Đời "phu nước"

Thứ Năm, 14/04/2016, 15:25
Giữa trưa nắng nóng như thiêu như đốt, những đôi tay gầy guộc, gân guốc vẫn thoăn thoắt kéo những thùng nước nặng trĩu từ chiếc giếng sâu trong vắt rồi lại hì hục, kéo, đẩy, thồ những thùng nước lớn đi khắp thành phố giao cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Mỗi chuyến nước chỉ vài chục ngàn đồng, vất vả, nặng nhọc, nhưng là cả tài sản lớn với những người lao động nghèo, quanh năm chỉ biết bám giếng mưu sinh.


Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ của phố Trần Hưng Đạo, giếng cổ Bá Lễ được biết đến như một di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố Hội An. Bất cứ ai khi đến thăm Hội An đều ghé qua giếng cổ Bá Lễ để được tận mắt chứng kiến chiếc giếng cổ ngàn năm không bao giờ cạn. Giếng có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ, sâu khoảng 12m.

Theo các nhà nghiên cứu thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Tương truyền vào khoảng đầu thế kỷ XX, có một người đàn bà giàu có tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu giếng Chăm này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ.

Ông Đường đã 82 tuổi nhưng vẫn miệt mài gánh nước mưu sinh.

Điều đặc biệt là dù nằm giữa lòng thành phố, nhưng chẳng bao giờ người ta thấy giếng cạn. Trong khi nhiều giếng cũ bị ô nhiễm nặng, trở thành giếng "chết" giữa lòng thành phố thì duy nhất giếng cổ Bá Lễ nước vẫn trong như nước suối, ngọt lịm như nước mưa.

Trước đây người dân Hội An thường gánh nước về nhà để phục vụ sinh hoạt của gia đình, nhưng theo các cụ cao niên kể lại rằng, từ thời chống Pháp, có một tên lính Tây sau khi đi ngang ghé vào giếng múc nước uống rồi tấm tắc khen, sau đó hắn tìm người hay gánh nước ở đây rồi trả thù lao cho người đó mỗi ngày chở cho hắn một thùng đến doanh trại. Từ đó, nghề gánh nước ở giếng này ngày một "thịnh hành", người làm nghề này ở Hội An mỗi lúc một đông.

Không những thế, vị thanh ngọt của nước giếng cổ Bá Lễ còn tạo nên dư vị đậm đà, ngon miệng cho những món ăn nức tiếng xứ Quảng. Bởi vậy ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn sử dụng nước giếng để tạo nên những món ăn đặc biệt cho thành phố. Họ tìm thuê người chở nước ngọt hằng ngày và từ đó, nhiều người lao động nghèo tìm đến giếng cổ Bá Lễ để có thêm một nghề mưu sinh, đó là nghề "phu nước".

Người làm nghề lâu năm nhất đã hơn 50 năm, người mới vào nghề cũng đã dăm bảy năm. Có người quê gốc Quảng Nam, nhưng cũng có người phiêu bạt từ vùng quê khác đến đây để kiếm sống.

Dù đã vào trưa nhưng giếng cổ Bá Lễ vẫn tấp nập người ra vào lấy nước. Họ đều là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì mưu sinh mà gắn bó với nghề "phu nước" có một không hai này. Những người chở nước thuê ở đây quanh đi quẩn lại cũng đều quen mặt nhau cả nên không ai tranh giành của ai. Người đến sớm lấy trước, người đến sau xếp hàng chờ đến lượt mình. Chị Lai gắn bó với nghề gánh nước thuê hơn chục năm nay.

Trong khi nhiều người biết đi xe máy hay kéo xe tay để thồ nước thì chị chỉ biết đôi quang gánh kĩu kịt trên vai, đi bộ khắp thành phố Hội An để gánh nước cho các nhà hàng, quán ăn. Đôi vai gầy guộc nay đã yếu đi nhiều, đôi chân, đôi tay cũng không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng chẳng còn lựa chọn nào hơn khi một mình chị phải chăm người chồng bị tàn tật không có khả năng lao động và đứa con đang học cấp 2.

Ngày nào cũng thế, chị cứ dậy từ 4h sáng, tranh thủ gánh vài gánh nước rồi lại về nhà cơm nước buổi sáng cho chồng và cho con đi học. Xong xuôi lại tiếp tục công việc đến trưa, ăn uống qua quýt rồi lại làm đến xế chiều. Lịch trình gần như không bao giờ thay đổi, dù ngày nắng hay mưa. "Tôi đi gánh nước từ 4 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều cho các tiểu thương trong chợ. Ai kêu ở đâu thì đi gánh ở đó, gần thì 50m còn xa thì có khi vài cây số.

Giếng cổ Bá Lễ giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập.

Mỗi gánh nước rẻ lắm, 5.000 đồng/1 thùng, không kể quãng đường xa hay gần. Ngày xưa còn khỏe ngày gánh được hai chục gánh. Giờ già yếu rồi, dù làm quần quật cả ngày cũng chỉ kiếm được dăm chục vì mình đi bộ, không gánh được nhiều. Đi lại cũng đã mất bao nhiêu thời gian", chị cười chua chát. Có những hôm trời mưa, đường trơn, không may trượt ngã, cả gánh nước đổ ráo, chị lại phải quay về gánh lại từ đầu.

