Tết ở Cánh đồng Chum năm ấy

Thứ Sáu, 04/02/2011, 15:11
Cuối năm 1967, tôi là một trong 3 cán bộ của Thông tấn xã (TTX) Việt Nam được lãnh đạo cơ quan cử sang giúp TTX Pa-thết Lào (KPL) tại vùng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Chúng tôi đến Xiêng Khoảng đúng vào thời điểm Mỹ và bọn phản động cực hữu Viêng Chăn thực hiện âm mưu mở rộng lấn chiếm vùng giải phóng Lào và Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, vùng do mặt trận Lào yêu nước kiểm soát với vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự trên chiến trường Đông Dương.

Đỉnh điểm của cuộc lấn chiếm đó là mùa mưa năm 1969 chúng huy động nhiều tiểu đoàn bộ binh có máy bay Mỹ yểm trợ lấn chiếm gần như toàn bộ vùng Cánh Đồng Chum. Tình hình đó khiến cuộc sống và công việc của tổ phóng viên chúng tôi gặp khó khăn.

Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp bạn xây dựng một tổ phóng viên với biên chế từ 5 đến 7 người có trình độ viết được tin và các bài ngắn, từng bước làm tốt việc thông tin về quân sự và kinh tế của khu vực đối với cả nước. Thực hiện nhiệm vụ ấy trong điều kiện chiến tranh ác liệt, tổ phóng viên KPL được tập hợp từ nhiều ngành, hầu hết chỉ tương đương lớp 7. Vượt lên những khó khăn và thử thách đó, anh em chúng tôi đoàn kết với khẩu hiệu "giúp bạn là giúp mình" đã sớm đưa tổ phóng viên bạn đi vào hoạt  động, từng bước đáp ứng yêu cầu tuyên truyền ở một địa bàn nóng bỏng trong cuộc chiến đấu của quân và dân Lào. Một khó khăn khác đối với tôi là sau 2 năm, 2 đồng chí vì sức khỏe lần lượt về nước, còn lại một mình nên tôi phải khoác ba lô sang cùng ở, cùng ăn và cùng làm việc với bạn.

Cũng cuối năm thứ 2 tôi mắc bệnh sốt rét và bệnh này đã đeo đẳng tôi suốt những năm ở chiến trường. Tuy chỉ có một mình và sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng sống cùng các bạn Lào và được bạn tận tình giúp đỡ về nhiều mặt tôi vẫn bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao cho đến ngày đất nước Lào hoàn toàn giải phóng.

Những năm ở chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là thời gian có nhiều kỷ niệm trong đời làm báo của tôi. Để có thể giúp bạn viết được tin, bài ngoài phần giảng giải lý luận chung, tôi phải cùng bạn đi thực tế thu thập tư liệu rồi về hướng dẫn bạn viết. Ở một vùng như Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, mỗi chuyến đi có thể coi là một trận chiến đấu vì bom đạn của quân thù không chừa một ai. Nhưng điều hạnh phúc đối với tôi là tất cả các phóng viên bạn khi được phân công đi cơ sở không một người nào từ chối và những chuyến đi đó bạn còn giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi đã thật sự yên tâm khi có bạn ở bên cạnh. Đến nay, trong ký ức của tôi, tôi vẫn không quên những chuyến đi nguy hiểm, thấm đậm tình nghĩa anh em, đồng nghiệp của những người bạn Lào.

Đó là chuyến đi vào cuối năm 1968 của tôi và đồng chí Uôn Sỉ, phóng viên ảnh đi Mường Ngàn, một xã nằm ở phía Nam Xiêng Khoảng để viết về gương một du kích dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ và những tin, bài phản ánh cuộc sống và chiến đấu của người dân ở vùng cực nam này. Chuyến đi được đồng chí Ăm Khan, Tổ trưởng bạn bàn bạc với tôi và quyết định sẽ thực hiện từ trước đó một tuần. Chúng tôi ra đi trong lúc anh em cơ quan đang khẩn trương chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Thân. Đây là Tết thứ 2 của tôi ở Lào. Đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam nói với tôi: "Bàn lại với bạn lùi cuộc đi này đến sau Tết có được không". Tôi trả lời: "Không được anh ạ, vì đây là Tết của Việt Nam và bạn đã quyết thì ta phải tôn trọng bạn".

