Khám phá thị trấn phát triển kinh tế bằng đồ chơi người lớn

Thứ Ba, 03/04/2018, 13:03
Vũ Thành, một thị trấn nằm ven sông Dương Tử, cách Thượng Hải khoảng 1giờ lái xe, nổi tiếng với nho, dâu tằm và ao nuôi rùa. Nhưng những đặc sản này rồi đây sẽ bị lãng quên bởi chính quyền thị trấn muốn biến nơi đây thành thị trường số 1 về... đồ chơi người lớn.


Theo SCMP, theo hợp đồng trị giá 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD) giữa chính quyền thị trấn với một công ty Trung Quốc thì thị trấn Dương Tử sẽ sớm trở thành “Thị trấn hạnh phúc” với các phố mua sắm đồ chơi tình dục, trung tâm triển lãm tình dục và một khách sạn chỉ dành cho người lớn.

Hiện tại, nguồn thu chủ yếu của thị trấn 22 nghìn dân này dựa vào các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường như: nghề nhuộm, sản xuất các bộ phận máy móc và sợi tơ. Do vậy, chính quyền thị trấn Vũ Thành xem dự án “Thị trấn Hạnh phúc” là công cụ mới giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

Một góc Vũ Thành.

Nhà phát triển dự án “Thị trấn Hạnh phúc” là Tập đoàn JC Group có trụ sở tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang và sở hữu Tập đoàn Tài chính Vàng của Hồng Kông cho biết, kế hoạch “Thị trấn Hạnh phúc” được xây dựng dựa trên “lợi thế” của vùng đất này trong hoạt động sản xuất.

Theo Xu Xueguan, một người dân Vũ Thành sống dựa vào trợ cấp của chính phủ, ngôi nhà 2 tầng của ông nằm trong diện giải tỏa lấy đất phục vụ kế hoạch xây dựng khu du lịch. Ông cho biết có nhiều nhà máy nhuộm, trong đó có nhà máy nhuộm gây ô nhiễm một hồ nước gần nhà ông cũng sẽ bị phá hủy... Nhưng ông không hay biết chuyện sau khi giải phóng mặt bằng, nơi đây sẽ trở thành xưởng sản xuất đồ chơi tình dục cho người lớn.

Con trai ông là Xu Xueguang, vừa từ Hàng Châu về thăm nhà, lý giải về việc thay đổi trên là do vị trí đắc địa nơi đây. Anh nói: “Lý do có thể là Vũ Thành là một điểm kết nối giao thông gần với hầu hết các thành phố lớn xung quanh”.

Với mong muốn mang lại bộ mặt tươi mới cho các vùng nông thôn Trung Quốc; đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn - thành thị, Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch nhằm tạo ra hàng nghìn “thị trấn cuốn hút” trên khắp đất nước, qua việc kết hợp nền kinh tế địa phương với yếu tố văn hóa sẽ tạo ra một ngành công nghiệp độc nhất và môi trường dễ sống. Chiến lược này phù hợp với tham vọng của Trung Quốc khi muốn trở thành một “quốc gia tươi đẹp” trước năm 2050.

Bởi  theo số liệu thống kê chính thức cho thấy, mức thu nhập trung bình của dân cư đô thị là 33,616 NDT, gấp 2,71 lần mức thu nhập của người dân nông thôn. Và trong khi hơn 90% hộ gia đình ở các thành phố có nguồn nước máy lẫn khí đốt thì chỉ 70% số người sống ở các làng quê có nước máy và chỉ 20% được sử dụng khí đốt...

Chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc coi sáng kiến về “thị trấn cuốn hút” là cách để cân bằng sự phát triển, thúc đẩy triển vọng nghề nghiệp và cải thiện các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục ở khu vực nông thôn và ngoại thành - những khu vực vốn bị ảnh hưởng lớn bởi sự chuyển dịch dân cư tới các thành phố lớn.

Tuy nhiên giáo sư Lu Ming, nhà kinh tế tại Đại học Jiaotong, Thượng Hải, cho rằng nếu coi chiến dịch thị trấn cuốn hút là chìa khóa cho mô hình đô thị hóa mới là nói quá, bởi dân số của thị trấn chỉ là giọt nước giữa đại dương dân số đô thị Trung Quốc. Ông nói: “Vấn đề lớn nhất đối với những thị trấn cuốn hút này là thiếu quy mô kinh tế”.

Cũng theo giáo sư Lu, các thị trấn nếu xây dựng theo kiểu này sẽ khó có thể tồn tại lâu dài bởi không có nhu cầu dịch vụ và sản xuất cao như ở khu vực thành thị.

Giảng viên Hu, đến từ Đại học Sư phạm Hồng Kông, cho rằng việc xây dựng thị trấn cuốn hút ở khu vực phía Trung và Tây của các vùng đô thị Trung Quốc có vẻ hơi buồn cười vì những gì chính phủ cần là sự phát triển của các thành phố lớn và trung bình. 

Bởi theo ông “Nếu những thị trấn nhỏ này hoạt động giống các thành phố, điều gì sẽ xảy ra với ngành nông nghiệp ở nông thôn? Điều này có thể nới rộng khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Nó hoàn toàn trái với những gì chính phủ kỳ vọng”.

Một số quan chức cũng cho rằng chiến dịch xây dựng các thị trấn cuốn hút này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Thêm vào đó việc các thị trấn bắt chước nhau cũng sẽ kéo theo kết quả tiêu cực.

Trần Thắng
.
.
.