Hỏi sao lại chọn nghề khó nhọc ấy thì chị bảo, tất cả chi phí, sinh hoạt và tiền học hành của con đều dựa vào đôi vai gánh nước của chị. Những người lao động nghèo khó, không bằng cấp như chị thì tìm đâu một công việc khá khẩm nếu không đi làm thuê, làm mướn.

Đây là chuyến thứ 10 của anh Mẹo từ sáng sớm đến giờ. Anh may mắn hơn nhiều người khác khi có chiếc xe máy để chở hàng, nên hầu như chẳng có lúc nào để nghỉ ngơi. Mỗi chuyến xe chỉ chở được 4 can nước lớn, nhưng có xe máy nên việc đi lại thuận tiện, nhanh chóng hơn. Một ngày chăm chỉ chở nước, anh cũng kiếm được 100 - 200 nghìn đồng.

Công việc của anh bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mịt. Cứ 4 giờ sáng anh đã phải đi lấy nước chuyển đến các nhà hàng, khách sạn để họ kịp nấu đồ ăn sáng cho khách. Xong xuôi mới chở đi bán cho các hộ gia đình trong phố cổ.

Anh Nhẫn vào nghề cũng đã được năm năm. Cả nhà mấy miệng ăn đều trông vào tiền chở nước thuê và gánh hàng rong của vợ anh. Tuy vất vả, cực nhọc nhưng nghề chở nước thuê lại là "cần câu cơm" chính của gia đình anh. Mỗi ngày anh chở được khoảng 50 can loại 20 lít, mỗi can giá 3.000 đến 5.000 đồng. Trừ xăng xe đi lại, anh cũng kiếm được 200.000 nghìn đồng. Nhờ đó mà các con anh có điều kiện học tập đầy đủ hơn.

Nhà ông Dẵng cách giếng cổ tầm 5 cây số. Đã ngoài 50 tuổi, thân hình gầy guộc, nhỏ thó nhưng mỗi ngày đều đặn 10 lượt, ông đạp chiếc ba gác mang theo 7 thùng qua đây chở nước về bán cho các nhà hàng, khách sạn. Số tiền kiếm được chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cũng đủ để ông trang trải chi tiêu cho một gia đình vùng ngoại ô thành phố.

"Nghề này vất vả, cực nhọc lắm, phải thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương. Có hôm trái gió trở trời, chân tay, mình mẩy đau ê ẩm. Nhưng ở cái tuổi này rồi, nếu không làm nghề này thì chẳng biết làm cái gì để nuôi sống bản thân và gia đình", ông Dẵng chia sẻ. Nhìn ông lão còng lưng múc từng xô nước rồi khệ nệ đặt lên xe ba gác chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Nhưng có lẽ đáng thương nhất vẫn là câu chuyện về vợ chồng ông Đường, bà Mỹ, nhà ở gần ngay giếng cổ Bá Lễ. Đã 82 tuổi, nhưng ông lão vẫn miệt mài gánh nước thuê để nuôi bà vợ đã già yếu và anh con trai bị động kinh đã ngoài 50. Cả nhà ông chen chúc sống trong một căn nhà, chỉ có vài mét vuông. Anh con trai bị động kinh từ bé nên hơn 50 tuổi vẫn ngơ ngác như một đứa trẻ. Hằng ngày, ông Đường gánh nước đi khắp thành phố để bán cho các hộ gia đình.

Chuẩn bị đồ nghề để lấy nước.

Hơn 50 năm gắn bó với cái nghề này, ông lão chỉ biết đi bộ bởi từ nhỏ ông chẳng biết đi xe, mà cũng chẳng có điều kiện mà có xe để đi. Trước đây khi bà Mỹ còn khỏe, ai thuê gánh nước, bà nhận tất, còn ông khỏe nên theo bạn đi làm phu hồ, bốc vác, bươn chải khắp nơi. Nhưng đến khi sức khỏe yếu, bà Mỹ ở nhà chăm con, còn ông lại tất tả quang gánh ngược xuôi. Giờ đây sức khỏe đã yếu, mỗi ngày ông chỉ gánh được vài gánh nước, kiếm hai ba chục nghìn đồng. Cả nhà chỉ trông chờ vào đồng tiền trợ cấp tàn tật vài trăm nghìn của anh con trai.

Dù tuổi cao sức yếu, chân tay sưng vù vì bệnh khớp, lưng đã còng nhưng ngày nào bà Mỹ cũng lọ mọ ra hiên nấu cơm cho chồng và con trai. Ông Đường đi gánh nước về xong lại đi chợ mua thức ăn mang về cho bà nấu vì ở tuổi này, bà Mỹ chẳng thể đi đâu được. Nhiều người gọi ông Đường là người gánh nước thuê xuyên thế kỷ, người giữ hồn phố cổ là "di sản văn hoá sống" của Hội An, ông được trao tặng kỷ lục "Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, nhưng với ông đơn giản đó là nghề để ông mưu sinh, nuôi vợ và đứa con bị bệnh tâm thần.

Giữa thành phố Hội An ồn ào, náo nhiệt, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người gánh nước, chở nước thuê khắc khổ, đáng thương. Cuộc mưu sinh bên giếng cổ vất vả, nặng nhọc nhưng vô tình lại trở thành một nét đẹp hiếm có của phố cổ Hội An mà bất cứ một du khách nào khi đến cũng đều ấn tượng.

Ngọc Mai
.
.
.