Thú chơi máy ảnh cổ của một nhà báo

Thứ Tư, 03/08/2016, 14:11
Trong giới "săn" ảnh nghệ thuật ở xứ Trầm hương, anh không chỉ tạo được dấu ấn riêng bằng niềm đam mê lao động và sức sáng tạo, gắn liền với nhiều tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật, mang đậm hơi thở cuộc sống, mà còn là chủ nhân bộ sưu tập máy ảnh cổ có số lượng, chủng loại phong phú, đa dạng hiếm có. Anh là nhà báo Trần Minh Ngọc - Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên thường trú Báo Thương hiệu và Công luận tại Khánh Hòa.

1. Gặp Trần Minh Ngọc tại nhà riêng ở phố Trần Nguyên Hãn, phường Tân Lập, TP Nha Trang khi anh vừa kết thúc chuyến đi "săn" ảnh nghệ thuật ở miền núi. Vẫn phong thái điềm tĩnh của người có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống và giọng nói đậm chất xứ thành Nam, anh đón tôi bằng nụ cười hiền lành. 

Bước vào phòng khách, tôi nhìn thấy hàng chục bức ảnh nghệ thuật với nhiều góc độ, bố cục không gian - ánh sáng, thể loại khác nhau sau những chuyến đi từ miền núi đến đồng bằng, biển đảo, nhưng nhiều nhất và đẹp nhất vẫn là những khoảnh khắc được nhà báo, nghệ sĩ Trần Minh Ngọc ghi lại sau 3 chuyến đi Trường Sa bằng nghệ thuật nhiếp ảnh gắn với tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính tình yêu đó giúp anh thành công sau ba cuộc triển lãm ảnh Trường Sa.

 Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Minh Ngọc và bộ sưu tập máy ảnh cổ.

Bên góc phòng là bộ sưu tập máy ảnh được sắp đặt cẩn trọng trong tủ kính có sức thu hút sự tò mò của dân "săn" ảnh chuyên nghiệp, nhất là giới trẻ đang cầm máy ảnh kỹ thuật số, chưa có dịp "thử tài" với máy cơ, phim nhựa. 

Trần Minh Ngọc tâm sự : "Duyên nghiệp nhiếp ảnh và báo chí đến với tôi rất tình cờ và rất muộn so với tuổi Kỷ Hợi của mình, vì trước đó tôi đã có thời gian dài theo nghề an ninh". 

Theo mạch chuyện kể, tôi được biết anh Ngọc sinh trưởng ở Nam Định, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học cách đây 40 năm, anh thi đậu khóa D8 Trường Đại học An ninh - nay là Học viện An ninh. Rời trường năm 1981, anh Ngọc tình nguyện vào khu Nam Trung bộ nhận nhiệm vụ trinh sát ở Phòng Bảo vệ chính trị 1 (PA15) Công an Phú Khánh, rồi lần lượt được điều chuyển, bổ nhiệm chức danh Phó trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học (PX18), Phó trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp (PV11). 

Anh Ngọc tâm sự : "Khi tỉnh Khánh Hòa tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh đầu tháng 7-1989, tôi giữ chức vụ quyền Trưởng phòng PA15 Công an Khánh Hòa được hai năm, thì xin hưởng chế độ thôi việc một lần khi mang cấp hàm Thượng úy. Tiền trợ cấp rất khiêm tốn nên tôi gửi tiết kiệm để nộp học phí hệ tại chức Đại học Ngoại thương Hà Nội đào tạo tại Khánh Hòa. Nhận bằng cử nhân kinh tế, tôi được bạn bè giới thiệu làm Giám đốc Chi nhánh một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tại Nha Trang". 

