Trung Quốc:

Khoảng 4.000 người chết vì ô nhiễm môi trường mỗi ngày

Thứ Tư, 30/03/2016, 16:52
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tháng 3-2016 chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đang giết hại khoảng 4.000 người Trung Quốc một ngày. Các nghiên cứu trước đó cho thấy, số người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là từ một đến hai triệu người mỗi năm. Và ước tính, khoảng 1,6 triệu người ở Trung Quốc tử vong mỗi năm vì các bệnh tim, phổi và đột quỵ do tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là các phân tử bụi gây ra.


Theo nghiên cứu của các nhà vật lý tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cứ một trong sáu người Trung Quốc yểu mệnh, chết trẻ là do ô nhiễm không khí gây ra. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này là do khí thải từ quá trình đốt than để sản xuất điện và sưởi ấm.

Trưởng nhóm nghiên cứu Robert Rohde cho biết, 38% người dân Trung Quốc đang phải sống trong những khu vực mà chất lượng không khí theo đánh giá của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ là độc hại. Riêng tại thủ đô Bắc Kinh, nồng độ hạt bụi phân tử nhỏ trong không khí cao hơn 40 lần so với tiêu chuẩn an toàn quốc tế. "Đây thực sự là con số đáng báo động. Một số khu vực có chất lượng không khí kém nhất là ở phía tây nam Bắc Kinh. Hầu như toàn bộ người dân Trung Quốc đều phải sống trong bầu không khí ô nhiễm hơn so với Mỹ" - ông Rohde nhấn mạnh.

Không khí ô nhiễm tại Trung Quốc đang ở mức đáng báo động.

Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) gần đây ước tính, mỗi năm khoảng 63.000 tới 88.000 người ở Mỹ tử vong vì ô nhiễm không khí. Một số ước tính từ các tổ chức khác dao động từ 35.000 đến 200.000 người.

Ông Allen Robinson, thuộc Trường Đại học Carnegie Mellon cho biết, bầu không khí ở những khu vực từng bị ô nhiễm ở Mỹ đã trở nên trong lành sau khi chính quyền đưa ra những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Không giống như Mỹ, tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc nghiêm trọng nhất là vào mùa đông, bởi người dân thường đốt than để sưởi ấm và điều kiện thời tiết khiến không khí bẩn tập trung gần mặt đất.

Trung Quốc  từng thừa nhận về sự tồn tại của các "làng ung thư" do ô nhiễm không khí ở nước này. Một số chuyên gia xã hội dân sự ước tính, có 450 làng ung thư ở Trung Quốc và tin rằng, hiện tượng này đang lan rộng. Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện các biện pháp làm sạch bầu không khí bằng cách hạn chế sử dụng than đá  để làm giảm phát thải CO2 - một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, trong nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là ở các thành phố lớn của nước này, chính quyền Bắc Kinh đã mạnh tay loại bỏ tất cả các loại phương tiện đời cũ có lượng khí thải cao.

Kể từ khi ô nhiễm không khí diễn ra, khẩu trang và máy làm sạch không khí bán rất chạy. Thực khách ở một nhà hàng thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô đã rất ngạc nhiên khi một thứ tưởng được dùng hiển nhiên nhưng lại bị tính phí trong hóa đơn thanh toán. Sau khi dùng bữa, mỗi khách hàng phải trả 1 NDT (khoảng 3,5 nghìn VND) cho tiền "làm sạch không khí".

Nhà hàng tính phí không khí sạch.

Sau rất nhiều phàn nàn tới cảnh sát địa phương, nhà hàng đã được thông báo rằng, hành vi thu phí như trên là sai quy định. Nhà hàng mua máy lọc không khí để cải thiện môi trường không gian xung quanh nhằm giúp thưởng thức ẩm thực tốt hơn, nhưng lại bắt người tiêu dùng phải chi trả cho số tiền mua thiết bị máy móc. Vì khách hàng không hỏi mua "không khí sạch" nên nhà hàng cũng không thể bán không khí dưới dạng hàng hóa được, theo tin từ tờ Bưu điện buổi sáng Bắc Kinh.

Chủ nhà hàng đòi "phí làm sạch không khí" vì không hiểu chính sách, luật định liên quan tới giá cả. Ông ta nghĩ rằng có thể đòi tiền bất kì dịch vụ nào cung cấp. Câu chuyện trên đã thu hút rất nhiều bình luận trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Một tài khoản mang tên 27.38 squibs bình luận trên diễn đàn NetEase: "Xin chào, hãy cho tôi hai tách không khí sạch và một chân gà rán!". "Tôi cho rằng chúng ta nên mở các nhà máy làm sạch không khí và bán không khí sạch cho người dân. Chắc sẽ thu lời lớn lắm!", tài khoản shouxujingling bình luận.

"Họ có thể thêm 1 NDT vào giá các món ăn nhưng họ đã không làm thế. Không có gì sai khi thu thêm phí này. Môi trường ăn uống thế nào thì giá cả thế đấy", người khác viết trên Weibo. Một người cho rằng việc trả phí "không phải là vấn đề" nếu như thực khách được "thông báo trước và đồng ý".

Nguyễn Lai - Linh (tổng hợp)
.
.
.