Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai:

Danh hiệu đôi khi là một áp lực

Thứ Hai, 05/09/2016, 10:18
NSND Hoàng Quỳnh Mai thẳng thắn chia sẻ những quan điểm của chị về nghề, về xu thế xã hội hóa các ngành nghệ thuật. Chị nói: "Nhà nước phải có phương thức nào đó để nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Quăng nó ra ngoài, bươn chải với kinh tế thị trường là điều vô cùng khó khăn, thậm chí mai một, hoặc mất đi, không có đất tồn tại".


- Chị là một trong những người trẻ được phong tặng danh hiệu NSND mà không điều tiếng. Đến bây giờ nhìn lại, danh hiệu đó có phải là một áp lực đối với chị?

+ Sau khi nhận danh hiệu NSND, tôi ra mắt vở "Dâu bể một kiếp tằm", để tri ân với nghề, nói về tình yêu của mình, về những nghệ sĩ sống chết với nghề, cả đời như con tằm rút ruột nhả tơ. Thực tế, tôi chưa bao giờ bằng lòng với mình cả. Bởi điều quan trọng là làm thế nào giữ được danh hiệu trong lòng công chúng.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Đó mới chính là một áp lực. Làm thế nào để các tác phẩm của mình phải xứng đáng là của một NSND. Và chính việc luôn gây áp lực cho mình đã thúc đẩy sự sáng tạo, không cho phép dừng lại, tự bằng lòng với chính mình.

- Chị đã từng chinh phục những đỉnh cao từ khi còn rất trẻ, nhưng tâm thế làm nghề của chị vẫn không thay đổi?

+ Tôi đã chinh phục được khá nhiều giải thưởng lớn, danh giá, nhưng đằng sau giải thưởng là áp lực, khiến mình phải cố gắng không ngừng. Tôi thường quên nó đi để bắt đầu lại từ đầu, lại trong sáng, ngây thơ, và sáng tạo, như chưa có gì.

Tôi xóa khỏi đầu những ám ảnh để bắt đầu một hành trình khác, một tiếp nhận mới, một tư duy mới. Như thế mình mới có cảm hứng để sáng tạo, chứ đạt được điều gì đó mà mình cứ say mê với nó, mình sẽ dừng lại, không cống hiến được nữa và tự bào mòn chính mình.

Trong nghệ thuật, đó là điều tối kỵ, đáng sợ nhất. Thậm chí bây giờ đã làm là phải chọn lựa, không phụ lại sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình. Gây áp lực cho mình quá nhiều cũng tổn hao sức khỏe. Đôi khi nghĩ làm để chết cũng phải làm, rút ruột ra để làm. Đến chết vẫn còn ca hát, vẫn đam mê nghệ thuật.

Sắp tới, tôi sẽ đưa vở "Cung phi Điểm Bích" - vở đầu tay của tôi tham dự festival kịch Asean tại Nam Ninh -Trung Quốc, lần đầu tiên tôi mang một vở của nhà hát ra nước ngoài, rất hồi hộp xem thế giới sẽ đón nhận phương pháp và cách làm nghề của mình như thế nào, để các nghệ sĩ thế giới thấy sự sáng tạo của nghệ sĩ Việt đối với sân khấu cải lương như thế nào.

- Một phụ nữ làm công việc đàn ông như nghề đạo diễn, chị có thấy mình đơn độc?

+ Tôi không đơn độc, tôi luôn được làm việc trong tình yêu và sự trân quý của mọi người dành cho mình. Ê kíp sáng tạo toàn đàn ông, từ nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo, họ giúp tôi rất nhiều. Công việc của một đạo diễn rất mệt mỏi, nhưng tôi chưa bao giờ nản. Nhiều lúc vất vả đến mức, tôi nghĩ sẽ làm nốt vở này thôi.

