Nhớ tết xưa ở Mường Trời

Thứ Sáu, 08/02/2019, 16:20
Mùa màng gặt hái đã xong từ lâu. Ruộng đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Những thảm lúa vàng óng đã được thu xếp lại thành đống như những chiếc nấm khổng lồ lô nhô khắp cánh đồng, mờ ảo trong sương mù. Đầu non cuối mường tràn ngập không khí lễ hội mừng cơm mới.


Những tiếng trống tiếng chiêng cứ rộn rã bản trên, xóm dưới, thôi thúc mời gọi vòng xòe. Bất chợt một ngày cả thung lũng lừng lên một mùi hương hoa tinh khôi, không biết hương nào của hoa nào nữa. Mẹ tôi gỡ trên gác bếp xuống mấy xâu men lá, chuẩn bị gạo nếp làm cơm, trộn men nấu rượu. Tôi biết là Tết đã rất gần rồi và mùa Xuân đang cận kề...

Tôi sinh ra ở bản Bôm La - một bản Thái nằm gần trung tâm cánh đồng Mường Thanh - Mường Trời - Điện Biên. Nhà tôi nằm xen giữa vài chục nóc nhà sàn của bản Bôm La, nhìn xa như một đàn rùa khổng lồ nằm phủ phục bên dòng Nậm Rốm. Mẹ tôi là người Thái, bố tôi là người dưới xuôi đi bộ đội rồi ở lại. Công tác ở Tây Bắc lâu năm nên bố tôi có thể nói thông thạo tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Lào, lại làm rể người Thái nữa nên ông thực hiện các phép tắc, phong tục trong gia đình đều theo kiểu Thái.

Mường Then - Mường Trời, một vùng đất thấm đẫm huyền thoại. Mẹ thường kể cho tôi nghe câu chuyện thần thoại về người khổng lồ Ải Lậc Cậc có “bò chín ngàn bướu, trâu chín ngàn vai…”, hay chuyện “Quam tô mương”(Truyện kể bản mường), chuyện chặt cây nhà trời ở hồ U Va. Lời ru của mẹ cũng có rất nhiều hoa cỏ, cá chim, muông thú… cho đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ rất nhiều những câu chuyện, những lời ru của mẹ thời thơ ấu.

Vậy là Tết đang đến gần. Gần đến ngày ông Công, ông Táo, bố tôi ra rặng tre chọn một cây to, thẳng, kéo về trồng trước sân, rồi treo lên đó những dải băng ngũ sắc bay phất phơ. Ông giải thích là để trừ tà ma và cũng để ông bà, tổ tiên nhìn thấy biết đường về ăn Tết, sum họp với con cháu, gia đình.

Mẹ tôi thì lôi trong bem (bồ đan bằng mây) mấy bộ váy, áo cóm, khăn piêu của bà ngoại, mẹ và chị Tú mang ra hong phơi cùng những bộ xà tích bằng bạc có những quả chuông nhỏ kêu rung reng nghe rất vui tai. Rồi lấy nước măng chua lâu năm ngâm, cọ rửa những chiếc cúc bạc má pém, dây xà tích sáng bóng lên.

Sáng 30 Tết, nhà tôi mổ lợn, gói bánh chưng và chế biến những món ăn kiểu Thái. Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm nếp, lấy tro trộn lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen.

Tối 30, mẹ tôi làm thịt hai con gà trống to, một để cúng tổ tiên, một để cúng gọi hồn cho mọi người trong nhà.

Từ chiều, bà ngoại tôi đã sang tận bản Ten mời thầy mo Pậu về làm lễ cúng. Thầy cúng Pậu mặt khô như miếng thịt sấy gác bếp, đầu vấn khăn chàm, mặc áo chàm dài, đeo một cái túi đựng dụng cụ hành lễ. 

Thầy lấy của mỗi người trong gia đình một cái áo rồi bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một cây củi đang cháy vừa đi vừa huơ huơ đi ra đầu làng mồm lẩm bẩm đọc những câu thần chú gọi hồn hai ba lần, sau đó quay về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Chắc thấy hồn về đủ cả rồi nên không thấy ông gọi nữa. 

Sau đó, thầy cúng lấy từng đoạn chỉ đen làm phép rồi buộc vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà. Tôi cũng được buộc một đoạn nhưng do chạy nhảy nhiều không biết rơi mất lúc nào nữa. Sau lễ cúng, bà ngoại gói xôi, thịt và một đồng bạc trắng biếu thầy mo Pậu, tiễn thầy về, còn cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, đợi đón giao thừa.

Sau giao thừa, cả nhà thường thức và lắng nghe xem từ đó đến sáng, con vật gì sẽ kêu trước để dự báo tương lai cho năm mới. 

