Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung: Sân khấu không thay đổi thì chết!

Thứ Năm, 01/03/2018, 09:04
Một bộ phận khán giả hoài cổ, yêu sân khấu trước đây là có thật nhưng chỉ là một bộ phận thôi. Cách đây 3 năm chúng ta từng làm liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ với 16 suất diễn. Khán giả xem rất đông nhưng 16 suất diễn đều là vé mời hết...

Ngày 27-2, NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đầu tư và khởi công trụ sở thứ 2 của Nhà hát trong năm 2018 tại Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là một tin vui với người làm nghề nói chung, nghệ sĩ của Nhà hát nói riêng nhưng không phải không khiến nhiều người băn khoăn, nhất là khi hoạt động sân khấu hiện nay đang khó thu hút khán giả, có những nhà hát chưa phát huy hết công năng, xây mới nhà hát gây lãng phí.

Chúng tôi đã có buổi trao đổi khá thẳng thắn với NSƯT Chí Trung quanh thông tin này.

Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về dự án xây dựng nhà hát mới không, thưa nghệ sĩ Chí Trung?

NSƯT Chí Trung: Nhà hát sẽ được xây dựng tại Mỹ Đình, Hà Nội, nằm sau siêu thị BigC, có 4 mặt phố, trong đó 2 mặt là đại lộ chính, diện tích 6.724m2, gồm 5 tầng nổi, 3 tầng chìm, 2 khán phòng. 1 khán phòng rộng 950 chỗ và 1 khán phòng 327 chỗ, được đầu tư 400 tỷ đồng. Khu đất này đã được thành phố Hà Nội giao xây dựng Nhà hát cách đây khoảng 12 năm.

Qua 3 đời Giám đốc “vật lộn” trăn trở,  tôi là đời thứ tư, đã từng được đặt vấn đề xây dựng dưới hình thức có kết hợp kinh doanh, huy động nguồn xã hội hóa, nhưng đến nay thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định sẽ đầu tư. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là một nhà hát hiện đại, có sân khấu nổi, sân khấu quay, khán phòng và sân khấu sẽ trộn vào với  nhau.

Nhưng đấy là mong muốn thôi vì phải phụ thuộc vào chủ đầu tư. Chúng tôi chỉ là đơn vị thụ hưởng, có nhà hát là tốt rồi.

Phóng viên: Giữa lúc sân khấu khó thu hút khán giả, Nhà hát Tuổi trẻ ở 11 Ngô Thì Nhậm chưa khai thác hết công suất mà xây dựng nhà hát mới, liệu có lãng phí không?

NSƯT Chí Trung: Tôi nghĩ là không. Xây dựng nhà hát vẫn cần thiết vì đến một ngày nào đó, khi chúng ta dừng việc đi tìm đồ ăn, đi tìm đồ mặc thì chúng ta phải đi tìm sân chơi. Bây giờ chúng ta vẫn đi tìm đồ ăn, sau ăn xong đến mặc, sau mặc mới đi tìm sân chơi. Nếu lúc ấy chúng ta mới đi tìm chỗ chơi thì muộn mất rồi, không còn chỗ nữa, không kịp xây. Bây giờ không thể vì bạn nghèo, bạn đang nhặt tiền không có nghĩa là bạn không mơ ước đến lúc bạn đi du lịch nước ngoài, đi chơi, không tính đến lúc đi xem nghệ thuật.

Vì vậy, 40 năm nay, qua các đời Giám đốc, Nhà hát chúng tôi vẫn xác định phải giữ được khán giả, giữ được niềm yêu nghề của diễn viên. Nếu không, sân khấu khó khăn, họ sẽ chạy đi hết cả. Bây giờ họ đi đóng phim, tự hào có vai này hay vai khác, quay phim 1 ngày có khi được 1-2 triệu đồng trong khi các bạn ấy diễn ở đây 1 ngày được trả trăm rưỡi, trăm chín, trăm bảy, thậm chí là trăm tư, có bạn có 100 nghìn đồng.

