Trò chuyện với những cái chum ba nghìn năm tuổi

Thứ Ba, 14/03/2017, 21:18
Nếu chưa lang thang ở Cánh Đồng Chum (ba chữ tôi đều viết hoa), thì bạn sẽ cho rằng có thể tôi hoá rồ rồi, lặn lội từ Việt Nam sang miền Bắc nước Lào xa xôi trên cao nguyên đầy sương khói này để quỳ lạy mấy cái đống đá nhấp nhô gồm bảy trăm viên: đá ong, đá vôi, đá cẩm thạch. 

Tôi biết chẳng khó khăn gì để bạn nghĩ như tôi vừa nói. Song, tôi lại vẫn tin rằng, bạn mà sang xứ sở hoa Chăm-pa đó, lặn lội với Cánh Đồng Chum, chắc chắn bạn cũng sẽ phải sụp xuống quỳ lạy 700 cái chum có từ 3.000 năm trước!

Ông Trời hay con người đã đẽo những chiếc chum khổng lồ?

Bạn tự hỏi: di sản văn hoá thế giới này, do trời đất hay một vương triều, một bộ tộc nào tạo tác mà thành? Câu hỏi vẫn còn phong kín cho loài người thả rông trí tưởng tượng của mình mà tiếp tục "thầy bói xem voi". Đó là những trang sử đá kỳ thú mà loài người chưa thể đọc dịch nổi.

Cánh Đồng Chum được tạm coi như sứ giả của một nền văn minh đã mất, nó được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, năm 2001. Là biểu tượng của đất nước Triệu Voi quyến rũ…

Xiêng Khoảng rộng nhất nước Lào, nằm ở phía Bắc xứ sở hoa Chăm-pa, giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Cánh Đồng Chum bí ẩn nằm trên đất Xiêng Khoảng. Bí ẩn như đá và câm lặng như vỏ quả đất đang ngày càng hung hãn của chúng ta vậy. Cánh Đồng Chum ở Lào cũng nổi tiếng như Sa Pa hay Vịnh Hạ Long ở Việt Nam. 

Cánh Đồng Chum, với 700 cái chum khổng lồ bằng đá, nằm mênh mông rợn ngợp, thách thức trên ba khu "thánh địa" - thật không tài nào lý giải nổi. Chum đá bạt ngàn, như ngàn vò rượu lớn, nằm ngổn ngang. 

Cánh đồng Chum bị bom Mỹ đánh vỡ nhiều di sản bằng đá.

Đây, một người đàn bà ngồi xổm, đăm đắm nhìn vào máy dò mìn xoè như cái mâm lớn trên cỏ mượt. Trong mắt chị, hình như còn sự thảng thốt bởi di họa của chiến tranh và cái chết thảm sầu của những người dò mìn trên cánh đồng bom đạn; phía sau chị là lừng lững, ngổn ngang toàn những chiếc chum đá nghìn năm tuổi.

Trong ký ức của tôi, Cánh Đồng Chum là một cái gì thật đó thảm khốc, bởi tôi từng nghe quá nhiều về sự thảm khốc - huỷ diệt do bom đạn qua những vị cựu binh từng chiến đấu ở Bắc Lào kể lại. Rằng nơi ấy, bạt ngàn bom đạn, là chết chóc hăm-bơ-gơ (kiểu như đồi thịt băm trong tiểu thuyết "Thân phận tình yêu" (Nỗi buồn chiến tranh) của nhà văn Bảo Ninh). 

Giờ lại nhìn thấy cảnh đứa trẻ ở trần truồng, bé như cái búp măng non, vịn vào quả bom tấn nằm thuồi luồi như con trâu đằm ở Cánh Đồng Chum xanh rợn. Đầu kia quả bom tấn là một cụ già ngồi ngẩn tò te mà hình như ký ức chiến tranh vẫn còn ngơ ngác, hoảng loạn. 

Chẳng đâu xa, những ngày này, ở Phôn Sa Vẳn, chúng tôi vẫn gặp những quán cà phê… dùng bom để trang trí. Những ngôi nhà ba tầng giữa lòng thị xã, trước cổng cũng cắm ba bốn quả bom. Dường như, ký ức của người Xiêng Khoảng, Phôn Sa Vẳn về bom đạn vẫn quá nặng nề và dai dẳng. Nó ám ảnh như bức ảnh đám trẻ nhỏ chạy vô tư lự bên một khu tường rào sin sít nối đuôi nhau những quả bom khổng lồ đứng đuồn đuỗn, đứng xám ngoét một góc trời ở rìa Cánh Đồng Chum.

