Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Minh: "Nghề chơi cũng lắm công phu"

Chủ Nhật, 06/03/2016, 15:07
Không chỉ nổi tiếng với hàng trăm bức tranh quý, nhà sưu tầm Nguyễn Minh còn khiến nhiều người "kính nể" với những chuyến "thân cò lặn lội" đi nước ngoài đấu giá và đưa về nước những bức tranh của những họa sĩ tài ba như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu...

Tư gia của nhà sưu tầm Nguyễn Minh trên phố Phan Đình Phùng là nơi lưu giữ trên 200 bức tranh quý của các họa sĩ Việt Nam vẽ từ những năm 1940 mà anh đã sưu tầm được. Hiện nay, Nguyễn Minh được coi là nhà sưu tầm tranh lớn nhất Việt Nam. 

Nguyễn Minh chú tâm tìm kiếm và thực sự có cơ duyên với những tác phẩm của các họa sĩ thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó đến thời chiến tranh - bao cấp và giai đoạn đổi mới. Họa sĩ có tác phẩm trong sưu tập Nguyễn Minh bao gồm nhiều thế hệ thành danh của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Hợp, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến, Trọng Kiệm, Trần Duy, Nguyễn Dung, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương... và nhiều họa sĩ có tên tuổi khác. 

Quy mô bộ sưu tập cũng như những giá trị của những bức tranh mà Nguyễn Minh sưu tầm được đủ khiến bất kỳ một nhà sưu tầm chuyên nghiệp nào cũng phải mơ ước. Còn với người yêu tranh, mê tranh, việc chỉ cần có được một trong những bức tranh mà Nguyễn Minh đang có, cũng đủ cho người ấy coi đó là niềm hãnh diện, tự hào.

 Triển lãm "Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác" của nhà sưu tầm Nguyễn Minh trở thành một sự kiện được quan tâm của giới Mỹ thuật 2015.

Nhà sưu tầm Nguyễn Minh cho biết, anh vốn có thú sưu tầm đồ cổ từ khá sớm. Nói là cơ duyên nhưng cũng là một sự may mắn lớn trong đời khi là bạn của con trai nhà sưu tầm tranh nổi tiếng Đức Minh - Bùi Đình Thản nên thường qua lại chơi nhà nhau. Năm 1990, khi bộ sưu tập tranh của nhà sưu tầm lớn nhất Việt Nam thời đó tan vỡ, Nguyễn Minh là người đầu tiên mua được những bức tranh quý như "Thả diều" (Nguyễn Tiến Trung), "Thành đồng Tổ quốc" (Nguyễn Sáng) hay những bức tranh phố của Bùi Xuân Phái... 

Từ mối duyên ấy đến nay đã hai mươi lăm năm, nhà sưu tầm Nguyễn Minh đã bổ sung vào bộ sưu tập của mình hàng trăm bức tranh có giá trị cao về nghệ thuật như "Chiều về" (Lê Quốc Lộc), "Phiên chợ vùng cao" (Phạm Văn Đôn), "Nguyễn Du đi săn" (Nguyễn Đức Nùng), "Tổ đóng tàu lắp ráp trên cao" (Nguyễn Cao Thương), "Vịnh Hạ Long" (Lê Quốc Lộc), "Hồ Chủ tịch" (Mai Văn Hiến), "Bạn tôi", "Cô dân quân" (Bùi Xuân Phái)... 

Ngoài phục vụ đam mê của mình, nhà sưu tầm Nguyễn Minh đã có công lớn trong việc tìm kiếm gìn giữ những di sản vô giá của các họa người Việt. Thầm lặng và bền bỉ, Nguyễn Minh đã trở thành một nhà sưu tầm sở hữu bộ sưu tập tranh đồ sộ và giá trị bậc nhất Việt Nam.

