món ăn cho họ lựa chọn. Chúng tôi chật vật làm nghề, đơn giản vì có chung một tình yêu với sân khấu.

- Vậy nhiều năm qua, anh đã chèo lái con tàu nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ như thế nào?

+ Chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng, tôn vinh những vở diễn giá trị và phải bù lỗ cho những vở diễn đó. Bên cạnh đó, vẫn dựng vở hài kịch ngắn và dài. Nói một cách ví von là chúng tôi đang đi bằng hai chân.

Nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng được một địa chỉ văn hóa cho người Hà Nội, muốn xem cái gì đó thì đến nhà hát Tuổi trẻ, thế là tốt rồi. Ngoài ra, tôi đưa đoàn ca múa nhạc đến 63 tỉnh bằng hoạt động xã hội hóa.

Một người đẹp phải được mọi người nhìn thấy chứ không chỉ đẹp trong nhà, một tác phẩm hay cũng vậy phải được mọi người biết đến. Giống như một nhà hát hoạt động tốt phải được xã hội công nhận. Tất nhiên, về lâu dài tôi vẫn mong muốn sân khấu tồn tại đàng hoàng bằng chính sức hút của nó, từ chính những khán giả bỏ tiền ra mua vé.

- Vậy theo anh, tương lai của sân khấu kịch có tia sáng nào?

+ Không chỉ sân khấu mà đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay đang trì trệ, người ta bán vé nhờ quan hệ chứ không phải cung cầu có thực từ thị trường. Sân khấu đang đi theo đồ thị hình sin, xuống đáy rồi đẩy lên, thời điểm này đang xuống đáy nhưng tôi tin một ngày nào đó sân khấu sẽ tươi sáng hơn. Bởi ai cũng hiểu, khi đời sống tốt hơn, người ta cần đến những giá trị tinh thần.

Những vở kinh điển như Cậu Vanya không làm nên cú hích cho sân khấu thay đổi

Giá trị cốt lõi của một đất nước là văn hóa, nước ngoài họ đến Việt Nam để xem văn hóa của mình ra sao, nhưng hiện nay không mấy ai để ý. Nhà nước sẽ buông dần các đoàn nghệ thuật, không còn bao cấp nữa. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ đánh mất bản sắc của các nhà hát. Và kịch cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu sống dựa vào khán giả.

- Từ câu chuyện sân khấu, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện khác đang được khán giả quan tâm, đó là Táo Quân. Vừa qua có một phát ngôn của đạo diễn Khải Hưng về Chí Trung có nói rằng, anh nổi tiếng nhờ chương trình Táo Quân. Anh nghĩ gì về điều này?

+ Tôi nghĩ, chắc phóng viên hiểu nhầm ý của đạo diễn Khải Hưng. Tôi là một cá thể độc lập và tên tuổi của tôi gắn liền với Nhà hát Tuổi trẻ, điều đó không phải nói thì ai cũng hiểu. Tôi chỉ là một cộng tác viên của chương trình Táo Quân mà thôi.

- Năm nay nhiều nghệ sĩ nói rằng họ sẽ không tham gia Táo Quân vì đã cũ và nhàm, còn anh thì sao?

+ Tôi đang trong tình trạng 50-50%. Tôi vẫn làm Táo Quân nếu kịch bản tốt và vai diễn hay. Tôi cũng sẽ từ chối nếu kịch bản dở và vai diễn không đúng như tôi mong muốn. Tôi giờ ở trạng thái "siêu nhiên" rồi, không phải đuổi theo danh mà cũng không đuổi theo tiền, sức khỏe cũng có hạn, không thể thức đêm cùng mọi người nữa.

- Theo anh, Táo Quân đã đến lúc cần một thế hệ kế cận, cần sự đổi mới và bứt phá?

+ Năm ngoái kỷ niệm 15 năm là cột mốc tốt cho một chương trình quá hay và bắt đầu đi ngang, nên thay đổi và thay toàn bộ ê kíp. Cách tốt nhất để có Táo Quân hay trong 3 năm tới là thay toàn bộ diễn viên chứ đưa ai vào xen kẽ cùng dàn diễn viên già này cũng sẽ không thành công, vì họ sẽ bị áp lực và không diễn được như họ vốn có, Thành Trung, Công Vượng hay Xuân Hinh cũng vậy thôi.

Đã thay là phải thay toàn bộ ê kíp, chấp nhận một năm kém nhưng vài ba năm tới sẽ tốt. Nên thay đổi để có những món ăn mới mẻ cho khán giả. Tất nhiên, kịch bản là khâu quan trọng nhất, kịch bản không tốt thì cả dàn kỳ cựu này cũng sẽ thất bại thảm hại. Có bột mới gột nên hồ. Thế hệ mới và kịch bản tốt, nếu tôi là người chịu trách nhiệm tôi sẽ mạnh dạn làm điều đó.

- Xin cảm ơn NSƯT Chí Trung.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.