Ngừng một lát như để hồi tưởng thời gian khó đã qua, anh Ngọc kể tiếp : "Kinh tế thị trường thời đó luôn phải chống chọi với nhiều sóng gió, nên sau một thời gian đánh vật với hàng loạt khó khăn, thử thách, doanh nghiệp phải giải thể. Tôi về nhà đăng ký khóa học kỹ thuật nhiếp ảnh 3 tháng do Hội Nhà báo Khánh Hòa tổ chức năm 1998. Thực ra, những năm ở Trường Đại học An ninh, tôi đã sử dụng máy ảnh Zenit, Kiev của Nga; Pratica của Đông Đức, đến khi về Phú Khánh, tôi mua máy ảnh Canon. Trong những chuyến công tác, dã ngoại, lễ tiệc tôi đều mang theo chụp năm, bảy kiểu để tặng bạn bè, nhưng cũng lắm lúc cao hứng bấm hết cuộn phim. Mê nghề ảnh từ đó, nhưng vì lo toan cơm áo nên tôi nhận lời làm quản lý một khách sạn". 

Khi có thời gian trống, anh Ngọc cầm máy đi "săn" ảnh và đã có hàng chục tác phẩm triển lãm quốc tế ở Áo, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản… cùng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Niềm vui đó đã khiến anh Ngọc rời khách sạn sau 2 năm theo nghề quản trị kinh doanh để chuyển sang làm báo với tư cách… cộng tác viên. Và nơi "nuôi cơm" anh Ngọc nhiều năm liền bằng... nhuận bút là Báo Khánh Hòa. 

Đó là bước khởi đầu để 16 năm qua, anh lần lượt được mời làm Trưởng đại diện Thời báo Kinh tế Việt Nam, Tuần báo Quốc tế rồi phóng viên thường trú Báo Thế giới và Việt Nam, Báo ảnh Việt Nam, Báo Thương hiệu và Công luận tại Khánh Hòa.

2. Từ khi đến với ảnh nghệ thuật, Trần Minh Ngọc cất công tìm hiểu nhiều loại máy ảnh khác nhau. Và sau nhiều lần tình cờ nhìn thấy những chiếc máy ảnh cổ nằm đơn lẻ ở nhà người này, người kia, ý tưởng tạo lập bộ sưu tập máy ảnh cổ hình thành trong âm trí anh Ngọc. 

Nhiều đồng nghiệp trong giới báo chí và nhiếp ảnh nghệ thuật đều thừa nhận Trần Minh Ngọc tinh tế và nhạy bén, thế nhưng đến khi anh "săn" được 2 máy ảnh cổ đầu tiên của hãng E.Lorillon - Pháp và Magimatic - USA với giá gần…nửa lượng vàng vào năm 2000, không ít người rỉ tai nghi ngờ : "Hình như lão Ngọc bị...hâm". Mãi đến khi tận mắt chứng kiến bộ sưu tập máy ảnh, ống kính và máy phóng ảnh với nhiều nguồn gốc, độ tuổi, kích cỡ, kiểu dáng khác nhau... nhiều người phải cảm phục !

  Một góc bộ sưu tập máy ảnh cổ của Trần Minh Ngọc.

Quan sát bộ sưu tập trong tủ kính, tôi nhìn thấy hàng loạt máy ảnh của các hãng nổi tiếng trên thế giới như: Kowa, Minolta, Nikon, Olimpus, Yashica, Canon, Mamiza, Tac, Fujifilm, Ricohflex - Nhật Bản; Leika, Rolleicord, Rolleiflex, Rtimette, Zeiss Ikon, Agfamati - Tây Đức; Pratica -  Đông Đức; Zenit, Kiev, Labitel - Liên Xô; E.Lorillon - Pháp; Magimatic, Polaroid - USA...

Mỗi máy ảnh có vẻ đẹp riêng từ kiểu dáng thiết kế, màu sắc, chất liệu và kết cấu kỹ thuật. Cùng có nguồn gốc sản xuất từ Đức, nhưng chiếc máy Leika có dáng vẻ nhỏ gọn và tinh tế, trong khi chiếc máy Rolleicord có hình hộp chữ nhật vững vàng với hai ống kính; chiếc máy Zeiss Ikon có dáng vẻ lạ lẫm với hình tháp hướng về phía ống kính, người sử dụng có thể xếp mỏng hình tháp sau khi chụp; chiếc máy E.Lorillon của Pháp có hình vuông được thiết kế hai miếng gỗ phía trước là cửa ống kính để mở ra, xếp vào trước và sau khi chụp… 

