Yingluck gặp “bad luck”

Thứ Hai, 11/09/2017, 11:09
Từ một người hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường, bỗng lên làm nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Chùa vàng, nhiều người từng nói vui rằng Yingluck là “good luck” (vận may). Nhưng xem ra, hiện nay Yingluck đang chịu “bad luck” (vận rủi).


Ngày 25-8 vừa qua, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã không xuất hiện trong phiên tòa để đối diện với cáo buộc tham nhũng và lạm quyền trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi.

Từ một người hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường, bỗng lên làm nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Chùa vàng, nhiều người từng nói vui rằng Yingluck là “good luck” (vận may). Nhưng xem ra, hiện nay Yingluck đang chịu “bad luck” (vận rủi).

Cô con út vừa xinh vừa giỏi

Bà Yingluck sinh ngày 21-6-1967 tại San Kamphaeng, Thái Lan, trong một gia đình gốc Hoa giàu có. Bà là con út trong gia đình có 9 người con, trong đó có cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bà mang huyết thống của vương thất Chiang Mai cũ thông qua bà nội là Quận chúa Chanthip na Chiangmai (chút của Quốc vương Thammalangka của Chiang Mai).

Bà lớn lên tại Chiang Mai và theo học sơ trung học tại Học viện Regina Coeli, một trường nữ sinh tư thục, và học cao trung học tại Học viện Yupparaj. Yingluck từ khi còn đi học đã nổi tiếng vì vẻ đẹp, chiều cao và tính cách năng động. Bà là thành viên tích cực của đội diễu hành trường và đã tham gia một số cuộc thi sắc đẹp. Bà tốt nghiệp Cử nhân Khoa học chính trị và Quản trị công tại Đại học Chiang Mai năm 1988, và nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Hành chính công của Đại học bang Kentucky (Mỹ) năm 1991.

Yingluck bắt đầu sự nghiệp trong vai trò là một thực tập sinh tiêu thụ và tiếp thị tại Công ty Hữu hạn Danh bạ Shinawatra, một doanh nghiệp danh bạ điện thoại do AT&T International thành lập. Sau đó, bà trở thành Giám đốc thu mua và Giám đốc điều phối. Năm 1994, Yingluck  là Tổng giám đốc Rainbow Media, một công ty con của Công ty Quảng bá Quốc tế IBC (sau trở thành TrueVisions). Bà rời khỏi chức vụ Phó tổng Giám đốc điều hành của IBC vào năm 2002, và trở thành Giám đốc điều hành của Advanced Info Service (AIS), nhà điều hành điện thoại di động lớn nhất của Thái Lan.

Tay mơ làm thủ tướng

Bà Yingluck trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan khi đảng Pheu Thai (Vì Người Thái) do bà lãnh đạo giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 7-2011. Trước cuộc bầu cử, bà Yingluck chưa từng tranh cử hay giữ bất cứ vị trí nào trong chính phủ dù bà có 2 tấm bằng liên quan đến chính trị.

Những người chỉ trích nhanh chóng nhắm vào kinh nghiệm chính trường là số 0 tròn trĩnh của bà Yingluck. Theo giới quan sát thì bà chỉ là con rối trong tay người anh trai đã bị lật đổ, cho rằng chính ông Thaksin là người "buông rèm nhiếp chính", điều khiển mọi thứ từ hậu trường. Do vậy, kể cả những người ủng hộ nhà Shinawatra cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào vị nữ Thủ tướng có ngoại hình của một minh tinh.

Trên thực tế, bà Yingluck đã không tạo được ấn tượng trong những ngày đầu giữ chức thủ tướng. Trong một cuộc gặp gỡ báo chí nước ngoài sau khi nhậm chức, bà tỏ ra "nhợt nhạt, luống cuống và mơ hồ", theo Daily Beast. Đối với các câu hỏi của phóng viên, bà chỉ biết trả lời "sẽ dành thời gian xem xét vấn đề" bằng thứ tiếng Anh không lưu loát.

Song nữ Thủ tướng 44 tuổi đã từng bước thay đổi hình ảnh. Sau khi chỉ định những cái tên được trọng vọng cho nội các, bà thành lập một đội ngũ chuyên gia tư vấn về kinh tế. Trong thời gian nắm quyền, bà lôi kéo được những cố vấn và thân tín nhiều kinh nghiệm. Một khảo sát cho thấy, nội các của bà Yingluck được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế trong các đời thủ tướng, thậm chí hơn cả thời Thaksin nắm quyền.

"Điểm mạnh của bà ấy là sự bình tĩnh, khiêm tốn và cách bà tiếp cận vấn đề hòa giải dân tộc", Sean Boonpracong, cựu Cố vấn An ninh quốc gia thời bà Yingluck, nói với Daily Beast. "Bà đã điều hành đất nước với ít sự can thiệp từ ông Thaksin hơn là mọi người nghĩ".

