Chớm thu rủ nhau về miền cao nguyên tam giác mạch

Thứ Tư, 21/09/2016, 10:21
Cứ vào đầu thu, giữa cái tiết trời lành lạnh, những vườn hoa tam giác mạch trải rộng tít tắp với những cánh hồng li ti trên các sườn đồi thuộc cao nguyên đá (Hà Giang) lại bung nở để đón chào một mùa du lịch mới. Hoa tam giác mạch có một sức sống mãnh liệt, và chính loài hoa này đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, đã khơi gợi cho du khách trên khắp mọi miền đất nước tìm về Hà Giang như một điểm hẹn. 


Bí ẩn sự tích một loài hoa

Có lẽ du khách thập phương đã biết nhiều về cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), bởi nó đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356,80km², cùng với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Đường lên cao nguyên đá quanh co, ngút ngát, càng lên cao khí hậu càng lạnh. Những khối đá nhấp nhô, bên những con đường uốn lượn, gợi lên biết bao sự tò mò. Du khách có thể thả hồn bên những cung đường đèo và tận hưởng một bầu không khí trong lành. Khung cảnh của miền cao nguyên đá thật nên thơ, trữ tình bởi du khách có thể bắt gặp rất nhiều khoảnh khắc nên có thể chụp ảnh bất cứ lúc nào.

Vào đầu mùa thu, cái khắc nghiệt của miền cao nguyên đá trở nên dịu lại. Đây cũng chính là dịp du khách thập phương tìm đến cao nguyên đá để khám phá một cảm giác lạ. Công viên địa chất trở nên đẹp hơn bởi sắc nắng dịu nhẹ ánh lên từ những vườn hoa tam giác mạch ở sườn đồi.

Du khách nước ngoài chụp ảnh trên cao nguyên đá Hà Giang.

Trên đường đến với cao nguyên đá Hà Giang, du khách có thể bắt gặp rất nhiều vườn hoa tam giác mạch. Người dân họ thường chọn những bãi đất rộng, nghiêng nghiêng ở sườn đồi để trồng hoa, tạo nên một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa kỳ bí. Theo người dân ở đây, hạt tam giác mạch chính là lương thực cứu đói cho bà con dân bản, gắn liền về một sự tích huyền thoại.      

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia có nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người dân lấy hạt về ăn. Khi hạt lúa, hạt ngô trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói kéo đến u ám cả bản làng. Chiều xuống, bóng cây đã ngả dài mà vẫn chưa thấy nhà ai nhóm bếp. Một hôm, mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, người dân đã đi nhiều nơi, đến tận hang cùng góc núi mà vẫn không kiếm được gì để làm no cái bụng.

Ruộng hoa tam giác mạch ở cao nguyên đá tạo nên một bức tranh kỳ vĩ.

Một hôm, thoang thoảng bay trong gió một mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa.

Khi kết hạt, mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì hạt ngô, hạt gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên "tam giác mạch".

Ngày nay hoa tam giác mạch, được người dân trồng rất nhiều trên triền đồi, hoặc xen lẫn giữa những nương ngô trùng trùng điệp điệp. Hoa Tam giác mạch bắt đầu nở vào mùa thu nhưng đến ngoài Tết vẫn có thể bắt gặp những đồng hoa tam giác mạch nở muộn đâu đó trên cao nguyên đá. Cũng nhờ có loài hoa lạ mà vùng cao nguyên này đã tạo nên sức hút kỳ lạ.

Người dân trên vùng cao nguyên đá rất tự hào vì loài hoa này. Loài hoa không chỉ có ý nghĩa về mặt du lịch, mà nó còn gắn liền đời sống tinh thần giữa các dân tộc. Khách du lịch đến với cao nguyên đá không chỉ để chụp ảnh, mà họ còn muốn tìm hiểu phong tục tập quán giữa các dân tộc.

Đi vào các bản làng người Mông, hầu như nhà ai cũng có nồi nấu rượu. Đối với bà con dân tộc, rượu chính là thứ để thể hiện tình cảm giữa du khách và đồng bào. Ở vùng cao nguyên đá này, cái khắc nghiệt của sự lạnh giá sẽ được hâm nóng bằng những chén rượu thơm lừng.

Một trong những đặc sản khiến du khách ngây ngất đó chính là rượu tam giác mạch. Chỉ cần uống một, hai chén rượu tam giác mạch thôi đã thấy ấm cái bụng, làn da của của du khách cũng trở nên đỏ hơn. Họ không say rượu mà họ say hương say hoa, say cái sắc đẹp kỳ vĩ của vùng cao nguyên đá này…

Trẻ em dân tộc Mông dạo chơi bên vườn hoa tam giác mạch.
Sắc phục truyền thống của người Lô Lô ở ruộng tam giác mạch.
Vẻ đẹp hoang sơ của những ngôi nhà người Mông trên cao nguyên đá.

