Cô dâu Việt tại Hàn Quốc và những cuộc đoàn tụ qua truyền hình

Thứ Ba, 19/07/2016, 22:52
Năm nay, 43 gia đình ở miền Bắc tới Nghệ An, có người nhà là cô dâu Việt tại Hàn Quốc, đã được kết nối để đoàn tụ với người thân qua màn hình ngày 19-7.

Ngày 19-7 tại Hà Nội, 43 gia đình có người nhà là cô dâu Việt tại Hàn Quốc, đã được kết nối để đoàn tụ với người thân qua màn hình ngày 19-7.

Gia đình ông Lê Văn Bút ở Thuỷ Nguyên- Hải Phòng rộn ràng tiếng cười trước màn hình, trên đó có gia đình con gái ông Lê Thị Thảo. Thảo lấy chồng ở Hàn Quốc được 4 năm, và đã có 2 đứa con. 

Trên màn hình, con rể ông nói được rất ít tiếng Việt hầu như đều do vợ và tình nguyện viên phiên dịch lại nhưng cũng rất phấn khởi khi khoe với bố vợ về 2 đứa con, về công việc và việc vợ đã hoà nhập cuộc sống ở Hàn như thế nào. Đây là lần đầu tiên cả gia đình ông, các con, cháu được lên Hà Nội, tham gia vào chương trình gặp gỡ truyền hình, ai cũng rất vui, phấn khởi.

Người thân gia đình chị Mai Thị Dung ở đầu cầu Hà Nội
Gia đình chị Mai Thị Dung ở Hàn Quốc

Gia đình chị Mai Thị Thúy ở Hải Dương cũng vui không kém, khi nhìn thấy hình ảnh gia đình cô em gái của chị, chị Mai Thị Dung. Chị Dung đã sang Hàn Quốc lấy chồng từ 10 năm nay.  “Cả gia đình tôi lên đây đủ hết. Tôi, chồng tôi, anh trai, em gái, em rể, các cháu. Gia đình ở Việt Nam nhìn thấy gia đình em gái mạnh khoẻ, hạnh phúc ai cũng vui…”, chị Thúy chia sẻ. 

Họ đã có cuộc nói chuyện rất vui qua màn hình. Ở đầu cầu Hàn Quốc, chị Dung vừa nói chuyện, vừa phiên dịch cho người chồng của mình, anh Kim Young Wook.

Bà Dương Thị Minh ( Hà Tĩnh) trong lúc nói chuyện với con gái không dấu được những giọt nước mắt vì hạnh phúc, sau 9 năm xa cách, giờ bà mới được trông thấy con gái mình.  

Ở đầu Hàn Quốc, Mai vui mừng khoe với mẹ và gia đình chị gái về cuộc sống ổn định, quan trọng bệnh di ứng cơ địa đã đỡ hơn rất nhiều. Nhìn thấy con cái khoẻ mạnh là sự mãn nguyện của gia đình ở Việt Nam. Bác Minh cho biết, qua chương trình bác muốn gửi lời cảm ơn tới tình nguyện viên Hàn Quốc, người đã giúp đỡ Mai trong hành trình chữa bệnh; bên cạnh đó, là tổ chức UCC đã tạo cơ hội cho gia đình được ra Hà Nội để gặp gỡ trực tuyến với con gái và giao lưu văn hoá Hàn Quốc, hiểu hơn về đất nước con gái mình đang sống.

Các cô dâu Việt rất vui khi gặp gia đình qua truyền hình trực tuyến 

Là một trong số cô dâu Việt tham dự trực tuyến, chị Lã Thị Hương cho biết, “Tôi rất hạnh phúc khi được nhìn thấy gia đình thân yêu sau bao năm xa cách làm dâu xa xứ. Cuộc gặp mặt ngắn ngủi sẽ không chỉ làm vơi đi nỗi nhớ nhà bấy lâu nay mà còn có cơ hội để tôi giới thiệu con cái mình với bố mẹ, anh chị em.”

ở đầu cầu Hà Nội người thân của các cô dâu Việt cũng rất hân hoan

Không chỉ một mình gia đình ông Bút, chị Thúy, bà Minh được đoàn viên qua màn hình như vậy. Từ 16-7 đến 24-7 có tới 364 thành viên của 43 gia đình cô dâu Việt tại Hàn Quốc đã được kết nối để đoàn tụ với người thân qua màn hình. Những gia đình này hiện sinh sống ở các tỉnh từ miền Bắc tới Hà Tĩnh...

Ông Choi Jang Bok, Trưởng đoàn tình nguyện UCC cho biết, đã 5 năm nay, Ủy ban Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc UCC, Công đoàn tập đoàn viễn thông KT, tổ chức những cuộc gặp cho các gia đình như vậy tại Hà Nội. Họ được đi chơi, được các bác sĩ bệnh viện Đại học Bundang Seoul khám chữa bệnh. 

Năm nay, có một điểm mới, là các gia đình Việt không chỉ gặp mặt qua màn hình và thăm quan các điểm du lịch ở Hà Nội mà còn tham chuỗi sự kiện đoàn tụ, được trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Tại đây, họ được học cách mặc quần áo dân tộc, uống trà, ăn bánh truyền thống Hàn Quốc. 

Một đêm ẩm thực Hàn Quốc do các đầu bếp nổi tiếng xứ kim chi nấu cũng diễn ra vào 20-7. “Tôi học cách uống trà và văn hóa Hàn Quốc, tôi thấy thân thiết với em rể Hàn Quốc của mình hơn”, chị Thúy vui vẻ chia sẻ.

Gia đình các cô dâu Việt tham dự ngày đoàn tụ trực tuyến còn được trải nghiệm văn hoá Hàn Quốc như mặc áo truyền thống Hàn Quốc 

Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt trực tuyến qua truyền hình có một điểm khiến nhiều gia đình thấy hạnh phúc còn chưa hẳn đã tròn trịa. Đó là việc các chàng rể Hàn Quốc ít biết nói tiếng Việt, còn bố mẹ vợ lại chẳng thể nói tiếng Hàn. Hay các cháu cũng vậy, chúng không biết tiếng Việt, ông bà không thể nói chuyện được với cháu. 

Gặp các cháu qua màn hình chỉ có cười và giơ tay chào, hỏi, nói gì đều qua con gái phiên dịch.” ông Trịnh Văn Tựu cho biết. Vì thế, việc gặp gỡ văn hóa Hàn Quốc qua các chương trình giao lưu như thế này cũng khiến ông thấy gần gũi hơn với gia đình thông gia.

Trao đổi với phóng viên, ông Choi Jang Bok cho biết, đoàn tình nguyện của ông hoạt động vì muốn cộng đồng quan tâm để các cô dâu Việt Nam yên ổn định cư sinh sống tại Hàn Quốc. 
Lưu Hiệp
.
.
.