Truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái và sức lay động của hình tượng người chiến sĩ Công an

Chủ Nhật, 13/12/2015, 10:19
Điểm diện những gương mặt văn học tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân, nhà văn Nguyễn Hồng Thái luôn được nhắc đến với một sự trân trọng. Dù tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim hay ký sự... thì Nguyễn Hồng Thái cũng đều để lại dấu ấn và phong cách riêng trong lòng bạn đọc.

Với giải thưởng truyện ngắn mang tên Cây bút Vàng - giải thưởng do Bộ Công an  phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng cho truyện ngắn "Đối mặt" là minh chứng rõ nét cho thế mạnh của Nguyễn Hồng Thái ở thể loại truyện ngắn. 

Từng đạt giải cao trong kỳ thi Học sinh Giỏi Văn quốc gia, ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Hồng Thái luôn được chăm chút, đẹp mượt mà, sóng sánh cảm xúc. 

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái

Với truyện ngắn "Quà tặng của thời gian khổ" được chọn đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, tác phẩm của anh một lần nữa khẳng định sức lan tỏa và tiếng nói đồng điệu cùng nhiều bạn đọc trong và ngoài nước. Đằng sau câu chuyện dung dị, với những nhân vật rất đời thường của cuộc sống là một tâm hồn nhà văn giàu trắc ẩn, đậm suy tư, luôn rung cảm trước vẻ đẹp, sự nhân văn của cuộc đời.

Bìa 2 tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hồng Thái.

Qua hai tập truyện ngắn "Đối mặt" và "Ngôi nhà bên triền sông" (do NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2000 và 2010, tái bản năm 2015), nhà văn đã xây dựng được hình tượng nhân vật với đời sống nội tâm phong phú, ở đó người chiến sĩ Công an luôn được dụng công khắc họa.

Qua ngòi bút của Nguyễn Hồng Thái, người chiến sĩ Công an hiện lên với những hi sinh thầm lặng. 

Nhân vật Hà-chiến sĩ Công an cơ yếu thời chống Mỹ bị nhiễm chất độc da cam trong "Quà tặng của thời gian khổ" đã gây xúc động mạnh với độc giả. Để mã điện kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị, chị Hà đã không do dự băng mình qua một cánh rừng rải đầy chất độc da cam. Và khi hòa bình lập lại, chị vĩnh viễn mất đi thiên chức sinh nở của người phụ nữ. Bào thai chị dày công chạy chữa và hi vọng, cuối cùng chỉ là một khối không hình hài. 

Truyện "Sau ba ngọn núi" là hình ảnh Vàng - người Cảnh sát dân tộc ở Mù Căng Chải đã chấp nhận thiệt thòi (xa vợ con và để vợ con sống ở vùng núi heo hút) vô điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái trong một buổi giao lưu.

"Người vắng mặt ở phiên tòa" lại là sự hi sinh ở một khía cạnh khác. Hải - chiến sĩ chống ma túy bị bạn học cùng ngày nhỏ lợi dụng và đã vô tình tham gia vào đường dây buôn bán ma túy. Biết được sự thật, Hải đã đấu tranh nội tâm gay gắt để đi đến quyết định nói ra toàn bộ sự thực trước tòa, dù biết rằng chính mình cũng sẽ phải trả giá trước pháp luật. 

Với trách nhiệm của người chiến sĩ Công an, Hải chấp nhận làm lại từ đầu, nhất định không tiếp tay cho điều ác. Hành động đối diện với sự thật nghiệt ngã của Hải khiến độc giả thêm tin yêu hơn vào nhân cách tốt đẹp của con người.

"Người tù của ngày xưa" là câu chuyện éo le, cảm động về đôi bạn từng vào sinh ra tử trong chiến trường: Trung tá Kinh - trưởng trại giam với Trần Bình. Tấm lòng nhân ái của Trung tá Kinh hiện lên qua chi tiết đời thường nhưng cảm động. Bề ngoài tỏ ra lạnh lùng khó gần, nhưng đằng sau anh luôn dõi theo và giúp đỡ để bạn cải tạo tốt, nhanh chóng được giảm án. 

"Nơi bình yên trở lại" là sự day dứt không nguôi của người chiến sĩ Công an khi chứng kiến tên cướp trốn chạy đã làm chết một phụ nữ bán rau. "Vượt cạn" lại nồng đượm tình người khi hai chiến sĩ Công an trẻ là Phong và Hoàn, lẽ ra có thể tóm gọn tên cướp nhưng đã quyết định chậm lại một nhịp, để chờ vợ hắn“vượt cạn” được “mẹ tròn con vuông”. 

Truyện mang đậm giá trị nhân đạo khi tình người đã được đẩy lên làm lẽ sống và chi phối hành động. Có thể nói, hình tượng người chiến sỹ Công an trong truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái thường mang vẻ cứng rắn, nghiêm khắc nhưng trong sâu thẳm lại là một tấm lòng nhân ái, vị tha...

Đó còn là những nhân vật giàu kinh nghiệm sống, luôn mang trong mình lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hình ảnh anh cán bộ trại trưởng trong "Một người nước ngoài và ông trại trưởng" làm ta thêm tin yêu và quý trọng những con người ngày đêm giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nhà văn Đặng Vương Hưng tặng hoa thân nhân Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc trong buổi ra mắt cuốn "Không thể mồ côi"

Truyện kể về cuộc tiếp đón của người trại trưởng với một cựu lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Vị khách cùng phái đoàn từ thiện muốn trở lại nước ta để tìm hiểu vấn đề nhân quyền ở một trại tù. Chỉ vài ngày tiếp xúc, từ thái độ lạnh lùng, vị khách trở nên cảm phục trước cách ứng xử nhân văn của người trại trưởng.

Tác giả rất tinh tế trong việc chọn lọc chi tiết, nhiều chi tiết rất nhỏ nhưng hàm nghĩa sâu sắc: Không cho phép phiên dịch để người tù gọi vị khách là ông xưng con, bởi đó là cách hạ thấp nhân quyền người tù… Kết thúc cuộc khảo sát về nhân quyền, thật bất ngờ khi vị khách thấu hiểu về con người Việt Nam qua chính hình ảnh người cán bộ Công an đĩnh đạc, hiểu biết, luôn mang trong mình lòng tự tôn dân tộc.

Có thể nói, hình tượng người chiến sĩ Công an trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hồng Thái được khắc họa phong phú, chân thực, dung dị và giàu nhân ái, luôn có chung vẻ đẹp vì nhân dân, vì sự bình yên, hạnh phúc của cuộc sống. Phải chăng đó là sự phân thân của Nguyễn Hồng Thái - một cán bộ Công an cẩn trọng, nghiêm túc trong công việc mà nhân ái, bao dung giữa đời thường. Đó là sức mạnh và vẻ đẹp khiến tác phẩm của anh thực sự chinh phục trái tim của đông đảo độc giả.

Tú Anh
.
.
.