Đi Hảng Pồ tìm nhau trong đêm xuân

Thứ Năm, 18/02/2016, 17:00
Khi những đốm lửa dần tan vào khoảng không, chỉ còn gió, sương và tiếng thì thầm thơ dại của dòng sông là lúc những cuộc tìm nhau nảy nở. Trai gái nắm chặt tay nhau "lụi" vào màn đêm tĩnh mịch, bỏ lại bầu trời hoang hoải đêm xuân...


1.Lễ hội Hảng Pồ của người Nùng, Tày ở Tây Nguyên diễn ra sau Tết Nguyên đán (khoảng 15 tháng Giêng). Đây là lễ hội văn hóa bao gồm nhiều hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu tình tự giữa các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Hảng Pồ ngoài sự giao thoa giữa các nền văn hóa của các dân tộc còn là không gian để trai gái tìm nhau, yêu nhau, trao cho nhau những lời ước hẹn tương lai.

Tại đây, các tiết mục văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc được khơi dậy, bung trào như hát lượn, hát sli, biểu diễn đàn tính, múa sư tử, mổ heo, uống rượu… Cùng các màn cúng vái gọi thần linh của thầy mo cầu cho một năm mùa màng tốt tươi, dân bản no ấm. Song, hấp dẫn nhất vẫn là những màn tỏ tình ngay trong lễ hội. Vì thế, từ nhiều năm nay, lễ hội Hảng Pồ đã được hiểu ngầm như là lễ hội chợ tình có sức hút mãnh liệt với trai gái. Trong không gian nhuộm màu nắng gió và hơi sương, những chàng trai dân tộc Tày, Nùng từ khắp nơi xúng xính quần lụa áo ống tề tựu về bãi đất trống tại xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) tham gia trò chơi, ca múa nhạc họa và tìm người yêu.

Nhiều trò chơi diễn ra trong lễ hội Tây Bắc tại Tây Nguyên.

Trong những ngày xuân rét mướt hơi sương, gió Lào da diết thổi ngả cây xanh, tôi gặp Vi Thị Hoàng (xã Cư ÊWi, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đang háo hức "tút" lại nhan sắc để đi chợ tình Hảng Pồ. Hoàng 27 tuổi, nhan sắc trung bình, có thâm niên gần 10 năm làm công nhân ở Bình Dương. Đời công nhân không có cơ hội tiếp xúc với "zai", cũng chẳng có thời gian đi tìm hiểu nên dù ở cái độ tuổi ngấp nghé "băm", Hoàng vẫn "vườn không nhà trống".

Năm nay, Hoàng quyết tâm đầu tư hai bộ "cánh" lộng lẫy để đi chợ tình. Trong thâm tâm, nếu gặp được chàng trai tử tế nào ở Hảng Pồ thì Hoàng sẵn sàng bỏ nghề công nhân để về làm vợ người ta. Cùng tham gia chợ tình năm nay với Hoàng còn có một vài người bạn công nhân của cô, tranh thủ những ngày được nghỉ Tết đi tìm chút hơi ấm tình yêu.

Tuy mới xuất hiện vài năm trở lại đây, nhưng lễ hội Hảng Pồ trở thành điểm nhấn lý thú nhất trong mùa xuân. Tại Hảng Pồ, chợ tình năm ngoái, người ta thống kê được có gần chục đôi nên duyên chồng vợ và nhiều cặp trai gái có tiếng "sét" ái tình với nhau. Trai gái tìm nhau ở Hảng Pồ hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ sự mê hoặc chân thành và dành cho nhau tình cảm thật sự. Tuy nhiên, không phải cuộc tình nào tìm thấy ở Hảng Pồ đều đơm hoa kết trái. Sau thời gian yêu nhau, thấy không hợp nhau, nhiều đôi đã "đường ai nấy đi" hoặc bị gia đình phản đối cũng tan đàn sẻ gánh.

Bà con khắp nơi kéo về xem.

