Chợ tết xưa và chợ tết online

Thứ Hai, 04/02/2019, 12:04
Ở quê không còn chợ phiên, vậy chợ Tết nay có khác xưa? Có những cái khác và cả những cái vẫn giữ y nguyên. Cái khác là hàng hóa ngập tràn, xuất xứ đa dạng cả trong lẫn ngoài nước, cả của quê lẫn của tỉnh. Cái không khác đó là những thứ không thể thiếu trong các phiên chợ Tết là gạo nếp, dưa hành, lá dong...


Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…

Những câu thơ về phiên chợ Tết của thi sỹ Đoàn Văn Cừ cứ ám ảnh tôi mỗi khi không khí xuân sầm sập gõ cửa. Chợ Tết của thi sỹ họ Đoàn cách nay đã mấy chục năm ròng nhưng sao cái không khí chộn rộn ấy vẫn còn hiển hiện ở hôm nay. Phải chăng, “cái hương, cái hoa” ấy chính là chất dẫn truyền của truyền thống, của hồn cốt trong văn hóa Tết của người Việt.

Chợ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi đấy là sự sung túc, nhộn nhịp, khấp khởi, phơi phới. Chợ Bồng – cái chợ lớn nhất của 5 xã miền hạ lưu sông Mã “mọc” thuộc huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) ven con sông tạo nên vùng đất trù phú không biết có tự bao giờ. 

Bình thường, 5 ngày chợ họp hai phiên, phiên xép họp vào ngày mùng 2, phiên chính họp mùng 5 và cứ thế là ngày 7, ngày 10 rồi tuần tự cho đến hết tháng này qua tháng khác. Thế nhưng, bắt đầu từ 25 đến 30 tháng Chạp thì hôm nào cũng họp vì đấy là chợ Tết. Cư dân bên kia sông đi thuyền đến chợ và đem theo đủ các loại sản vật của vùng đồng bằng như gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh, bưởi bòng… 
Xin chữ ngày tết. Ảnh: Nguyễn Đình Lâm

Cư dân là người Mường cư trú ở vùng đồi núi cách xa cả chục cây số thì đánh xe bò, xe trâu chở theo gạo nếp hạt cau, gạo tẻ bao thai, mía tím, quýt thơm, lá dong… xuống. Còn người dân làng tôi vốn ở cạnh chợ thì đánh cá dưới ao, bắt gà trong vườn, giết lợn trong chuồng đem ra chợ bán. Ngày thường, mọi người chỉ họp trong chợ. Ngày Tết, hàng hóa nhiều, người đông kín nên bung cả ra bãi ngô kế bên. 

Đi chợ Tết, tôi thích nhất là hàng bóng bay. Bóng tròn, bóng mướp, đủ màu xanh đỏ tím vàng thường được bán ngay ở đầu chợ. Trẻ em, người lớn túm tụm vào mua. Những đứa trẻ như chúng tôi hồi đó phùng mang, phồng má thổi những quả bóng Kim Dung đến đỏ choét cả miệng. Bóng bay thành chùm trên tay những đứa trẻ theo mẹ đi chợ về phấp phới trên những đoạn đường quê. Bóng bay buộc vào cặp mía tím mà nhà nào cũng mua để làm gậy ông vải (mía để cả ngọn, đặt hai bên bàn thờ vào ngày Tết) nhún nhẩy trên những đôi vai…

Chợ tết ở vùng cao Bắc Hà, Lào Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Lâm.

Chợ Bồng quê tôi nay không còn. Chợ vốn mọc ở ven sông, cạnh bãi ngô nên cách biệt với khu dân cư nên chỉ hợp với thời xưa cũ. Bởi khi đó, chợ họp theo phiên và mỗi phiên chợ là dịp để cư dân cả một vùng trao đổi hàng hóa, mua bán nông sản. Nay, nhịp sống hiện đại đã làm đổi thay nếp giao thương. Chợ phải được họp hằng ngày và tiện đường giao thông. Chợ Bồng vì thế mà thưa vắng dần và bị xóa sổ. 

Tôi là người con xa quê hơn 20 năm, khi biết chợ Bồng không còn đã vẩn vơ suốt, nhất là vào dịp Tết. Cái câu ca về sản vật của vùng đất vốn được Hồ Quý Ly chọn đóng đô, nơi chúa Trịnh phát tích như: “Ai về nhớ táo Phương dai. Nhớ ổi  Đa Bút, nhớ khoai chợ Bồng” giờ đây như một cách neo giữ lại danh xưng “chợ Bồng” cho quê tôi.

Ở quê không còn chợ phiên, vậy chợ Tết nay có khác xưa? Có những cái khác và cả những cái vẫn giữ y nguyên. Cái khác là hàng hóa ngập tràn, xuất xứ đa dạng cả trong lẫn ngoài nước, cả của quê lẫn của tỉnh. Cái không khác đó là những thứ không thể thiếu trong các phiên chợ Tết là gạo nếp, dưa hành, lá dong, chuối xanh, bưởi bòng… và bóng bay. 

Bóng bay thời tuổi thơ của tôi thổi bằng hơi trong … phổi thì nay được bơm bằng máy nén, bằng khí hidro. Trẻ em thời nay cũng thích bóng bay như trẻ thời xưa cũ nhưng chúng có nhiều lựa chọn hơn khi chọn bóng hình Doremon, hình một số con giáp…

Gần Tết, có dịp đi về các vùng quê hay lên vùng cao mới thấy, chợ Tết sao mà chộn rộn, vui tươi đến vậy. Dọc tuyến đường 6, đoạn qua huyện Chương Mỹ hai bên đường chuối xanh, lá dong, đào quất, bưởi bòng tràn ngập. Đi xa hơn lên mạn Bắc Kạn, Cao Bằng, những sản vật như xúc xích, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… sao mà nhiều. Cứ mỗi đi chợ Tết hay lướt qua những phiên chợ Tết trong các chuyến công tác cuối cùng của năm cũ, lòng tôi đều thấy ngập tràn cảm xúc của no đủ, sum vầy.

Thời công nghệ 4.0 này, kinh tế số đã dần chiếm vị trí vững chắc trong hoạt động thương mại thì “đi” chợ Tết online cũng là một cái thú. Chợ Tết online “họp” sớm hơn chợ Tết truyền thống cả tháng trời. 

Ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, những người bán hàng online đã mời chào những sản phẩm dành cho Tết như: rượu biếu Tết, trái cây biếu Tết, đồ gia dụng dành cho Tết, đồ trang trí Tết và cả măng, miến, mọc nhĩ, nấm hương, giò chả, bánh chưng… Càng săn được hàng sale, càng hút khách bởi giá cả luôn là yếu tố quyết định sự thành bại trong cạnh tranh. 

Cũng nhờ tiếp cận đến tận “lòng bàn tay” của khách hàng nên chợ Tết online hoạt động rất sôi nổi. Những bà nội trợ vì thế mà không cần ra chợ, hay siêu thị mà vẫn sắm đủ cho gia đình mình những món đồ của Tết chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

Tôi, một bà nội trợ ưa thích công nghệ và cũng luôn đề cao truyền thống góp mặt trong các phiên chợ Tết thực lẫn thế giới ảo. Bởi, tôi yêu vô cùng hình ảnh:

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người giở bán.
Một thầy khó gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghi hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng lẩm nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…
”  và cũng thích cái cảnh rổn rang, tất bật trong “Tháng Chạp – Chợ Tết” trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng lẫn sự tiện ích khi “đi” chợ Tết trên mạng.

Cao Hồng
.
.
.