Chuyện về một cô dâu Việt thành danh ở Đài Loan

Chủ Nhật, 25/05/2014, 14:16
Trong chuyến công tác đến Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) vào trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm công xưởng sản xuất bánh mochi của một cô dâu Việt. Đây là một trong hai công xưởng giới thiệu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế của Đài Loan, mỗi ngày thu hút trên 2.000 lượt khách đến tham quan, mua bánh, làm bánh, có ngày cao điểm lên đến 6.000 lượt khách. Bà chủ là Ôn Cẩm Nghi một cô dâu Việt, hiện đang sở hữu 2 công xưởng và 30 cửa hàng bánh mochi nổi tiếng nhất Đài Loan ở New Taipei city…

“Đến Đài Bắc hỏi bất cứ người dân nào bạn gặp trên đường hỏi công xưởng và hệ thống bán bánh mochi của chị Ôn Cẩm Nghi hay cô dâu Việt triệu phú thì ai cũng biết,” mở đầu câu chuyện với chúng tôi anh hướng dẫn viên du lịch người Đài Loan Khâu Nghĩa Toàn (A Toàn)đã nói như vậy về cô dâu Việt tại Đài Loan. Anh cho biết, cộng đồng cô dâu Việt thành danh ở Đài Loan này khá nhiều, có người làm nhà nước, có người làm kinh doanh, có người mở nhà hàng ăn… cộng đồng cô dâu Việt đã góp phần làm đa dạng văn hóa vùng đất Đài Loan. Lấy ví dụ về vấn đề này, A Toàn hóm hỉnh: “Ở đây có những vùng đã ăn được nước mắm của Việt Nam thay xì dầu, nhiều món ăn Việt đã được phát triển ở đây và người Đài Loan cũng rất thích”.

Tại Khu Đài Bắc mới (New Taipei city - Đài Bắc), trong công việc bận rộn chị Cẩm Nghi vẫn dành thời gian để giới thiệu với chúng tôi về chuỗi công xưởng bánh của mình. Cẩm Nghi trải lòng, sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống khó khăn, khi thấy có tuyển dụng đi xuất khẩu lao động Đài Loan, chị đã đăng ký đi. Sang Đài Loan ban đầu chị làm việc trong một công xưởng điện tử, ở đây chị đã gặp anh Trần Thế Dương, hai người nên duyên từ đó. Đến nay, sau hơn 20 năm làm dâu ở xứ Đài, hai vợ chồng chị từ bàn tay trắng đã làm nên sự nghiệp.

Tác giả gặp gỡ chị Cẩm Nghi và anh Ôn Xương Đường.

Vợ chồng chị Nghi đến với bánh mochi của Nhật Bản như một cái duyên. Chồng chị vốn là một đầu bếp, trong một chuyến công tác đến Nhật Bản, anh thấy bánh mochi rất ngon, anh đã tìm cách học nghề với ý định sẽ phát triển loại bánh này ở Đài Loan. Thời kỳ đầu sản xuất bánh, 2 vợ chồng đem gửi các cửa hàng nhưng không tiêu thụ được. Bánh làm ra để được 1 tuần là hỏng nên hầu hết toàn phải đổ bỏ đi làm thức ăn gia súc… những tưởng không thể vực dậy được bởi vốn liếng của 2 vợ chồng đã đổ hết vào bánh. Sau nhiều thất bại, chị Nghi đã tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và khẩu vị của người Đài Loan, từ đó chị thay đổi cách làm, giảm ngọt cho bánh, thay đổi về hình thức cộng với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Nhật Bản quy trình sản xuất của chị đã đi vào ổn định và ngày càng phát triển.

Trải qua gần 20 năm trên xứ Đài, đến nay, trong tay vợ chồng Cẩm Nghi có 2 công xưởng với dây chuyền sản xuất hiện đại, 30 cửa hàng bán bánh mochi nổi tiếng nhất Đài Loan, với hơn 400 công nhân với mức thu nhập quân hơn 1.000USD/tháng, chưa kể tiền làm thêm. Mỗi ngày công xưởng của chị xuất khẩu 7 container bánh đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 9 này chị sẽ về TP Hồ Chí Minh tham dự triển lãm về du lịch.

