Qualcomm muốn hạ gục Apple
- Hàng trăm kỹ sư trong dự án xe tự lái của Apple bị sa thải
- Apple tung bản cập nhật fix lỗi Facetime nhóm
Ngày 26-3 tới, Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) sẽ ra quyết định có áp dụng lệnh cấm bán và nhập khẩu đối với một số mẫu iPhone của Apple hay không. Và theo PhoneArena, từ nay đến tháng 4, Qualcomm và Apple sẽ có nhiều cuộc quyết đấu tại tòa và những tranh cãi xung quanh 2 hãng này còn tiếp tục tốn giấy mực của giới truyền thông.
Được biết, Qualcomm và Apple đã tái đấu tại tòa án quận ở thành phố San Diego (Mỹ) để phân thắng thua trong cuộc chiến giành bản quyền sáng chế mới. Và trong tháng 4, Apple và Qualcomm sẽ phải xuất hiện tại tòa án liên bang trong vụ kiện xung quanh số tiền hơn 1 tỉ USD mà theo Apple, họ đã phải chi nhầm cho Qualcomm.
Theo luật sư của Apple, Qualcomm đã tính tiền bản quyền cho công nghệ không liên quan gì đến nhà sản xuất chip. Một thẩm phán của ITC tuy cho rằng, Apple vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm, nhưng không cấm iPhone vì hành động như vậy sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chip modem. Và phán quyết về việc này sẽ được đưa ra trong 3 tuần tới.
Qualcomm và Apple liên tiếp đối mặt tại tòa. |
Hãng Reuters cho biết, Qualcomm đang cáo buộc Apple vi phạm bằng sáng chế của họ trong lĩnh vực thời gian khởi động nhanh hơn cho smartphone và một công cụ khác giúp kéo dài thời lượng pin trong một số tác vụ nhất định.
Và theo Qualcomm, họ muốn có 1,41 USD trên mỗi chiếc iPhone được bán ra từ giữa năm 2017 đến mùa thu năm 2018 vì Apple đã vi phạm bằng sáng chế này - các mẫu iPhone của Apple có chứa chip modem Intel, khoảng một nửa số mẫu được bán trong khoảng thời gian kể trên, cũng vi phạm bằng sáng chế của họ.
Giới chuyên môn coi đây là cách phản ứng của Qualcomm có phản ứng tới việc Apple tung bản cập nhật cho iOS nhằm gỡ bỏ tính năng tiết kiệm năng lượng đã vi phạm bằng sáng chế của họ để tiếp tục bán iPhone tại Mỹ.
Trước đó, hãng Reuters từng dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, Qualcomm đang thúc giục cơ quan quản lý thương mại Mỹ đảo ngược phán quyết của cơ quan này và cấm nhập khẩu một số mẫu iPhone của Apple trong cuộc chiến bằng sáng chế kéo dài giữa hai hãng.
Qualcomm hy vọng có thể gây sức ép để giáng cho Apple một đòn mạnh trước khi họ bắt đầu cuộc chiến pháp lý tại tòa diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại thành phố San Diego xung quanh cáo buộc về các hoạt động cấp phép bằng sáng chế của Qualcomm.
Trước đó, Qualcomm đã tìm cách gây áp lực đối với Apple và đã giành được một phần lệnh cấm bán iPhone tại Trung Quốc và Đức, buộc nhà sản xuất iPhone chỉ có thể bán điện thoại có chip Qualcomm cho một số thị trường.
Được biết, Qualcomm kiện Apple tại ITC từ năm 2017 với cáo buộc một số iPhone vi phạm bằng sáng chế của họ -giúp điện thoại thông minh chạy tốt mà không làm cạn kiệt pin.
Và tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 9-2018, Thẩm phán luật hành chính tại ITC Thomas Pender tuy phát hiện Apple vi phạm một số bằng sáng chế trong vụ kiện của Qualcomm, nhưng từ chối ban hành lệnh cấm. Bởi theo ông Thomas Pender, việc áp dụng lệnh cấm đối với iPhone chứa chip của Intel sẽ trao cho Qualcomm sự độc quyền gây ảnh hưởng ở thị trường Mỹ.
Giới chuyên môn coi phán quyết của ông Thomas Pender đã giúp duy trì sự cạnh tranh trong thị trường chip modem - vì lợi ích cộng đồng khi mạng 5G nhanh hơn sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, hội đồng thẩm phán của ITC cho biết (tháng 12-2018), họ sẽ xem xét lại phán quyết của ông Thomas Pender và quyết định xem có nên duy trì hay đảo ngược phán quyết kể trên vào cuối tháng 3.
Qualcomm và Apple quyết đấu tại tòa. |
Giới chuyên môn tuyên bố, lệnh cấm từ ITC đối với iPhone sẽ buộc Intel rời khỏi thị trường modem. Hơn 1 tháng trước, Apple đã vượt qua Microsoft và Amazon trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 6-2 với mức vốn hóa thị trường đạt 821,59 tỷ USD, trở lại vị trí công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới.
Việc này diễn ra bất chấp yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ Frank Pallone và nghị sỹ Jan Schakowsky, phụ trách tiểu ban giám sát các vấn đề người tiêu dùng, xung quanh việc Apple mất nhiều thời gian để giải quyết lỗ hổng bảo mật.
Hôm 5-2, hai nghị sỹ đảng Dân chủ kể trên đã yêu cầu Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook, trả lời câu hỏi về lỗ hổng bảo mật trong phần mềm trò chuyện video nhóm, FaceTime.
Được biết Apple đã phát hành hệ điều hành cho iPhone và iPad, iOS 12.1.4, bao gồm bản sửa lỗi cho lỗ hổng trên FaceTime, nhóm cho phép mọi người nghe lén các cuộc hội thoại ngay cả khi người được gọi không bao giờ trả lời.
Được biết, lỗi này từng là chủ đề nóng được tranh luận sôi nổi sau khi cậu thiếu niên 14 tuổi Grant Thompson phát hiện ra rằng, khi thực hiện FaceTime trên iPhone của mình, cậu có thể nghe thấy các âm thanh của ai đó không nhấc máy khi gọi đến. Và Apple đã thưởng cho Grant Thompson và gia đình cậu bé vì đã phát hiện ra lỗ hổng kể trên.