Chuyện tình của cô dâu Việt và chàng trai Hàn Quốc bị câm điếc bẩm sinh

Thứ Năm, 13/10/2016, 11:40
Họ đều là những người không may mắn ngay từ lúc mới sinh ra, song tạo hóa đã khéo léo sắp đặt để trái tim lành lặn của mình tìm được một nửa đích thực còn lại. Cô gái Việt bị câm điếc bẩm sinh từ nhỏ đã bất ngờ tìm được hạnh phúc mật ngọt với chàng trai đến từ xứ Kim Chi, cũng là một người đồng cảnh ngộ. Lễ cưới được hai bên gia đình tổ chức trọng thể đã minh chứng cho cái kết có hậu của một chuyện tình xuyên biên giới này.


"Ngôn ngữ" của mối tình không biên giới

Từ trước đến nay, nhắc đến những cuộc hôn nhân giữa những cô gái Việt Nam với các chàng trai Hàn Quốc, nhiều người có quyền nghi ngại về mục đích ngoài tình cảm của cả đôi bên. Và chính những lần cô dâu Việt bị bạo hành, thậm chí phải bỏ mạng ở xứ người sau cuộc hôn nhân chóng vánh đã cho thấy, sự hồ nghi về cái gọi là hạnh phúc đích thực giữa hai con người mang hai quốc tịch ấy là có cơ sở.

Thế nhưng, những ai đã từng biết đến câu chuyện của Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1987) trú xóm 7, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) với chàng trai Lee Suyong (SN 1986), quốc tịch Hàn Quốc, và trực tiếp có mặt tại lễ cưới của hai người diễn ra vào tối ngày 7-10 vừa qua tại nhà cô dâu, tận thấy sự viên mãn hạnh phúc, nhìn hai người tình tứ trao cho nhau những cử chỉ thân mật, âu yếm thì tôi đồ rằng, chúng ta sẽ thay đổi suy nghĩ, thậm chí là định kiến về hôn nhân giữa hai dòng máu Việt - Hàn.

Dù không thể hiện được bằng thanh âm, và dù không lắng nghe được nhau nói, song cả Hải Yến lẫn Lee Suyong đều biết lắng nghe nhịp đập trái tim mình, và ánh mắt của hai người đã luôn nhìn sâu vào nhau để thấu hiểu.

Cô dâu Hải Yến và chú rể Lee Suyong hạnh phúc trong ngày cưới.

Cũng ánh mắt ấy, suốt 4 năm kiên trì để thuyết phục gia đình hai bên, đều đặn 4 năm qua, Lee Suyong đã đi và về giữa Việt Nam và Hàn Quốc chỉ để thuyết phục Hải Yến và gia đình bên vợ, đồng ý cho tổ chức cuộc hôn nhân không biên giới này.

Nguyễn Thị Hải Yến là con gái út trong gia đình có 3 anh chị em. Bố là bác sỹ, mẹ là dược sỹ công tác ở trạm y tế xã, song Hải Yến đã không may mắn ngay khi vừa mới lọt lòng đã không thể nghe nói như người bình thường.

Lớn lên, do không được đến trường như chúng bạn nên Hải Yến được bố mẹ gửi vào TP Vinh theo học ở trung tâm dành cho người khuyết tật, nghề Yến chọn học là cắt may. Dù tật nguyền bẩm sinh, song bù lại, Hải Yến rất thông minh và càng lớn lên, càng phổng phao xinh đẹp. Trong suốt thời gian 9 năm theo học nghề, Hải Yến không chỉ giỏi về nghề cắt may mà bản thân cô cũng tự mày mò biết được cách "giao tiếp" trên mạng xã hội, một cách trò chuyện quen thuộc của những người thiếu may mắn như Yến.

Bà Nguyễn Thị Khoa (SN1964), mẹ đẻ của Hải Yến kể: Năm 2012, trong lần lang thang trên mạng, thông qua diễn đàn kín dành cho những người khuyết tật, tình cờ Yến quen biết với Lee Suyong, một người đồng cảnh ngộ và hai người nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau vì những đồng cảm trong suy nghĩ. Lee Suyong là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em.

Từ bé, Suyong đã mắc chứng câm điếc bẩm sinh. Không đầu hàng số phận, vượt qua cú sốc đầu đời, Lee đã cố gắng chăm chỉ tập luyện và sớm trở thành một vận động viên điền kinh. Trong suốt nhiều năm sau đó, Lee Suyong là tay bóng ném luôn được kỳ vọng tại các kỳ đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật của tỉnh Jeollanam-do.

Ban đầu, chỉ là những Những tin nhắn zalo, những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội thông thường, nhưng theo thời gian, hai người ngày càng cảm thấy hiểu và muốn chia sẻ với nhau nhiều hơn những chuyện thường ngày trong cuộc sống nên những cuộc nói chuyện cũng vì thế ngày một nhiều hơn, thời gian ngày càng lâu hơn.

Thậm chí, anh chị còn gọi video, dù chỉ "nói chuyện" bằng  ánh mắt, cử chỉ nhưng rất hiểu nhau. Bà Khoa cho biết thêm, hai đứa quen nhau được một năm thì Yến thông báo với gia đình về việc có người yêu phương xa.

Ảnh cưới của hai vợ chồng.

Ban đầu, những người trong gia đình của Yến không tin đó là sự thật, nhưng sau lại phản đối, can ngăn. Bởi một lẽ "thân gái dặm trường, làm dâu ở xứ người chẳng biết thế nào. Người lành lặn còn âu lo, huống gì Yến lại bị tật nguyền, ngộ nhỡ có điều gì xảy ra biết làm thế nào để liên lạc được với gia đình", lời của bà Khoa, mẹ Yến.

