Đại dịch COVID-19 kéo nạn tảo hôn quay lại

Thứ Năm, 24/09/2020, 13:16
Đại dịch COVID-19 đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu, gây ra hơn 400.000 ca tử vong và con số này còn có thể tăng hơn nữa. Mới đây Liên hợp quốc đã dự đoán rằng cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 có thể đẩy thêm 34 triệu người vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói vào cuối năm nay và thêm 130 triệu người vào năm 2030.


COVID-19 không chỉ là mối đe doạ sức khoẻ mỗi người mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, phát triển của toàn cầu.

Các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, tăng trưởng kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ bị đình trệ và các nước trong khối thành viên ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan đều có mức tăng trưởng âm. Hàng triệu người trong khu vực đã bị cắt giảm lương, cơ hội tìm việc làm khó khăn hoặc thậm chí rơi vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo. Điều này đã khiến cho một số gia đình tại các nước này tuyệt vọng, thảm cảnh nghèo đói khiến những bé gái trong gia đình bị cha mẹ đưa vào các cuộc hôn nhân không mong muốn.

Theo tổ chức phi chính phủ Girls Not Brides (tạm dịch: những bé gái không phải là cô dâu) - một tổ chức ngăn chặn các nạn tảo hôn, lấy lại công bằng cho các bé gái đã cảnh báo rằng: "Nếu không có hành động khẩn cấp nào được thực hiện nhằm giải quyết kinh tế tác động lên xã hội thì sẽ có ít nhất 13 triệu cuộc tảo hôn diễn ra trong thập kỷ tới".

Tiểu bang, thành phố New York (Mỹ) chính thức ban hành luật cấm tảo hôn với trẻ em dưới 18 tuổi vào ngày 20-6-2017.

Nạn tảo hôn là một hủ tục xưa của một vài quốc gia, gọi cụ thể hơn là hôn nhân ở trẻ em. Đây là hành vi lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi để kết hôn. Có những đứa trẻ đang ở tuổi phát triển, ngày ngày cắp sách tới trường thì bị bắt đi cưới vợ, gả chồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tâm hồn của những cô dâu nhỏ, chú rể nhỏ.

Tục tảo hôn đã có từ rất lâu đời, thậm chí nó đã từng là truyền thống của một số nước tại châu Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Âu. Vấn nạn này đã giảm hẳn so với thời kì trước nhờ sự nỗ lực của chính phủ các nước nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hủ tục này một lần nữa lại bùng phát trở lại.

Nhà hoạt động Rolee Singh, người điều dành chiến dịch ngăn nạn tảo hôn ở Ấn Độ cho biết: "Nạn tảo hôn đã tăng lên khủng khiếp trong thời kì đại dịch COVID-19 này. Tình trạng thất nghiệp tràn lan, các gia đình tại đây hầu như không đủ khả năng để kiếm sống. Vì vậy họ nghĩ cách tốt nhất là gả cô con gái nhỏ của mình sang một gia đình khác".

Các Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng không ngừng nhấn mạnh rằng nguy cơ cưỡng bức, bạo lực, tảo hôn với các bé gái sẽ tăng mạnh, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Người đứng đầu Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói rằng: "Nạn cưỡng bức, bạo lực, tảo hôn với các bé gái sẽ tăng mạnh và trở thành mối đe doạ hơn cả virus Corona mà toàn cầu đang chống lại".

Tại Indonesia, có 14% bé gái tại đây bị bắt kết hôn trước 18 tuổi, thống kê theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật và Xã hội, đồng thời là giảng viên khoa Luật của Indonesia, cô Laras Susanti thông báo rằng, chỉ vào tháng 6 năm 2020, đã có khoảng 24.000 đơn xin phép được kết hôn dưới độ tuổi vị thành niên được gửi đến các toà án cấp huyện và tôn giáo tại nước này.