Tác giả tại một lễ hội giữa quân giải phóng Lào và nhân dân Mường Liệt.

Tôi chuẩn bị hành lý tuy trong tâm trạng rất thoải mái, nhưng vẫn thấy chạnh lòng nhớ về những cái Tết đã qua. Chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết, nhưng tôi và đồng chí Uôn Sỉ vẫn rời Khăng Khay đi Mường Ngàn. Do phải tránh đường quốc lộ, tránh những trọng điểm máy bay thường đánh phá nên hai anh em phải lách rừng mà đi. Hai anh em ngày đi, đêm nghỉ, còn ăn uống dọc đường chủ yếu là xin các khẩu phần ăn thừa của các nhà sư trong các chùa và một phần là dân bản sơ tán gần đường lo giúp. Đêm đầu tiên ngủ trên một sạp nứa của một gia đình nông dân chỉ có 2 ông, bà già, hai người con trai đã gia nhập quân Giải phóng.

Do suốt ngày đi bộ khá mệt nên khi đặt lưng xuống là tôi ngủ ngay. Nhưng khoảng hơn 1h thì không thể nào ngủ được nữa vì rệp cắn và ngứa khắp người. Tôi lấy đèn pin soi trên dát nứa và nhìn thấy rệp đang nối đuôi nhau tìm đến với người. Tôi rùng mình và gọi anh Uôn Sỉ dậy xem đàn rệp đi tìm người lạ. Thế là cả hai chúng tôi cùng thức cho tới sáng.

Đêm thứ hai, cũng lại ngủ trên sạp nứa và ở một điểm sơ tán cách đêm trước một ngày đường. Khoảng giữa đêm tôi thức giấc vì thấy có tiếng động nhẹ. Ý nghĩ biệt kích mò đến "hỏi thăm", tôi cố lắng nghe rồi với chiếc đèn pin để trên đầu soi chung quanh thì thấy con rắn hổ mang đang bò về phía mình. Tôi lạnh toát cả người vì chưa bao giờ nhìn thấy con hổ mang to như vậy. Tôi lay đồng chí Uôn Sỉ dậy đuổi rắn. Chủ nhà giải thích vì ở rừng nên thi thoảng vẫn có rắn bò vào nhà tìm mồi. Thế là lại một đêm nữa hai chúng tôi mất ngủ.

Buổi chiều ngày thứ ba, tức là 30 Tết, chúng tôi đến Mường Ngàn và gặp ngay được người du kích. Hai anh em khai thác tài liệu, chụp ảnh xong và theo sự sắp xếp của ông Chủ tịch xã Tà Xẻng, chúng tôi về một nhà dân nghỉ. Đồng chí Uôn Sỉ đã từng học ở Việt Nam nên rất hiểu ý nghĩa thiêng liêng của những ngày Tết dân tộc đối với tôi. Đồng chí nói: "Đêm nay là giao thừa của Tết Việt Nam, nhưng anh lại không được sống trong không khí đón Tết, anh có buồn không? Tôi trả lời: "Vì công việc tôi không nghĩ đến Tết. Vả lại có người bạn Lào rất thân thiết như anh Uôn Sỉ ở bên cạnh thì không buồn".

Tuy vậy, đêm ấy tôi không thể nào chợp mắt được vì đây là Tết thứ 2 ở Lào và bên cạnh không có người Việt chia sẻ vui buồn. Hình ảnh sum họp gia đình thân thương trong đêm giao thừa và lời thơ chúc Tết đầm ấm, hào sảng của Bác Hồ vang lên trên hệ thống truyền thanh của những Tết ở quê hương sống lại trong tôi giờ càng sống động làm cho tôi thao thức.