Cũng dễ hiểu và thông cảm cho người mẹ có đứa con gái thiếu may mắn ấy, khi mà đúng vào thời điểm lúc bấy giờ, nhiều thông tin thương tâm về những cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc cứ tới tấp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Để thuyết phục bố mẹ, Hải Yến từng tuyệt thực và thậm chí là cắt tay tự tử nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp thời.

Hơn 2 năm kiên trì thuyết phục gia đình mình, Yến vẫn chưa thể khiến bố mẹ chấp nhận cuộc hôn nhân này. Trước tình cảnh trớ trêu đó, tháng 9-2015, Lee Suyong quyết định đáp máy bay từ Hàn Quốc sang Việt Nam để "nói chuyện" với bố mẹ vợ.

Đám cưới đẹp như cổ tích

Sau khi ở nhà người yêu chơi nửa tháng, Suyong rất được lòng bố mẹ Hải Yến vì sự hòa đồng và vui vẻ. Mọi giao tiếp của Suyong đều nhờ Yến viết ra giấy cho bố mẹ đọc. Sự bỡ ngỡ, ngượng nghịu ban đầu nhanh chóng trôi qua, chàng trai xứ Hàn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam.

Bao nhiêu ngày Suyong ở Việt Nam là bấy nhiêu ngày ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Khoa tràn ngập tiếng cười. Sau lần đầu tiên "ghi điểm" trong mắt gia đình người yêu, đến Tết Nguyên đán năm đó, Lee lại đáp máy bay sang đón tết Việt với gia đình vợ tương lai. Lee chỉ muốn chứng minh cho bố mẹ vợ biết rằng, tình yêu của mình dành cho Yến là có thật và hai đứa thực sự muốn vun đắp một cuộc sống hôn nhân bền chặt, lâu dài.

Vợ chồng ông Bằng, bà Khoa hạnh phúc trong ngày vu quy của con gái.

Lần ấy, Lee đã thưa chuyện với gia đình về việc sẽ cưới Yến về làm vợ. "Dù lòng còn phân vân, thương con gái ở xa sẽ vất vả nhưng tình cảm của con rể đã thực sự thuyết phục được vợ chồng chúng tôi. Những ngày về Việt Nam, Lee Suyong đã cho chúng tôi thấy, tình cảm nó dành cho con gái tôi là thật lòng, và vợ chồng tôi đã có thể yên tâm để con gái về xứ Kim Chi làm dâu", ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1962), bố đẻ của Hải Yến hạnh phúc chia sẻ.

Sau khi được bố mẹ vợ đồng ý, Lee Suyong đã kết nối với bố mẹ đẻ của mình để hai bên gia đình nói chuyện. Khi rào cản được phá bỏ, Lee và Yến nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để xin phép Đại sứ quán cũng như Chính phủ hai nước tổ chức đám cưới và được đón Nguyễn Thị Hải Yến về Hàn Quốc để làm vợ.

Tối 7 và ngày 8-10 vừa qua, lễ cưới như mơ đã chính thức diễn ra tại nhà của cô dâu ở Nghệ An. Theo kế hoạch, sau đám cưới ở quê nhà, Hải Yến sẽ theo chồng về Hàn Quốc và sẽ tổ chức đám cưới ở quê chồng vào ngày 22-10. Có hàng nghìn người ở xã Diễn Mỹ và các xã lân cận đã kéo đến chúc phúc cho lễ cưới của hai người, phần vì hiếu kỳ muốn tận mắt nhìn thấy chú rể Hàn Quốc, phần nữa là muốn chúc phúc cho đôi trẻ, dù tật nguyền nhưng trái tim lành lặn.

Ông Hoàng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Diễn Mỹ cho biết: "Khi biết tin gia đình tổ chức lễ cưới cho cháu Yến, chúng tôi ai cũng tìm đến chúc phúc cho cháu. Từ nhỏ đến nay, Yến là một người gặp nhiều thiệt thòi nhưng luôn khao khát vượt qua số phận. Sau khi học nghề trở về, cháu Yến đã trở thành một tay thợ lành nghề, luôn có nhiều cố gắng trong cuộc sống.

Chúng tôi thực sự chúc phúc cho cháu và tin rằng, với sự thông minh, khéo léo của mình, cháu sẽ có cuộc sống viên mãn nơi xứ người". Có mặt tại lễ cưới của Hải Yến và Lee Suyong vào sáng ngày 8-10, người khiến chúng tôi chú ý nhiều hơn cả là bà Nguyễn Thị Khoa. Nhìn dòng người đến chúc phúc, nhìn con gái bà hạnh phúc bên chồng, có lúc bà quay đi, giấu những giọt nước mắt hạnh phúc lẫn xốn xang.

Nỗi niềm ấy của bà Khoa, cũng là nỗi niềm chung của bao bà mẹ Việt khi gả con gái về làm dâu tận phương trời cách biệt, dù vui, hạnh phúc đấy, nhưng ngổn ngang trăm mối âu lo. "Từ nhỏ cháu Yến đã thiệt thòi, không được đi học như bạn bè rồi. Chỉ mong sao sau này sang Hàn Quốc, nó được chồng yêu thương, chăm sóc là chúng tôi yên tâm lắm rồi". Niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy của người mẹ, trong trường hợp này, tin là không phải điều gì đó quá viển vông, mong manh, mà đó là ước mơ có thật.

Thiên Thảo
.
.
.