Mật ngôn của những viên đá đẹp

Tôi đã đi, đã gặp rất nhiều dáng núi, dáng đá được tạo tác kỳ lạ, nhưng kỳ lạ đến như những tác phẩm đá của người ngoài hành tinh tạc đẽo bên thảo nguyên gì đó của nước Anh, thì tôi vẫn nguỵ biện rằng: vô tình, trời sinh ra thế. Đến như bãi đá cổ Sa Pa với những nét vẽ nguyên thuỷ mà Việt Nam và thế giới chưa tỏ tường nổi; thì nhiều người vẫn có thể coi là vớ vẩn, đó là nét vẽ nghịch (cả vẽ dương vật và âm hộ) của trẻ mục đồng tục tĩu. 

Việt Nam cứ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bãi đá cổ Sa Pa là Di sản văn hoá thế giới, tôi vẫn cãi bừa được. Nhưng đến thế giới của những chiếc chum nghìn năm tuổi ở Xiêng Khoảng, tôi phải sụp lạy đất trời và một vương triều xa xôi nào đó. 

Kỳ bí, kỳ bí đến mức không thể cãi chày cối kiểu AQ được. Trời không thể làm ra được những cái chum khổng lồ, đích thị là những cái chum cao tới gần 3m, lòng chum đựng vừa cả con trâu mộng, được tạc bằng đá tự nhiên nguyên khối, chứ không phải là viên đá hình cái chum có từ thuở tạo sơn được.

Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng trong quá trình rà phá bom mìn phục vụ nghiên cứu và du lịch.

Theo số liệu chính thức của các nhà khảo cổ đã công bố, có tới 700 chiếc chum đá kỳ lạ được ghi trong hồ sơ quản lý (kỳ quan thế giới). Điều đặc biệt ở những chiếc chum này là ở khối lượng và kích thước chưa từng có của chúng. 

Những chiếc chum được làm từ đá cẩm thạch, đá ong, đá vôi với hình dạng khác nhau: miệng lồi, miệng tròn, chiếc vẹn nguyên như chum đựng thóc của bà con Bắc bộ Việt Nam, chiếc tan hoang chẻ ra từng miếng đá lớn do bom Mỹ đánh trúng giữa từ hồi nơi này còn là chiến trường cách đây gần nửa thế kỷ. 700 chiếc chum, mỗi chiếc nặng trung bình 6 tấn, đường kính 0,8m và cao tới 2,5m. 

Người ta, ai cũng phải sững sờ khi đứng trước những cái chum đá liền khối được khoét một cách khó hiểu, mà đường kính của nó tới 3m; chiều cao hơn 3m. Đám trẻ con công kênh nhau leo lên miệng những chiếc chum rồi lại công kênh nhau xuống như là… leo núi đá. Dễ đến chục đứa trẻ chơi ú tim có thể ngồi vừa trong đó. Chúng ngồi trên miệng chum, như con mèo nằm trong cái nong phơi thóc.

Chất liệu đá tự nhiên, cổ kính, chum tạc nguyên khối đứng sừng sững giữa trời đất mấy nghìn năm qua, một vẻ đẹp bể dâu quyến rũ. Các nhà khoa học, từ đầu thế kỷ 20, đã dày công nghiên cứu và đặc biệt, kể từ khi UNESCO công nhận Cánh Đồng Chum là di sản văn hoá thế giới, thì những câu hỏi về nguồn gốc của những chiếc chum ngày càng trở nên day dứt, thách thức hơn bao giờ hết. 

Hệ thống chuyên gia hàng đầu của loài người, đã khảo sát 65 trên tổng số 109 địa điểm được phát hiện có sự xuất hiện của những chiếc chum cổ. Hầu hết chúng nằm bí ẩn trong rừng sâu hoặc những quả núi, cánh đồng hẻo lánh. 

Vì bom đạn còn quá nhiều trên đất Lào nói chung và Cánh Đồng Chum nói riêng, cho nên, đến bây giờ, đất Triệu Voi mới chỉ cho voi kéo bom ra, dọn làm khu du lịch có thể an toàn phục vụ du khách được ở 3 địa điểm phân bố di sản… chum đá. Địa điểm thứ nhất là Bản Ang, cách Phôn Sa Vẳn 12km; địa điểm thứ hai là bản Lắt Sén, địa điểm thứ ba là Bản Sua (đều cách Phôn Sa Vẳn khoảng 20-30km). 