“Dâu bể một kiếp tằm” - câu chuyện về cuộc đời nghệ sĩ NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Có khi cả tuần cứ 3, 4h sáng mới về đến nhà, lăn lộn ở phòng thu, làm nhạc, vất vả lắm, cảm giác bị kiệt sức. Nhưng khi ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình ra đời thì mọi mệt mỏi tan biến. Tôi lại như được hồi sinh, được tiếp thêm năng lượng và bắt đầu nghĩ đến những vở diễn khác, khám phá và chinh phục những cái mới.

Và mình lại như bắt tay vào làm như một học trò mới ra trường, chẳng bao giờ nghĩ mình là nghệ sĩ gì cả. Cứ lẩn mẩn, lọ mọ ngay từ đầu, đọc, tìm tòi, sáng tạo. Tôi nghĩ làm gì cũng phải đam mê, không đam mê không làm được điều gì.

- Các vở cải lương đều khai thác đề tài lịch sử truyền thống, vậy chị có cách nào để kết nối với đương đại để tác phẩm có hơi thở của cuộc sống hôm nay? Bởi khán giả không thích những câu chuyện lịch sử quá xa mình nữa?

+Tôi đã từng rất đau xót khi đọc báo về học sinh lớp 12 không phải thi sử đã sách sử, tôi đau lòng nhớ lại ngày xưa, tôi say mê sử, nhắm mắt viết 15-20 trang sử thuộc làu. Và tôi luôn muốn làm điều gì đó để mọi người thay đổi cách nhìn về sử.

Bây giờ có điều kiện thăng hoa nó trên sân khấu, nhìn qua lăng kính của người trẻ ngày hôm nay và bắt gặp sự đồng cảm của khán giả hiện đại. Không cứ phải là những đề tài hiện đại mới có cách nhìn mới, mà những câu chuyện lịch sử qua góc nhìn đương đại sẽ có những bài học đương đại.

Như gần đây nhất tôi dựng vở "Công đường và quyền lực", là một lát cắt lịch sử thời kỳ Trịnh Sâm và tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tôi bắt gặp một ý rất hay, thường chúng ta, kể cả văn học, nghệ thuật hay mô tả, kể về lịch sử theo hướng tôn vinh vẻ đẹp của nó mà quên rằng, lịch sử để lại nhiều bài học đắt giá cho hậu thế.

Nên với "Công đường và quyền lực", tôi xây dựng một lát cắt nhìn thẳng vào sự thất bại của chúa Trịnh Sâm, để thấy rằng, những người ở trên cương vị của quyền lực, nắm quyền hành của đất nước họ phải hành xử như thế nào. Chính cách ứng xử của họ đã làm sụp đổ cả một triều đại.

Qua lát cắt lịch sử đó, ở thời điểm lịch sử đó giúp ta hiểu tại sao con người lại như vậy. Tôi luôn nhìn thấy từ lịch sử những bài học, tấm gương cho hôm nay, nên nó không hề cũ đi. Làm thế nào đưa lịch sử vào nhà trường bằng sân khấu là điều tôi vô cùng mong muốn.

Lịch sử luôn tôn trọng sự thật, nhưng làm sân khấu mà chỉ chăm chăm vào sự thật thì không ổn, phải biết nhìn vào những khoảng mờ, để tìm cái gì hay ho. Hư cấu cũng phải trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Làm lịch sử mà không hiểu gì về sử rất nguy hiểm.

- Tôi hình dung chị như một người độc hành lẩn mẩn đi kể những câu chuyện lịch sử qua góc nhìn của người trẻ hôm nay. Chị có cảm giác mình lạc thời không?

+ Bằng cả hoài cảm về quá khứ nữa chứ. Và bằng cả những mơ mộng. Sự mơ mộng đó khiến mình có cảm hứng để làm tiếp trong thời buổi sân khấu rất khó khăn.

