Bí ẩn ít người biết về cánh đồng chum cổ trên đất nước Lào

Thứ Sáu, 16/10/2015, 08:00
Có vài lữ khách đã không quản ngại đường xá xa xôi để tìm vào một góc xa xôi, hẻo lánh trên xứ Lào và tận mắt nhìn thấy một số cánh đồng chum đá cổ xưa. Ai đã đặt chúng ở đó, và mục đích chính về sự hiện diện của chúng là gì?

Bí ẩn 2.500 tuổi trên đất Lào

Những đám mây bụi vởn lên như những cụm nấm bỏ lại đằng sau chiếc xe máy khi chúng tôi lao vào một con đường la liệt "ổ gà" nằm ở ngoại ô Phonsavan, một thành phố cỡ trung nằm cách thủ đô Vientian của Lào khoảng 400km về hướng Đông Bắc. Những rặng núi bao quanh ép con đường thành nhiều nhánh nhỏ như những lọn tóc gấp khúc, trước khi những đỉnh núi gồ ghề rơi tõm xuống các cánh đồng trải dài vô tận. 

Khi chúng tôi vượt qua một người đàn ông địa phương đang chăn trâu, ông chỉ tay về hướng mà xe tôi đang leo tới, xác nhận rằng tôi đã đi đúng hướng. Tôi nới lỏng ga và xe từ từ tiến tới. Rõ ràng tôi đã ở gần cánh đồng chum - một trong những địa điểm đá cự thạch hùng vĩ nhất trên đất nước Lào - song kỳ lạ là nơi này hoàn toàn quạnh quẽ khách du lịch. So với những ông bạn láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam, Lào thường bị du khách bỏ qua khi đến khu vực này.

Bất chấp vẻ đẹp kiêu kỳ dù đã được tổ chức UNESCO công nhận như thành phố Luang Prabang (Bắc Lào), nhiều du khách dường như chỉ quanh quẩn quanh "thiên đường hoan lạc" Vang Vieng - một xứ sở tiệc tùng bất tận mà dạng khách Tây ba lô thường rất mê, họ chơi trò trượt nước bên trong những cái ống cao su khổng lồ đổ xuống dòng Nam Song (Vang Vieng). 

Nhưng tôi không đếm xỉa gì đến cỗ tiệc, chỉ là đang cất công thám hiểm một bí ẩn có niên đại 2.500 năm tuổi trên đất Lào mà nói trắng ra là không người nào biết về nó. Khách du lịch mù tịt về nó: hàng ngàn cái chum bằng đá có niên đại từ thời đại đồ sắt nằm rải rác trên một diện tích trải dài hàng trăm cây số vuông giữa các rặng núi bao quanh Phonsavan - một cung đường vòng chán ngắt từ những tuyến đường giao thông chính.

Cánh đồng chum (vại): một bí ẩn 2.500 năm tuổi tại Phonsavan, Lào.

Nằm rải rác tại nhiều vị trí ngẫu nhiên, một số khối đá cự thạch có kích thước khổng lồ: cao 3 mét, rộng 1 mét. Ngoài ra, xương người, các nắp vung và đĩa đá cũng được tìm thấy ở đây. Mục đích sử dụng của các chum đá và ai là người đã cấu tạo nên chúng thực sự vẫn còn là một bí ẩn. 

Dựa vào kích thước và nằm cạnh kề các bộ xương của các chum đá mà một số nhà khảo cổ học nghĩ rằng những cái vạc đá này là những địa điểm an táng thời tiền sử cho một nền văn minh cổ đại từng hiện diện trên một tuyến đường thương mại bị lãng quên, nơi này nằm giữa sông Cửu Long và Vịnh Bắc Bộ. Số khác tin rằng những chiếc vại đựng hài cốt này đã được sử dụng làm vại chưng cất gì đó trong suốt các giai đoạn đầu tiên của những nghi thức tang lễ.

Tín ngưỡng an táng Đông Nam Á

Theo đó, xác người quá cố sẽ được đặt vào bên trong vại và để cho phân hủy trước khi hài cốt được chuyển đến một nhà hỏa táng hoặc một điểm lưu trữ thứ cấp. Sau khi xác đã thối rữa hoàn toàn, người ta đặt lại hài cốt vào trong vại và một cái xác của ai đó vừa mới qua đời sẽ được đặt cùng vào trong chiếc vại này, tái lập lại quy trình an táng. Quan niệm an táng này đã được hậu thuẫn bởi một số cách thức tang lễ ở Đông Nam Á và được áp dụng cho các thành viên Hoàng gia. 

Hoàng gia Thái Lan là một minh chứng, lịch sử ghi nhận rằng xác của các thành viên trong Hoàng gia Thái được để phân hủy trong suốt nhiều tháng sau khi họ tạ thế, sau đó hài cốt của họ được đặt từ những cái hũ này sang hũ khác cho đến ngày cuối cùng của việc hỏa thiêu, người ta tin rằng nếu đi theo cách an táng này thì linh hồn của người quá cố sẽ được chuyển đổi dần dần, rời trần gian để bước sang thế giới u minh.

Thêm vào đó, trên vành của mỗi cái vại (chum) được đậy một cái nắp giữ cho đến khi xác người quá cố được phân hủy hoàn toàn, chính là nhằm khẳng định cho giả thuyết này. Mặt khác, người dân địa phương còn có những triết lý ly kỳ về nghi thức an táng. 