Phải nói rằng, nghề chơi tranh sưu tầm "rất lắm công phu" chứ không chỉ dừng ở "cũng lắm công phu" như các cụ ta thường nói. Để có được 2 bức tranh của họa sĩ Lê Phổ và 4 bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, anh Nguyễn Minh đã phải thực hiện hàng chục chuyến bay sang Hồng Kông và Mỹ để tham gia các phiên đấu giá. Âm thầm với những chuyến đi phải nói là tốn kém với không ít những vất vả nhọc nhằn ở xứ người, năm 2013 là năm Nguyễn Minh đấu giá thành công và... tốn kém nhất. 

Tháng 7-2013, Nguyễn Minh đã đón 4 bức tranh của họa sĩ xa xứ Vũ Cao Đàm mà anh đã đấu giá thành công tại phiên đấu giá Christies (Hồng Kông) và Skinner (Mỹ) về tới Hà Nội. Đó là các bức có tên quốc tế là "Gossip", "Spring", "Two Lovers", "Lovers in a landscape" được họa sĩ Vũ Cao Đàm vẽ vào thời điểm năm 1964, khi đang định cư ở Pháp nhưng nội dung, hồn cốt của các bức tranh đều hướng về cố quốc với cảnh sắc, con người Việt Nam. 

Nhà sưu tầm Nguyễn Minh tâm sự: "Đưa được 4 bức tranh của cụ Vũ Cao Đàm về tới Hà Nội là một niềm hạnh phúc lớn trong hành trình của tôi. Nhiều bạn bè, người trong giới mỹ thuật đã đến chia sẻ niềm vui lớn này của tôi, giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục kiên trì, bền bỉ với đam mê của mình".

Tiếp nối thành công này, sau đó nhà sưu tầm Nguyễn Minh lại tiếp tục thực hiện các chuyến độc hành tham gia các phiên đấu giá lớn. Bức "Floral Still Life" (80x60cm, sơn dầu trên toan) của họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương lừng danh Lê Phổ đã được Nguyễn Minh mua với mức giá 25.400 USD từ nhà đấu giá Briggs Aution. 

Cùng thời gian đó, tại nhà đấu giá Lesliehinman Auctoneers, bức "Marché aux pleurs" (90x120cm, sơn dầu trên lụa) cũng của danh họa Lê Phổ cũng đã về tay Nguyễn Minh khi anh trả giá 68.000 USD. Có thể nói, đây là mức giá kỷ lục cho một bức tranh mà nhà sưu tầm Việt đã bỏ tiền ra mua về từ thị trường quốc tế. 

Với việc bỏ ra gần 2 tỉ đồng để "ôm" về hai bức tranh của Lê Phổ, nhà sưu tầm Nguyễn Minh thực sự đã gây cho những nhà sưu tầm trong nước một phen choáng váng, đứng ngồi không yên. Còn giới mỹ thuật và những người yêu hội họa đều tỏ ra mừng vui, xúc động. Bởi vì điều đó có nghĩa là sớm muộn gì họ cũng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những sáng tạo tuyệt vời của các họa sĩ tài danh đất Việt. 

Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Lựu đều là những cái tên nổi bật của mỹ thuật Đông Dương. Do biến động lịch sử, sống xa Tổ quốc nhưng tấm lòng, trái tim họ vẫn hướng về quê mẹ Việt Nam và điều này vẫn thể hiện rất rõ trong những tác phẩm hội họa mà nhà sưu tầm Nguyễn Minh đã dày công tìm kiếm và đổ tiền đổ của để mua về cho kỳ được.

 Nhà sưu tầm Nguyễn Minh bên những bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm.

