Lên Sin Súi Hồ ngủ Homestay

Thứ Năm, 09/03/2017, 09:30
Ðến ngã ba Thèn Sin (huyện Tam Ðường), xe rẽ phải và bắt đầu leo đường dốc. Lại nhớ tối qua, trong bữa rượu vui cùng các bạn đồng nghiệp ở Ðài PT-TH Lai Châu, các bạn đã cho biết: Tới Lai Châu mà chưa lên Sin Súi Hồ thì coi như chỉ mới biết một nửa. Câu nói vui và đượm vẻ “thách đố” ấy chính là khởi nguồn cho chuyến lên Sin Súi Hồ của chúng tôi sáng nay.


Đường leo dốc quanh co, con đường trải nhựa đã lâu nên nó không còn “trơn tru” nữa. Như để bù lại là trước mắt chúng tôi hiện ra một màu vàng ửng như con đường này được nhuộm màu nắng vậy. Đang giữa mùa dã quỳ nên dọc hai bên đường và men theo sườn núi hoa cúc quỳ đua nhau nở rộ. Cảm giác như được tắm mình trong nắng khiến chúng tôi đều gật đầu khi nhớ lại “Tới Lai Châu mà chưa lên Sin Súi Hồ thì coi như mới biết một nửa” là câu nói đúng.

Hóa ra vẫn không phải thế. Người đón chúng tôi tại Trụ sở xã là Phó bí thư Đảng ủy xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tên là Tẩn Vần Hin, anh trai trẻ người Mông này hôm nay trực cho cả Đảng ủy và Ủy ban. Tẩn Vần Hin vừa gãi đầu vừa nói: “Các chú lên hôm nay xã đi họp và tập huấn cả. Mai mới về. Đêm nay các chú ngủ lại với bản”. Chúng tôi cười đáp lễ: “Lên là lên với bà con chứ đâu cứ lên là lên với cán bộ”. Được lời như cởi tấm lòng, Tẩn Vần Hin rạng rỡ hẳn, anh cho biết: “Sin Súi Hồ có những mười tám Homestay, mà Homestay nào cũng có đủ tiện nghi sinh hoạt riêng biệt và sạch sẽ, các chú tha hồ ngủ”.

“Homestay” mà chúng tôi chọn để thăm và dự tính ngủ lại cũng hoàn toàn tình cờ. Một căn nhà của người Mông bình thường như ngàn vạn căn nhà của người Mông khác. Chỉ khác là từ cái nhìn đầu tiên chúng tôi dường như đã cảm tình ngay. Thứ nhất là Homestay này ở ngay đầu bản. (Cái gì đầu tiên mà chả gây chú ý). Thứ hai là người đàn ông Mông chừng ngoài bốn mươi có gương mặt sáng, nụ cười hồn hậu, đứng ngay chân dốc cổng vào nhà đã khiến chúng tôi có cảm tình luôn. Hảng A Xà, tên người đàn ông đó cười và chìa tay chào đón, anh nói bằng thứ giọng cũng rất ấn tượng. Một giọng nói tự tin toát lên sự chân thành.

Homestay của vợ chồng Hảng A Xà còn giữ nguyên dáng vẻ của một căn nhà truyền thống của người Mông, nhà tường chình đất và lợp ngói âm dương, một căn nhà thoạt nhìn đã thấy chủ nhân là người chăm chỉ. Bằng chứng là những bao thóc còn chất đầy ngoài hiên. Những bao thóc gặt về đã được phơi khô đang chờ đưa đi xay xát. Hảng A Xà cứ lui qua lui lại. Anh lúng túng vì mấy chiếc giường khách sáng nay ngủ dậy muộn nên chưa kịp vén màn. Vẻ lúng túng pha chút ngượng ngịu của người đàn ông Mông làm chúng tôi thích thú.

Tôi bèn hỏi lảng: “Bộ bàn ghế này nghe giới thiệu là anh Xà tự làm lấy?”. Hảng A Xà cười nhăn đuôi mắt: “Dễ thôi mà. Chịu khó là xong thôi”. Ái dà, dễ thôi mà. Tôi đứng dậy bước qua bước tới quanh bộ bàn ghế. Một bộ bàn ghế làm bằng gỗ nũa khá tinh xảo với những hoa văn khá công phu. Gỗ nũa bền nhưng rất cứng. Để chế tác thành “tác phẩm nghệ thuật” đâu có đơn giản. 

“Cứ ngồi ở bộ bàn ghế này là đủ sướng rồi”, tôi nói “lấy lòng” chủ nhà. Hảng A Xà hết ngượng, anh nhanh tay vén màn và nói đỡ: “Vợ đi xuống tỉnh học lái xe. Hì hì. Bận quá nên chưa kịp dọn”. Vợ xuống tỉnh học lái xe? Tôi hơi kinh ngạc. Bản Sin Súi Hồ này nằm ở độ cao trên một ngàn năm trăm mét. Học lái xe ư? Đường sá còn khó khăn và hơn nữa lại là đàn bà Mông? Thôi thì đủ mọi “thắc mắc” trong đầu.