Là một người từ Việt gốc Hoa từ TP Hồ Chí Minh sang lao động tại Đài Loan gần 15 năm, anh Ôn Xương Đường chia sẻ, mình là người Việt nên khi sang đây làm cùng với người Việt thấy rất thoải mái và gần gũi như người nhà. Trong công xưởng có gần 100 người là cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, ngoài công việc gia đình, các cô dâu Việt làm ở đây rất chăm chỉ và cẩn thận, thu nhập ổn định, môi trường làm việc rất tốt. Sang tháng sau xưởng lại tiếp nhận thêm một cô dâu Việt vào làm việc, anh Đường cho biết thêm.

Ngoài triệu phú Ôn Cẩm Nghi trên đất xứ Đài còn có rất nhiều cô dâu Việt đã và đang tạo dựng được thành công, có tiếng nói trong cộng đồng. Như chị Hoàng Oanh (TP Hồ Chí Minh), đã thi đỗ trong kỳ thi tuyển công chức vào làm việc trong văn phòng Cục Di dân Đài Loan và hiện giờ đang có cuộc sống rất hạnh phúc với người chồng Đài Loan.

Hay chị Vũ Thị Tuyết Trinh (Phan Thiết - Bình Thuận) kết hôn được 14 năm và có 2 đứa con ngoan 1 trai, 1 gái ngoan ngoãn, học giỏi. Chị Trinh cho biết, cô dâu Việt sang Đài Loan những ngày đầu còn khó khăn trong giao tiếp, nhưng sau một thời gian học hỏi thì đã xóa được khoảng cách về ngôn ngữ. Hầu hết sau một thời gian làm quen với tiếng, chị em đều đi làm thêm ở các công xưởng hay các cửa hàng. Ông Lo Gia Re - Chủ siêu thị hoa quả ở huyện Nam Đầu (Đài Trung) cho biết, các cô dâu Việt sang đây làm việc chăm chỉ, cẩn thận, luôn chấp hành tốt chủ trương pháp luật sở tại nên các cửa hàng, chủ công xưởng rất muốn tuyển họ vào làm việc.

Gần đây trước việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vợ chồng Cẩm Nghi cùng nhiều cô dâu Việt và cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan đã tham gia biểu tình ôn hoà phản đối Trung Quốc. Xúc động hơn là bên cạnh những cô dâu Việt, các ông chồng Đài Loan cũng thể hiện sự bất bình, phản đối Trung Quốc bằng cách tham gia biểu tình và hướng về quê hương của vợ. Anh Lý Chí Diệu, chồng chị Vũ Thị Tuyết Trinh cho biết, anh rất ủng hộ vợ đi biểu tình: “Chúng tôi cần có hành động cụ thể để biểu thị sự ủng hộ đối với đất nước của vợ…” – anh Diệu khẳng định.

Ông Hoàng Chí Bằng - Trưởng Đại diện văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội: Mỗi năm có hơn 4.000 cô dâu Việt sang Đài Loan. Đến nay, có trên 110 nghìn cặp vợ chồng Việt – Đài đang sinh sống tại Đài Loan nên vấn đề giao lưu trao đổi văn hóa cũng như du lịch rất được mọi người quan tâm. Ông Bằng cho biết một số vụ gây rối, phá hoại ở Bình Dương, Đồng Nai vừa qua là một sự việc đáng tiếc, ông khẳng định Đài Loan và Việt Nam vẫn luôn là những người bạn tốt. Hiện nay, chính quyền Đài Loan chưa đưa ra cảnh báo ngăn người dân Đài Loan đi du lịch đến Việt Nam, lượng khách vẫn chưa có sự giảm sút.

Ngày 11/5, gần 1.000 người biểu tình Việt Nam đã tập trung tại đường Trung Hiếu Tây, cổng chính ga xe lửa Đài Bắc, để biểu tình phản đối Trung Quốc tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đoàn biểu tình đã đi vòng quanh ga này với rừng cờ đỏ sao vàng và nhiều biểu ngữ bằng cả ba thứ tiếng (Trung - Việt -Anh) như: “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam; Quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam; Yêu cầu Trung Quốc cần chấm dứt xâmphạm chủ quyềnViệt Nam"… Nhiều bạn trẻ đã mặc áo in cờ đỏ sao vàng và nâng cao tấm hình Bác Hồ trong đoàn biểu tình.

Lưu Hiệp
.
.
.