Cô Susanti cung cấp thêm, số lượng đơn đăng ký này đã nhiều hơn gấp hai lần tổng số đơn của cả năm 2012. Điều này cho thấy vấn nạn tảo hôn đang một lần nữa bùng nổ trở lại. Nhà nghiên cứu Susanti cho biết các chức trách Hồi giáo của Indonesia đã cho phép hơn 33.000 cuộc tảo hôn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, đây đều là các tổ chức tín ngưỡng, cho phép trẻ em kết hôn là trái với quy định pháp luật. Cô nói thêm: "Các yếu tố thúc đẩy tình trạng tảo hôn ở Indonesia bao gồm thiếu kiến thức giáo dục, niềm tin tôn giáo, sự kỳ thị giới tính và đặc biệt là nghèo đói".

Người mẹ trẻ chưa đủ 18 tuổi Nurlina cùng cô con gái của mình ở Galung Lombok, tây Sulawesi, Indonesia.

Theo Susanti, đại dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ 9,7 triệu em tại Indonesia phải bỏ học và bị ép buộc tảo hôn. Nhà hoạt động Tata Sudrajat của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Indonesia cho biết: "Đối với những gia đình nghèo, việc cho con gái mình đi lấy chồng là một giải pháp để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Điều đáng buồn thay, các bậc cha mẹ đôi khi không thực sự quan tâm đến chú rể là ai. Nạn COVID - 19 đã thực sự làm ảnh hưởng đến kinh tế của họ".

Natalia Kanem, người đứng đầu Cơ quan Sức khoẻ sinh sản và Phản triển của Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết: "Đại dịch khiến công việc của chúng tôi trở nên khó khăn và cấp bách hơn vì tại thời điểm này, có rất nhiều bé gái bị gặp nguy hiểm". UNFPA dự đoán sẽ có thêm 13 triệu bé gái có thể bị ép buộc tảo hôn và 2 triệu cô bé nữa gặp phải tục cắt bỏ âm vật (FGM) trong thập kỷ tới. Con số này vượt quá mức dự kiến trước đó bởi COVID-19 gần như phá vỡ hết những nỗ lực trước đó của chính phủ về vấn đề bảo vệ trẻ em và ngăn chặn nạn tảo hôn. Tình trạng đói nghèo ngày càng trầm trọng gây ra nên nhiều cha mẹ đã tổ chức kết hôn sớm cho con gái chưa đủ tuổi trưởng thành của mình.

Bà Kanem nói trong cuộc họp báo: "Nhiều bé gái sinh ra trong sự không mong muốn của gia đình, họ bị cho, mua bán như một món hàng, thậm chí bị ủi ngực để kiểm tra trinh tiết. Tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ bị huỷ hoại".

Trong cuộc họp báo, Kanem đã công bố có khoảng 33.000 bé gái phải kết hôn sớm mỗi ngày, đa phần là với những người đàn ông lớn tuổi hơn rất nhiều và ước tính có khoảng 4,1 triệu trẻ em sẽ bị FGM trong năm nay. Bé gái hiện nay còn bị bày bán như một món hàng trên mạng xã hội với cái tên "cô dâu trẻ".

Lia (tên đã được đổi), một cô gái người Indonesia năm nay đã 18 tuổi, ở cái tuổi mới bước đến giai đoạn trưởng thành và tiếp tục học tập, thì cô đã kết hôn đến lần thứ 2. Lia kể rằng, cuộc hôn nhân đầu tiên, cô bị ép lấy một người đàn ông hơn mình 30 tuổi. Sau khi cố thoát khỏi cuộc hôn nhân đầu tiên, Lia nhanh chóng phải kết hôn với một người đàn ông khác tên Randi.