NSƯT Chí Trung.

Một tuần diễn 1-2 buổi thì sống làm sao được? Nếu sân khấu không duy trì hoạt động thì lúc chúng ta đủ ăn, đủ mặc, tìm cái để xem thì sân khấu đã chết và chết từ chính trong sân khấu chứ không phải từ khán giả.

Phóng viên: Là Giám đốc Nhà hát, anh làm gì để tránh kết cục này?

NSƯT Chí Trung: Hiện nay, tối thứ 7 chúng tôi diễn hài kịch để nuôi thứ 6 và chủ nhật. Đây là các buổi diễn kịch tâm lý nhằm giữ nghề và diễn viên. Chúng tôi mong muốn diễn thứ 4, thứ 5 dù lượng khán giả rất khiêm tốn. Có khi là 2 diễn viên gánh 1 khán giả, nhưng tôi không quá bi quan vì phát triển phải có thời gian. Chúng tôi cố gắng tạo nguồn khán giả không đi xem bằng vé mời mặc dù có những suất diễn chỉ có hơn 100 người xem.

Rất may chúng tôi còn có nguồn kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp, đủ để trả tiền điện, nước, tiền lương cơ bản. Nhưng cái chính là trong sân khấu chúng tôi vẫn giữ được nghề, anh em cọ sát nhau liên tục và phát huy thế mạnh của từng người. Sân khấu miền Bắc đang có dấu hiệu đi lên. Chúng tôi cũng không thể nằm im chờ mà phải thay đổi.

Phóng viên: Cụ thể thì Nhà hát Tuổi trẻ có những thay đổi như thế nào, thưa anh?

NSƯT Chí Trung: Chúng tôi dựng các vở nhạc kịch chỉ dài 45 -50 phút thôi. Chúng tôi hiểu chỉ có nhạc kịch mới tiếp cận với thanh thiếu niên được. Chúng tôi cố gắng dựng bằng hình thức mới nhất. Ví dụ, chuẩn bị dựng vở “Tin ở hoa hồng” của tác giả Lưu Quang Vũ, chúng tôi mời Nguyễn Phi Phi Anh về làm nhạc kịch, cắt nghĩa theo kiểu mới. Chúng tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm ở rất nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chúng tôi cũng xác định khi thay đổi sẽ còn rất nhiều những bỡ ngỡ nhưng rất muốn thay đổi, phải thay đổi vì không thay đổi thì chết. Mình làm một sản phẩm, kinh doanh một ngành hàng mà không ai cần thì chết.

Phóng viên: Mong muốn thay đổi nhưng thay đổi như thế nào, có hiệu quả không mới là vấn đề.

NSƯT Chí Trung: Chúng tôi cũng rất cẩn thận. Mỗi chương trình, vở diễn sẽ tổ chức để đạo diễn trong nhà hát đấu thầu, thành lập hội đồng nghệ thuật và tiến hành bỏ phiếu. Ai được bình chọn nhiều nhất thì người ấy được. Ngay cả kinh phí Bộ đầu tư, chúng tôi cũng giao vở theo hình thức này chứ không giao theo kiểu cảm tính là phân bổ cho các đoàn như cách làm của các nhà hát xưa nay. Ngân sách cho vở cũng chỉ được giao 1 nửa thôi, còn lại buộc các bạn phải tự tìm. Tất cả ê kip sáng tạo nếu không làm được thì không có tiền thù lao.

Các vở diễn, chúng tôi cố gắng làm theo phong cách mới, mời các đạo diễn đấu thầu. Chúng tôi dự định mời đạo diễn Trần Lực và mời đoàn kịch LucTeam về với chúng tôi. Tôi sẵn sàng mở cửa miễn phí cho các bạn ấy diễn. Chúng tôi cần cái rạp này dành cho khán giả, 1 tụ điểm biểu diễn thuộc về khán giả chứ không phải chỉ riêng những diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. Tất nhiên là Trần Lực sẽ dựng tác phẩm của chúng tôi nhưng mang phong cách của bạn ấy. Chúng tôi còn mời một số biên đạo trẻ khác, dựng theo phong cách khác.

