Một tháng, 6.700 người Rohingya thiệt mạng

Thứ Năm, 28/12/2017, 10:31
Theo Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), hơn 6.700 người Hồi giáo Rohingya, trong đó có ít nhất 730 trẻ em dưới 5 tuổi, đã bị giết chết trong tháng đầu tiên của cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 8 ở bang Rakhine miền Bắc Myanmar.


Dù vậy, số liệu được công bố hôm 14-12 vừa qua của tổ chức nhân đạo này vẫn bị cho là ước tính “bảo thủ” so với thực tế, dù vượt xa số người chết chính thức được Myanmar thừa nhận là 400 người.

Tiến sĩ Sidney Wong, Giám đốc y tế của MSF, nói: "Số người chết có thể chưa đúng với thực tế, vì chúng tôi đã không khảo sát tất cả các khu định cư tị nạn ở Bangladesh và các khảo sát không tính đến những gia đình chưa bao giờ di cư ra khỏi Myanmar" .

Đa số người bị giết (69%) là do bị bắn, số còn lại bị đốt cháy và đánh đến chết. Ông Wong nói: "Chúng tôi biết được có những gia đình bị nhốt trong nhà của họ và bị đốt chết”.

Hơn 640.000 người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Rakhine kể từ tháng 8. Binh lính, cảnh sát và dân quân địa phương đã thiêu rụi hàng trăm ngôi làng Rohingya thành tro bụi. Nhiều báo cáo cho thấy binh lính đã hãm hiếp phụ nữ và trẻ em như một cách để khủng bố, cũng như tàn sát dân thường bừa bãi.

Các quốc gia phương Tây đã lên án bạo lực xảy ra tại Rakhine như một cuộc thanh trừng sắc tộc, một cáo buộc Myanmar cực lực phản đối. Các quan chức trong nước đã đổ lỗi cho "những kẻ khủng bố cực đoan" thuộc một nhóm chiến binh người Rohingya mới.

Không ít vụ bạo lực tồi tệ nhất được cho là đã xảy ra ở Tula Toli, một ngôi làng ở thị trấn Maungdaw, những người dân sống sót nói rằng họ đã bị dồn đẩy đến bờ sông và bị bắn khi họ cố chạy trốn. Báo Guardian (Anh) đã có được những đoạn video do dân làng cung cấp, cho thấy nhiều xác chết của trẻ em trôi dạt trên sông. Những người sống sót nói rằng hàng ngàn người có thể đã chết trong ngôi làng đó.

Rich Weir, nhà nghiên cứu châu Á của Tổ chức Human Rights Watch (HRW), cho biết: "Báo cáo gần đây nhất thêm vào một danh sách dài các vi phạm nhân quyền mà chúng tôi thu thập được từ những người tị nạn Rohingya đã chạy trốn cuộc chiến thanh lọc sắc tộc và các tội ác chống lại nhân loại ở bang Rakhine".

"Những con số này lẽ ra gây sốc cho lương tâm của cộng đồng quốc tế và khiến họ phải hành động. Những người chịu trách nhiệm phải đền tội và các biện pháp trừng phạt phải được áp dụng đối với những người đứng đằng sau những hành động tàn ác này", ông Rich Weir nói.

Myanmar và Bangladesh đã đồng ý đưa người Rohingya tới Rakhine, trong một thỏa thuận mà các nhóm nhân quyền đã chỉ trích là vội vã và thiếu sự bảo vệ cho những người thiểu số bị bức hại.

Tiến sĩ Wong cho biết: "Hiện nay, người ta vẫn đang chạy trốn khỏi Myanmar đến Bangladesh và những người vượt qua biên giới vẫn đang phải chịu cảnh bạo lực. Với rất ít nhóm trợ giúp độc lập có thể tiếp cận huyện Maungdaw ở Rakhine, chúng tôi lo sợ cho số phận của những người Rohingya vẫn còn ở đó".

Myanmar khẳng định các báo cáo về những vụ giết người hàng loạt và hiếp dâm là do người Rohingya đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh bịa đặt.

Wa Lone và Kyaw Soe Oo là 2 phóng viên của tờ Reuters đi điều tra sự việc đã bị bắt vào ngày 12-12 vừa qua.

Đại sứ quán Mỹ gọi vụ bắt giữ này là "rất bất thường". Quân đội Myanmar đã khởi kiện các nhà báo theo Đạo luật Bí mật nhà nước, có thời hạn tù tối đa là 14 năm.

Thùy Dương
.
.
.