Phong tục hôn nhân của người Nùng, Tày có nhiều nét giống với người Kinh. Con trai phải đi cưới vợ, phải làm lễ dạm hỏi rồi mới đến lễ cưới. Con gái phải theo chồng về làm dâu. Nông Thị Hiền (18 tuổi) lần đầu tiên đi chợ tình đã lấy được chồng nhưng phải làm dâu xa vài trăm cây số, nỗi nhớ cha mẹ đong đầy, Hiền khóc suốt. Mùa lễ hội năm sau, Hiền trốn chồng ra chợ tình, xung phong lên hát bài: "Chồng gần không lấy em lấy chồng xa" nghe vừa rưng rưng vừa tha thiết.

2.Khi màn đêm rủ xuống, trời đất mang một cái lạnh se sắt, gió thổi rất mạnh và khô hanh, những cô gái từ vùng xa đến Hảng Pồ lúng liếng chơi xuân, biêng biếc "liếc" trai và mời gọi bằng một điệu sli đắm đuối. Chính cái hanh hao cùng những đợt gió rít lạnh lùng đã kéo những mảnh tình cô đơn xích lại gần nhau.

Bếp lửa bập bùng giữa bãi đất trống, tiếng đàn tính tẩu du dương, dìu dặt, ngân lên ngọt như mật ong và trong như nước khe suối, như tiếng lòng cởi mở của chàng trai, cô gái khiến người nghe quên hết nhọc nhằn mùa vụ. Ai thích thì nhảy ra cùng hòa vào làn điệu hát then, cùng cười với nhau và nắm tay nhau quay cuồng quanh bếp than hồng.

Nhiều người đi chợ tình nhận xét rằng, càng ngày cái chất tình trong chợ đã nhạt đi nhiều. Người ta đến chợ tình không hẳn để tìm tình yêu, tìm những phút giây ngây ngất đê mê nguyên thủy với người con trai hoặc con gái mới quen. Họ đến đây để tìm cảm giác mới lạ, như nhu cầu cần phải có trong những ngày xuân. Cũng có người đến đây để tìm một người cũ, mối tình đầu đã thất lạc ở nơi nào đó giữa đại ngàn Tây Nguyên này. Trong đêm chợ tình, họ sẽ mặc kệ cho những rung động lên ngôi, để một lần được sống thật với con tim, bàn tay nắm chặt hơn, hơi thở nóng bỏng hơn với người mình yêu thương.

Tiết mục đàn tính hát then của dân tộc Tày.

Miên man với những câu chuyện Hảng Pồ, vò rượu vơi lúc nào không hay, người đàn ông ngồi cạnh tôi lôi chiếc điện thoại trong túi giơ ra, cười như sấm: "Năm nay sẽ hẹn người ấy ở Ea Siên, nhớ lắm rồi". Nói xong, ông gầm gừ vào mặt tôi: "Có muốn viết chuyện của tao thì thay tên đi, kẻo con vợ ở nhà nó ghen, nó cấm cửa thì chết tao".

20 năm về trước, Lường Văn Hái (đã thay tên) là chàng trai 18 tuổi bỏ quê hương Bắc Kạn theo bố mẹ vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ngày ra đi, Hái bỏ lại sau lưng tiếng khóc nỉ non của người yêu đầu đời. Đất đai Tây Nguyên bao la, nhà không có nhân khẩu khai khẩn nên bố mẹ Hái "tậu" cho con trai một người vợ về nhà làm cái máy "nấu cơm, giặt giũ".

Hái lấy vợ không có tình yêu, thậm chí ngày cưới mới biết mặt cô dâu. Đêm tân hôn, khi rượu bia đã ngà ngà, Hái tưởng vợ là người yêu cũ, lao vào ôm rồi lẩm bẩm gọi tên. Vợ Hái đạp chồng rớt xuống giường rồi gào khóc chạy lại mách với bố mẹ. Từ đó, mỗi khi vợ chồng hục hặc chuyện gì, vợ Hái lại lấy chuyện xưa ra đay nghiến, dằn vặt.