Đặc sản "kỳ tửu" tam giác mạch 

Vào mùa lạnh, đồng bào các dân tộc ở vùng cao nguyên đá không thể trồng được cây lương thực gì nên chỉ có loài hoa tam giác mạch. Lá non của cây tam giác mạch ăn có vị chua chua, ngòn ngọt. Đồng bào thường dùng lá non của nó luộc lên để ăn. Cây tam giác mạch chống chịu được khô hạn và tiết trời khắc nghiệt nên chỉ cần gieo hạt xuống khoảng 3 tháng là đã cho thu hoạch. Đến mùa thu hoạch, người dân lấy hạt say ra thành bột tựa như bột "mèn mèn" để làm bánh hoặc nấu rượu.

Bà Sùng Thị Và (68 tuổi) ở cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: "Ở trên này rượu tam giác mạch được bà còn nấu rất nhiều để phục vụ cho khách du lịch. Du khách có thể tìm đến các bản làng, vừa uống rượu vừa nói chuyện tìm hiểu văn hóa phong tục tập quán cùng với người dân. Khách có thể mua rượu mang về xuôi để làm quà".

Theo bà Sùng Thị Và, rượu tam giác mạch được nấu theo hai cách. Hạt tam giác mạch có thể luộc chín rắc men nấu thành rượu. Ngoài ra bà còn say ra thành bột sau mới rắc men, dù nấu bằng cách nào thì rượu tam giác mạch đều giữ được mùi thơm. Rượu Tam giác mạch uống nhẹ và êm, không gắt như rượu ngô, rượu sắn.

Cùng theo bà Sùng Thị Và, rượu tam giác mạch nghe qua thì dễ nấu, nhưng cũng không hề đơn giản. Thông thường người đàn ông sành uống rượu thì khi ủ men sẽ nồng hơn so với người phụ nữ. Bởi khi trộn men phải thật khéo léo và phải có những công thức tuyệt mật gia truyền thì chưng cất rượu mới cho ra mùi vị đặc trưng.

Thông thường, người ta pha chế theo công 1 - 2. Nghĩa là, họ trộn một phần mạch với hai phần ngô. Mạch phơi khô được nấu lên như rượu gạo bình thường. Men phải được ủ đúng độ mới tạo nên hương vị nồng nồng đặc trưng của rượu tam giác mạch. Rượu tam giác mạch khi thành phẩm không cay như rượu gạo, cũng không ngọt như rượu cần của vùng Tây Bắc. Nó là sự dung hòa giữa cái khắc nghiệt của miền cao nguyên đá. Người uống rượu tam giác mạch không thể không say, say nhưng rồi lại tỉnh. Người ta không sợ say mà chỉ mong được say thêm lần nữa...

Cao nguyên đá Đồng Văn  không chỉ đẹp với nền văn hóa đa dạng, cùng rất nhiều các dân tộc anh em sinh sống. Sức hút khiến du khách đến với Hà Giang còn nhờ một loài hoa lạ. Cũng bởi có loài hoa này nên lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày một đông hơn.

Hạt tam giác mạch chứa tinh bột, được đồng bào Mông dùng để lên men nấu rượu. 

Nền du lịch của Hà Giang đang phát triển, rất nhiều các bản làng du lịch cộng đồng mọc lên, kéo theo đó là đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao. Đồng bào các dân tộc cũng đã xác định, việc phát triển du lịch sẽ đem lại cuộc sống bền vững, tăng thu nhập và tạo nên sự thân thiện. Và từ đó du khách trên khắp mọi miền đất nước sẽ tìm về mảnh đất khô cằn này.  

Hàng năm đến hẹn rồi lại lên, cứ vào mùa hoa tam giác mạch nơ, du khách lại rủ nhau lên Hà Giang ngắm hoa. Vì sức hút của khách du lịch nên năm 2015, Hà Giang đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa tam giác mạch đầu tiên. Để tiếp nối sự kiện đó, năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ II và ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10/2016 ở Mèo Vạc.

Việc tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Vừa để tạo nên cái hồn của dân tộc, vừa có ý nghĩa nhân văn, kết nối sự đoàn kết giữa các dân tộc trên miền cao nguyên đá này. Đây chính là ngày hội để tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc, giới thiệu về vẻ đẹp tiềm ẩn của miền cao nguyên đá với thế giới. Lễ hội còn là dịp để quảng bá, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư, xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn thành một cao nguyên địa chất toàn cầu, một khu du lịch lớn nhất Việt Nam.

Minh Phượng
.
.
.