Một số người kể rằng những cái vại đá này đã được tạo ra nhằm làm đồ nấu rượu, nấu lên một thứ rượu mạnh dùng để ăn mừng chiến thắng của một nhóm người khổng lồ thần thoại chống giặc ngoại xâm; số khác lại nói rằng những cái vại này từng đựng một thứ rượu quý của một người khổng lồ từng sống trong các rặng núi ở Phonsavan. 

Nhưng sự thật là, không một ai hay biết bí ẩn đứng đằng sau những cái vại đá này. Phần lớn khu vực rộng lớn nơi đang đặt những cái chum này là hoàn toàn tách biệt với dân cư: khoảng 60 nơi như thế, chỉ có 7 du khách viếng thăm những nơi này. Vị trí 1 nơi có hơn 300 cái chum đá và một số hang đá vôi thiên nhiên mang đến những hé lộ sâu sắc về bí ẩn này.

Nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp, Madeline Colani, người đã nghiên cứu về cánh đồng chum Lào.Nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp, Madeline Colani, người đã nghiên cứu về cánh đồng chum Lào.

Chuyện kể rằng vào đầu thập niên 1930, nhà địa chất học kiêm khảo cổ học nghiệp dư người Pháp - Madeline Colani đã đặt ra giả thuyết rằng những hang đá vôi thiên nhiên từng được sử dụng như nhà hỏa táng, xác hóa thành tro và tro này sau đó lại được đặt bên trong những cái chum an táng. Ý tưởng của bà Madeline đã gắn liền với những nghi thức an táng cổ xưa và nó cung cấp một lời giải thích rằng những cái xác đã được chuyển đến chum sau khi phân hủy. Một bằng chứng từ bên trong hang đá vôi bao gồm các mẫu xương người, răng và các hạt thủy tinh đã hỗ trợ cho giả thuyết này. 

Song dân cư địa phương ở Phonsavan đang tranh cãi xung quanh giả thuyết của bà Madeline Colani, thay vào đó họ tin rằng các hang đá vôi đóng vai trò là những lò nung lớn. Những cái chum (vại) đã được đúc khuôn từ các vật liệu tự nhiên như da động vật, phân, đất sét, đường mía và cát, rồi sau đó đem nung chín.

Hiểm họa từ bom mìn

Đi qua các cánh đồng chum này, chúng tôi đã phát hiện có hàng tá những vệt màu đỏ và trắng được khắc họa một cách cẩn thận trên nền đất - những dấu hiệu này càng làm tăng thêm tấm màn bí ẩn cho cả một quần thể ngập tràn tính thần bí. Phonsavan từng nằm trên một đường bay dành cho các máy bay chiến đấu của Mỹ trong suốt thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, vùng đất này trở thành một bãi rác không được thừa nhận chính thức cho khoảng 270 triệu quả bom bi, biến Phonsavan thành một nơi bị bom oanh tạc nặng nề nhất tính trên đầu người.

 Khoảng 80 triệu trong số bom bi này đã không nổ khi chúng tiếp đất và làm gia tăng hiểm họa làm nhiễm độc đất đai khiến cho đa phần đất đai quanh cánh đồng chum trở nên đất độc không thể sử dụng được. Du khách muốn đến thăm quan nơi này buộc phải ở gần những vị trí đã được đánh dấu: những khu vực đã dọn sạch bom mìn.
Hơn 50.000 người Lào đã chết hoặc bị thương do nổ bom mìn kể từ năm 1964.

Tổ chức tư vấn bom mìn (MAG) - một tổ chức phi chính phủ - phát biểu rằng có hơn 50.000 người Lào đã bị thiệt mạng hoặc chấn thương kể từ năm 1964. Bất chấp công cuộc dọn sạch bom mìn đã được triển khai kể từ năm 1994 nhưng cũng phải mất gần một thế kỷ thì họa may ra Lào mới tránh khỏi các hiểm họa sát thương từ bom mìn. 

Trung tâm khách du lịch của MAG đặt trên một tuyến phố chính ở Phonsavan hiện đang cung cấp các thông tin chi tiết về lịch sử thảm họa bom mìn đằng sau địa phương này. Nhìn ra xung quanh, thiệt hại từ các vụ nổ bom là điều hiển nhiên: đất đai để lại sẹo, nhiều chum đá bị bể với các mảnh vỡ ở khắp nơi, lớp bể, lớp bị hủy hoại. 

Khi đặt tay lên một cạnh chum đá, tôi cảm nhận sự mênh mông của quần thể đá cự thạch chốn này. Bất kỳ câu trả lời nào cho bí ẩn này chắc hẳn là hãy còn lâu lắm; chỉ có những tấm mạng nhện và những vũng nước đọng đó đây. Thời gian và chiến tranh tàn phá đã tước đi cơ hội để cho chúng ta hiểu rõ thêm về ai đó đã tạo nên những cấu trúc kỳ vĩ này cũng như tại sao họ lại làm như thế. Khi mà nhìn đỏ mắt vẫn không thấy bóng dáng du khách lai vãng, bí ẩn này thực sự đang làm cuốn hút suy nghĩ của riêng tôi.

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.