Người ta cho rằng, nếu lợn hay chó kêu trước thì năm đó sẽ được mùa và no đủ vì chó thì sang, lợn thì sung túc; nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn lắm;  nếu năm đó con mèo kêu trước thì sẽ có nhiều chuột hại đến phá nương rẫy; nếu con thạch sùng tắc lưỡi thì sẽ có chuyện buồn v.v… 

Tôi thường nằm liu riu hóng chuyện trên chiếc đệm cạnh bếp lửa phía bên “quản” rồi ngủ lúc nào không biết. Chẳng biết giao thừa lúc nào, chẳng hay con gì kêu trước.

Sáng mùng 1 Tết thức dậy đã thấy tiếng trống xòe rộn rã khắp bản, khắp mường. Hé mắt thấy khách nam trèo bảy bậc cầu thang phía “tang quản” (cầu thang dành riêng cho nam ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía của nam giới); khách nữ leo 9 bậc cầu thang phía “tang chan”(cầu thang ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ có 9 bậc ứng với 9 vía của nữ) lên sàn. Cỗ đã được bày ra trên mâm trải lá chuối, rượu đã được rót đầy chai cắm nõ sẵn sàng. 

Tết nào cũng vậy, nhà tôi mổ con lợn thật to đãi khách, tiệc mừng năm mới kéo dài mấy ngày. Khách là đồng đội cũ của bố tôi từ Mường Phăng, Mường Luân, Mường Lói, Mường Nhà… có người đi cả ngày đường đến; khách cùng đơn vị, cùng bản sang; khách là người Kinh, người Thái, người H’Mông, người Khơ Mú… cùng nhau ôn kỷ niệm, chúc tụng nhau những điều tốt lành. 

Tất nhiên, trong những cuộc vui như vậy không thể thiếu những lời ca, đó là “khắp mơi lảu”(hát mời rượu), “khắp xư” (hát thơ). Có người hát theo lời có sẵn, có người tự ứng tác mà ra. Bố tôi là người Kinh nhưng hát Thái hay ra trò. Lời bài hát thì do ông tự soạn lấy. Hai tay hai ly rượu ông hát mào đầu:

Đây Tết lành, năm mới!
Khách mường xa vừa tới
Bạn bản gần đã qua
Hỡi bạn ơi, bạn quý
Hai chén này ta gửi cha
Hai ly này ta mừng mẹ…
Hai chén này lấy cạn bạn nhé…
…Uống rượu uống hai ly
Như hai chân bạn ơi
Uống rượu uống hai ly
Như hai tay bạn à
Còn hai con mắt nữa bạn nhé….

Hóng mâm rượu chán, tôi tụt xuống sàn chơi. Khắp nơi, đầu thôn cuối bản rộn rã tiếng hát cười, tiếng trống chiêng. Ngoài cánh đồng người ta đã dựng lên một cái đu bằng tre để thi đánh đu và một cái cột tre cao trên có vòng tròn để thi ném còn. Trong sân đám con trai thì chạy đua cà kheo, đánh quay, đẩy gậy, chọi gà; đám con gái, phụ nữ thì chơi trò “tó má lẹ”(má lẹ là một loại hạt cây mọc trong rừng già, hạt có vỏ cứng, tròn, dẹt, bóng, tròn, cỡ như cái bánh pía vậy). Tôi ngó nghiêng mỗi nơi một tí rồi chạy về với lũ trẻ con đang chơi đánh đu dưới gầm sàn, vừa đu đưa vừa hát bài đồng dao:

Đu đánh đu… đường Mường Muổi
Suối Nặm Bắc, suối nước nguồn
Nhìn phía dưới thấy người đi thuyền
Nhìn lên trên thấy người đi ngựa
Đu đánh đu… lơ lửng
Gái nuôi tằm chẳng nên
Dây gân rừng đi Lao
Đi Lào được núc nác...

Tiếng hát của lũ trẻ con hòa lẫn với tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hò reo, chúc tụng, tiếng vo ve của lũ ong trong những chùm hoa xoài, hoa mơ, hoa mận như một bản hòa tấu ngát hương rộn rã khắp bản mường…

 ***

Thấm thoắt đã mấy chục năm tôi rời quê hương, đi đến nhiều nơi xa “đóng thuyền ở nhiều bến, ngâm gạo ở nhiều mường”. Nhưng mỗi khi Tết đến xuân về tôi cứ nao nao nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn - Mường Then - Mường Trời yêu thương nơi biên viễn. Cứ ước được trở về nằm yên dưới mái nhà sàn của mẹ, lắng nghe tiếng cá quẫy bờ ao, tiếng cựa mình của hạt nảy mầm, tiếng tí tách của chồi non lộc biếc, hít hà hương hoa ngập tràn thung lũng… và nhất định phải thưởng thức món măng đắng Mường Phăng chấm “chéo”, cá sông Nậm Núa “pỉnh tộp”và không thể thiếu rượu men lá thơm nồng…

Thương sao thương thế Mường Then ơi! Nhớ sao nhớ thế, Mường Trời ơi…!

Lưu Hồng Sơn

.
.
.