Chuyện kể từ tâm lũ

Thứ Sáu, 06/11/2020, 15:55
Đêm 18-10, Quảng Bình không ngủ. Từ Bắc xuống Nam, từ miền núi về đồng bằng mưa như trút, nước dâng lên nhanh bất ngờ ngay trong đêm và không biết bao giờ thì dừng lại. Gần 100 ngàn ngôi nhà trên toàn tỉnh nhanh chóng bị nhấn chìm dưới mực nước từ 1 đến 2 mét, thậm chí có nơi hơn 3 mét.


Nhiều thôn, xóm chỉ được nhận ra bởi ở đó còn lại những chóp ngói nhỏ nhô lên hay một vài ngọn cau phơ phất trên mặt nước bạc. Tất cả bất lực. Và kêu cứu! Không dám nói ra nhưng có lẽ rất nhiều người đã lo sợ mơ hồ nghĩ tới một kết cục đau lòng, số người chết do lũ lụt ở Quảng Bình sẽ rất cao. Hàng chục ngàn tiếng kêu cứu tưởng như vô vọng trong đêm đen như thế có ai dám chắc rằng tất cả được an toàn?! Nước mắt lại phải chan hòa cùng nước lụt.

Vậy nhưng, may mắn làm sao, không ai phải thiệt mạng do cứu hộ muộn. Không chỉ nhờ hiệu quả của " 4 tại chỗ" mà quan trọng là có cứu hộ, cứu trợ cộng đồng. Lụt lên nhanh, cường độ mạnh, chính quyền xã, thôn rối bời, sơ tán người không kịp. Tỉnh, huyện dù đã lường trước tình huống vẫn bị động. Các lực lượng chức năng triển khai cứu hộ khi tình hình đã trở nên nghiêm trọng và quá tải. "Lụt thì lút cả làng", lụt nhỏ chính quyền xã thôn còn hô hào chỉ đạo, lụt to như vừa rồi thì khó lắm thay. Lực lượng tại chỗ ở đâu khi ai cũng tá hỏa lo sơ tán gia đình, vợ con, cha mẹ.

Những chiếc Bơ nan của ngư dân Hải Ninh, Ngư Thủy vào cứu hộ và cứu trợ đồng bào lũ lụt Quảng Bình trong trận lũ vừa qua.

Ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy suốt hai ngày bơi trong dòng nước cuồn cuộn chảy giữa những ngõ nhỏ để cứu bà con đang mắc kẹt trong các ngôi nhà ngập nước. Ông Hoàng Ái Nhân - Cán bộ Mặt trận thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh qua đời vì cứu giúp bà con đến kiệt sức. Như vậy là "lực bất tòng tâm". Lực lượng rất mỏng. Phương tiện rất thiếu. Hậu cần bị nhấn chìm. Sẽ ra sao nếu không có cứu hộ, cứu trợ cộng đồng. Những ngày lụt đỉnh điểm, hàng trăm bơ nan (thuyền cỡ nhỏ) từ vùng biển Hải Ninh, Ngư Thủy, môtô nước từ Hải Thành, Đồng Hới, Biệt đội ca nô 0 đồng từ Đà Nẵng, thuyền hơi từ tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội... tả xung hữu đột khắp nơi. Tất cả chạy hết tốc lực. Ngày sang đêm. Đêm sang ngày. Không kịp ăn. Không kịp ngủ. Bởi tiếng kêu cứu của đồng bào vẫn chưa dứt... Suốt từ đêm 18 họ đã như thế cho đến khi biết rằng tất cả đã an toàn. "4 tại chỗ" làm sao kham nổi!

Tôi làm dâu Lệ Thủy. Bạn tôi bảo cái tên chi mới nghe đã thấy dầm dề. Ừ, thì cũng có dầm dề thật. Nên người Lệ Thủy quen với lụt lội. Lâu không thấy lụt lại nhớ chứ chẳng đùa. Con cái người Lệ Thủy đi xa có đứa còn mong lụt để về quê lội nước, chống bối chơi từ nhà này sang nhà khác như là một trải nghiệm lý thú. Trận lụt thứ nhất trong tháng 10 đã diễn ra như thế. Nước chỉ đủng đỉnh vào lắp xắp nền nhà rồi lặng lẽ thoái lui. Vừa mới quét tước xong hôm trước, sáng hôm sau đã lại thấy nước vô. Ừ,  vô thì vô, e cũng như lần trước.

Nhưng không, lần này không hiền hòa thú vị như vậy nữa. Chạy lụt sập mặt. Nhà ở quê chẳng có ai nhưng còn ban thờ cha mẹ. Chẳng đành để ông bà chịu ướt, nghe báo lụt vô là lật đật chạy về. Từ Đồng Hới lên đến Gia Ninh thì mắc. Nước băng đồng, băng đường.

Rất đông người phải dừng lại, đứng nhìn con nước hỗn đang dâng lên mỗi lúc mỗi cao mà bất lực. Hút ra sang bên kia phá Hạc Hải, những làng quê vốn trù phú xanh tươi như Tân Ninh, Hàm Ninh, Lộc Thủy, An Thủy... giờ chỉ thấy lờ mờ bàng bạc trong màn mưa. Tất cả chìm nghỉm trong biển nước và trong vô vọng. Chợt thèm giá như giờ đây ở trong các làng, các xóm ấy mỗi gia đình có thêm một cái nhà phao chống lũ xơ cua như trên Tân Hóa, Minh Hóa thì hay biết mấy.