Đêm xuống bản rất nhanh. Màn đêm buông xuống bản Sin Súi Hồ rất nhanh, cũng bởi có thêm làn sương mù dày đặc ùa tràn khắp bản. Dưới ánh đèn điện, căn nhà người Mông chợt ấm lên một cách lạ thường. Hảng A Xà mời tôi chén rượu. Thứ rượu gạo nương được nấu bằng men lá cứ phảng phất mùi của núi rừng. Chén rượu thơm “quyến rũ” còn bởi không khí chuyện trò giữa chúng tôi với chủ nhà giờ đã khá cởi mở. Một không khí “Khách – Chủ” chắc chỉ có ở những Homestays?

Cả ngày hôm nay chúng tôi đã cùng chủ nhà tự tay làm cơm tối sau một ngày lang thang khắp bản. Bản Sin Súi Hồ bao quanh sườn núi. Những con đường chạy trong bản giờ đã được “bê tông hóa” nên đi lại khá thuận tiện. Dọc hai bên đường là những chậu địa lan xanh tốt, là những khu vườn địa lan san sát chen cây. Để có được những con đường như thế này là cả quá trình người dân trong bản “làm kinh tế” từ trồng địa lan và từ những Homestay, Hảng A Xà không giấu diếm đã nói vậy. Đường sạch như mới được quét. 

Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp bên những gốc cây to những chiếc giỏ tre đan treo lủng lẳng. Vàng A Tủa, con trai lớn của Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho hay: “Đó những sọt đựng rác ạ”. Đúng là ấn tượng. Người Mông ở Sin Súi Hồ đúng là chu đáo. Họ làm du lịch với quan niệm là làm cho chính mình.

Trời tối thêm. Bữa cơm của người Mông bắt đầu và bao giờ cũng có món bánh ngô và thịt lợn treo gác bếp. Thiếu hai món đó coi như là chưa thành bữa. Hảng A Xà đã ngà ngà men rượu, anh hào hứng cho biết về bí quyết mà người Sin Súi Hồ đã làm để “thay đổi cuộc sống”. Thì ra dễ mà cũng không dễ. 

Đó là câu chuyện về chính bản thân Hảng A Xà. Vốn là một người có vốn kiến thức và đầy năng động nên Hảng A Xà không chịu cảnh thấp hèn. Anh đọc nhiều sách, anh học nhiều nơi và cuối cùng chọn một cách đi cho gia đình mình và cho bản mình. 

Hảng A Xà tâm sự: “Đầu tiên là phải “thay đổi tư duy”. Chà chà, một cách thức khiến ngay cả chúng tôi cũng giật mình. Thì ra nếu không thay đổi tư duy cũ lạc hậu thì không khá lên được. Hảng A Xà đã thay đổi tư duy cho mình, cho gia đình mình, rồi từ đó vận động cả bản thay đổi tư duy. Lối suy nghĩ “không chấp nhận đói nghèo, lạc hậu quả là đúng đắn”.

Sin Súi Hồ có điều kiện khí hậu tương đồng với Sa Pa, đó là thuận lợi đầu tiên cho bà con làm kinh tế hộ: làm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng và trồng địa lan. Kết hợp hai khâu đó vào một hoàn cảnh cụ thể đã nhanh chóng tạo nên nguồn lợi không ngờ. Giờ đây, chỉ mới sau chừng năm năm mà những ai từng biết tới Sin Súi Hồ cũng ngỡ ngàng. Một Sin Súi Hồ đã và đang đúng như tên gọi của nó. Theo tiếng Mông thì Sin Súi Hồ có nghĩa là “suối cố vàng”. Hình như vậy mà Sin Súi Hồ còn gọi là Sin Suối Hồ. Những con suối có vàng trong trí tưởng tượng của người dân ở đây đã hóa vàng thực sự.

Đêm lặng vắng đến bình yên. Trên những chiếc giường bằng gỗ của người Mông bản Sin Súi Hồ chúng tôi đã có một giấc ngủ nhiều mơ mộng. Trong giấc ngủ bình yên ấy tôi đã mơ thấy những chậu địa lan nở hoa  rực rỡ. Tôi đã mơ thấy những vạt đồi hoa đào nở đỏ màn sương. Tôi đã mơ thấy những chàng trai, những cô gái người Mông trong bản mặt tươi như hoa. 

Hồi tối hôm trước, các bạn đồng nghiệp của tôi ở thành phố Lai Châu đã nói: Sin Súi Hồ còn có nghĩa là đất của những người đẹp. Những cô gái người Mông ở bản Sin Súi Hồ đẹp như tranh vẽ, các cô với những cái tên cũng đẹp tuyệt vời. Này là Hảng Thị Lú có nghĩa là Chim Yên. Này là Hảng Thị Qua có nghĩa là Chim Bồ Câu và này là Hảng Thị Xú có nghĩa là Sợi Chỉ... Ôi những cái tên cứ chập chờn trong giấc mơ tôi trong một đêm ngủ lại Sin Súi Hồ. Và tôi chợt ớ ra “Đây mới chính là nửa nên biết khi tới Lai Châu”. 

Ghi chép của Nguyễn Trọng Văn
.
.
.