Cách sử dụng cũng tùy theo loại máy. Ngoài việc điều chỉnh tốc độ, khẩu độ phù hợp điều kiện ánh sáng, người cầm máy phải ngắm đối tượng cần chụp trước khi lấy nét và bấm máy. Có máy ngắm qua màn hình mini trên đỉnh, có máy đưa lên mắt để ngắm. Hầu hết các máy ảnh đều có cần đẩy phim và nút bấm chụp trên bề mặt ở bên phải, nhưng cũng có máy được nhà sản xuất thiết kế cần đẩy phim dưới đáy hoặc nút bấm chụp ở bên hông… Ngoại trừ một vài chiếc máy ảnh mini tự động nhẹ tênh do Mỹ sản xuất, số còn lại đều nặng cỡ nửa ký trở lên. 

Vui chuyện, anh Ngọc chia sẻ: "Mỗi chiếc máy có nguồn gốc, số phận và kỷ niệm khác nhau. Chiếc máy ảnh hộp gỗ hiệu E.Lorillon của Pháp đã gắn bó 3 đời trong gia đình ông Sáu Chánh - chủ nhân hiệu Photo Ly ở đường Ngô Gia Tự, TP Nha Trang. Sau khi miền Nam giải phóng, gia đình ông Sáu Chánh chuyển về Cam Ranh sinh sống. Ba lần tôi tìm đến nhà riêng để thuyết phục nhưng lần nào ông cụ ngoài 80 tuổi cũng từ chối chuyển nhượng vì đó là kỷ vật đã gắn bó hàng chục năm trong nghề. Đến khi thấy tôi kiên trì trở lại lần thứ tư và bày tỏ ước nguyện tạo lập bộ sưu tập máy ảnh cổ, ông Sáu Chánh mở tủ ôm chiếc máy đưa cho tôi".

Đến thời điểm này, bộ sưu tập của Trần Minh Ngọc có gần 200 chiếc máy ảnh và 20 chiếc máy phóng ảnh cùng hàng chục ống kính. Hầu hết là máy ảnh sản xuất từ những năm 1930 - 1945, cá biệt có chiếc máy ảnh thuộc dạng hàng hiếm như E.Lorillon. Những chiếc máy lâu niên nhưng vẫn còn sử dụng được luôn được giới sưu tầm máy ảnh cổ quan tâm, chính vì vậy trong suốt hành trình săn lùng máy ảnh cổ gần 20 năm qua, anh Ngọc không chú trọng số lượng mà cẩn trọng lựa chọn rất kỹ từng chiếc máy ảnh tìm được. 

Nghe ở đâu có máy ảnh cổ, anh Ngọc cất công tìm đến tận nơi, tiếc rằng chủ nhân những chiếc máy ảnh cổ đều muốn lưu giữ kỷ vật họ đã gắn bó một thời nên chẳng ai muốn nhượng lại, vì thế muốn mua được một máy ảnh cổ cần phải biết kiên trì thuyết phục bằng những động thái nhẹ nhàng. Giá cả cũng là chuyện tế nhị vì thời trước có người mua chiếc máy ảnh tới hai, ba lượng vàng, bây giờ trở thành đồ cổ không dễ định giá, nhất là khi công nghệ ảnh kỹ thuật số ra đời khiến cho máy cơ - phim nhựa chỉ còn là... kỷ niệm. 

Biết thế nên anh Ngọc tâm sự: "Đã lao vào thú chơi đồ cổ thì đừng kiệm tiền quá mức. Đã có chiếc máy ảnh tôi mua chỉ một, hai triệu đồng, nhưng cũng có máy năm, bảy triệu, thậm chí cả chục triệu tôi vẫn phải mua khi đã ưa thích và nhận diện chiếc máy đó là hàng hiếm".

3. Ở Việt Nam đến thời điểm này có nhiều bộ sưu tập máy ảnh cổ của những nhà nhiếp ảnh: Huỳnh Ngọc Dân ở TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Phú Thạnh, Phạm Văn Phương ở Hà Nội, Phan Hữu Thoại ở Cà Mau...Với riêng Trần Minh Ngọc, dù luôn tất bật với công việc của một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng anh không quên bám đuổi hành trình sưu tập máy ảnh cổ với ước muốn khi có điều kiện sẽ trưng bày, giao lưu với những người có cùng sở thích...

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.