Robert Lighthizer “đạo diễn” cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Thứ Ba, 01/05/2018, 15:17
Ðại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer được mệnh danh là “đạo diễn” cuộc chiến thương mại của Mỹ đánh vào Trung Quốc.


Theo Thời báo Phố Wall (WSJ), chính ông Lighthizer là người cho rằng đã đến lúc phải hành động với Trung Quốc, bắt đầu bằng một cuộc điều tra chính thức về những hành vi thương mại không công bằng. Ông Lighthizer được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc điều tra này.

Cuộc điều tra đánh dấu bước khởi đầu của một nỗ lực có tính rủi ro cao và kịch tính nhất trong nhiều thập niên trong thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Nguy cơ chiến tranh thương mại đã lên đến cực điểm vào tuần đầu tháng 4 vừa qua, khi ông Trump đưa ra lời đe dọa áp đặt thuế quan lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, một động thái cũng có “dấu ấn” của ông Lighthizer  trong đó.

Trung Quốc ngay lập tức trả đũa, đe dọa áp thuế đối với một lượng nhập khẩu tương đương từ Mỹ. Ông Trump đáp lại bằng việc cho biết có thể áp thêm thuế lên 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu nữa  của Trung Quốc, tăng gấp 2 lần so với kế hoạch ban đầu. Đáp lại, hôm 6-4, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay Bắc Kinh “hoàn toàn sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ và không do dự”.

Theo WSJ, vai trò của ông Lighthizer đã trở nên rõ ràng đối với Trung Quốc khi nhóm kinh tế của ông Trump bay đến Bắc Kinh vào tháng 11-2017, để tiến hành một vòng đàm phán, trong đó ông Trump đảm bảo rằng đại diện thương mại Mỹ sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, trong khi một số người khác đợi bên ngoài.

Trong một cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, ông Lighthizer đã trình bày về cách mà phía Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán trước đây không mang lại kết quả như thế nào, và về việc Tổng thống Mỹ quan ngại về thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng. Trong khi  các quan chức Mỹ nhận xét ý kiến trình bày của ông Lighthizer giống như một phiên tranh luận của luật sư,  thì các quan chức Trung Quốc mô tả phản ứng của họ là quá bất ngờ.

Tờ WSJ tiết lộ hiện ông Lighthizer đang trao đổi thư từ với đặc phái viên kinh tế cao cấp của Trung Quốc, về các biện pháp mà Bắc Kinh có thể làm, để tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Các cuộc đàm phán có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Mọi  sự không rõ ràng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và làm tăng giá đối với những hàng hoá dự kiến áp thuế.

Theo WSJ, trong những người được cho là theo chủ nghĩa dân tộc, ông Lighthizer chính là nhân vật có quan điểm cứng rắn nhất đối với Trung Quốc. Là người điều hành Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, ông Lighthizer vạch ra chiến lược và thực hiện nó. 

Ngay cả đối với những người được cho là ủng hộ toàn cầu hoá, như ông Gary Cohn, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, người lo lắng về tác động của các cuộc chiến thương mại lên thị trường, cũng thừa nhận ông Lighthizer, cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại của Nghị viện, là luật sư có kinh nghiệm, hiểu rất rõ cách mà Washington làm việc như thế nào.

Còn đối với Tổng thống Trump, ông Lighthizer là một người có quan điểm giống nhau về thương mại. Hai người đàn ông, những người có khả năng phán đoán thông minh tương tự, đã gắn bó lại với nhau. Trong các mục báo đăng trên trang cuối từ năm 1997, ông Lighthizer đã phản đối việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo các điều khoản đang đàm phán. Tổng thống Trump gọi WTO là “thảm họa cho đất nước này”.

Theo các quan chức chính quyền Mỹ, ông Lighthizer  đôi khi bay nhờ về tiểu bang Florida quê nhà trên chiếc Không lực số 1 (Air Force One) của Tổng thống. Ông Trump triệu tập ông Lighthizer thường xuyên đến Phòng Bầu dục, để thảo luận các vấn đề thương mại. Ông Lighthizer, 70 tuổi, đã lớn lên ở thành phố cảng Lake Erie của Ashtabula, Ohio, nơi bị “hủy hoại” bởi các mặt hàng nhập khẩu. 

Ông Lighthizer từng tự nhận mình là “công nhân áo xanh” mặc dù ông là con trai của một bác sĩ, người đã từng tham gia đua xe thể thao vòng qua phía Tây Virginia, có tài sản tài chính trị giá từ 10 - 38 triệu USD.

Theo tờ WSJ, tới đây, khả năng Mỹ duy trì áp lực lên Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố, bao gồm phản ứng của thị trường, sự phản đối của các ngành công nghiệp và nông dân Mỹ, sự trả đũa của Trung Quốc chống lại các công ty Mỹ.

Về phía Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện sự tin tưởng họ sẽ thắng thế trong một cuộc chiến tranh thương mại, và đưa ra những lời đe dọa đối với cuộc vận động bầu cử nghị viện giữa kỳ cho đảng Cộng hòa của ông Trump.

Gia Hân
.
.
.