Tôi đã thấy, các bạn ấy cắt nghĩa hài kịch khác hẳn chúng tôi cắt nghĩa. Họ làm hoàn toàn không theo kiểu thông thường. Có khi họ đưa kết quả rồi mới biện minh hành động. Họ không cần giải nghĩa theo logic của hài kịch thông thường. Có thể chúng ta xem không đồng ý nhưng khán giả trẻ họ đồng ý.

Phóng viên: Anh nói đấu thầu tác phẩm thông qua Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng gồm những thành phần nào?

NSƯT Chí Trung: Có Chủ tịch Hội đồng là tôi, rồi các Phó Giám đốc như NSND Lê Khanh, Sĩ Tiến, 3 Trưởng đoàn, Trưởng phòng nghệ thuật. Các thành phần ưu tú nhất trong khả năng có thể. Tôi không thích hình thức ban phát của Giám đốc như kiểu năm nay bạn dựng rồi thì năm tới để người khác dựng. Kể cả tôi là đạo diễn nhưng đứng trước 1 vở diễn thì tất cả bình đẳng như nhau.

Ngược lại, khi tôi làm đạo diễn thì với diễn viên phải là casting. Kịch bản phát cho mọi người. 1 nhân vật có thể 4,5 người cùng đọc kịch bản. Casting ai diễn hay nhất thì được chọn chứ không giao vai theo kiểu quý anh này, quý chị kia mà làm sao cố gắng dân chủ nhất. 6 tháng chúng tôi sát hạch diễn viên 1 lần, hợp đồng hay biên chế không có sự phân biệt. Chủ trương chung là tinh giản tối đa biên chế, giảm bớt bộ máy hành chính. Sắp tới, chúng ta sẽ không thể dàn đều yêu thương, nắm tay nhau và cùng ăn lương khô được.

Phóng viên: Tập trung hướng tới khán giả trẻ nhưng vẫn còn những khán giả đã từng xem và thích những vở cổ điển, không thích nhạc kịch, nhà hát có dự định sẽ dựng song song 2 bản, 1 bản cho khán giả từng yêu tác phẩm này, 1 bản cho khán giả trẻ hay không?

NSƯT Chí Trung: Một bộ phận khán giả hoài cổ, yêu sân khấu trước đây là có thật nhưng chỉ là một bộ phận thôi. Cách đây 3 năm chúng ta từng làm liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ với 16 suất diễn. Khán giả xem rất đông nhưng 16 suất diễn đều là vé mời hết. Tôi đã thử bán vé nhưng rạp vắng ngay. Vở “Vòng phấn Kafka” mới đây, 4 buổi diễn chúng tôi mời, khán giả xem rất đông, khen nức nở nhưng bán vé thì không ai mua.

Những thực tế như vậy, là người tổ chức, chúng tôi không đùa được. Vì vậy, những mong muốn của các khán giả nói trên,chúng tôi rất trân trọng nhưng thực tế là chúng tôi phải trả tiền điện, trả mọi thứ, đặc biệt là lương cho diễn viên, đạo diễn. Nếu diễn viên, đạo diễn không nuôi nổi bản thân, không nuôi nổi gia đình thì họ không tồn tại được. Diễn viên trẻ, diễn viên thực tập phải đi thuê nhà, họ phải sống nhưng sống như thế nào với 1,9 triệu đồng/ tháng lương.

Tôi phải trả cho niềm tin ấy của họ, giữ cho niềm tin ấy của họ, phải cân nhắc, lựa chọn số đông, làm nhạc kịch cũng vì thế. Tất nhiên, đấy là mong muốn của chúng tôi thôi.

Phóng viên: Cảm ơn NSƯT Chí Trung. Chúc anh và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sớm thực hiện được các mong muốn của mình!

Hoa Nguyễn
.
.
.