Lia thổ lộ với phóng viên: "Tôi từng mơ ước trở thành một tiếp viên hàng không, được đi khám phá đó đây". Chồng của cô lập tức ngắt lời: "Nhưng cô đã thất bại và bây giờ hãy vào bếp đi". Thật vậy, Lia, cô gái vẫn đang trong tuổi xuân, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời mà đã bị ép buộc bước vào cuộc hôn nhân lần hai và hiện tại, cô đang mang thai với người chồng mới.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, quần đảo Indonesia đang có số lượng cô dâu trẻ - nạn nhân của hủ tục tảo hôn, cao đứng thứ tám Thế giới. Trong đó đứng top đầu là những quốc gia thuộc châu Phi và Ấn Độ. UNICEF dự đoán rằng sự gia tăng đói nghèo ở Indonesia do COVID-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em nơi đây. Tất cả điều này góp phần làm gia tăng nạn tảo hôn và phân biệt giới tính tại Indonesia.

Đến với Ấn Độ, ông Sukla là một điều phối viên của Childline India Foundation, tổ chức được lập ra nhằm quản lý đường dây trợ giúp trẻ em gặp nạn tại đây. Vào ngày 18-8, lúc 13h45 chiều, ông Sukla nhận được một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia là giọng của một cô gái cầu xin đến nức nở, cô vừa khóc vừa nói: "Xin hãy giải cứu cháu ngay bây giờ, nếu không họ sẽ giết cháu mất. Mẹ cháu ép cháu phải kết hôn, nhưng cháu muốn được đi học".

Sau khi tìm hiểu, ông Sukla mới biết cô bé ấy sinh ra trong một gia đình nghèo và cô ấy bị mù chữ. Cô phải kết hôn khi chưa được 16 tuổi và thậm chí cô còn bị người chồng 19 tuổi của mình tấn công tình dục. Cô bé tranh thủ khi người chồng không để ý đã lấy máy anh ta để gọi điện đến Trung tâm Cứu trợ Trẻ em. Nhà mẹ đẻ cô ở Dandapadi - một ngôi làng hẻo lánh của Ấn Độ, cô bé được giải cứu ngay đêm đó. Gia đình cô không đủ điều kiện nuôi dưỡng nên cô được đưa đến nơi ở mới do Chính phủ tài trợ.

Ông Sukla nói rằng đây là 1 trong 13 vụ tảo hôn mà ông phải can thiệp trong tuần này. Đến trường hợp cô bé Nirmala phải kết hôn với một người đàn ông lớn gấp đôi tuổi của mình ở cùng làng Rajasthan, miền Bắc Ấn Độ năm 15 tuổi.

Vào đêm tân hôn và nhiều tuần sau đó, Nirmala tội nghiệp đã bị tấn công tình dục bởi chính người chồng của mình, anh ta bỏ qua hết tất cả lời van xin dừng lại của cô bé. Ngay sau đó, Nirmala bắt đầu chảy rất nhiều máu, trong cơn đau dữ dội, cô bé về nhà mẹ và kể cho bà nghe tất cả mọi chuyện. "Đây là quy luật của cuộc sống, mẹ cũng phải trải qua điều đó. Nó hiển nhiên như việc tại sao con lại được sinh ra trên Trái đất này", mẹ em nói. Cuối cùng thì bé Nirmala đã được giải cứu bởi Tổ chức Bảo vệ trẻ em do Chính phủ lập.

Đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng tảo hôn trên khắp Ấn Độ gia tăng, khi các gia đình gặp cảnh thất nghiệp, rơi vào đói nghèo, họ quyết định cho con gái mình kết hôn để giảm gánh nặng tài chính. Tiến sĩ S. Diwakar, nhân viên bảo vệ trẻ em ở quận Mysuru, Karnataka, Ấn Độ cho biết tại nơi ông làm việc đã có 123 trường hợp tảo hôn từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, cao hơn so với năm ngoái rất nhiều.

Tuy nhiên, trong đó đã có 110 trường hợp bị nhà chức trách ngăn chặn kịp thời. Tiến sĩ Diwakar nói: "Trong thời gian giãn cách xã hội bởi COVID -19, nhiều gia đình đã làm kết hôn chui cho con gái của mình, họ nghĩ rằng các Văn phòng Chính phủ sẽ bị đóng cửa và chỉ có các trường hợp khẩn cấp mới hoạt động. Các gia đình thường tiến hành nghi lễ kết hôn vào buổi sáng sớm hoặc tối khuya tại các ngôi đền, với hi vọng sẽ không bị bắt vì tổ chức hủ tục tảo hôn".