Một nguồn tin từ đảng Pheu Thai tiết lộ rằng ông Thaksin, người sống chủ yếu ở Dubai, đã sớm đề nghị các quan chức của đảng này tham vấn bà Yingluck về các quyết định chính sách hơn là xin ý kiến của ông. Thaksin xem em gái là một "chỉ huy thực địa đáng tin cậy", theo vị quan chức.

Chương trình tranh cãi

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban lúa gạo, bà Yingluck đã khởi động chương trình trợ giá cho nông dân, thực hiện cam kết của bà khi tranh cử và cũng là chính sách mà ông Thaksin đề ra. Chính phủ tiến hành mua gạo của người dân với giá cao hơn giá thị trường, sau đó sẽ tạm trữ lại trong kho. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi đó, việc “găm hàng” nhằm mục đích khiến giá gạo thế giới tăng mạnh vì nguồn cung giảm đi.

Đây là chính sách quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân đối với bà Yingluck cũng như đảng Pheu Thái. Thế nhưng, chương trình này đã khiến Chính phủ Thái Lan phải chi tới 10 tỷ USD/năm trong khi việc xuất khẩu gạo bị đình trệ ảnh hưởng lớn tới cân bằng ngân sách quốc gia. Chính phủ của bà Yingluck bị cáo buộc tham nhũng.

Các cuộc tuần hành phản đối bà Yingluck nổ ra. Trước sức ép từ chức từ những người biểu tình, bà Yingluck kêu gọi tổng tuyển cử bất thường và bị phe đối lập tẩy chay vì đảng cầm quyền của bà được dự đoán chắc chắn giành chiến thắng. Trong bối cảnh đó, quân đội tiến hành cuộc đảo chính lần thứ 12 trong lịch sử nền quân chủ lập hiến Thái Lan hình thành từ năm 1932.

Đầu tháng 5-2014, Tòa án tối cao đã tước chức vị của bà Yingluck vì cáo buộc lạm quyền. Trong hơn 3 năm trên cương vị Thủ tướng, cũng là 3 năm sóng gió nhất cuộc đời, bà Yingluck đã phải đối mặt với hàng loạt sức ép từ phe quân đội, biểu tình, ngập lụt lịch sử ở Bangkok…; kèm theo đó là hàng loạt cáo buộc khác cùng những vụ kiện dai dẳng.

Tháng 1-2015, chính quyền quân sự Thái Lan ra lệnh cấm bà Yingluck tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm; đồng thời truy tố cựu nữ Thủ tướng các tội danh hình sự liên quan đến chương trình trợ giá gạo được cho là đã gây thất thoát ngân sách 600 tỷ baht (khoảng 20 tỷ USD). Bà Yingluck trở thành Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bị luận tội. Nếu bị kết tội, bà có thể bị án tù giam tới 10 năm.

Cuộc đào tẩu và tương lai nước Thái

Ngày 25-8 vừa qua, tin cho biết bà Yingluck đã đào tẩu để trốn bản án dành sẵn cho mình. Nguồn thạo tin cho biết bà đã trốn bằng đường biển qua Campuchia trước khi sang Singapore rồi bay tới Dubai, nơi anh bà là ông Thaksin đang sống. Hiện có tin bà đã xin cơ chế tỵ nạn sang London.

Các nguồn tin thân cận giới tinh hoa tại Bangkok cho hay, một số quan chức chính phủ đã "bật đèn xanh" để bà Yingluck ra đi vì bà không thể vượt qua nhiều lớp an ninh như vậy nếu không có sự "thông đồng". Dù thế nào, sự ra đi của bà Yingluck có thể xem là một chiến thắng của phe quân đội trong cuộc đối đầu 16 năm kể từ khi ông Thaksin lần đầu đắc cử, vì bà Yingluck "sẽ tạo ra ít nguy cơ hơn nhiều" nếu sống lưu vong.

Tuy nhiên, "chiến thắng" này không có nghĩa là bất ổn chính trị tại Thái Lan đã được giải quyết. Sự chia rẽ trong lòng xã hội Thái Lan vẫn hiện hữu và cách giải quyết phụ thuộc vào việc chính quyền quân sự cũng như phe cánh của họ "liệu có rút ra bài học đúng đắn rằng di sản của ông Thaksin về việc thức tỉnh những thành phần bị bỏ rơi trong xã hội Thái phải được kết hợp và tiếp thu".

Hiện tại, quyền lực của chính quyền quân sự khó có thể bị thách thức và phe đối lập không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, nếu chính quyền vẫn không thể xoa dịu những thành phần chống đối, "người thắng cuộc hôm nay vẫn có thể thua cuộc về lâu dài khi nỗi bất bình tích tụ và bùng lên thành ngọn lửa trên đường phố", theo chuyên gia Thitinan.

Ước Lễ
.
.
.