Những mơ mộng giúp tôi quên đi những trần trụi của cuộc sống để bay lên với những ước mơ của mình, những sáng tạo của mình, đấy cũng là hạnh phúc chứ. Mỗi người quan niệm về hạnh phúc khác nhau, với người nghệ sĩ, được đồng hành với những sáng tạo là hạnh phúc lớn nhất. Thèm được làm việc, được sáng tạo.

- Chị thành công ngay từ khi bước vào địa hạt cải lương, nhưng với tâm thế của một người ngoại đạo và chọn lựa ngẫu nhiên?

+ Nếu không trượt đại học, bây giờ tôi đã là một nhà báo. Hồi nhỏ, tôi nghe nhiều đĩa cải lương bố mang từ miền Nam về, nghe và thấm dần từ lúc nào không biết. Rồi trượt đại học, đi thi thử vào sân khấu cải lương và trúng. Đó là một ngã rẽ lớn trong cuộc đời.

- Chị có bao giờ ân hận không, nghệ sĩ thời xã hội hóa rất vất vả, nhất là nghệ thuật truyền thống? Chị có ủng hộ quan điểm giao tự chủ cho các nhà hát?

+ Tôi không bao giờ ân hận, bởi càng làm nghề, tôi càng nhận ra, mình thực sự đam mê nó, sống chết với nó. Có những lúc, cảm giác, mình có thể chết trên sân khấu vì lao lực. Nhưng tình yêu nghề đã vực mình dậy.

Sân khấu thời xã hội hóa khó khăn lắm, Nhà hát cải lương Mai Hoa còn không có nhà để hát, lang thang đi diễn, tìm đến khán giả, nhưng vì yêu nghề mà sẵn sàng lăn lộn với nghề. Nhiều nghệ sĩ phải vật lộn với nghề khác để mưu sinh, nhưng càng như thế càng chứng tỏ tình yêu nghề.

Chúng tôi phải đi lưu diễn khắp nơi. Sắp tới tôi có một vở diễn ở Nhà hát Lớn, chứ bình thường có bao giờ mơ được mang cải lương vào Nhà hát Lớn đâu. Tôi không ủng hộ việc giao tự chủ cho sân khấu truyền thống, lĩnh vực đó phải được nuôi dưỡng.

Bởi vì làm sao có khán giả được, tìm đâu ra khán giả nuôi lại chính mình. Khi đi tìm khán giả chắc chắn phải có sự thỏa hiệp, nghệ thuật truyền thống không giữ được sự thuần khiết của nó nữa. Nhà nước phải có phương thức nào đó để nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.

Quăng nó ra ngoài, bươn chải với kinh tế thị trường là điều vô cùng khó khăn, thậm chí mai một, hoặc mất đi, không có đất tồn tại. Hy vọng các cấp lãnh đạo hiểu được điều đó. Chúng tôi không dựa vào bao cấp để ỷ lại đâu, mà thực sự khó khăn. Không nên cào bằng tất cả.

- Nhiều tác phẩm tâm huyết, giành được những giải thưởng danh giá, nhưng rồi chỉ để xếp kho, chị có hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn với sân khấu cải lương khi công nghệ nghe nhìn ngày càng bị bủa vây?

-Bao nhiêu tâm huyết mình làm, rồi cất vào kho, buồn chứ. Thực tế, cũng có khán giả muốn xem đấy, nhưng không nhiều, với lại không có nhà hát để diễn. Tôi quen với nỗi buồn từ bao nhiêu năm nay rồi, quen từ khi sân khấu cải lương bắt đầu thoái trào, đến mức chúng tôi phải diễn ca nhạc, đến bây giờ thì quá quen rồi, cứ sống và làm nghề trong trạng thái cố gắng tồn tại và giữ lửa đam mê cho nghề, vì tôi sợ, nó cứ mai một dần đi qua ngày tháng, trong xu thế thay đổi chóng mặt của xã hội.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

V.H (Thực hiện)
.
.
.