Những tổ chức được thành lập nhằm ngăn chặn sự phát triển của nạn tảo hôn.

Xu hướng gia tăng nạn tảo hôn ở Ấn Độ cũng trầm trọng hơn bởi các trường học tại đây đóng cửa từ tháng Ba. Nhiều gia đình nghèo đã nuôi con bằng cách cho con mình học ở các trường học của Chính phủ, tại đây những đứa trẻ được cho ăn miễn phí. Nhưng giờ trường học đóng cửa, các gia đình chọn cách gửi con trai đi làm và gả con gái đi lấy chồng.

Maharashtra - bang phát triển nhất của Ấn Độ, nạn tảo hôn tại đây đã tái diễn bởi nhu cầu cần người lao động của những nhà thầu mía. Những gia đình có con trai sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để "mua" nàng dâu nhỏ tuổi về nhà. Gia đình chồng lấy cớ dịch COVID-19 bùng phát để giảm chi phí đám cưới. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ sẽ đi làm công nhân ở các trại mía, gia đình nhà chồng có thêm một sức lao động.

Ông Santosh Shinde, một nhà hoạt động vì quyền lợi trẻ em và là cựu thành viên của Ủa ban Bảo vệ quyền trẻ em của Maharashtra cho biết: "Nhiều nhà thầu đang kêu gọi công nhân làm việc, họ nâng lương và ưu đãi hơn cho cặp vợ chồng công nhân". Nhiều gia đình nghèo đang nhân cơ hội này để gửi con gái họ với con trai của gia đình khác vào làm việc tại đây. Với yêu cầu một cặp công nhân nên gia đình cho hai đứa trẻ kết hôn cùng nhau.

Ông Santosh nói thêm có hơn 200 trường hợp cố gắng tảo hôn từ tháng 3 đến tháng 6 tại đây và gần 95% bé gái được giải cứu khỏi nạn tảo hôn này. Bà Sudeshna Roy, chuyên gia tư vấn đặc biệt của WBCPCR (Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em Tây Bengal, Ấn Độ) cho biết: "Nếu gia đình có một cô con gái thiếu niên tại vùng nông thôn hay bán thành thị ở Ấn Độ, bọn họ sẽ coi đứa trẻ ấy như quả bom hẹn giờ. Mọi người lo lắng đủ đường, cố gắng đẩy cô bé ra khỏi nhà bằng mọi cách".

Kết hôn ở trẻ em được biết đến như một nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, thậm chí là nạn buôn người, khiến các bà mẹ trẻ và bé gái bị suy dinh dưỡng, ngừng phát triển, sức đề kháng kém, bệnh tật. Chính phủ của các nước luôn cố gắng ngăn chặn hủ tục này, COVID-19 khiến nạn tảo hôn phát triển hơn nhưng không vì vậy mà các tổ chức thuộc Chính phủ ngừng nỗ lực trong việc bảo vệ các bé gái. Chính phủ Indonesia đã sửa đổi Luật Hôn nhân có lợi cho các bé gái nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn.

Tại đây, việc giảm thiểu nạn tảo hôn cũng là một trong những mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia (RPJMN) 2020-2024. Trong kế hoạch này, Indonesia đã cam kết sẽ làm giảm nạn tảo hôn xuống mức thấp nhất có thể, mục tiêu ban đầu là từ 11,2% năm 2018 xuống 8,74% năm 2024 và giảm xuống còn 6,94% vào năm 2030. Sau đó, chính phủ đã đưa nó lên thành Mục tiêu Phát triển Bền vững (BDGs).

Một lưỡi dao cạo được sử dụng trong nghi lễ FGM truyền thống, nằm trên đống bột kê (bột để cầm máu).