Nước lên đến đâu, nhà nổi đến đấy, lụt là chuyện nhỏ. Nhà chống lũ ở Tân Hóa cũng chỉ có sau một trận lụt khủng khiếp cách nay tròn 10 năm, tháng 10 năm 2010. Lại thấy lo, không biết trong những ngôi nhà chỉ còn nổi lên một tí chóp ngói kia liệu có còn ai?! Rất may, khó khăn gian khổ chừng nào người Quảng Bình càng đậm sâu nghĩa tình, rách lành đùm bọc nhau chừng ấy.

Chẳng biết đã có một lời hiệu triệu nào không, nhưng ngay sáng hôm đó bên đường quốc lộ 1A chỗ Dinh 10 - Quảng Ninh và Cam Liên - Lệ Thủy đã thấy ùn ùn xe tải chở bơ nan từ biển tập kết vào đồng cứu hộ. Lần đầu tiên ở Quảng Bình, bơ nan đã lao đi trên những cánh đồng trắng nước. Bơ nan là thuyền cỡ nhỏ của ngư dân vùng biển bãi ngang các tỉnh miền Trung. Công suất từ 9 đến 20 mã lực, chuyên đánh bắt hải sản gần bờ và vùng lộng khoảng 26 hải lý trở vào. Nhỏ là so với những con tàu đánh bắt xa bờ nhưng để chạy băng băng trên cánh đồng như thế này thì chỉ là khi đồng đã biến thành biển.

Nói như vậy là vừa để thấy rằng, trận lụt tháng 10 ở Quảng Bình khốc liệt đến mức nào và cũng vừa để nói, có răng thì ngư dân mới đưa cả con thuyền vốn là phương tiện kiếm sống sinh tử và thiêng liêng của mình vượt cát vào ruộng. Anh kẻ ruộng. Tôi kẻ biển. Ai làm nấy ăn. Có ai bắt buộc đâu mà phải lặn lội khiêng vác, thuê mướn để đưa cho được thuyền từ  biển vào đây. Có họ hàng chi nhau mà phải khổ sở, chịu đói, chịu rét, đội mưa, đội gió, chạy ngày, chạy đêm cứu bà con hết chuyến này sang chuyến khác. Câu trả lời nghe đến là thương: "Có chi mô nờ, thương chắc mà mần thôi!".

"Thương chắc mà mần thôi!", đơn giản thế nhưng họ đã làm nên một kỳ tích. Hàng ngàn người dân đã được những chuyến bơ nan của ngư dân vùng biển cứu hộ an toàn. Trọn vẹn nghĩa tình đến thế mà vẫn bị... phê bình. Phóng viên vùng khác đến chớp nhá chưa hiểu rõ ngọn ngành rồi nói này nói nọ. Ơn cứu mạng bằng ơn sinh nở. Hàng ngàn người dân vùng lụt Quảng Bình còn chưa biết đền đáp tình nghĩa ấy ra sao, có ai trách móc chi nhau đâu. Khi tính mạng của bà con đang chơi vơi trên lưỡi hái thuỷ thần mà vẫn còn nghĩ ra được điều để chỉ trích thì quả là quá... tài.

Tôi có một người bạn ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, nhà cô ấy cũng bị ngập trong biển nước. Hôm gặp vừa rồi, cô ấy nói trong nước mắt: "May có thuyền Hải Ninh vô cứu không thì ba mẹ con em chết chìm cả rồi chị ơi. Nước đã ngập đến nóc nhà rồi, thuyền của xã cứ bơi ra là lật, bơi ra là lật vì sóng quá mạnh...". Tôi ái ngại nhìn ngôi nhà của cô ấy. Chẳng còn gì. Vậy mà cô ấy vẫn nói: "Không răng mô chị. Từ từ rồi làm lại. Còn sống cả đây là mờng rồi chị!".

Nói vậy nhưng mắt vẫn ầng ậc nước. Bà con kẻ ruộng ăn năn: "Vì cứu bầy tui mà thuyền của mấy bác hư hết cả. Chừ không biết về mần răng mà đi biển cả tề!". Bà con kẻ biển buồn rầu: "O nớ nỏ biết nên nói trật, chạy trong ruộng răng mà ầm ầm như ngoài biển được. Phải đi từ từ vô từng nhà đặng tìm kiếm bà con chơ...". Giận không biết để mô cho hết. Ai cũng nói, nhà báo kia nợ Quảng Bình một lời xin lỗi.

Nhà báo Trương Thu Hiền (thuhienvhntqb@gmail.com).

Một động thái được cho là động viên bà con khá kịp thời của Ủy ban nhân dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh là trao tặng bằng khen và phần thưởng nhẹ cho ngư dân các xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc và Hải Ninh vì đã có thành tích trong công tác cứu nạn cứu hộ nhân dân trong lũ lụt. Tất nhiên đây không phải là mục đích của ngư dân 3 xã, họ cứu bà con xong, nước rút thì họ về, cũng lặng lẽ như đã từng lặng lẽ kêu người chở thuyền vào ruộng. 

Khi tôi viết những dòng này bà con vùng lụt Quảng Bình đã tạm qua cơn hoạn nạn, nhưng câu chuyện về những chiếc bơ nan cứu lụt vẫn chưa hết nóng và trong tôi đang thấp thỏm một âu lo khác, vì ngoài biển Đông vẫn còn 2 cơn bão rập rình đe dọa. Ôi, quê tôi! Chẳng dám mong gì nhiều, chỉ mong bão vào lụt đến nhưng chỉ ở trong khả năng "4 tại chỗ" mà thôi. Đừng để ngư dân Hải Ninh, Ngư Thủy phải vào đồng thêm lần nữa. Thuyền hỏng hết rồi (Vì va phải nhiều chướng ngại vật khi cứu hộ). Lương thực, thực phẩm cũng đã cạn kiệt (Vì nấu cơm bới xách cho bà con vùng lũ bữa tới nay).

Trương Thu Hiền
.
.
.