Cơn bĩ cực của Huawei tiếp diễn đến bao giờ?
- Tòa án Canada bác yêu cầu làm rõ "quy trình" bắt CEO Huawei
- Trung Quốc muốn “dằn mặt” EU để bảo vệ Huawei
Bản "danh sách đen" ngày càng dài
Bản “danh sách đen thương mại” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với Huawei đã có thêm thêm 38 chi nhánh của Huawei ở 21 quốc gia, nâng tổng số lên 152 kể từ lần đầu Mỹ bổ sung Huawei vô danh sách vào tháng 5-2019. Các công ty nằm trong danh sách đen này bị cấm mua bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng thông qua một quy tắc mới, trong đó yêu cầu các công ty phải có giấy phép đặc biệt khi một công ty bị cấm như Huawei hoạt động “với tư cách là người mua, người nhận hàng trung gian, người nhận hàng cuối cùng hoặc người dùng cuối”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Huawei đã "liên tục trốn tránh" lệnh cấm của Mỹ áp đặt vào tháng 5, và động thái của Bộ Thương mại sẽ ngăn Huawei lách luật. Lệnh cấm này sẽ ngăn chặn Huawei mua linh kiện bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt - bao gồm chip cho công ty nước ngoài sản xuất mà được phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hay công nghệ của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định: "Luật mới nói rõ ràng rằng bất kỳ việc sử dụng phần mềm Mỹ hay thiết bị nào do Mỹ chế tạo đều bị cấm và cần phải được cho phép".
Huawei sẽ khó có thể sản xuất được điện thoại thông minh nếu thiếu linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ. |
Theo Reuters, quyết định của Mỹ có tác dụng cấm giới sản xuất trên thế giới bán cho Huawei các loại bộ phận, linh kiện bán dẫn… nếu việc sản xuất các mặt hàng này dùng đến thiết bị hay công nghệ của Mỹ. Động thái mới này đã lấp đi lỗ hổng của lệnh cấm đã ban hành vào tháng 5 vừa qua mà Huawei được cho là đã biết lợi dụng để tiếp tục hoạt động sản xuất.
Cuộc chiến 15 năm
Theo báo Financial Times của Anh, đối với Washington, quyết định mới ban hành là đỉnh điểm của một cuộc chiến kéo dài 15 năm chống lại Huawei, bắt đầu khi tập đoàn này cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ lần đầu tiên vào đầu những năm 2000. Các nhà quan sát kỳ cựu cho rằng Mỹ đang tiến gần đến một mục tiêu tưởng như là không tài nào đạt được. Năm 2019, Mỹ đã bắt đầu siết gọng kìm nhằm vào Huawei với nhiều lệnh trừng phạt, nhưng hai quyết định trước đây đều không thấm vào đâu. Lần này, thì các chuyên gia trong ngành cho rằng thật khó để thấy được là Huawei “có thể thoát khỏi thòng lọng của Washington”.
Một nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận định là các sản phẩm của Huawei từ điện thoại thông minh cho đến hạ tầng cơ sở mạng đều cần đến vật liệu bán dẫn, với hai ngành này chiếm đến 90% hoạt động kinh doanh của Huawei. Theo chuyên gia này, nếu không có khả năng sản xuất những sản phẩm đó, Huawei sẽ không còn gì.
Báo Financial Times đã đề cập lo ngại của các tập đoàn viễn thông thế giới trước khả năng Huawei bị sụp đổ. Theo Financial Times, giám đốc điều hành một tập đoàn viễn thông châu Âu đã gọi viễn cảnh Huawei bị sụp đổ là “thảm họa”. Bởi lẽ các nhà mạng hiện đã phải gánh chịu thêm chi phí do việc phải giảm số lượng thiết bị Huawei do áp lực chính trị ngày càng tăng ở các nước phương Tây. Việc Huawei sụp đổ vì không có linh kiện điện tử cần thiết để sản xuất, sẽ đè nặng trên các tập đoàn viễn thông đang dựa vào sản phẩm Huawei như hãng BT của Anh, hãng Deutsche Telekom của Đức và hãng Swisscom của thụy Sĩ, đang sử dụng thiết bị Huawei cho mạng băng thông rộng của họ.
Huawei sẽ cầm cự trong bao lâu?
Theo phân tích của Financial Times, Hawei đã xây dựng kho dự trữ chip từ khi Washington gia tăng sức ép với tập đoàn cách đây hai năm nên có đủ linh kiện để tiếp tục hoạt động trong 6 tháng nữa, nghĩa là chờ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11, và nếu ông Biden thắng cử thì Mỹ có thể giảm nhẹ áp lực với Huawei. Nhưng những hy vọng này còn mong manh.
Theo ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Chính trị kinh tế quốc tế châu Âu, trụ sở tại Bỉ, những người có kinh nghiệm ở Trung Quốc hiểu rằng khả năng ông Biden hữu hảo dài lâu trở lại với Trung Quốc không nhiều, và “tuần trăng mật giữa Bắc Kinh với chính quyền Biden sẽ khó kéo dài vì Trung Quốc không thể thay đổi chính sách của họ một cách cơ bản”.
Nhiều quy định của Bắc Kinh vẫn làm cho các chính phủ phương Tây bất bình, khiến họ cứng rắn với Huawei và Trung Quốc nói chung, như Luật An ninh của Trung Quốc chẳng hạn. Luật này đòi hỏi các tập đoàn và người dân Trung Quốc hỗ trợ cho cơ quan an ninh Trung Quốc khi được yêu cầu bất kỳ điều gì, cho nên đã làm dấy lên lo ngại về hoạt động gián điệp.
Một số chuyên gia cho rằng chưa rõ Huawei có thể tiếp tục hoạt động thế nào với những khó khăn này. Chưa rõ liệu chính quyền Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trong việc tái cơ cấu công ty hay không, bởi nếu như thế sẽ biến Huawei thành điều mà Mỹ luôn cáo buộc nhưng Huawei luôn phủ nhận, tức là: Một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc.