Chi tiết – Yếu tố quyết định truyện ngắn hay

Thứ Sáu, 12/10/2018, 07:58
Những người làm công tác biên tập ở các tờ báo Văn nghệ thường hay nhận được những câu hỏi từ các nhà văn có truyện gửi đến cộng tác là: Truyện có được in không? Nếu không in thì tại sao không in? Nếu trả lời vì không hay thì sẽ hỏi là không hay ở chỗ nào?... 


Lần gần đây nhất, có một nhà văn nhơ nhỡ gửi đến một truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, trong đó có chi tiết là khi người con đang chiến đấu ở chiến trường, thì ở quê hương người bố đẻ của anh ấy đã ngủ với vợ của anh ấy và đẻ ra một đứa con để nối dõi tông đường.

Từ chi tiết đó để dẫn dắt câu chuyện đi dài hơi. Khi đọc xong truyện ngắn, tôi đã đề nghị không in. Truyện ngắn ấy không in đơn giản là vì nó không hay chứ không phải đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị. Nó không hay cũng xuất phát từ chi tiết đinh, chi tiết dẫn dắt để chuyển tải ý tưởng của truyện ngắn.

Thực lòng mà nói rằng, những truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, đặc biệt là những truyện ngắn xuất hiện thời hậu chiến, các nhà văn đã khai thác quá nhiều đến các chi tiết dạng như người lính anh dũng ở chiến trường nhưng về nhà phải dùng vợ thừa của người khác, mà người khác đó nhiều khi không ai khác đó là cha ruột, anh em ruột, những người bạn thân, ông Chủ nhiệm hợp tác, ông Chủ tịch xã, gã Đội trưởng Đội sản xuất…

Bản thân chi tiết không có lỗi, vấn đề là người viết sau sử dụng chi tiết đó như thế nào trong một truyện ngắn. Và nhiều khi có quá cần thiết để sử dụng hay không khi trước mình đã có nhiều người đã sử dụng?

Những tác phẩm kinh điển thường chứa đựng những chi tiết kinh điển.

Để trả lời cho chỉn chu, rốt ráo, tâm phục khẩu phục với những câu hỏi mà các tác giả, nhà văn hay gọi đến hỏi người biên tập với một truyện ngắn cụ thể thì không khó, nhưng nếu để trả lời cho truyện ngắn nói chung thì e rằng phải có cả buổi để ngồi đàm đạo hoặc chí ít cũng phải trả lời qua một bức thư dài. Nhưng cho dù trả lời bằng hình thức nào về câu hỏi: Thế nào là truyện ngắn hay? Thì thực tình là khó lắm thay.

Khó bởi rằng cho đến nay, đã có quá nhiều định nghĩa về truyện ngắn nhưng vẫn chưa thể tìm được sự đồng thuận cao trong giới sáng tác cũng như những người làm công tác nghiên cứu. Người thì quan niệm truyện ngắn chỉ là một lát cắt, cắt ngang thân gỗ nhưng nhìn vào vân, vào thớ gỗ chúng ta biết được cả một đời cây.

Truyện ngắn là: “Một câu chuyện lạ đang xảy ra có thể làm ta kinh ngạc” (Nhà thơ Đức J. Goethe); “Truyện ngắn là một thể loại muôn hình muôn vẻ biến đổi khôn cùng(…). Biến hóa về khuôn khổ: Ba dòng hoặc ba mươi trang. Biến hóa về kiểu loại: tình cảm, trào phúng, kỳ ảo, hướng về biến cố thật hay tưởng tượng, hiện thực hay phóng túng. Biến hóa về nội dung: thay đổi vô cùng vô tận. Muốn có chất liệu để kể, cần một cái gì đó xảy ra dù đó là một thay đổi chút xíu về sự cân bằng.

Về các mối quan hệ. Trong thế giới của truyện ngắn, cái gì cũng thành biến cố. Thậm chí sự thiếu vắng tình tiết diễn biến cũng gây hiệu quả, vì nó làm cho sự chờ đợi bị hẫng hụt” (Nhà văn Pháp D. Grojnowki); “Đặc điểm của truyện ngắn phải ngắn gọn, cô đúc, kiệm lời, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn “lõi phải dầy, vỏ phải mỏng”” (nhà văn Việt Nam Nguyễn Khải).

Định nghĩa về truyện ngắn đã khó, định nghĩa thế nào là truyện ngắn hay lại càng khó hơn. Tuy khó đi đến được sự đồng thuận trong việc đánh giá một truyện ngắn hay, nhưng nhìn chung trong các cuộc trò chuyện và trong các bài nghiên cứu đã phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến cho rằng một truyện ngắn muốn được đánh giá là hay thì phải phụ thuộc rất nhiều vào chi tiết hay: “Yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là chi tiết có dung lượng lớn... tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết” (Lí luận văn học - NXB Giáo dục 1997, tr 398).

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, nhà văn Bảo Ninh khẳng định: “Kinh nghiệm đọc cũng cho thấy một truyện ngắn đáng gọi là hay nhất thiết phải có ít nhất một chi tiết hư cấu thần tình mà nếu không có nó thì dẫu cốt truyện có khác lạ cỡ nào cũng chỉ là truyện đọc đấy rồi quên”. Từ nhận định trên ta thấy, để có một truyện ngắn hay, điều không thể thiếu đó là chi tiết hay, trong cái hay tất yếu sẽ có cái mới, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo ra những cái mới.

Truyện ngắn hay là truyện ngắn làm cho ta có thể đọc được nhiều lần, khi đọc và đọc xong thì thấy khác về cảm xúc và điều đặc biệt là đọc xong rồi nhưng truyện ngắn đó cứ mãi neo vào trong lòng người đọc. Chính chi tiết hay là những đinh móc để neo tác giả, tác phẩm vào trong lòng người đọc, ngoài chi tiết ra, không còn yếu tố nào trong truyện ngắn làm được điều kỳ diệu đó.

Đã không ít lần khi nhắc đến một tác giả, tác phẩm nào đó nhưng chẳng còn ai nhớ cả, nhưng nếu ta chỉ cần nhắc một chi tiết trong tác phẩm thôi (tất nhiên là chi tiết hay), mọi người sẽ ồ lên là tôi có đọc truyện ấy. Từ một chi tiết hay để nhớ cả tác phẩm hay, từ nhớ tác phẩm đến nhớ tác giả. Chính những chi tiết nhỏ trong tác phẩm đã nuôi sống hay nói một cách khác là làm tác giả sống lại trong lòng bạn đọc.

Nếu ai đã đọc truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao thì chắc chắn rằng không thể quên được trường đoạn Chí Phèo cùng Thị Nở ở vườn chuối, trong trường đoạn đó có chi tiết “bát cháo hành”. Nhiều lần tôi đã thử thay trường đoạn “vườn chuối” bằng một trường đoạn khác và thay cho chi tiết “bát cháo hành” bằng chi tiết Chí Phèo bị đánh thập tử nhất sinh hoặc Chí Phèo nhặt được một cục tiền thật to chẳng hạn. Nhưng đều không thể ổn vì chịu đòn là “nghề của Chí” còn nhặt được nhiều tiền thì Chí lại đi uống rượu nhiều hơn và càng tha hóa hơn mà thôi. Chỉ có tình yêu mới lay gọi được tình yêu.

Với truyện ngắn "Chí Phèo", sẽ có đôi khi, đôi lúc chúng ta quê các tình tiết, các trường đoạn trong thiên truyện ngắn khá dài này, nhưng chắc chắn một điều rằng ít ai quên được “bát cháo hành thị Nở”. Bát cháo hành đánh thức thiên lương, đánh thức khát vọng làm người trong con quỷ Chí Phèo, để Chí Phèo khao khát được làm người lương thiện.

Ai đọc truyện ngắn “Sang sông” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chắc khó quên chi tiết đứa bé con đút tay vào trong chiếc bình cổ và không thể rút tay ra được. Nếu không có chi tiết đó thì chuyến đò hôm ấy cũng giống như hàng vạn chuyến đò đã cần mẫn đưa khách qua sông từ trước đến nay, hoặc có những chi tiết khác xuất hiện thì truyện sẽ đi theo một hướng khác và chuyến đò hôm đó khó lòng chuyển tải được ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Một lần nữa tôi lại dở hơi thử ngồi thay chi tiết đó bằng những chi tiết khác thì đều thấy truyện ngắn “Sang sông” gãy đổ hoặc hạ thấp nó xuống một bậc. Tất nhiên là người viết bài này không phải là tài văn Nam Cao hay Nguyễn Huy Thiệp và điều cốt tử là chính chi tiết đinh, chi tiết đặc sắc có một không hai đó đã làm nên truyện ngắn “Chí Phèo” hay “Sang sông”.

Chi tiết “đoàn tàu” trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam cũng thế. Câu nói trở thành chi tiết đinh: “Ăn gì thì ăn chả ăn giầu” trong truyện ngắn “Vợ Nhặt” của Kim Lân… Và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái... đều là những nhà văn mà trong mỗi tác phẩm của họ đều có những chi tiết đắt, đinh, duy nhất có...

Chi tiết đinh, chi tiết có một không hai đó nó giống như ngọn nến thắp trong chiếc đèn ông sao của trẻ con chơi vào đêm Trung thu. Ngọn nến nếu cháy to quá thì sẽ thiêu cháy mất cái đèn, còn nếu ngọn nến quá bé thì đèn sẽ không được sáng, không được “oách” bằng đèn của chúng bạn, đứa trẻ sẽ mất vui. Bao giờ cũng thế, khi đọc một truyện ngắn hay, người đọc muốn nhà văn cho họ được những giây phút ngẫm nghĩ, đồng sáng tạo cùng nhà văn.

Trong quá trình đọc, đôi khi có những chi tiết được nhà văn cài cắm kín kẽ, đọc lần một chưa phát hiện ra, chưa thấy hay, nhưng đọc đến nhiều lần mới vỡ òa thích thú. Chính vì yếu tố này nên người viết bài này luôn tự nhủ mình khi làm biên tập rằng: mình chỉ mất có mấy tiếng để đọc một truyện ngắn nhưng người viết họ phải mất cả ngày, cả tháng, cả năm thậm chí là cả một đời để viết được một truyện ngắn, chính vì thế để đưa ra đánh giá một truyện ngắn phải hết sức thận trọng, khách quan và công tâm.

Dù chi tiết là yếu tốt có tính quyết định nhưng hoàn toàn không phải là yếu tố duy nhất để làm nên một truyện ngắn hay, chính vì thế nếu nhà văn khi sáng tác chỉ chăm chăm để tìm cho được những chi tiết hay mà quên đi những yếu tố khác về đặc trưng thể loại của truyện ngắn thì e rằng cái đích tìm kiếm một truyện ngắn hay vẫn cách xa nhau như nghệ thuật và sự thực cuộc sống trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu vậy.

Nguyễn Thế Hùng
.
.
.