Ngoài ra, chính phủ Indonesia đang nỗ lực phục hồi kinh tế bao gồm hỗ trợ các gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh đói kém. Cùng lúc đó chính phủ cũng cam kết đảm bảo quyền của trẻ em được học tập, phổ cập đầy đủ giáo dục sức khoẻ sinh sản và phát triển trong trường học cũng như cộng đồng.

Với đất nước Malawi, 42% cô bé trước 18 tuổi là nạn nhân của các cuộc tảo hôn trái pháp luật. Theo số liệu của UNICEF, Malawi có tỷ lệ tảo hôn cao thứ 12 của thế giới. Chính phủ vẫn luôn cố gắng ngăn chặn hủ tục này, nếu không có sự nỗ lực của Chính phủ có lẽ con số đó đã cao hơn rất nhiều.

Trung tâm Chăm sóc và Phát triển Xã hội, bảo vệ các bé gái trước nạn tảo hôn (CESOCODE) được thành lập tại Malawi từ năm 2009. Họ tập trung phổ cập kiến thức, giải cứu các bé gái ở những vùng quê hẻo lánh - nơi có nhiều hủ tục xảy ra. CESOCODE giúp đỡ cho trẻ em đến trường, đặc biệt là những bé gái, không những vậy, tổ chức này còn tư vấn, bảo vệ bé gái trước ảnh hưởng của bạo lực giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Bởi sự ảnh hưởng của COVID-19, nạn tảo hôn phát triển mạnh hơn làm sự hỗ trợ của Chính phủ càng khó khăn.

Theo Ephraim Chimwaza, người đứng đầu hoạt động của CESOCODE cho biết: "COVID-19 buộc các trường học phải đóng cửa, lúc này các bé gái càng dễ bị tấn công tình dục và tảo hôn hơn bao giờ hết. Việc giãn cách xã hội khiến cho sự cầu cứu của các bé gái khó đến với chúng tôi hơn, đây là một vấn đề nan giải". Cuối cùng CESOCODE tìm được một giải pháp sáng tạo, Chimwaza nói: "Chúng tôi vẫn luôn không ngừng đổi mới việc tiếp cận các bé gái có nguy cơ bị tổn thương.

sGần đây bởi sự khó khăn do đại dịch COVID-19, chúng tôi phát triển dịch vụ nhắn tin điện thoại qua Bluetooth. Điều này cho phép chúng tôi tiếp cận các bé gái cần trợ giúp nhanh hơn, ngoài ra tổ chức cũng sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng như Facebook để gửi thông điệp về sức khoẻ cộng động và phòng chống bạo lực gia đình. Thông điệp còn có phiên bản bằng ngôn ngữ ký hiệu, được thông bao qua loa đài, tờ rơi để chúng tôi có thể đảm bảo cả những bé gái bị khiếm thính, khiếm thị cũng có thể hiểu".

Tại Ấn Độ, Chính phủ đang xem xét việc nâng độ tuổi kết hôn của phụ nữ lên bằng nam giới là 21 tuổi để bảo vệ sức khoẻ sinh sản và quyền tự chủ của các bé gái. Ngoài ra, đạo luật Cấm kết hôn với trẻ em đã thêm quy định hình phạt nặng hơn với "những người thúc đẩy hoặc tổ chức hôn nhân ở trẻ em". Hàng loạt những tổ chức được mở ra nhằm ngăn chặn sự phát triển của nạn tảo hôn.

Nạn tảo hôn là vấn đề nhức nhối trên một số quốc gia và các Chính phủ vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm ngăn chặn kết hôn ở trẻ em, bảo vệ những cô bé đang tuổi cắp sách đến trường. Người đứng đầu cơ quan sức khoẻ sinh sản và phát triển của Liên hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi không thể để bất cứ thứ gì ngăn cản con đường bài trừ nạn tảo hôn, bảo vệ các bé gái, kể cả đại dịch COVID-19".

Khánh Hà (tổng hợp)
.
.
.