Nhà sưu tầm Nguyễn Minh cũng cho hay, vợ anh nhiều khi cứ thấy chồng ôm tiền nhà đi mua tranh pháo cũng rất "sốt ruột" mà cằn nhằn: "Người ta có tiền mang đi mua nhà, mua đất, đầu tư chỗ nọ chỗ kia, còn ông cứ đi mua tranh thế này...". Nguyễn Minh thuyết phục vợ với lý thuyết ngược hẳn với quan niệm của những người xung quanh: "Nhà đất nếu có tiền mua lúc nào chẳng được, mua tranh thì mới khó chứ. Bởi vì tranh mới là tài sản vô giá. Không những thế, nếu bây giờ không mua được thì có thể chẳng bao giờ mua được nữa ấy chứ!". 

Nguyễn Minh nói điều này là muốn nhắc đến sự tiếc nuối khi không mua được bức "Rice Seller" (vẫn được biết đến với tên tiếng Việt là "Người bán gạo") của cụ Nguyễn Phan Chánh. Lần đó, Nguyễn Minh cũng theo phiên đấu giá cho đến khi "Người bán gạo" vượt ngưỡng 60.000 USD thì buộc phải dừng lại. Cuối cùng nhà đấu giá đã gõ búa chốt mức giá cuối cùng của "Người bán gạo" là 390.000 USD. Không đủ tiềm lực tài chính để sở hữu bức tranh quý và nổi tiếng đến vậy, nhưng Nguyễn Minh vẫn không hết ngậm ngùi, tiếc nuối khi nhắc đến chuyện này.

Nguyễn Minh chia sẻ: "Những chuyến đi đấu giá của tôi rất nhiều vất vả, tốn kém, đấy là còn chưa kể đến những lần phải chịu đói vì không quen thông thổ, không tìm được nơi mua đồ ăn, nước uống. Đến khi đấu giá thành công rồi, ngoài chi phí mua tranh, người mua tranh còn phải trả tiền thuế cho chính quyền sở tại, nơi diễn ra đấu giá, trả thêm 15-30% giá bức tranh cho nhà đấu giá, 15-20% giá trị bức tranh phí bảo hiểm vận chuyển... Ngoài vấn đề tài chính, để đưa những "đứa con xa xứ" này về cố quốc, chúng còn phải qua nhiều khâu kiểm định ngặt nghèo và nhiều thủ tục xuất - nhập cảnh... Khi về nước lại phải làm thủ tục đăng ký với các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Tóm lại là nhiều thủ tục loằng ngoằng lắm thì mình mới trở thành chủ sở hữu thực sự của những bức tranh ấy! Nhưng vì quá đam mê, nên tôi cũng chẳng nề hà gì cả".

Nhà sưu tầm Nguyễn Minh tâm sự rằng, đến nay anh đã trở thành một "khách quen" của một số nhà đấu giá lớn. "Có thông tin về các phiên, các tranh tham gia đấu giá, họ thường chủ động gửi email cho tôi. Từ nguồn tin đó tôi cân nhắc, lựa chọn có tham gia hay không. Nhưng cũng có khi tôi phải tự dò tìm qua các nguồn để biết được những bức tranh ấy đang phiêu dạt ở đâu để tìm cách tiếp cận, tham gia đấu giá". 

Đó là với những bức tranh của các họa sĩ đã ra khỏi biên giới, còn ở trong nước, cứ nghe thông tin ở đâu có tranh của họa sĩ nổi tiếng là Nguyễn Minh tìm đến ngay. Mua được những bức tranh quý của các cố họa sĩ thực sự là một quá trình, bởi vì lúc ấy số phận bức tranh ấy không còn do một người quyết định được nữa. Có gia đình phải họp bàn rất nhiều lần mới đi đến thống nhất, có gia đình tưởng chừng là mọi việc đã xong thì lại có ý kiến của con cháu phản đối, muốn giữ làm kỷ niệm với người quá cố, thì thành ra lại thất bại. Nhưng trên hành trình sưu tầm của mình, dường như Nguyễn Minh chưa bao giờ nản lòng. Thậm chí, dường như anh càng dấn sâu hơn vào niềm đam mê tốn kém ấy...

Nguyệt Hà
.
.
.