Chưa biết đến bao giờ người Lào mới tháo hết bom mìn phục kích tiếp tục giết người do thằng Mỹ "gài" lại để du khách có thể đến với cả thảy 700 cái chum đá khổng lồ, kỳ bí kia?

Sự chào thua của trí tuệ con người?

Điều thú vị là: không phát hiện thấy bất cứ cái chum đá dạng Cánh Đồng Chum nào ngoài tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Theo truyền thuyết, truyện cổ của người Lào thì, chiếc chum đã được đẽo gọt từ đá tảng nguyên khối từ hơn 3000 năm trước. 

Bộ tộc người của nước Lào (bộ tộc Puon) đã tổ chức đẽo gọt ra những chiếc chum sau này thành Di sản văn hoá cho thế giới văn minh của thế kỷ 21 chỉ việc làm hồ sơ công nhận ấy. Chuyện khác lại kể, các nghệ sỹ điêu khắc làm chum đến từ một bộ tộc người khổng lồ. 

Vẻ đẹp cánh đồng Chum - một biểu tượng của nước Lào.

Trong một trận chiến chống ngoại xâm để bảo vệ nòi giống, khi chiến thắng, họ đã đẽo đá làm chum làm coóng đựng rượu, làm ché uống rượu khao quân. Các chum bé chum lớn đều có thể làm chén uống rượu của người khổng lồ. 

Theo đó, nhiều cái chum vỡ là do người khổng lồ say rượu, "quẳng chén làm hiệu" giết kẻ thù. Truyền thuyết khác lại kể, bộ tộc đẽo chum là bộ tộc Lao Thoeng. Tất nhiên, câu chuyện vơ với mù mịt hơn cả sương khói này sẽ bị khoa học tỏ ý chưa tin tưởng (!).

Các nhà khảo cổ hì hụi đào bới và kiếm tìm. Họ tìm thấy truyền thống chôn người trong chum của bộ tộc Puon, rồi họ lại đào được xương người, răng người; những chiếc vòng đeo tay làm bằng đồng thau, những hạt chuỗi bằng thủy tinh và bằng cả đá quý carnelian… trong những chiếc chum khổng lồ. Lại tìm thấy cả những nồi đất đựng xương người chôn chung quanh những chiếc chum đá. 

Đúng như nhà khảo cổ học Colani miêu tả, ở Bản Ang, nơi có những chiếc chum lớn và nổi tiếng nhất, có một cái hang lớn, tôi (người viết bài này) cũng đã vào trong lòng hang đó. Trong hang có ban thờ, hoa cúng vẫn tươi, lòng hang ám khói, và có hai lỗ tròn như hai họng súng lớn nhằm thẳng lên nền trời. 

Cuối cùng, bà Colani phỏng đoán rằng, các cái chum đá lớn kia là những cái mộ chôn người chết. Thi thể người ta được táng ở chum đó, còn cái hang kia là nơi đốt xác người về trời.

Tôi càng kính trọng bà Colani hơn, khi mà, dẫu sống chết bảo vệ quan điểm khoa học của mình, song, trong 2 cuốn Mégalithes du Haut - Laos (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào, xuất bản năm 1935) bà Madeleine Colani một mặt cho rằng, chum là một loại mộ, chôn người trong chum là một táng thức. 

Nhưng, một mặt, bà cũng sòng phẳng chấp nhận đưa câu chuyện bước thụt (tiến?) một nửa trở lại với đám mây huyền thoại về những người khổng lồ khao quân bằng chum rượu đá - khi mà bà thú nhận: khi phân tích các-bon thì tuổi xương người tìm thấy gần cái chum lại còn cao hơn cả tuổi của những cái chum…

Đến tận bây giờ, nhân loại vẫn nợ nhau một câu hỏi: ai đã đẽo chum đá, đẽo để làm gì, đẽo bằng cái gì mà tài thế? Trí tuệ của hơn 7 tỷ người của quả đất còn chào thua những chiếc chum của người khổng lồ, thì gã lãng du như tôi làm sao lý giải nổi. Song, chắc chắn, 700 chiếc chum Di sản thế giới kia, sẽ không vì đám mây huyền ảo mà bớt phần quyến mời.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.