Tuy chỉ có một mình và sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng sống cùng các bạn Lào và được bạn tận tình giúp đỡ về nhiều mặt tôi vẫn bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao cho đến ngày đất nước Lào hoàn toàn giải phóng.

Không khóc, nước mắt tôi đã chảy tràn xuống hai gò má khi những kỷ niệm ấy lần lượt sống lại. Ngày hôm sau, tức mồng 1 Tết tôi và đồng chí Uôn Sỉ tiếp tục công việc như bao nhiêu ngày bình thường khác. Trưa về là một "típ" xôi chấm với "cheo" (một món ăn quen thuộc của người Lào gồm muối, ớt và mấy con cá nhỏ nướng rồi đưa vào cối giã), chứ không có bánh chưng, giò, dưa hành như Tết ở quê nhà.

Ngày say mê làm việc nên khái niệm tết hầu như không có, nhưng đêm về trong không gian tĩnh lặng càng làm cho tôi nao nao buồn và nhớ đến day dứt về những hình ảnh quen thuộc của quê huơng với người mẹ già tất bật lo cho đàn con có bộ quần áo mới, trong 3 ngày Tết. Hiểu tâm trạng của tôi, đồng chí Uôn Sỉ luôn động viên: "Tết ở trong lòng mỗi người. Cứ coi như những ngày này có Tết là vui rồi anh Nên ạ". Tôi thật xúc động và cảm ơn người bạn Lào chân thành và chu đáo.    

Sáng hôm sau, tức mồng 2 Tết, tôi và đồng chí Uôn Sỉ chuẩn bị quay lại Xiêng Khoảng thì nhận được tin quân phái hữu Viêng Chăn nống ra cắt đường về Xiêng Khoảng. Thế là hai ngày Tết tiếp lại trôi qua. Sau đó, chúng tôi phải nằm lại đây hơn một tuần. Sống với dân dài ngày và lại không quen ăn xôi nên tôi chỉ cầm cự được vài ngày. Những ngày sau không ăn thì đói, mà ăn vào thì ruột gan nóng và cuối cùng mỗi bữa tôi chỉ ăn được một chút xôi bằng quả trứng vịt với rau cải luộc chấm muối trắng. Do ăn uống không đủ chất, tôi đã mắc bệnh kiết lỵ. Tôi đã phải dùng hết cơ số thuốc mang theo, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Bệnh kiết lỵ tuy không nguy hiểm, nhưng sức khỏe giảm sút rất nhanh. Người tôi rã rời và lúc nào cũng chỉ muốn nằm.

Đồng chí Uôn Sỉ nói với tôi: "Nếu anh đồng ý, tôi sẽ đi tìm thầy thuốc chữa trị để anh còn có sức mà về lại Khăng Khay chứ". Tôi hiểu cứ nằm ở đây thêm vài ngày nữa thì càng khó khăn thêm vì định vẫn có thể nống ra cắt đường bất cứ lúc nào. Sau khi được một y tá của một đơn vị bộ đội địa phương giúp đỡ, bệnh của tôi đã đỡ dần và chúng tôi đã trở lại  Khăng Khay. Trên đường đi, chiếc ba lô đã được đồng chí Uôn Sỉ mang giúp, nhưng tôi vẫn bước đi rất khó nhọc và phải mất 5 ngày đường chúng tôi mới về tới Xiêng Khoảng.

Đối với tôi đây không phải là chuyến đi công tác có nhiều kỷ niệm khó quên vì đơn giản là những ngày Tết, mà còn những chuyến đi khác cũng đáng nhớ như vậy bởi lẽ những năm từ 1968 đến 1972 mỗi lần đi thực tế cùng với mỗi tin, mỗi bài của chúng tôi được viết ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đều phải trả giá và không ít tin, bài mà người viết phải giành giật quyết liệt giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Nhưng làm sao khác được vì làm báo ở chiến trường là như vậy

Nguyễn Tử Nên - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.