Sau nhiều năm tha phương, Hái có dịp về thăm quê, thăm lại người yêu thuở trẻ trâu thì được biết cô ấy đã theo chồng vào Tây Nguyên làm ăn. Hái xin được số điện thoại liên hệ và rưng rưng khi biết tung tích của người yêu. Cả hai lén lút nhắn tin, tỉ tê bao nhiêu là chuyện, càng gợi lại quá khứ, con tim Hái cứ rạo rực, thổn thức. Họ quyết định hẹn nhau chợ tình năm nay sẽ giáp mặt để thỏa nỗi nhớ mong, giận hờn bao nhiêu năm.

Đàn ông có vợ, đàn bà có chồng hẹn nhau ở chợ tình đã không còn là điều xa lạ, rụt rè. Người ta tìm nhau trong mênh mang nỗi nhớ, trong men rượu duềnh dàng ánh lửa đêm đông. Những điệu sli cũng không còn được tập luyện bài bản, căn cơ như thuở ban đầu nữa. Chợ tình thời điện thoại di động, những bài hát được thâu trực tiếp vào thẻ nhớ, ai cũng có thể nghe, ai cũng có thể làm. Thậm chí, người ta chẳng thèm nghe nữa, thời gian để lắng đọng vào những câu chuyện tâm tình, những lời thủ thỉ ở một bụi cây nào đó.

3.Hát sli là hình thức hát thơ trữ tình đặc trưng của đồng bào Nùng, gắn bó với con người xuyên suốt cuộc đời, là thước đo sự tài hoa, ứng khẩu lưu loát trước cộng đồng. Đã mang trong mình dòng máu của người Nùng thì bất cứ ai, già hay trẻ đều phải biết hát sli. Bằng những câu từ ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, đôi khi có cả những lời mời chào sang trọng, những lời thách đố kiêu ngạo đáng yêu, hát sli luôn ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đàn ông, đàn bà đều háo hức tham gia.

Đối với đồng bào Nùng, hát sli còn là "ông tơ bà nguyệt" se duyên cho các cặp uyên ương, hàn gắn rạn nứt tình cảm cho bao nhiêu cặp vợ chồng. Vi Thị Hồng (22 tuổi, xã Ea Kueh, huyện Cư M'Nga, tỉnh Đắk Lắk) đang vật vã tập luyện mấy điệu hát sli để ra Tết đi chợ tình Ea Siên. Xa quê hương nhiều năm, bố mẹ Hồng đã quên hết những làn điệu sli của đồng bào Nùng. Bây giờ Hồng muốn học lại phải ra tận nhà văn hóa ngoài thị trấn mới có thầy dạy. Bố mẹ Hồng rất cởi mở, tuyên bố xanh rờn: "Đời chúng mày cần gì phải hát múa, cứ ra đó mà tìm hiểu nhau".

Hồng thì muốn có chút gì đó lãng mạn, bồng bềnh của câu ca tình yêu trong đêm chợ tình, cô muốn tình yêu đến một cách chậm chạp, du dương. Hơn nữa, Hồng tự hào vì sở hữu giọng ca trong trẻo, mượt mà, đằm thắm của làn điệu sli. Phiên chợ tình năm ngoái, Hồng tham dự nhưng không biết hát sli nên lỡ hẹn. Bao nhiêu chàng trai trẻ đẹp, vạm vỡ đánh tính tẩu rừng rực trước mặt, ngạo nghễ thách thức những cô gái đối đáp giao duyên. Họ hát, họ uống rượu với thịt heo nướng vàng ươm, béo mẫm, lời ca cứ vun vút trên ngàn mây. Trai gái nắm chặt tay nhau "lụi" dần vào màn đêm. Hồng ngậm ngùi, tiếc nuối. Giá như năm đó biết hát sli, cô sẽ hòa vào tiếng đàn tính tẩu mà "bắt duyên". 

Có muôn vàn câu chuyện ở chợ tình Hảng Pồ, nhưng dù thế nào thì ngày đầu xuân, người ta vẫn mong muốn đi tìm một thứ gì đó gọi là tình yêu. Và không biết từ khi nào, chợ tình Hảng Pồ đã trở thành nơi hò hẹn, ước mong của biết bao chàng trai, cô gái… Họ đến đây để được đắm say mỗi độ xuân về.

Ngọc Thiện
.
.
.