Người nắm kỷ lục… tiền tấn
- Người dân Trung Quốc săn hàng ngoại “sạch”
- Cần làm cho người dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật về biển Đông
- Người dân Trung Quốc tranh cãi về hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò”
Khi các nhà điều tra khám xét nhà riêng Lại Tiểu Dân, họ phát hiện 270 triệu NDT tiền mặt, tương đương 906,9 tỷ VNĐ (khoảng 39,5 triệu USD). Số tiền mặt này nặng tới 3 tấn, khi xếp lại chiếm thể tích tới 3 mét khối. Tuy nhiên, theo báo chí, số tiền mặt này chỉ là “phần nổi của tảng băng” so với tổng số tiền mà Lại Tiểu Dân vơ vét được.
Số tiền mặt bị thu giữ tại nhà riêng đã khiến Lại Tiểu Dân được ghi nhận là người giữ kỷ lục về vấn đề này, sau khi phá vỡ kỷ lục cũ do Ngụy Bằng Viễn, Vụ phó Vụ Than, Cục Năng lượng Quốc gia “thiết lập” hồi tháng 4-2014. Khi đó, cơ quan điều tra đã thu giữ 230 triệu tệ giấy bạc tại nhà ông Viễn, 4 chiếc máy đếm tiền do cơ quan điều tra mang đến đã bị cháy do hoạt động quá công suất.
Lại Tiểu Dân sinh năm 1962, quê Giang Tây, là đại biểu Quốc hội khóa 12. Ông công tác lâu năm tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, lần lượt giữ các chức vụ cấp phòng, vụ, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban giám sát quản lý ngân hàng.
Năm 2009, ông Lại được điều chuyển sang làm Bí thư, Chủ tịch Công ty Hữu hạn Cổ phần Quản lý tài sản Hoa Dung (China Huarong Asset Management Co., Ltd.). Năm 2014, công ty này đã đầu tư tổng cộng 14,5 tỷ NDT. Hiện Hoa Dung là một tập đoàn bao gồm 10 công ty con.
Công ty Hoa Dung đã đầu tư cho nhiều tập đoàn lớn hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực từ tài chính, năng lượng đến cảng biển. Công ty này được thành lập vào năm 1999, chuyên xử lý các khoản nợ xấu. Đây cũng là công ty phát hành nhiều trái phiếu nhất trên thị trường Hồng Kông. Số trái phiếu đáo hạn vào năm 2020 trị giá gần 210 tỷ NDT. Ngoài ra, Hoa Dung còn có 52,7 tỷ NDT trái phiếu đáo hạn vào năm 2025 và 2027.
Sự phát triển quá nóng của Hoa Dung Trung Quốc đã khiến công ty này rơi vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý trung ương vài năm trước. Một năm trước, các hoạt động của họ chính thức bị điều tra gắt gao sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố việc loại bỏ các rủi ro trên thị trường tài chính nằm trong 3 ưu tiên lớn nhất của chính phủ.
Tháng 4-2018, Lại Tiểu Dân đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương - Ủy ban Giám sát quốc gia (UBKTKLTW) tiến hành điều tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng. Ngày 17-4, UBKTKLTW tuyên bố, đây là vụ đại án tiền tệ đầu tiên mà cơ quan này tiến hành kể từ khi được thành lập sau Đại hội 19.
Theo giới tài chính, Lại Tiểu Dân nổi tiếng là “người to gan, lớn mật”, “thích thành tích”. Sau khi ông ta nắm Hoa Dung, công ty này đã “biến từ thận trọng trở nên cấp tiến”. Với lối sống tha hóa, ông ta tìm cách bỏ bà vợ nguyên là Tổng giám đốc bộ phận quản lý bán hàng của Ngân hàng Quang Đại để cặp kè với nhiều người tình, và một cô nhân tình ở Hồng Kông đã sinh cho ông ta một cặp sinh đôi.
Báo chí Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân khiến Lại Tiểu Dân “ngã ngựa” có thể do có quan hệ lợi ích với nhiều công ty tư nhân theo kiểu “tuồn tiền để ăn chia”. Một trường hợp điển hình được báo chí nêu tên, có dính líu đến vụ án Lại Tiểu Dân là Cổ Thiên Tướng, người giàu nhất tỉnh Ninh Hạ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Nguyên Mạnh Nghiệp, Ninh Hạ.
Theo báo Tài Tân, bất chấp sự hoài nghi, bàn tán của nhiều người Lại Tiểu Dân ra sức rót tiền cho Thiên Nguyên Mạnh Nghiệp với số tiền lên tới hàng chục tỷ NDT, biến nó trở thành công ty bình phong của Hoa Dung nhằm thực hiện mưu đồ chia chác lợi ích.
Ngoài ra, sau khi bị điều tra, các mối quan hệ giữa Lại Tiểu Dân với Tiêu Kiến Hoa, người đứng đầu Tập đoàn Tomorrow, Diệp Giản Minh, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Tín và Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh cũng dần dần bị phơi bày. Những người này đều nắm giữ cổ phần của Hoa Dung.
Trong đó, quan hệ giữa Lại Tiểu Dân với Tôn Chính Tài được đặc biệt chú ý. Hoa Dung đã đầu tư ở Trùng Khánh tới 4 tỷ NDT và thành lập tại đây Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Du Phúc, Hoa Dung.