Công chúng quá khắt khe hay Kỳ Duyên không hiểu vị thế của mình?

Thứ Tư, 20/07/2016, 17:01
Những ngày qua, cộng đồng mạng lại có dịp dậy sóng quanh câu chuyện hoa hậu Kỳ Duyên bị tung clip hút thuốc trong quán cà phê. Tới tấp những chỉ trích không hay cho rằng, cô đã làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt. Thậm chí có không ít cư dân mạng đòi phế truất ngôi vị hoa hậu của Kỳ Duyên. Tính ra từ lúc đội chiếc vương miện trên đầu, Kỳ Duyên hứng không biết bao nhiêu “gạch đá” dư luận, về những ứng xử bất cẩn của cô. Vậy Kỳ Duyên sai hay công chúng quá khắt khe?


Tôi nghĩ rằng Kỳ Duyên không hẳn là sai. Việc hút thuốc là quyền cá nhân của một người. Việc một số người lên tiếng bảo vệ Kỳ Duyên, rằng người chụp ảnh lén, quay clip lén đã xâm phạm quyền riêng tư của hoa hậu. Điều này không phải không có lý. Chúng ta không nên ủng hộ những người có tâm địa không tốt, hay nhằm vào những sơ hở, bất cẩn của người khác để bôi xấu họ, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ.

Ví dụ như xì căng đan Kỳ Duyên ngồi ngủ gác chân trên máy bay, phần lớn cư dân mạng đã bảo vệ Kỳ Duyên, lên án người chụp ảnh, tung ảnh lên mạng xã hội. Nhưng đến clip hút thuốc của Kỳ Duyên lần này thì e rằng tiếng nói bảo vệ Kỳ Duyên sẽ khó mà mạnh mẽ.

Vì sao lại như vậy? Đơn giản thôi, vì Kỳ Duyên, với một chuỗi những bất cẩn mang tính hệ thống, đã cho công chúng hiểu một điều rằng, cô không tự biết vị thế của mình, vai trò, trách nhiệm và giá trị của mình. Cô lựa chọn những ứng xử theo bản năng, theo cách của một người bình thường, làm công chúng thất vọng.

Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Khi người ta có một danh vị, nghĩa là người ta buộc phải hành xử theo danh vị đó. Ở đâu trên trái đất này cũng vậy thôi. Các nước phương Tây văn minh, thoáng, cởi mở, mà không ít hoa hậu bị truất ngôi vì để lộ ảnh nóng, ảnh ăn chơi trong vũ trường, quán bar. Công chúng ở đâu cũng tò mò, soi xét, thậm chí là khắt khe với những người có danh vị, những người nổi tiếng.

Ngôi vị hoa hậu được bầu ra từ một cuộc thi, người mang danh vị đó từ lúc đội vương miện lên đầu, nghĩa là phải gánh theo những trọng trách đi kèm. Không bao giờ có chuyện một người đẹp nhận vương miện xong rồi vẫn hành xử như một cô bé trong nhà với bố mẹ, thích gì làm nấy được. Cô ấy bắt buộc phải trưởng thành, phải trang bị đủ các kỹ năng, tư chất cho phù hợp với vinh dự và gánh nặng mà mình đang mang trên vai.

Và xin thưa, gánh nặng của một hoa hậu là không hề nhẹ. Hoa hậu Hà Kiều Anh, sau 20 năm giành vương miện, trải qua rất nhiều sóng gió đã đúc kết ra một điều rằng, làm người của công chúng thì phải chấp nhận mất quyền riêng tư. Hoa khôi các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà từng viết thư cho ban tổ chức trả lại vượng miện hoa hậu, vì cô cảm thấy không đủ điều kiện để hoàn thành các sứ mệnh trong vai trò hoa hậu.

Trở thành một hoa hậu, dù muốn hay không, cô gái đẹp đó phải là một tấm gương, một gương mặt đại diện cho phụ nữ. Họ phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, phải giữ hình ảnh của mình luôn đẹp, luôn chỉn chu trong mắt công chúng. Họ không được quyền ứng xử thoải mái tự do, thế nào cũng được như một cô gái bình thường, một người vô danh. Điều đó có thể đôi khi thật khó chịu, nhưng tất cả những ai có danh vị đều phải nuôi nấng điều đó. Họ phải chấp nhận mất đi một ít tự do, sự thoải mái. Họ hiểu rằng những vinh quang họ có luôn đi kèm những cái giá phải trả. Và đó cũng chính là mặt sau của tấm huy chương.

Hoa hậu Kỳ Duyên đã có nhiều thời gian để hoàn thiện mình. Khán giả đã bỏ qua, tha thứ cho cô trong không ít lần cô ứng xử thiếu chuẩn mực, tác phong, hình ảnh không phù hợp với ngôi vị của mình. Việc Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lập hội đồng xem xét về việc Kỳ Duyên hút thuốc nơi công cộng có thể có ý kiến cho rằng chúng ta đang làm quá một chuyện nhỏ.

Tính chuyện truất vương miện của Kỳ Duyên dường như cũng chưa cần thiết. Nhưng Ban Tổ chức luôn có lý của họ, giống như các cuộc thi đều có những yêu cầu, đòi hỏi riêng với các thí sinh. Điều đáng buồn ở đây không phải Kỳ Duyên đúng hay sai, cũng không phải chuyện Kỳ Duyên có bị thu hồi vương miện hay không.

Điều đáng buồn ở đây là Kỳ Duyên không tự hiểu được giá trị của mình, danh vị của mình. Lẽ ra cô phải hoàn thiện các kỹ năng ứng xử, có đội ngũ cộng tác xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp để giúp cô tỏa sáng trong lòng công chúng, thì liên tiếp cô lại vướng vào các xì căng đan có thể nói là không đáng xảy ra.

Người bình thường có những ứng xử không hay đã là tự làm mất hình ảnh của mình, nói gì đến hoa hậu, người đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ của một quốc gia. Nếu Kỳ Duyên hiểu sâu sắc một điều rằng, giá trị của cô nằm ở chỗ luôn biết giữ gìn các giá trị đẹp của phụ nữ Việt, thì cô đã không để xảy ra những sự cố như vừa rồi.

Hội Quân
.
.
.