Ám ảnh ô nhiễm môi trường ở "thủ phủ" nuôi lợn

Thứ Hai, 22/02/2016, 11:31
Khó ai có thể hình dung được đằng sau dáng vẻ khang trang của xã Ngọc Lũ lại là 1 bức tranh xù xì và ảm đạm của sự ô nhiễm, của mùi hôi thối nồng nặc từ chất thải chăn nuôi.


Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được xem là "thủ phủ" nuôi lợn và cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh thành phía Bắc. Đằng sau việc phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi lợn, người dân xã Ngọc Lũ đang gồng mình chống chọi lại với tình trạng ô nhiễm môi trường do chính hoạt động chăn nuôi gây ra. Tình trạng ô nhiễm ở đây đang diễn biến ngày càng phức tạp và trầm trọng.

Chợ đầu mối cung cấp thịt lợn cho nhiều tỉnh miền Bắc.
Mỗi ngày hàng trăm con lợn giống từ các nơi được đưa về Ngọc Lũ.

Ngay từ con đường đi vào Ngọc Lũ đã bốc mùi hôi thối bởi chất thải từ hàng chục ngàn con lợn được xả trực tiếp ra môi trường. Nước cống rãnh sền sệt, ứ nghẽn, cả một đoạn sông Châu Giang chảy qua địa phương này nước cũng đen ngòm.

Nguồn nước ô nhiễm thải trực tiếp ra sông Châu Giang.

Bà Trần Thị Hới người dân nơi đây cho biết: Trước đây kinh tế rất khó khăn, nhưng nhờ chăn nuôi mà kinh tế người dân được khấm khá, thế nhưng chăn nuôi thì lại ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Diện tích đất canh tác thì ngày càng thu hẹp, không chăn nuôi chẳng biết làm gì để ăn…người dân ở đây đã thật sự ngao ngán nhưng cũng hết cách, đành gồng mình sống chung với ô nhiễm và nỗi lo bệnh tật.

Ở Ngọc Lũ, khắp các rãnh, mương máng, ao, hồ đều có màu vàng đục, xanh đen và bốc mùi hồi thối nồng nặc. Hầu hết các hộ gia đình đều chăn nuôi vài chục con lợn trở lên, nhiều nhà nuôi đến hơn trăm con.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên các hộ chăn nuôi đều có làm hầm biogas, nhưng mỗi hầm chỉ có dung tích  25-30 m3. Với dung tích này, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn từ 20-30 con. Phần lớn phân, nước thải còn lại vẫn xả thẳng ra môi trường.                       

 Trước tình trạng ô nhiễm này, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã hỗ trợ xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải tại xã Ngọc Lũ. Tuy nhiên theo tính toán, nhà máy cũng chỉ xử lí được chất thải cho gần 200 hộ, trong khi đó ở đây có tới 1500 hộ gia đình trực tiếp tham gia chăn nuôi. Chính vì vậy, công trình nhà máy xử lý chất thải đã phải đóng cửa ngay khi  xây dựng xong không lâu.

Ông Trần Văn Hùng.

Ông Trần Văn Hùng người trông coi nhà máy xử lí chất thải ở Ngọc Lũ cho biết: Nhà máy xử lý chất thải xây dựng được 6 năm, với tổng kinh phí  lên tới 7 tỷ đồng, hoạt động được hơn 1 năm nhưng không có kinh phí để chi cho hoạt động hàng ngày cho nên nhà máy đành phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Người dân xã Ngọc Lũ nuôi lợn theo kiểu ăn thẳng xả thẳng.

Ô nhiễm môi trường và vấn đề áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ để xử lý ô nhiễm đã nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương.Vì thế hiện nay, ở Ngọc Lũ hàng ngày người dân vẫn tiếp tục gây ô nhiễm và cũng chính họ vẫn tiếp tục hứng chịu hậu quả của mình.

Đỗ Đức Trọng
.
.
.